Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/05/2020-17:25:00 PM
Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
(MPI) - Ngày 23/5/2020, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW của Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và có bài phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Hội thảo nhằm củng cố các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để hoàn thiện Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa 9 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày 17/02/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ với mục tiêu xây dựng Thành phố Cần Thơ là thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Ngày 07/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ. Ngoài nguồn vốn NSNN theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn NSNN trong giai đoạn 2021-2025, để hỗ trợ thành phố Cần Thơ triển khai các công trình kết nối liên vùng, phục vụ đa mục tiêu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng chương trình đầu tư công DPO hỗ trợ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô 1,05 tỷ USD. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Cửu long gắn với các Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình thu hút nguồn lực đầu tư trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020, với quyết tâm huy động mọi nguồn lực, khai thác mạnh mẽ, đa dạng về hình thức, phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực giành cho phát triển, thành phố Cần Thơ đã đề ra các chủ trương “Tạo vốn từ khai thác quỹ đất”, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi… từ đó đã tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi nhanh chóng diện mạo của Thành phố, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 ước thực hiện đạt 280 nghìn tỷ đồng, gấp 1,55 lần thực hiện giai đoạn 2011-2015 (181 nghìn tỷ đồng), đạt 100% kế hoạch 5 năm của Thành phố, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 16%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn chiếm 55,6% GRDP, đây là mức cao so với bình quân cả nước.

GRDP của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,53%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 là 5,94%/năm. Quy mô kinh tế (GRDP giá hiện hành) của Thành phố đến năm 2020 ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015 và đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu long (sau Long An). GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, đứng thứ 14 trong cả nước và cao nhất Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực, kết hợp vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Trung ương, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng đồng bộ, hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của một thành phố trung tâm. Hạ tầng giao thông của Thành phố từng bước được cải thiện, nâng cao năng lực vận tải và tăng cường tính kết nối, kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải thông suốt từ thành phố Cần Thơ đi các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, kết nối các vùng miền trong cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, Thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức như chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn chưa cao và chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Vai trò động lực, sức lan tỏa của Thành phố đối với sự phát triển các tỉnh trong vùng còn hạn chế. Liên kết phát triển vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Nhìn chung, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế là đô thị trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy mô kinh tế còn thấp, GRDP của thành phố Cần Thơ mới đứng thứ 14/16 địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương, thu NSNN chưa cao (năm 2020 dự toán thu NSNN là 11.618 tỷ đồng, thấp nhất so với 16 địa phương điều tiết). Nguồn lực tự chủ chưa nhiều, tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương còn thấp (9%). Thành phố Cần Thơ vẫn cần nguồn lực dựa vào hỗ trợ từ Trung ương, năm 2019 ngân sách Trung ương đã bổ sung 2.403 tỷ đồng, chiếm tới 23% tổng chi ngân sách Thành phố.

Môi trường, thông tin kinh tế - xã hội, các dự án kêu gọi đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Thành phố còn chưa thực sự hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thiếu liên kết, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chưa có tập đoàn, doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển chung của Thành phố. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách chủ yếu là các dự án bất động sản, các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, thu hút vào khu công nghiệp, FDI chưa có chuyển biến lớn.

Về phương hướng và cơ chế, chính sách huy động đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn đến 2030, hướng tới 2045, Thành phố tiếp tục phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tranh thủ hợp tác phát triển với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành trong cả nước. Phát huy hiệu quả thế mạnh, tận dụng lợi thế so sánh của Thành phố để tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút các nguồn lực phát triển.

Tập trung nghiên cứu, vận dụng và chủ động ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy tất cả các nguồn lực dành cho phát triển. Tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đường bộ, đường sắt và hệ thống cảng biển, phát triển logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố và liên kết vùng. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả và phát triển bền vững các nguồn lực tự nhiên của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cải cách thủ tục hành chính để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 04 các báo cáo tổng kết, văn bản tham gia báo cáo chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị gửi Ban Kinh tế Trung ương. Các nội dung tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, đưa vào dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW, dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, xây dựng. Nội dung báo cáo đã phản ánh đầy đủ, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, các thành tựu quan trọng đã đạt được của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua. Các kết quả đã phản ánh sát tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời nêu được các hạn chế, nguyên nhân để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở khắc phục những hạn chế, phát huy các mặt đã làm được. Dự thảo đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận với các kiến nghị chung của Thành phố và sẽ tổng hợp tiếp thu trong quá trình triển khai Luật đầu tư công, Luật đầu tư và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025 gắn với nội dung xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư NSNN trong giai đoạn này. Đồng thời, thống nhất đề nghị Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét thông qua Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW và ban hành Nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong tình hình mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Đề án phân vùng cả nước giai đoạn 2021-2030 làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch của Thành phố. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và ngân sách để huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3256
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)