(MPI) - Tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) diễn ra chiều ngày 26/5/2020, đa số ý kiến của các đại biểu thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến một số nội dung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về áp dụng Luật đầu tư và các Luật có liên quan; chính sách về đầu tư kinh doanh; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (trong đó có việc cấm hay không hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh); về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; về hình thức và đối tượng và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; về hình thức hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; về điều khoản chuyển tiếp…
|
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa bày tỏ đồng tình với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo sửa đổi Luật đầu tư và đề nghị giữ nguyên Phụ lục 1, 2, 3 của Luật đầu tư, không giao cho Chính phủ quy định chi tiết và bổ sung quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở quy định danh mục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp vì đây là những nội dung quan trọng liên quan đến quyền con người và quyền của công dân.
Về đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh, thực tế hiện nay cho thấy hoạt động dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật, gây nhiều hành vi nguy hiểm khiến cho dư luận bất an. Bên cạnh đó, đóng góp của ngành, nghề này không lớn hơn so với tác hại gây ra, đồng thời kinh doanh dịch vụ đòi nợ bản chất là quan hệ dân sự và các quan hệ xã hội được điều chỉnh ở pháp luật hiện tại. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất với phương án 1 là cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những nội dung, ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội từ Kỳ họp thứ 8 đến nay. Nhất trí tán thành về sự cần thiết ban hành, cũng như tên gọi của Luật. Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong Luật đầu tư (sửa đổi) được thiết kế tại Điều 6, Đại biểu cho rằng, đây là một bước tiến bộ, thể hiện tinh thần của Hiến pháp là mọi người dân có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đại biểu cũng tập trung thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng đầu tư kinh doanh; hậu quả pháp lý của việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cũng đồng tình với phương án 1 là đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, vì trong thời gian qua hoạt động này đã gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và được quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 76 đối với doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ như trong dự thảo luật là chặt chẽ và đầy đủ.
Đại biểu cũng đồng tình với với việc cần thiết sửa đổi Luật. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo đã tiếp thu hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham gia tại Kỳ họp thứ 8. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật và cho rằng, đây là các quy định có tác động lớn đến phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng của luật và các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nâng cao chất lượng hiệu quả, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư, nâng cao, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, hiệu lực và hiệu quả quản lý hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khả thi, đảm bảo quyền nhà đầu tư được tiếp cận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên cần tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để khắc phục tình trạng còn có cách hiểu khác nhau về phạm vi và đối tượng áp dụng, bổ sung các tiêu chí, điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đầu tư, đảm bảo thủ tục hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực sự rõ ràng, thuận lợi, đặc biệt là các hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung thống nhất cao với dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) trình Kỳ họp này xem xét thông qua. Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6, Đại biểu đề nghị chọn phương án 1 giữ như dự thảo Luật trình Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bởi thực tiễn trong thời gian qua, những đóng góp cho xã hội, cho Nhà nước của loại hình kinh doanh thu hồi nợ chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. Nhưng ngược lại, việc kinh doanh ngành, nghề này nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực thì thể hiện rõ. Cụ thể thay vì sử dụng công cụ pháp lý, biện pháp phù hợp với quy định pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thì các doanh nghiệp này đã lợi dụng hình thức kinh doanh cho vay tài chính để song hành biến tướng thành các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây áp lực bằng các biện pháp trái pháp luật như xã hội đen khủng bố tinh thần, đe dọa... đối với con nợ để cưỡng đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn đến hệ quả xấu. Đã có rất nhiều trường hợp như trên gây dư luận xã hội làm cho Nhân dân bất an, bất bình. Nhà nước phải can thiệp, trấn áp và bỏ ra nhiều nguồn lực để giải quyết và xử lý, khắc phục hậu quả.
Đồng quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn khoăn, thậm chí rất quan ngại về loại hình đòi nợ thuê này, bởi vì thực tế thời gian qua đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ. Hiện cả nước có 115 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự với một 1.076 người làm nghề này. Riêng năm 2019 đã xử lý vi phạm 48 doanh nghiệp, thu hồi 8 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và khởi tố 573 vụ với 1.136 bị can, xử phạt 719 vụ với 1.040 đối tượng. Đây là con số hết sức đáng suy nghĩ và lưu tâm. Bên cạnh đó, loại hình này không có đóng góp bao nhiêu vào ngân sách cũng như vào sự phát triển kinh tế - xã hội. “Tôi cũng rất băn khoăn và chưa yên tâm để bấm nút nếu chúng ta chọn phương án 2”, đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang cho rằng, dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó đã cố gắng giải quyết một số điểm chồng lấn về trình tự, thủ tục đầu tư giữa các luật có liên quan.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương đồng tình với đề xuất của Chính phủ là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ở đây không phải tư duy theo lối “không quản được thì cấm”, theo cách nói cửa miệng, mà là việc đề xuất của Chính phủ là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và chúng ta làm luật là vì phát triển chung của đất nước chứ không phải làm luật để phục vụ lợi ích của một số người. Nếu lợi ích của một số người nhưng lại hại lớn cho trật tự trị an thì chúng ta nên cấm, mà cấm này hoàn toàn có cơ sở. Đây là tiếng nói từ thực tiễn chứ hoàn toàn không phải là ý nói theo cách chủ quan, cảm tính để đề xuất.
Việc xây dựng, sửa đổi Luật đầu tư là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác, nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư