I. Phát triển kinh tế
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn
a. Trồng trọt: Ngành Nông nghiệp tập trung đôn đốc nhân dân chăm sóc lúa Xuân; đẩy nhanh tiến độ làm đất trồng ngô, làm đất gieo mạ sản xuất lúa mùa sớm đảm bảo khung thời vụ; phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai kế hoạch phòng, chống hạn vụ Đông - Xuân năm 2019-2020.
- Cây lúa Xuân: Kết thúc cấy được 10.140,8 ha, bằng 100,4% KH vụ và 101,5% so CK. Các địa phương đang tích cực chăm sóc và theo dõi kiểm tra đồng ruộng.
- Cây lúa mùa 1 vụ vùng cao: Nhân dân các huyện vùng cao đang triển khai làm đất và chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón để chuẩn bị gieo cấy. Trong tháng gieo mạ 250,5 tấn; làm đất được 3.997 ha, bằng 35,4% KH, tăng 42,9% so CK; cấy được 285 ha.
- Cây ngô Xuân + ngô chính vụ: Đến nay làm đất và trồng được 26.673,6 ha (11.743,6 ha ngô Xuân và 14.930 ha ngô chính vụ), bằng 72,9% KH năm và 101,9% so CK. Hiện nay, ngô Xuân đang trong giai đoạn vươn đốt - xoáy nõn, ngô chính vụ: 4-6 lá.
- Nhu cầu giống vụ Mùa 2020: Nhu cầu giống cần khoảng 380 tấn giống lúa mùa sớm vùng cao và 554 tấn giống lúa mùa chính vụ vùng thấp. Đến nay, cơ bản đã chuẩn bị đủ giống cho sản xuất.
b. Chăn nuôi:
- Trong tháng, tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, trên địa bàn tỉnh không phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Dại chó,...
Công tác chăm sóc và tái đàn gia súc, gia cầm được thực hiện tốt; các hộ chăn nuôi lợn tái đàn được 9,2 nghìn con, lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 374 nghìn con. Triển khai tiêm phòng được 161,3 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm, lũy kế 1.116 nghìn liều. Thắt chặt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.
- Thủy sản: Sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 872,4 tấn, lũy kế từ đầu năm ước đạt 3.500 tấn[1]; công tác sản xuất và cung ứng giống thủy sản (cá hương, cá giống các loại) trong tháng ước đạt 2,5 triệu con, lũy kế từ đầu năm đạt 10 triệu con.
c) Lâm nghiệp:
Các địa phương đang tích cực tuyên truyền vận động nhân dân triển khai trồng rừng theo Kế hoạch năm 2020. Tổng số cây gieo ươm: 35 triệu cây (quế, Sa mộc, mỡ, sơn tra, Keo tai tượng...); số cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn trồng vụ Xuân - Hè: hơn 06 triệu cây. Trong tháng trồng được 1.322,7 ha, lũy kế 1.902,8 ha (gồm 997,8 ha trồng rừng xã hội hóa; 905 ha trồng lại rừng), bằng 35,2% KH, tăng 47,1% so CK.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng tiếp tục được tăng cường thực hiện, đặc biệt trong những ngày khô hanh kéo dài. Trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng; lũy kế từ đầu năm xảy ra 05 điểm cháy, diện tích rừng bị thiệt hại 6,514 ha rừng trồng[2].
Công tác kiểm tra các điểm khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản, kiểm soát vận chuyển lâm sản, được đẩy mạnh. Trong tháng, kiểm tra phát hiện và lập hồ sơ xử lý 12 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, lũy kế 62 vụ (tăng 31 vụ so CK).
d. Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới:
Công tác chỉ đạo điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tại 127/127 xã trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, thẩm định và quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với 3 xã: Gia Phú, Trì Quang (huyện Bảo Thắng) và xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn). Như vậy đến nay, tỉnh có 51/127 xã đạt chuẩn Nông thôn mới[3]. Kiểm tra, rà soát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn; kiểm tra trực tiếp đối với các xã đăng ký phấn đấu về đích năm 2020.
Trong tháng, toàn tỉnh thi công được 30,8 km đường GTNT, lũy kế 116,95 km, tăng 4,12 km so với CK (trong đó: BTXM 54,58 km; cấp phối 44,36 km; mở mới 18,01 km); vận động nhân dân xây dựng 315 nhà tiêu hợp vệ sinh, lũy kế 1.495 nhà; 244 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, lũy kế 982 chuồng trại; lũy kế 13 mô hình nhà sạch vườn đẹp; huy động các các cơ quan, đơn vị, tập thể, doanh nghiệp, nhân dân tham gia tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới được 95 triệu đồng tiền mặt, lũy kế 418,9 triệu đồng; 10.258 ngày công lao động, lũy kế 38.502 ngày công và nhiều hiện vật khác;…
e. Tình hình thiệt hại do thiên tai: Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 đợt không khí lạnh tăng cường gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá, sét đánh,... ở hầu hết các địa phương, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hoa màu của nhân dân[4]. Ước thiệt hại khoảng 104 tỷ đồng.
2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản
a. Sản xuất công nghiệp:
Trong tháng 4, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều tác động tiêu cực (đặc biệt là việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào; triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên một số đơn vị nghỉ thay phiên;...), hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tương đối ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tháng 4 ước đạt 2.676,3 tỷ đồng, lũy kế 9.590,8 tỷ đồng, bằng 26,5% KH, tăng 3% so với CK[5]. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp vẫn tăng so CK như: Axit Photphoric (tăng 97,4%); Xi măng (tăng 75,7%); Thức ăn gia súc DCP (tăng 14,7%); Đồng Katốt (tăng 12,2%);...
Giá trị tồn kho cuối tháng ước đạt 1.100 tỷ đồng (chủ yếu các sản phẩm: Quặng Apatit các loại 1.000 nghìn tấn; quặng sắt 207 nghìn tấn; NPK 38 nghìn tấn; Manhetit 37 nghìn tấn; gạch xây dựng 22 triệu viên;...).
b. Xây dựng cơ bản tính đến ngày 20/4/2020:
Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020 (bao gồm cả vốn kéo dài): Tổng vốn giao: 5.441 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 1.378,6 tỷ đồng, bằng 25% KH, bao gồm:
- Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018, 2019 được phép kéo dài sang năm 2020: Tổng vốn giao: 484,3 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 81,5 tỷ đồng, bằng 16,8% KH.
- Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020: Tổng vốn giao: 4.956,9 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 1.297,2 tỷ đồng, bằng 26,2% KH.
3. Thương mại, dịch vụ
a. Hoạt động thương mại: Tháng 4, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra trầm lắng, các hoạt động dịch vụ thương mại giảm sút, đa phần các cửa hàng đã tạm thời dừng hoạt động (ngoại trừ các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa thiết yếu khác)[6]. Tuy vậy trong những ngày qua, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ, giá cả các mặt hàng ổn định không có sự tăng giá bất hợp lý. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 ước đạt 1.300 tỷ đồng, lũy kế 6.820,6 tỷ đồng, bằng 23,9% KH, giảm 13,4% so CK.
Hoạt động xuất nhập khẩu:
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 4 tiếp tục gặp nhiều khó khăn[7]. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tháng 4 ước đạt 175,9 triệu USD, lũy kế 717,7 triệu USD, bằng 15,6% KH, giảm 25,5% so với CK. Trong đó: Xuất khẩu đạt 86,6 triệu USD, lũy kế 335,9 triệu USD, bằng 19,8% KH, giảm 11,5% so CK; nhập khẩu đạt 53,6 triệu USD, lũy kế 156,8 triệu USD, bằng 19,6% KH, giảm 12% so CK; các loại hình khác (TNTX, chuyển khẩu,...) đạt 35,7 triệu USD, lũy kế 225 triệu USD, bằng 10,7% KH, giảm 44,5% so CK.
Công tác quản lý thị trường: Nhằm bình ổn giá cả thị trường trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, các lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh của công ty dược, vật tư y tế, các siêu thị, điểm bán lẻ hàng hóa trên địa bàn (đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch nước rửa tay, gel rửa tay kháng khuẩn; và các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, nước mắm,...) để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến,...; tăng cường công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia vận chuyển hàng hóa cho các đối tượng buôn lậu các mặt hàng y tế (như khẩu trang, nhiệt kế, nước rửa tay,...);... Ngoài ra, tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu,... Tháng 4, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 46 vụ vi phạm; phát hiện và xử lý 15 vụ (chiếm 32,6% tổng số vụ), với tổng giá trị xử phạt 34,2 triệu đồng.
b. Du lịch:
Tỉnh Lào Cai đã tạm dừng đón khách tại các khu, điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo; toàn ngành du lịch tập trung công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19; đồng thời đề xuất, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 625,4 nghìn lượt, bằng 11,4% KH, giảm 69,2% so CK[8]; doanh thu du lịch ước đạt 2.455 tỷ đồng, bằng 10,8% KH, giảm 69,4% so với CK[9].
c. Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách: Thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải hàng hóa đã tạm nghỉ. Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải do địa phương quản lý tháng 4 ước đạt 147,2 tỷ đồng, lũy kế 955 tỷ đồng, giảm 28,5% so CK.
d. Dịch vụ bưu chính, viễn thông:
Mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, công tác quản lý và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân; đặc biệt tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Thông tin và Truyền thông về nhắn tin cảnh báo và tuyên truyền các thông tin liên quan đến tình hình dịch COVID-19 đến toàn bộ thuê bao di động trên địa bàn tỉnh (chủ thể gửi tin nhắn là Bộ Y tế); hỗ trợ miễn phí phục vụ học tập trực tuyến trên mạng (Viettel triển khai dịch vụ Viettel Study; VNPT triển khai dịch vụ VNPT E-Learning) thúc đẩy việc học từ xa;… Các đơn vị, địa phương, cơ quan báo chí trong tỉnh đã tăng cường sử dụng các mạng xã hội để tuyên truyền, khuyến cáo, cung cấp thông tin giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức về phòng, chống dịch một cách chủ động, tích cực thực hiện khai báo y tế tự nguyện. Tính đến ngày 23/4/2020, toàn tỉnh có 46.935 người thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường
a. Thu, chi ngân sách:
Tháng 4, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm, ước đạt 334 tỷ đồng, lũy kế 1.779 tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán Trung ương (DTTW), bằng 17,3% dự toán tỉnh giao, giảm 30,5% so CK. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.230 tỷ đồng, bằng 21,3% DTTW, bằng 16,5% dự toán tỉnh giao, giảm 32,8% so CK. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 450 tỷ đồng, bằng 28,1% DTTW, bằng 19,6% dự toán tỉnh giao, giảm 31% so CK.
Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 1.079 tỷ đồng, lũy kế 4.414,2 tỷ đồng, bằng 33,6% DTTW, bằng 28,9% dự toán tỉnh giao, giảm 5,4% so CK.
Tổng chi ngân sách địa phương đạt 1.068 tỷ đồng, lũy kế 4.918 tỷ đồng, bằng 36,4% DTTW, bằng 31,4% dự toán tỉnh giao, tăng 18% so CK.
b. Hoạt động tín dụng:
Tháng 4, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, đảm bảo an toàn, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ,... nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, nhằm góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng nguồn vốn tuy có tăng so với đầu năm, nhưng tốc độ tăng chậm so với CK năm 2019, dư nợ không tăng trưởng. Ước đến 30/4/2020, tổng nguồn vốn đạt 50.200 tỷ đồng, tăng 2,25% so với 31/12/2019; trong đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2019. Tổng dư nợ ước đạt 45.500 tỷ đồng, giảm 1,85% so với 31/12/2019. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở ngưỡng an toàn 0,99%.
c. Chỉ số giá tiêu dùng:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Lào Cai tháng 4 giảm 2,21% so với tháng trước, bình quân tăng 4,96% so với CK. Nhóm có chỉ số giảm là: Nhóm giao thông giảm 11,31%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,93%; Nhóm Nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 1,7%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,58%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%; Nhóm đồ dùng và dịch vụ khác giảm 0,05%. Các nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 giảm là do: Giá một số thực phẩm giảm (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt chế biến, rau tươi, khô chế biến và quả tươi, chế biến), trong đó thực phẩm có mức giá giảm mạnh nhất là thịt gà, thịt vịt; Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 28,47%, tác động làm chỉ số nhóm dịch vụ giao thông giảm; Giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm;... góp phần làm CPI chung giảm.
5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế:
a. Thu hút dự án đầu tư:
- Thu hút dự án đầu tư trong nước: Từ đầu năm đến nay, cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 05 dự án với tổng mức đầu tư 907 tỷ đồng.
- Thu hút dự án đầu tư nước ngoài (FDI): Từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp chứng nhận đầu tư cho 01 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2,3 triệu USD[10]. Hiện trên địa bàn tỉnh có 21 dự án FDI còn hiệu lực[11] với tổng vốn đăng ký đạt 540,2 triệu USD.
b. Các thành phần kinh tế:
Tháng 4, thực hiện cấp mới đăng ký cho 38 doanh nghiệp với tổng vốn 328,5 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay: 170 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 1.257,6 tỷ đồng; 03 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động; lũy kế 26 doanh nghiệp; 14 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lũy kế từ đầu năm 177 doanh nghiệp (tăng 39,4% so CK). Đến nay tổng số doanh nghiệp còn hoạt động trên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp Quốc gia là 5.014 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 71.574 tỷ đồng. Từ đầu năm chưa thành lập mới HTX, lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 401 HTX; 8.490 tổ hợp tác; 30.025 hộ kinh doanh với tổng vốn đăng ký ước đạt 2.620 tỷ đồng.
Do tác động của dịch Covid-19 và việc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Doanh thu từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh giảm mạnh; nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phải tạm dừng hoạt động (đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ). Tính tới hết quý I năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dịch Covid–19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 1.564 doanh nghiệp, ước tính làm thiệt hại 9.541 tỷ đồng doanh thu. Trong đó: 674 doanh nghiệp bị thiệt hại 70% doanh thu trở lên; 300 doanh nghiệp bị thiệt hại từ 30% - 70% doanh thu; 735 doanh nghiệp bị thiệt hại dưới 30% doanh thu. Trước tình hình đó, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19[12].
II. Văn hoá, xã hội
1. Hoạt động giáo dục:
Trong tháng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; theo đó, tiếp tục cho học sinh các cấp nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Với phương châm trong toàn ngành Giáo dục là “Tạm ngừng đến trường nhưng không dừng việc học”, từ đầu tháng 3/2020, các trường trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện kế hoạch dạy và học bằng hình thức trực tuyến (qua một số phần mềm như: VNPT Elearning, VioEdu,...). Theo đánh giá ban đầu, hình thức học trực tuyến đã nhận được phản hồi tích cực, sự đồng thuận từ giáo viên, phụ huynh và học sinh. Các lớp học trực tuyến đã có sự tham gia của 80-96% học sinh, các nhà trường đã và đang tích cực triển khai các biện pháp, phấn đấu đảm bảo 100% tỷ lệ học sinh tham gia các lớp học trực tuyến. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai đầy đủ các biện pháp để đảm bảo đưa học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng tránh dịch Covid-19 vào ngày 04/5/2020 (đối với cấp THCS, THPT, Cao đẳng và Đại học).
2. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao:
Hoạt động thông tin văn hóa, tuyên truyền cổ động trên địa bàn tỉnh bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân; phản ánh các sự kiện trọng tâm đang diễn ra trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tháng 4, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạm dừng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch tập trung nơi đông người[13]; tập trung công tác tuyên truyền, cập nhật tình hình, hướng dẫn triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: Thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; gửi tin nhắn hướng dẫn việc phòng chống dịch bệnh đến các thuê bao trên địa bàn tỉnh; ...
3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng:
* Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai:
Trong tháng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả: Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; tăng cường kiểm soát người từ vùng dịch về Lào Cai với các tổ chốt chặn, tổ tuần tra, kiểm soát dọc đường biên giới Việt-Trung 24/24 giờ; bố trí khu vực cách ly; thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi nhiễm, giám sát theo dõi đối với người tiếp xúc với người bị nghi nhiễm, người đến từ vùng dịch[14]; thành lập khu điều trị dã chiến[15]; thường xuyên tuyên truyền về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trong tỉnh và cả nước, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,...); tổ chức khử khuẩn vệ sinh môi trường tại những nơi có yếu tố nguy cơ mắc cao như: công sở, trường học, cửa khẩu, chợ, đền chùa,… trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng y tế như khẩu trang, nhiệt kế, nước sát khuẩn,… tại 147 cơ sở kinh doanh thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế;… Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 27/3/2020, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã cho thành lập 9 điểm chốt chặn trên tất cả các tuyến đường sắt, đường bộ liên tỉnh trên địa bàn Lào Cai[16], hoạt động liên tục 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) nhằm kiểm soát 100% người từ các địa phương giáp ranh như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái và các tỉnh miền xuôi vào địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 22/4/2020, đã kiểm tra tổng số 54.281 phương tiện và 87.268 lượt người (gồm: 100.370 người Việt Nam, 37 người nước ngoài); trong đó có 4.097 người từ Hà Nội qua chốt được kiểm soát; tất cả các trường hợp đã được kê khai y tế theo quy định.
Tính đến ngày 20/4/2020:
- Số ca dương tính với Covid-19: 02 người[17], hiện đã khỏi bệnh.
- Tổng số người được cách ly: 6.001 người. Trong đó:
+ Cách ly tại cơ sở y tế: 305 người (người Việt Nam: 190, người nước ngoài: 115). Trong đó: hết hạn cách ly 298 người; đang cách ly: 07 người (BVĐK tỉnh 05 người, BV Sản Nhi 02 người).
+ Cách ly tập trung: 2.525 người. Trong đó: Đã qua 14 ngày: 1.696 người; đang cách ly: 820 người (tại Trung đoàn 254: 664 người; tại các huyện: 156 người).
+ Cách ly tại nhà, cộng đồng: 3.179 người. Trong đó: đã qua 14 ngày: 2.830 người; đang cách ly: 349 người.
+ Tổng số người đã thực hiện khai báo y tế: 291.691 người
- Số mẫu xét nghiệm: 2.496 mẫu; kết quả: (+) tính: 02 mẫu, (-) tính: 2.459 mẫu, chưa có kết quả: 21 mẫu, mẫu hủy do đã loại bỏ yếu tố nghi ngờ: 14 mẫu.
Công tác giám sát dịch bệnh nguy hiểm khác được tăng cường. Một số bệnh truyền nhiễm theo mùa như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, cúm mùa, quai bị, tiêu chảy, thủy đậu,… xảy ra rải rác tại các huyện, thành phố, đều được giám sát phát hiện và điều trị kịp thời.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ[18]. Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện kiểm tra đảm bảo ATTP tại các cơ sở có nguy cơ cao đối với dịch bệnh Covid-19 có 26/27 cơ sở đạt TCVS. Khám chữa bệnh được duy trì tốt ở các tuyến; công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong toàn tỉnh là 74,88%[19].
4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội:
Công tác giải quyết việc làm được duy trì thực hiện. Trong tháng 4, tạo việc làm tăng thêm cho 90 lao động, lũy kế 1.440 lao động, đạt 11,1% KH. Trong tháng 4, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm dừng các hoạt động đào tạo[20]; từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo được lũy kế 971 người, đạt 5,6% KH, giảm 27,8% so với CK.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới người lao động. Người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, không được trả lương, hoặc được tạo điều kiện cho nghỉ luân phiên có hưởng lương; một số ít doanh nghiệp hỗ trợ người lao động tiền lương cơ sở, và hỗ trợ người lao động tham gia BHXH. Tính đến ngày 16/4/2020, toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, sử dụng 4.533 lao động. Số lao động bị ảnh hưởng: 1.987 lao động, trong đó số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 27 lao động, số lao động ngừng việc 1.241 lao động; 719 lao động nghỉ luân phiên. Việc làm của người nghèo, người cận nghèo cũng bị ảnh hưởng, thu nhập của hộ nghèo bị giảm theo. Trước tình hình đó, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; trong đó khẩn trương triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh[21].
5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ
Triển khai thực hiện tốt 30 đề tài, dự án; 14 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh; 05 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi. Đảm bảo an toàn nguồn phóng xạ đối với 49 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang, nguồn phóng xạ, thiết bị phát tia X trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc tiến độ thực hiện 13 dự án hỗ trợ phát triển Tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, 257 văn bằng sở hữu công nghiệp. Hoàn thiện việc thực hiện chuyển đổi phiên bản áp dụng ISO 9001:2015 đối với 79 đơn vị hành chính gồm: 33 đơn vị sở ngành, chi cục; 09 huyện, thành phố; 37 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 theo quy định. Hoạt động kiểm định và kiểm nghiệm đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
III. Tài nguyên và Môi trường
Trong tháng, tập trung đôn đốc các huyện, thành phố lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tập trung giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Kiểm tra, khảo sát xác định giá đất, triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch...
Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản được chú trọng: Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và phát hiện và xử lý các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường tổ chức, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi trên sông, suối. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm: Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp.
IV. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại
1. Quốc phòng: Tiếp tục được củng cố và giữ vững, an ninh biên giới ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.
2. An ninh, trật tự an toàn xã hội: Lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị.
Tình hình an toàn giao thông:
Sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông của người dân trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Trong tháng 4, xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, lũy kế 15 vụ, giảm 09 vụ (38%) so CK; làm 01 người chết, lũy kế 10 người, giảm 03 vụ (23%) so CK; 03 người bị thương, lũy kế 12 người, giảm 19 người (61%) so CK.
V. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, đô thị thông minh, chính quyền điện tử
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục duy trì, cải thiện và tổ chức đánh giá các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (Par Index); Chỉ số sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT – Index);... Tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến và sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong các cơ quan nhà nước. Triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Rà soát chuẩn hóa thủ tục hành chính (TTHC) các cấp, toàn tỉnh hiện nay có 2.054 TTHC (cấp tỉnh: 1.600 TTHC; cấp huyện: 307 TTHC; cấp xã: 147 TTHC); Rà soát TTHC để tiếp tục cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC.
Thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các ứng dụng Công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; tăng cường tổ chức họp trực tuyến; sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng CNTT làm việc tại nhà, sử dụng các ứng dụng dùng chung như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Cổng dịch vụ công, hòm thư điện tử công vụ, Cổng thông tin điện tử (TTĐT), trao đổi thông tin qua ứng dụng Zalo, Mocha,…; các cuộc họp được chuyển sang hình thức trực tuyến, trên các ứng dụng như: Microsoft Team, VNPT Meeting, Viettel Meet,... Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai các giải pháp nhằm hạn chế việc trực tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC tại các bộ phận một cửa bằng việc tăng cường sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích…
Nguồn: Báo cáo 250/BC-UBND ngày 4/5/2020
[1] Trong đó: Nuôi ao hồ nhỏ đạt 3.097 tấn; Nuôi cá lồng đạt 100 tấn; Nuôi cá nước lạnh đạt 250 tấn; Nuôi hồ chứa, mặt nước lớn đạt 53 tấn.
[2]Trong đó: có 02 vụ cháy rừng (01 vụ tại huyện Mường Khương, thiệt hại 6,014 ha rừng trồng,; 01 vụ cháy rừng tại thị xã Sa Pa, thiệt hại 0,5 ha rừng trồng); có 03 điểm cháy (tại huyện Văn Bàn, huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa), cháy đồi cỏ tranh, lau lách, tế guột, cây trồng chưa thành rừng, không gây thiệt hại đến rừng.
[3] Kết thúc quý I/2020 toàn tỉnh có 55/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; theo đó tỉnh Lào Cai hiện chỉ còn 127 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong số 55 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sau khi sáp nhập giảm 04 xã vì sáp nhập với các xã khác. Như vậy hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 51/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
[4] Làm 01 người chết, 01 người bị thương, 3.233 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Trong đó: 11 nhà thiệt hại hoàn toàn >70%, 548 nhà thiệt hại từ 50%-70%, 718 nhà thiệt hại từ 30-50%, 1.914 nhà thiệt hại <30%, 42 nhà bị ngập nước; 03 điểm trường, 07 nhà văn hóa thôn bản, 01 trụ sở UBND, 12 công trình thủy lợi bị hư hỏng, thiệt hại; 01 cầu treo bị đứt gãy, một số tuyến đường tỉnh, đường do huyện, xã quản lý bị sạt lở; 365,3 ha lúa, mạ bị thiệt hại, trong đó: >70%: 162,4 ha, từ 30-70%: 177 ha, <30%: 14,88 ha, bị ngập 11 ha; 895 ha ngô và hoa màu bị thiệt hại, trong đó: >70%: 77 ha, từ 30-70%: 369,26 ha, <30%: 448,8 ha; 17 ha cây dược liệu, 199 ha cây ăn quả, 2,26 ha thủy sản bị hư hỏng; 1.191 con gia cầm bị chết;...
[5] Trong đó: CN khai khoáng đạt 636 tỷ đồng, bằng 17,3% KH, giảm 36,5% so CK; CN chế biến chế tạo đạt 7.555,2 tỷ đồng, bằng 30,4% KH, tăng 8,4% so CK; sản xuất, phân phối điện, nước đạt 1.399,5 tỷ đồng, bằng 18,2% KH, tăng 4,1% so CK.
[6] Thực hiện việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
[7] Các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh chưa hoạt động thông quan trở lại. Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Trung Quốc), các hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù đã cơ bản trở lại bình thường nhưng tiến độ thông quan chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập qua cửa khẩu giảm đáng kể so với thời điểm trước khi có dịch.
[8] Trong đó: khách quốc tế ước đạt 100,8 nghìn lượt, giảm 69,2% so CK; khách nội địa ước đạt 524,5 nghìn lượt, giảm 69,2% so CK.
[9] Trong đó, tổng thu khách quốc tế ước đạt 726 tỷ đồng, giảm 68,2% so CK; tổng thu khách nội địa ước đạt 1.729 tỷ đồng, giảm 69,9% so CK.
[10] Dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế tại Lào Cai” của Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà.
[11] Trong đó bao gồm: 11 dự án FDI Trung Quốc; 03 dự án FDI Singapore; 03 dự án FDI Hàn; 03 dự án FDI của các cá nhân, tổ chức đến từ Đan Mạch, Na Uy, Anh, Mỹ.
[12] Như: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn: Đến nay, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ trên 637 tỷ đồng cho các cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch (thực hiện miễn giảm lãi vay và cho vay mới); phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của các Bộ tìm kiếm, giới thiệu nguồn cung các loại nguyên liệu, máy móc, thiết bị thiếu hụt (nguồn nhập khẩu trước đây tại Trung Quốc) và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Lào Cai và một số sản phẩm nông sản của tỉnh không xuất khẩu được sang Trung Quốc (như: chè, chuối, dứa,…); ban hành Công văn số 1388/UBND-TH ngày 01/4/2020 về việc áp dụng một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai;...
[13] Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của TTCP về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19; ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản hỏa tốc số 334/UBND-VX ngày 31/01/2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Corona gây ra liên quan đến các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí và giáo dục, lao động; Văn bản số 1065/UBND-VX ngày 17/3/2020 chỉ đạo tạm dừng đón khách tại các khu, điểm du lịch, di tích và một số hoạt động tập trung đông người trên địa bàn tỉnh.
[14] Số người đã tập trung cách ly tại Trường Quân sự tỉnh: 1.243 người; trong đó: 977 người đã hết thời gian cách ly; hiện còn 266 người (trong đó: Lào cai 158 người; ngoại tỉnh: 108người /38 tỉnh). Số cách ly theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: 99 người (trong đó có 17 người nước ngoài); hiện còn 23 người (trong đó có 03 người nước ngoài).
[15] Tại cơ sở cũ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (350 giường bệnh); xây dựng phương án khu cách ly tại Trường Trung cấp y tế tỉnh cho trường hợp ca nhiễm tăng, vượt sức chứa của khu cách ly y tế tại Trường Quân sự tỉnh;...
[16] Các chốt bố trí tập trung trên Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 4D, 70, 279, tỉnh lộ 153 và tại Ga Lào Cai.
[17] Quốc tịch Anh, đến Lào Cai du lịch từ ngày 04/3/2020. Đến ngày 07/3/2020 được phát hiện và cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến ngày 08/3/2020 có kết quả dương tính với Covid-19 và được chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 09/3/2020. Hiện đã khỏi bệnh.
[18] Tình hình biến động dân số đến hết tháng 3/2020: Tổng số trẻ sinh ra 2.813 (trong đó 1.326 bé gái); số sinh con thứ 3 trở lên là 403, chiếm tỷ lệ 14,33%.
[19] Trong đó: Tại bệnh viện: 76,66%; tại PKĐKKV: 57,96%.
[20] Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
[21] Tỉnh chỉ đạo: Những chính sách hỗ trợ đã xác định được đối tượng cụ thể thì cần phải triển khai ngay; những chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn lại nhưng chưa xác định rõ về điều kiện hỗ trợ hoặc hồ sơ, trình tự thực hiện,… do còn phải chờ hướng dẫn của các cơ quan Trung ương thì các đơn vị liên quan chủ động triển khai trước những nội dung đã được quy định, hướng dẫn tại Nghị định số 42; triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc: Hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, kịp thời, đến đối tượng thụ hưởng nhanh nhất,…
Cục Thống kê tỉnh Lào Cai