Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/03/2023-16:34:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023 của tỉnh Lào Cai

Bước vào năm 2023, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tuy có những thuận lợi nhưng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức: Trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó, diễn biến chính trị, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na kéo dài; sức mua của thị trường trong nước còn thấp, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; giá nguyên vật liệu đầu vào còn diễn biến thất thường chưa ổn định, nhất là giá xăng dầu; hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đã được nối lại nhưng còn gặp nhiều khó khăn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa cao, ...

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách và giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt an sinh xã hội. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2023 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chu yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; song song với đó là ban hành các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong Quý I cơ bản được duy trì và phục hồi: Sản xuất vụ xuân được triển khai kịp thời, đảm bảo khung thời vụ; công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được tăng cường thực hiện trong mùa hanh khô; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm được quan tâm, đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được đặc biệt chú trọng; chương trình xây dựng nông thôn mới được Nhân dân hưởng ứng tích cực; sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì; hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu của hành khách và hàng hóa của Nhân dân; hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ ổn định, không có biến động lớn trước và sau Tết Nguyên đán; các lĩnh vực văn hóa, thông tin được thực hiện tốt; công tác an sinh xã hội được quan tâm; công tác y tế đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh cho người dân; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong Quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh như sau:

2. Chỉ số giá

2.1. Chỉ số giá tiêu dùng

Trong quý I năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng của các nhóm hàng tương đối ổn định, nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán tăng cao là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng của tháng Một và tháng Hai tăng nhẹ so với tháng trước; bước sang tháng Ba, nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng thực phẩm giảm, cùng với giá xăng dầu, chất đốt và các mặt hàng bưu chính viễn thông, du lịch giảm nên chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,49% so với tháng trước, tăng 1,46% so với cùng tháng năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Ba, có 3 nhóm giữ giá ổn định, 3 nhóm tăng giá và 5 nhóm giảm giá so với tháng trước.

- Các nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục (CPI=100).

- Nhóm có chỉ số tăng: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,01%; nhóm nhà ở và VLXD tăng 1,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43%.

- Nhóm có chỉ số giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,16%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%; nhóm giao thông giảm 0,26%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,4%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,67%.

CPI bình quân quý I/2023 tăng 0,26% so với quý trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,54%. Các yếu tố chính làm tăng CPI trong quý I năm 2023: (1) Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong quý; so với quý trước, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 2,12%, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng 0,63%. (2) Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% so với quý trước do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nước có ga, rượu, bia tăng trong dịp Tết. (3) Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,18% so với quý trước do, nhu cầu mua sắm trong dịp giáp Tết tăng. (4) Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,92% so với quý trước. Nguyên nhân chính do, giá ga và các loại chất đốt tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (thép) tăng bởi sức cầu tăng trên thị trường trong nước và quốc tế; giá điện sinh hoạt tăng do sản lượng tiêu thụ tăng. (5) Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% so với quý trước do, các cơ sở kinh doanh điều chỉnh giá các mặt hàng điện tử, điện lạnh (tủ lạnh, máy giặt) sau chương trình khuyến mại. (6) Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,70% so với quý trước do, giá xăng dầu tăng theo Bộ Công Thương điều chỉnh giá. (7) Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,97% so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá các mặt hàng đồ trang sức, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, vệ sinh trong thời điểm cuối năm tăng cao.

Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI có các nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước như: (1) Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhưng lượng dự trữ dồn bán lợn trong các nông hộ cho dịp Tết lớn, nguồn cung nhiều, làm cho chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,60% so với quý trước. (2) Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,35% so với quý trước do, giá các thiết bị điện thoại di động giảm theo chương trình khuyến mãi của cơ sở kinh doanh. (3) Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,49% so với quý trước. Nguyên nhân do giá dịch vụ du lịch và một số thiết bị văn hóa giảm.

2.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng bình quân tháng Ba là 5.329.488 đồng/chỉ, giảm 0,97%; giá đô la Mỹ bình quân là 23.888 đồng/1 USD, tăng 0,73% do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.

2.3. Chỉ số giá sản xuất

- Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Quý I năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai giá các mặt hàng nông sản tuy có biến động ở một số sản phẩm do mùa vụ nhưng biến động không lớn; chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2023 so với quý IV/2022 giảm 2,22%, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,30%. Trong đó, một số nhóm hàng chính trong quý I/2023 so với quý IV/2022 như sau: Nhóm các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan giảm 2,33%; nhóm các sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan giảm 0,86%; nhóm thủy sản khai thác, nuôi trồng chỉ số giá giảm 3,29%.

- Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất: Chỉ số của nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 so với quý trước giảm 3,52%; nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,79%; nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng giảm 0,30%.

3. Đầu tư và xây dựng

3.1. Đầu tư phát triển

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn dự ước quý I năm 2023 đạt 5.401 tỷ đồng, so với quý IV/2022 giảm 28,06%, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,61%, cụ thể các nguồn vốn như sau:

- Vốn nhà nước trên địa bàn: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện quý I năm 2023 đạt 2.254,49 tỷ đồng, so với quý trước bằng 65,19%; so với cùng kỳ năm trước tăng 51,49%. Trong đó, vốn trung ương quản lý ước thực hiện đạt 996,49 tỷ đồng, so với quý trước giảm 26,41% và tăng 6,1 lần so cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý ước thực hiện đạt 1.258 tỷ đồng, so với quý trước giảm 40,21% và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

- Vốn ngoài nhà nước: Ước thực hiện quý I năm 2023 đạt 2.996,87 tỷ đồng, so với quý trước giảm 22,32% và tăng 7,41% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ năm trước là do các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận được ưu đãi từ Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài: Ước thực hiện quý I năm 2023 đạt 149,77 tỷ đồng, so với quý trước giảm 21,68% và giảm 36,93% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm chủ yếu ở nguồn vốn vay.

Về tình hình thu hút, đầu tư: Mặc dù môi trường sản xuất kinh doanh luôn được tỉnh quan tâm cải thiện, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được thông xe toàn tuyến và đang được nâng cấp tiếp, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của khối các doanh nghiệp FDI trên địa bàn có sự tăng trưởng mạnh, nhất là các chỉ tiêu về doanh thu, thu ngân sách. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư FDI còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Lào Cai, nguyên nhân là do: Những khó khăn vốn có của tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn, dân trí không đồng đều, cách xa các trung tâm đô thị lớn (thành phố Hà Nội), hệ thống cảng biển (Hải Phòng); đường cao tốc tuy đã đi vào vận hành, song chi phí vận chuyển vẫn tương đối cao; một số dự án lớn được các Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, mong muốn được đầu tư vào tỉnh, song còn vướng các quy định của Chính phủ, các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương,... Trong quý I năm 2023, tỉnh Lào Cai không có dự án FDI đăng ký và cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư, lũy kế đến thời điểm báo cáo tỉnh Lào Cai có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,818 triệu USD; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch, dịch vụ, ...

3.2. Hoạt động xây dựng

Quý I năm 2023 là quý có Tết Nguyên đán nên các công trình khởi công mới còn hạn chế, các đơn vị tập trung thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước sang. Các cấp, các ngành đã chủ động đôn đốc, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối; kết quả triển khai các dự án trọng điểm như sau: Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam đang tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 04 làn xe để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT sẽ tổ chức đàm phán cấp nhà nước về Hiệp định và Nghị định thư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát, Việt Nam - Bá Sái, Trung Quốc; Căn cứ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Đường sắt Việt Nam đang lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ 1.435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự kiến trình Bộ GTVT xem xét trong tháng 11/2023; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức (BOT), theo đó sẽ tách xây dựng tỉnh lộ 155 đoạn cầu Móng Sến đến Sa Pả thành dự án độc lập, đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Ngoài ra, tỉnh đang tích cực đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng trong quý II và quý III năm 2023 một số dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh như: Cải tạo, sửa chữa Tỉnh lộ 151 đoạn từ Tằng Loỏng đến giao với QL.279 (Km10+300-Km28); Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 151C đoạn Tân An - Khe Sang (Km28+300-Km37+600); Tháp Kim Thành, Trường THPT chuyên Lào Cai, Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai, Nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng GĐ2; Kè biện giới khu vực Mốc 106; Sân vận động Thị xã Sa Pa; Trung tâm hội nghị và văn hóa thị xã Sa Pa, …

Đến thời điểm hiện tại, một số dự án lớn trong tỉnh đã và đang được khẩn trương triển khai thi công góp phần làm tăng giá trị xây dựng của tỉnh như: Dự án cầu Phú Thịnh nối Quốc lộ 4E với khu đô thị Vạn Hoà; dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh giai đoạn 2, Bệnh viện đa khoa các huyện: Mường Khương, Bát Xát; dự án Trường cao đẳng Lào Cai, Trường PTTH chuyên Lào Cai; dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ câu Làng Giàng đến Quốc lộ 70, dự án xây dựng tuyến đường Vạn Hoà - Yên Bái, dự án cảng hàng không Sa Pa, Nhà ở nội trú TH - THCS -THPT quốc tế Canada - Lào Cai, Nâng cấp hồ thải quặng đuôi công ty cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin; các công trình kè dọc Sông Hồng nhằm tạo cơ sở cho phát triển đô thị,...

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

4.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 57 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 303,12 tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 48 doanh nghiệp; giải thể 07 doanh nghiệp; hoạt động trở lại 22 doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 165 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 1.090,45 tỷ đồng; tạm ngừng hoạt động 244 doanh nghiệp; giải thể 10 doanh nghiệp; hoạt động trở lại 121 doanh nghiệp.

4.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Qua kết quả điều tra mẫu về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2023 cho thấy:

Về tình hình sản xuất kinh doanh: Có 23,68% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 tốt hơn quý IV/2022; có 44,74% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 31,58% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II/2023 so với quý I/2023 khả quan hơn khi có 39,47% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 18,42% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 42,11% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Về khối lượng sản xuất: Có 21,05% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý I/2023 tăng so với quý IV/2022; 42,11% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 36,84% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Về xu hướng quý II/2023 so với quý I/2023, có 39,47% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 23,68% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,84% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Như vậy qua dự kiến sản xuất kinh doanh cho thấy, dù trong kỳ có thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày, nhưng hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh vẫn tập trung cho kế hoạch sản xuất để đảm bảo việc ổn định về số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về đơn đặt hàng: Chỉ có 19,44% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2023 cao hơn quý IV/2022; 38,89% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 41,67% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý II/2023 khả quan hơn so với quý I/2023 với 37,14% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 45,71% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và chỉ có 17,14% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về tồn kho sản phẩm: Có 28,95% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý I/2023 tăng so với quý IV/2022; 28,95% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 42,11% số doanh nghiệp giữ tồn kho ổn định. Xu hướng quý II/2023 so với quý I/2023, chỉ có 10,53% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 42,11% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 47,37% số doanh nghiệp dự báo giữ ổn định.

Về tồn kho nguyên vật liệu: Quý I/2023 so với quý IV/2022, chỉ có 7,89% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 39,47% số doanh nghiệp cho là giảm và 52,63% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý II/2023 so với quý I/2023, có 5,26% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 50% dự báo lượng tồn kho giảm và 44,74% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên vật liệu.

Về sử dụng lao động: Quý I/2023 so với quý IV/2022 có 7,89% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng; 21,05% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 71,05% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định lao động. Dự kiến quý II/2023 so với quý I/2023, có 15,79% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng và 76,32% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động; chỉ có 7,89% số doanh nghiệp dự báo giảm số lao động hiện có.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023, có 63,16% doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có 47,37% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước; có 36,84% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; có 36,84% thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 21,05% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao; 21,05% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 7,89% doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 5,26% cho rằng thiết bị công nghệ bị lạc hậu; 5,26% chính sách pháp luật của Nhà nước cũng đã ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp trong quý I/2023,...

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Quí I năm 2023, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản duy trì ổn định. Đến nay các địa phương đã thu hoạch xong cây trồng vụ Đông, chủ yếu là ngô và rau đậu các loại. Vụ Xuân được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và khung thời vụ; diện tích thực hiện cánh đồng 1 giống và thâm canh lúa cải tiến được mở rộng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, mở rộng diện tích cây trồng hàng hóa; đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi (thịt, cá, trứng...) đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

5.1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt

- Cây hàng năm vụ đông: Diện tích gieo trồng ngô đạt 995,47 ha, bằng 96,42% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sơ bộ đạt 3.563 tấn, giảm 3,18% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

+ Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng là 232,14 ha, bằng 97,14% so với cùng kỳ; sản lượng sơ bộ đạt 1.768 tấn, tăng 2,24% so với cùng kỳ.

- Cây rau các loại: Diện tích gieo trồng đạt 4.301 ha, tăng 7,45% so với cùng kỳ, sản lượng sơ bộ đạt 57.092 tấn, tăng 9,34% so với cùng kỳ

Trong sản xuất vụ đông, các vùng sản xuất rau hàng hoá của tỉnh như, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai tiếp tục được chỉ đạo hướng tới mục tiêu sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của thị trường, dần tiến tới mục tiêu xây dựng vùng rau an toàn, mang tính bền vững.

Cùng với việc thu hoạch cây trồng vụ đông, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành làm đất và gieo trồng cây vụ xuân. Đến nay, đã cấy được 7.905 ha lúa, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,12%, diện tích lúa cấy sớm đã bắt đầu đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ, diện tích lúa mới cấy sinh trưởng và phát triển tốt; đã trồng được 9.195 ha ngô, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,98%; đã trồng được 1.367 ha rau các loại, so cùng kỳ năm trước tăng 1,56%, hiện nay các loại rau, đậu đang được chăm sóc và phát triển bình thường.

- Cây lâu năm: Các địa phương đang tập trung chăm sóc và thu hoạch một số cây ăn quả.

+ Cây chuối: Diện tích hiện có đạt 3,47 nghìn ha, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thu hoạch ước tính quý I đạt 21.466 tấn, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm trước, hiện nay 90% sản lượng chuối đang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ trong nước.

+ Cây dứa: Diện tích hiện có đạt 2,08 nghìn ha, tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ước tính quý I đạt 6.408 tấn, tăng 7,87% so với cùng kỳ năm 2022, sản phẩm dứa được tiêu thụ thị trường ngoài tỉnh đến 80% sản lượng.

+ Cây chè: Các địa phương đang tập trung chăm sóc, trồng dặm những cây bị chết trên diện tích chè trồng mới, đồng thời gieo ươm giống chè đảm bảo cho kế hoạch trồng mới năm 2023. Lũy kế trồng mới được 102,4 ha, sản lượng chè ước tính quý I đạt 5.250 tấn, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm trước.

Cây chuối, dứa và cây chè là cây chủ lực của tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết 10-NQ/TU đã được các địa phương vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tập trung tối đa nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.

b) Chăn nuôi

Trong quý, tình hình chăn nuôi trên toàn tỉnh phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được chăm sóc tốt; công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được tăng cường, nhất là đối với công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi; riêng đàn trâu giảm do hiện nay nguồn thức ăn và diện tích chăn thả bị thu hẹp, mặt khác cùng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật nên người dân chủ yếu sử dụng cơ giới hóa thay thế sức kéo.

- Đàn trâu hiện có ước đạt 105,22 nghìn con, giảm 1,52% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I ước đạt 896 tấn, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước;

- Đàn bò hiện có ước đạt 22,95 nghìn con, tăng 0,59% so với vùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 192 tấn, tăng 2,67%.

- Đàn lợn hiện có ước đạt 371,21 nghìn con, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước; số con xuất chuồng trong quý đạt 173,47 con, tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 14.396 tấn, so với cùng kỳ tăng 3,91%, trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 82,83 kg/con.

- Đàn gia cầm hiện có ước đạt 5.012 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,99% (riêng đàn gà hiện có 4.580 ngàn con, so với cùng kỳ tăng 5,3%); sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5,34 nghìn tấn, tăng 5,91%; sản lượng trứng trong kỳ đạt 13.87 nghìn quả, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước;

Công tác phòng chống dịch: Tháng Ba, triển khai tiêm phòng 127,79 nghìn liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm; lũy kế đạt 263,91 nghìn liều, trong đó: Vắc xin Lở mồm long móng 375 liều, lũy kế 3.572 liều; Tụ huyết trùng trâu, bò 375 liều, lũy kế 3.572 liều; Dịch tả lợn 8.901 liều, lũy kế 18.494 liều; Tụ huyết trùng lợn 8.901 liều, lũy kế 18.494 liều; Cúm gia cầm 96.000 liều, lũy kế 205.400 liều; Dại chó 13.239 liều, lũy kế 14.382 liều.

5.2. Sản xuất lâm nghiệp

- Tình hình sản xuất: Hiện nay, các địa phương đang tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát quản l‎ý việc chuẩn bị cây giống phục vụ cho kế hoạch trồng rừng mới cả năm 2023. Dự kiến sản xuất giống năm 2023 đạt khoảng 50 triệu cây giống các loại (thông mã vĩ, sa mộc, mỡ, quế...).

+ Diện tích trồng rừng mới tập trung, trong tháng Ba đã trồng mới 1.778 ha rừng sản xuất, các loài cây trồng chủ yếu là quế, trẩu, keo, bồ đề,... lũy kế đạt 2.962 ha, giảm 6,86% so với cùng kỳ.

+ Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 14.835 m3; lũy kế khai thác 31.307 m3, tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 75.632 ste; lũy kế đạt 171.612 ste, giảm 0,04%.

- Tình hình thiệt hại rừng: Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy an toàn, tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động đặc biệt trong những ngày nắng nóng khô hanh kéo dài. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng lớn. Trong tháng, phát hiện và xử lý 08 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu nộp công quỹ Nhà nước là 36 triệu đồng.

5.3. Thuỷ sản

Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển cả về diện tích mặt nước, năng suất và sản lượng; công tác nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương và nhân dân chú trọng, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật như nuôi thâm canh và bán thâm canh. Diện tích thủy sản đang nuôi ước tính đến tháng Ba là 2.623,64 ha; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 1.160 tấn; lũy kế đạt 3.495,88 tấn, tăng 7,41% so với cùng kỳ năm 2022.

6. Sản xuất công nghiệp

Quý I năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, các đơn vị đã chủ động bám sát kế hoạch để sản xuất; tuy nhiên, quá trình phục hồi còn chậm và còn nguy cơ gặp nhiều rủi ro như: sức mua trên thị trường trong tỉnh thấp, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; giá nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định, hàng tồn kho của một số ngành sản xuất công nghiệp chính còn ở mức cao, ...

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Ba trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng cao nhất với mức 31,15%, tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng hóa chất và khoáng phân bón do có 01 doanh nghiệp quay lại sản xuất sau một năm ngừng hoạt động; ngành hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 33,46%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,02%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,11% do đang là mùa khô không đảm bảo nguồn nước.

Tính chung quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 27,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,93 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,17% đóng góp 0,79 điểm phần trăm; ngành điện và phân phối điện giảm 3,16% làm giảm 0,87 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,57% đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2023 tăng so với cùng kỳ như: Ngành công nghiệp khai thác quặng kim loại tăng 27,34%; khai khoáng khác tăng 64,05%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,34%; sản xuất đồ uống tăng 34,44%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 56,51%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 22,51%,... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số giảm như: Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 83,18%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 15,19%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 77,69%; sản xuất kim loại giảm 14,45%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 16,29%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 42,03%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,16%;...

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2023 tăng so với cùng kỳ như: Quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 15,74%; quặng Apatit tăng 64,34%; quặng Felspar tăng 4,35 lần; dứa đóng hộp tăng 5,33%; tinh bột sắn tăng 12,96%; nước tinh khiết tăng 34,44%; dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in tăng 58,9%; axit sunfuric tăng 23,73%; axit photphoric tăng 17,75%; DCP tăng 10,62%; phân lân P2O5% tăng 72,56%; phân bón NPK tăng 64,8%; phân bón DAP tăng 57,62%; gạch xây dựng tăng 47,32%; đồng ka tốt tăng 5,68%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 159,3%; điện thương phẩm tăng 3,55%; nước uống được tăng 7,74%.

Bên cạnh đó, trong kỳ cũng có một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2022 như:: Quặng sắt giảm 62,46%; ván ép từ gỗ giảm 82,91%; gỗ cốp pha giảm 100%; giấy đế giảm 15,19%; sản phẩm in khác giảm 36,15%; phốt pho vàng giảm 6,58%; phân lân nung chảy giảm 35,94%; dược phẩm khác (cao atiso) giảm 77,69%; bê tông tươi giảm 4,9%; phôi thép giảm 100%; vàng chưa gia công giảm 20,95%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít giảm 49,15%; sản phẩm bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và chuyển động giảm 42,03%; điện sản xuất giảm 5,76%,... nguyên nhân chính các ngành sản phẩm có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước là do trong kỳ một số doanh nghiệp tập trung vào xử lý môi trường; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị,... ngoài ra còn do một số yếu tố khách quan (khó khăn trong tiêu thụ - đơn hàng xuất khẩu, thiếu nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến môi trường, thời tiết khô hanh kéo dài,...); một số doanh nghiệp tập trung tiêu thụ hàng tồn kho của kỳ trước hoặc chịu ảnh hưởng bởi sức mua và biến động thất thường của thị trường.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/3/2023 dự ước tăng 237,78% so với cùng thời điểm năm 2022. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,34 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 23,29%; sản xuất kim loại tăng 7,8 lần; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 188,53%. Nguyên nhân chính là do trong kỳ có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm,... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 52,44%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 48,39%,...

Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/3/2023 dự ước tăng 237,78% so với cùng thời điểm năm 2022; trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,34 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 23,29%; sản xuất kim loại tăng 7,8 lần; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 188,53%,... Bên cạnh đó, một số ngành chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 52,44%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 48,39%, đây là yếu tố tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2023.

Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng Ba tăng 0,57% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 6,52%. Chia theo loại hình: Doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 19,57%; doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,98%; lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 14,06%. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai khoáng tăng 6,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 6,29%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 10,14%.

Tính chung quý I năm 2023, tình hình lao động ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022 giảm 4,18%, chủ yếu giảm lao động ở ngành chế biến, chế tạo (giảm11,11%); ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 4,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,83%.

7. Thương mại, dịch vụ

Quý I năm 2023, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra khá sôi động. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành hành kế hoạch và chỉ đạo cụ thể các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Trong quý, có kỳ nghỉ Tết, nghỉ Lễ dài ngày, chuỗi các sự kiện được tổ chức thu hút đông đảo du khách đến với Lào Cai, đặc biệt cửa khẩu biên giới Việt - Trung tại tỉnh Lào Cai chính thức mở cửa. Hàng hóa với mẫu mã, chủng loại đa dạng và phong phú đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, giá cả tương đối ổn định không có hiện tượng tăng giá đột biến.

7.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước đạt 2.000,4 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.423 tỷ đồng, tăng 13,60%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 329,49 tỷ đồng, tăng 31,56%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 10,36 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 237,44 tỷ đồng, tăng 13,37% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 5.980,86 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 4.271,84 tỷ đồng, chiếm 71,42% tổng mức và tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 24,52%; may mặc tăng 18,92%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 19,66%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 47,25%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,55%; ô tô các loại tăng 21,72%; phương tiện đi lại (trừ ô tô kể cả phụ tùng) tăng 10,45%; xăng dầu các loại tăng 12,13%; nhiên liệu khác tăng (trừ xăng dầu) 33,01%; đá quý, kim loại quý tăng 21,56%; hàng hóa khác tăng 23,50%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 981,98 tỷ đồng, chiếm 16,42% tổng mức và tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 32,1 tỷ đồng, chiếm 0,54% tổng mức và tăng gấp 3,15 lần so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 694,93 tỷ đồng, chiếm 11,62% tổng mức và tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2022.

7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Quý I năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc; kể từ ngày 08/01/2023, phía Trung Quốc khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu, lối mở biên giới. Phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và lái xe sẽ xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn ra bình thường, trung bình 02 chuyến xe xuất, nhập khẩu mỗi ngày.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng Ba ước đạt 159,92 triệu USD, tăng 16,07% so với tháng trước, tăng 28,56% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế ước đạt 423,62 triệu USD, giảm 15,03% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 8,5% kế hoạch năm, trong đó:

- Giá trị xuất khẩu ước đạt 65,74 triệu USD, tăng 28,59% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 12,79%; lũy kế ước đạt 165 triệu USD, giảm 36,57% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7,7% kế hoạch năm.

- Giá trị nhập khẩu ước đạt 32,50 triệu USD, tăng 5,77% so với tháng trước, so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 94,56%; lũy kế ước đạt 90 triệu USD, giảm 21,81% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 10,34% kế hoạch năm.

- Các loại hình (TNTX, KNQ, chuyển CK, Quá cảnh, Doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) đạt 61,67 triệu USD, tăng 10,27% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 90,92%; lũy kế ước đạt 169,07 triệu USD, tăng 36,33% so với cùng kỳ 2022, đạt 8,5% kế hoạch năm.

Một số mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu: Xuất khẩu gồm, Thốt pho vàng, Thanh long, Chuối, Sắn, Dưa hấu. Nhập khẩu gồm, Phân bón, Than cốc, Rau củ quả, Máy móc thiết bị, Hóa chất.

7.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Quý I/2023, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển, đặc biệt là hoạt động cáp treo Fansipan hoạt động có nhiều khởi sắc nên hoạt động kinh doanh vận tải đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách (HK): Tháng Ba ước đạt 1.094,5 nghìn HK, tăng 96,99% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 51.346 nghìn HK.Km, tăng 97,22%. Ước thực hiện Quý I năm 2023, vận tải HK đạt 3.114,3 nghìn HK, tăng 88,08% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 147.544 nghìn HK.Km, tăng 90,99%. Trong đó, vận tải HK đường bộ đạt 3.010 nghìn HK, tăng 94,8%; luân chuyển đạt 147.526 nghìn HK.Km, tăng 91,02%; đường thủy đạt 104,3 nghìn HK, giảm 5,7%; luân chuyển đạt 101,54 nghìn HK.Km, giảm 15,26% so với cùng kỳ năm 2022.

Vận tải hàng hóa: Tháng Ba, vận tải hàng hóa ước đạt 1.176 nghìn tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 30,17%; luân chuyển ước đạt 43.372 nghìn tấn.km, tăng 4,11%. Ước thực hiện Quý I năm 2023, vận tải hàng hóa đạt 3.564 nghìn tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,02%; kuaan chuyển đạt 130.484 nghìn tấn.km, tăng 6,92%.

Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng Ba ước đạt 503,11 tỷ đồng, tăng 66,48% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 232,05 tỷ đồng, doanh thu vân tải hàng hóa đạt 180,61 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 90,45 tỷ đồng. Tính chung quý I/2023, tổng doanh thu vận tải đạt 1445,16 tỷ đồng, tăng 62,08% so với cùng kỳ 2022; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 645,17 tỷ đồng, doanh thu vân tải hàng hóa đạt 533,80 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 266,19 tỷ đồng.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Giải quyết việc làm, đời sống dân cư và an sinh xã hội

Tình hình giải quyết việc làm: Trong tháng Ba, tỉnh đã tư vấn, kết nối hỗ trợ giải quyết việc làm cho 2.909 lao động; trong đó, có 50 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, thực hiện giải quyết việc làm cho 3.829 lao động, đạt 29% kế hoạch; trong đó có 352 lao động được vay vốn giải quyết việc làm, 40 lao động đi xuất khẩu lao động. Thẩm định, ban hành 33 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; lũy kế ban hành 195 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 4.157 triệu đồng.

An sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Công tác chăm lo Tết cho nhân dân, công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành địa phương quan tâm; đã chăm lo, chuẩn bị Tết cho các đối tượng chính sách, tổ chức các đoàn thăm hỏi trong dịp Tết theo Kế hoạch. Toàn tỉnh đã có trên 76,85 nghìn suất quà với tổng trị giá hơn 38,11 tỷ đồng; trong đó, quà của Chủ tịch nước tặng 3.619 suất cho người có công với tổng trị giá 1,06 tỷ đồng; quả của Chủ tịch Quốc hội tặng 20 suất cho người có công với tổng trị giá 43 triệu đồng; ngân sách tỉnh tặng 49.791 suất quà, trị giá 25,88 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện tặng 1.967 suất quà, trị giá 0,98 tỷ đồng; ngân sách cấp xã tặng 2.306 suất quà trị, giá 0,49 tỷ đồng; các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và từ nguồn xã hội hóa tặng 19.151 suất quà với trị giá trên 9,6 tỷ đồng tặng cho các hộ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cán bộ công nhân viên chức và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,...

8.2. Y tế

Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Duy trì, đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng dịch COVID-19 cho nhân dân, tiêm mũi tăng cường, đặc biệt là đối với nhóm có nguy cơ cao (người có bệnh lý nền, người cao tuổi,...). Chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, cơ sở vật chất để tiêm phòng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Kết quả tiêm vắc xin COVID-19 tính đến ngày 16/03/2023, tổng số vắc xin đã nhận là 2.404.864 liều, tổng số mũi tiêm được là 2.361.008 mũi tiêm.

Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến: Quản lý chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, một số bệnh như tiêu chảy, thuỷ đậu,... xảy ra rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời, không để diễn biến thành dịch. Trong tháng Ba, phát hiện một số ổ dịch thủy đậu rải rác trên địa bàn 05 huyện, thành phố, thị xã (Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Sa Pa và TP Lào Cai) tổng số 225 ca mắc; 04 ổ dịch cúm tại các trường học của huyện Bảo Yên với 313 ca mắc. Hiện các ca bệnh đã ổn định, không có diễn biến nặng.

Khám chữa bệnh: Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tổng số khám chữa bệnh chung trong quý I/2023 là 337.279 lượt; khám chữa bệnh BHYT 162.306 lượt; trong đó, người nghèo là 19.573 người, Dân tộc thiểu số là 69.717 người, trẻ em dưới 6 tuổi 26.291 trẻ. Công suất sử dụng giường bệnh chung trong quý I đạt 80,84%; tại bệnh viện là 81,35%, tại PKĐKKV là 75,93%.

Phòng, chống HIV/AIDS: Duy trì các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS quản lý là 1.457 người, số bệnh nhân nhận thuốc 978 bệnh nhân. Quý I, phát hiện mới 05 người nhiễm HIV; số người nhiễm HIV còn sống là 1.688 người; không phát hiện bệnh nhân AIDS mới, luỹ kế 2.604 người.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP): Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP đối với 2.722 cơ sở sản xuât, kinh doanh thực phẩm, số cơ sở đạt là 2.673 cơ sở, chiếm 98,2%, xử lý hành chính 29 cơ sở.

Test nhanh 623 mẫu, 621 mẫu đạt; cấp 70 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tiếp nhận 141 hồ sơ tự công bố. Đảm bảo ATTP cho các sự kiện trên địa bàn tỉnh; test nhanh 32 mẫu; 31/32 mẫu đạt; kiểm tra độ sạch 40 mẫu bát đĩa, 100% mẫu đạt; trong quý không xảy ra ngộ độc thực phẩm cấp tính.

8.3. Giáo dục đào tạo

Trong quý, ngành giáo dục Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Trong đó, tổ chức thành công các Hội thảo như: Hội thảo cấp tỉnh về xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ trong các trường Tiểu học, năm học 2022-2023; Hội thảo xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ trong các trường THCS cấp tỉnh, năm học 2022-2023; Họp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Uu tú, Nhà giáo Nhân dân Sở GD&ĐT mở rộng lần thứ 16 năm 2023; Tổ chức tư vấn, hỗ trợ các dự án tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2022-2023; Tổ chức Hội thảo ôn thi tốt nghiệp và dạy học lớp 10 cấp tỉnh môn Ngữ văn; Tổ chức kỳ thi HSG quốc gia năm 2023, ...

Học sinh phổ thông Lào Cai đạt nhiều giải cao tại Cuộc thi khoa học quốc tế dành cho thanh thiếu niên 2023 tại Bali Indonesia: Cuộc thi có hơn 400 dự án thi ngôn ngữ thi là tiếng Anh, Ban tổ chức thi theo hình thức online và offline cho học sinh tiểu học, THCS và THPT thi tài. Cuộc thi thu hút nhiều quốc gia trên thế giới tham gi như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Arap,... Ngày 12/3/2023, Ban tổ chức công bố kết quả cuộc thi, Việt Nam có 6 đội tham, trong đó tỉnh Lào Cai có 4 đội tham gia và đạt 05 giải.

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023, tỉnh Lào Cai có 10 đội tuyển với 68 học sinh tham gia, trong đó có 44/68 học sinh đạt giải, gồm: 2 giải Nhất, 7 giải Nhì, 17 giải Ba và 18 giải Khuyến khích.

8.4. Hoạt động văn hóa thể thao

Lĩnh vực văn hóa: Tiếp tục thực tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực văn hoá, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm quảng bá rộng rãi các chương trình, sự kiện nổi bật của tỉnh (hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử năm 2023; Tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội và du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động, mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023).

Tiếp tục triển khai Chương trình dạy học và trải nghiệm bộ môn giáo dục địa phương cho các trường học trên địa bàn Lào Cai. Trưng bày tại Ngày Văn hóa Hàn Quốc; phối hợp với chuyên gia vùng Nouvelle (Aquitane – Pháp) triển khai thực hiện hoạt động đào tạo, số hóa không gian kiến trúc Dinh Hoàng A Tưởng tại huyện Bắc Hà. Tập luyện, biểu diễn Chương trình kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai và "Giao lưu hữu nghị Quốc tế Xuân 2023"; thực hiện biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp 20 buổi phục vụ cơ sở và nhiệm vụ chính trị.

Hoạt động thể thao: Công tác xây dựng và phát triển phong trào thể dục, thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì. Trong tháng 3, các vận động viên tham gia thi đấu đạt 01 giải thể thao thành tích cao cấp khu vực: Giải vô địch taekwomdo Đông Nam Á (Banila – Phillipines) giành 01 HCV; 04 giải thể thao thành tích cao toàn quốc; vô địch wushu Quốc gia (02HCV, 01HCB); vô địch thanh thiếu niên cử tạ Quốc gia (03HCV, 03HCB, 03HCĐ)./.


Cục Thống kê tỉnh Lào Cai

    Tổng số lượt xem: 383
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)