1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Sản xuất nông nghiệp
a) Trồng trọt
Cây lúa: Diện tích lúa mùa toàn tỉnh ước tính gieo cấy được 23.653,2 ha, giảm 0,92% so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân giảm do một số diện tích bị thu hồi phục vụ cho các công trình xây dựng cơ bản và làm đường giao thông, khu đô thị và một số diện tích kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng các cây trồng khác. Hiện nay, lúa mùa đang phát triển tốt; đối với lúa 1 vụ vùng cao: Trà sớm đang thu hoạch, trà chính vụ và trà muộn đang ngậm sữa - chín sáp. Đối với lúa mùa vùng thấp: Trà sớm đang trỗ bông - phơi màu; trà chính vụ và trà muộn đang đứng cái - trỗ đòng.
Do thời tiết nóng ẩm kéo dài, nên tình hình sâu bệnh vẫn xảy ra rải rác trên cây lúa, chủ yếu là các bệnh như đạo ôn cổ bông, bệnh rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh ruồi đục nõn, bệnh nghẹt rễ - vàng lá sinh, bọ xít dài, sâu đục thân, bệnh bạc lá, ốc biêu vàng,... gây hại nhẹ với mật độ và tỷ lệ thấp, phân bố rải rác tại các địa phương. Những diện tích bị nhiễm đã được phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 35.151 ha, giảm 3,46% so với cùng kỳ năm trước, diện tích ngô giảm do không hiệu quả, năng suất thấp, giá bán không cao, khó tiêu thụ nên người dân chuyển sang trồng chè và một số loại cây ăn quả. Hiện nay, ngô mùa sớm ở vùng cao đang hoạch, trà muộn đang trỗ cờ, phun râu.
Cây rau, đậu các loại: Hiện nay, các địa phương đang tập trung làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau, đậu các loại vụ mùa. Tổng diện tích gieo trồng rau các loại vụ mùa ước đạt 4.197,5 ha, giảm 2,90% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, các loại rau, đậu đang được chăm sóc và phát triển bình thường.
Cây chuối: Trong tháng, đã trồng mới được 191 ha; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 8.132 tấn, lũy kế 9 tháng ước đạt 72.971 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá bán trung bình từ 3.000-3.500đ/kg.
Cây Dứa: Cơ bản các địa phương đã thu hoạch xong, sản lượng lũy kế đạt 36.201 tấn, tăng 12,68% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ ổn định, giá bán dao động từ 3.500 - 4.000đ/kg.
Cây chè: Các địa phương đang tiếp tục chăm sóc, làm đất, đào rạch và chuẩn bị đủ chè giống cho kế hoạch trồng mới trong năm, đảm bảo đủ giống trồng 860 ha chè theo kế hoạch giao. Diện tích trồng mới trong tháng là 140 ha, lũy kế đạt 144 ha. Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 3.907 tấn, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 34.797 tấn. Tình hình tiêu thụ ổn định, giá thu mua chè thường dao động từ 6.000 - 8.000đ/kg; đối với chè chất lượng cao (Kim Tuyên) giá thu mua giao động từ 16.000 - 17.000đ/kg.
b) Chăn nuôi
Trong 9 tháng đầu năm 2022, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh dại, bệnh cúm gia cầm xảy ra rải rác trên địa bàn tỉnh[1], tuy nhiên, do thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Nhờ vậy, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định; các sản phẩm chăn nuôi (thịt, cá, trứng,...) đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt, dịch bệnh được khống chế kịp thời, không để bùng phát dịch.
- Đàn trâu ước hiện có đến tháng 9 năm 2022 là 107,48 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước giảm 5,27%; đàn bò ước hiện có 22,34 nghìn con, tăng 1,97%.
- Đàn lợn ước hiện có là 377,87 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,06%.
- Đàn gia cầm ước hiện có 7.218 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,97%; trong đó: đàn gà là 6.140 nghìn con, tăng 5,84%.
1.2. Lâm nghiệp
Lâm nghiệp đã thực sự khởi sắc, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bền vững từ rừng; lâm nghiệp đã tạo thành vùng hàng hóa tập trung như, Quế, Trẩu, Bồ Đề, Mỡ, Keo, Thông,...; đã hình thành các sản phẩm từ lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Ván dán, ván ghép thanh, viên nén mùn cưa, tinh dầu quế, quế thanh, quế ống điếu, nhựa cánh kiến trắng,... công tác bảo tồn đa dạng sinh học được quản lý tốt; hệ thống cơ sở chế biến lâm sản phát triển ổn định tạo điều kiện tiêu thụ lâm sản cho nhân dân.
Trồng rừng tập trung: Hiện nay các địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch. Công tác trồng rừng mới tập trung ước tháng 9 đạt 295 ha; lũy kế 9 tháng đạt 6.6014 ha, tăng 10,02% so với cùng kỳ.
Khai thác gỗ: Sản lượng gỗ khai thác tháng 9 đạt 17.280 m3, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 113.306 m3, tăng 8,65%.
Khai thác củi: Sản lượng củi khai thác trong tháng là 30.886 ste, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 317.559 ste, tăng 2,19%.
1.3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm cơ bản ổn định, các địa phương đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá; tăng cường công tác quản lý và cung ứng giống thuỷ sản trên địa bàn, 9 tháng đầu năm đã sản xuất và cung ứng giống thủy sản, cá hương, cá giống các loại đạt 20 triệu con, bảo đảm được 75% nhu cầu của tỉnh.
Dự ước diện tích thủy sản đang nuôi có đến tháng 9 năm 2022 là 2.530,13 ha. Sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng ước tính 767 tấn, tăng 7,42% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đầu năm sản lượng thu hoạch đạt 7.016 tấn, tăng 7,49%. Sản phẩm thủy sản của tỉnh chủ yếu một số loại cá như: cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính và một số cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi,...
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2022 tăng 6,78% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 11,57% của quý II. Trong đó, ngành sản xuất & phân phối điện tăng cao nhất với mức tăng 13,57% do trong kỳ có nhiều đợt mưa to, tạo điều kiện cho các thủy điện lớn huy động đủ công suất phát điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý & xử lý rác thải, nước thải tăng 12,77%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,63%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 5,78%.
Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số giảm 9,82% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 3,38 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,71%, đóng góp 4,87 điểm phần trăm; ngành điện và phân phối điện tăng 19,68%, đóng góp 5,39 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,83%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.
Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chủ số 9 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: Ngành khai thác quặng kim loại tăng 11,57%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,89%; sản xuất kim loại tăng 0,36%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 26,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,95 lần; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 42,97%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 24,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,41%;... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ngành khai khoáng khác giảm 32,51%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 28,42%; sản xuất đồ uống giảm 42,81%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 9,81%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 25,47%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 28,51%,...
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Chín tháng đầu năm 2022 một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Quặng sắt tăng 18,84%; quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 10,58%; quặng Felspar tăng 224,15%; dứa đóng hộp tăng 37,99%; ván ép từ gỗ tăng 42,18% ; phốt pho vàng tăng 25,69%; axit sunfuric tăng 12,01%; axit photphoric tăng 17,81%; photphat (DCP) tăng 11,4%; phân lân nung chảy tăng 17,65%; dược phẩm khác (cao atiso) tăng 32,77%; đồng ka tốt tăng 70,78%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 88,16%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít tăng 15,5%; điện sản xuất tăng 22,47%; điện thương phẩm tăng 8,46%; nước uống được tăng 2,86%. Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước như: Quặng Apatit giảm 33,16%; tinh bột sắn giảm 54%; bia hơi giảm 59,5; nước tinh khiết giảm 15,38%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 90,4%; gỗ lạng hoặc bóc giảm 100%; sản phẩm gỗ cốp pha giảm 77,6%; dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in giảm 9,59%; phân bón NPK giảm 6,24%; phân lân P2O5% giảm 28,07%; phân bón DAP giảm 15,84%; gạch xây dựng giảm 9,77%; bê tông tươi giảm 44,83%; xi măng giảm 100%; phôi thép giảm 62,46%; bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và chuyển động giảm 28,51%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 9/2022 so với tháng trước bằng 96,16%; so với cùng kỳ năm trước bằng 76,36%. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo bằng 84,69% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh làm ảnh hưởng tới tiêu thụ chung của toàn ngành như: Chế biến thực phẩm giảm 16,67%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 89,81%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 62,22%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 14,87%; sản xuất kim loại giảm 17,67%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 16,26%. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do trong kỳ một số đơn vị tập trung sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; giải quyết vấn đề xả thải bảo vệ môi trường,... Trong kỳ, chỉ có 02 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 296,44%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,17%.
Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2022 dự ước tăng 202,98% so với cùng thời điểm năm 2021; trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,09%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 199,61%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng gấp 8 lần; sản xuất kim loại tăng 3,46 lần; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 62,65%. Duy nhất có 01 ngành có chỉ số tồn kho giảm là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 51,08%. Qua đó cho thấy để giảm được chỉ số tồn kho, các doanh nghiệp cần tạo được các yếu tố tích cực như quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm,... tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022.
Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 9 năm 2022 tăng 0,06% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,03%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 0,18%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tăng. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng 9 giảm 1,11%. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước giảm 12,94%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,36%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 59,66%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 12,11%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,35%. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,13%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,53%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,46%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,16%.
3. Thương mại, dịch vụ
3.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 ước tính đạt 1.872,18 tỷ đồng, tăng 28,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.304,99 tỷ đồng, tăng 24,28%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 323,92 tỷ đồng, tăng 57,89%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,66 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ%; doanh thu dịch vụ khác đạt 232,61 tỷ đồng tăng 15,64% so với cùng kỳ 2021.
Quý III năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.533,99 tỷ đồng, tăng 34,89% so với cùng kỳ năm 2021. Xét theo ngành hoạt động; doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.884,85 tỷ đồng, tăng 31,16%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 937,66 tỷ đồng, tăng 71,56%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 25,54 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 685,93 tỷ đồng, tăng 16,78% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 15.713,87 tỷ đồng, tăng 26,06% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động; doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm ước tính đạt 11.136,83 tỷ đồng, chiếm 70,87% tổng mức và tăng 24,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 27,13%; may mặc tăng 6,01%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,44%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,42%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 27,12%; ô tô các loại tăng 18,76%; phương tiện đi lại (trừ ô tô kể cả phụ tùng) tăng 19,12%; xăng dầu các loại tăng 58,952%; nhiên liệu khác tăng (trừ xăng dầu) 45,30%; đá quý, kim loại quý tăng 7,17%; hàng hóa khác tăng 16,10%. Chín tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, đặc biệt là hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động kinh doanh vận tải, hoạt động cáp treo Fansipan hoạt động trở lại thu hút lượng khách lớn, cùng với đó, Trung tâm thương mại GO với quy mô lớn bắt đầu đi vào hoạt động từ 15/04/2022 thu hút được lượng khách lớn đến thăm quan, mua sắm, các Lễ hội được diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh; Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã thông quan trở lại, mở ra cơ hội thuật lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 2.630,61 tỷ đồng, chiếm 16,74% tổng mức và tăng 46,17% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 35,60 tỷ đồng, chiếm 0,23% tổng mức và tăng 78,64; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.910,82 tỷ đồng, chiếm 12,16% tổng mức và tăng 12,45% so với cùng kỳ năm 2021.
3.2. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách (HK): Tháng Chín ước tính đạt 736 nghìn HK, tăng 74,02% so với cùng kỳ năm trước và 30.773 nghìn HK.Km, tăng 7,73%. Ước thực hiện Quý III năm 2022, vận tải HK đạt 2.289 nghìn HK, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước và 93.294 nghìn HK.Km, tăng 56,90%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vận tải HK đạt 5.835 nghìn HK, tăng 45,40% so với cùng kỳ năm trước và 256.421 nghìn HK.Km, tăng 29,37%, trong đó, vận tải hành khách đường bộ đạt 5.514 nghìn HK, tăng 48,72% và 256.359 nghìn HK.Km, tăng 29,38%; đường thủy đạt 321 nghìn HK, tăng 5,15% và 62 nghìn HK.Km, tăng 5,98% so với cùng kỳ năm 2021.
Vận tải hàng hóa: Tháng Chín ước tính đạt 994 nghìn tấn, tăng 35,79% so với cùng kỳ năm trước và 45.490 nghìn tấn.km, tăng 59,30%. Quý III/2022 vận tải hàng hóa đạt 3.001 nghìn tấn, tăng 46,77% và 136.573 nghìn tấn.km, tăng 63,18% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, vận tải hàng hóa đạt 8.589 nghìn tấn, tăng 22,60% và 392.331 nghìn tấn.km, tăng 31,74% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng Chín ước đạt 372,21 tỷ đồng, tăng 61,57% so với cùng kỳ 2021; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 106,65 tỷ đồng, doanh thu vân tải hàng hóa đạt 183,55 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 82 tỷ đồng. Quý III/2022 tổng doanh thu vận tải đạt 1.128,29 tỷ đồng, tăng 77,78 so với cùng kỳ 2021; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 332,44 tỷ đồng, doanh thu vân tải hàng hóa đạt 549,52 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 246,33 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu vận tải đạt 3.030,36 tỷ đồng, tăng 36,68% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 777,77 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.518,14 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 734,44 tỷ đồng.
4. Chỉ số giá
4.1. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín tăng 0,76% so tháng trước, tăng 4,74% so với cùng tháng năm trước; tính chung 9 tháng đầu năm, CPI tăng 2,53% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Chín, có 06 nhóm giữ giá ổn định, có 02 nhóm tăng giá, 03 nhóm giảm giá và so với tháng trước.
- Nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm thuốc bị và đồ dùng gia đình; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (CPI=100).
- Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,36%; nhóm giáo dục tăng 23,88%.
- Nhóm có chỉ số giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,34%; nhóm giao thông giảm 1,55%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%.
CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,53% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Các yếu tố chính làm tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2022: (1) Nhu cầu tăng mạnh làm giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, gia cầm, rau quả tươi tăng cao vào những ngày trước và trong dịp Tết Nguyên đán. Dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động Lễ hội, cưới hỏi, ăn uống ngoài gia đình diễn ra bình thường sau khoảng thời gian bị hạn chế cũng là nguyên nhân làm mức tiêu thụ thực phẩm tăng cao, dẫn đến chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước, góp phần trong mức tăng chung của chỉ số CPI; (2) Giá đồ uống và thuốc lá tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước do, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá tăng; (3) Giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước do, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (xi măng, sắt thép, đá, cát sỏi) tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng; giá gas và các loại chất đốt đều tăng cao do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới; (4) Giá các đồ dùng thiết yếu như tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi tăng do, chi phí nguyên vật liệu sản xuất, xăng dầu tăng nên cơ sở tăng giá bán. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nguồn cung lao động, làm cho giá thuê người phục vụ gia đình tăng. Các yếu tố này tác động làm chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước; (5) Giá một số mặt hàng thuốc tăng do người dân sử dụng trong phòng và điều trị Covid-19, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước; (6) Giá xăng, dầu tăng do Bộ Công Thương điều chỉnh theo giá xăng, dầu thế giới, dù giảm nhiều phiên liên tiếp trong các tháng gần đây, nhưng bình quân chung chỉ số giá nhóm giao thông 9 tháng đầu năm vẫn tăng tới 10,59% so với cùng kỳ năm trước (giá xăng, dầu được điều chỉnh 3 lần trong tháng); (7) Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước do, học phí tăng theo quy định, đồng thời giá các mặt hàng bút viết, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu và chi phí sản xuất tăng; (8) Hoạt động du lịch khởi sắc trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giá các gói dịch vụ du lịch tăng, làm chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước; (9) Giá mặt hàng đồ trang sức tăng do ảnh hưởng của giá vàng tăng, làm cho nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,01% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có các yếu tố góp phần làm giảm CPI trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như: (1) Giá một số mặt hàng thực phẩm giảm do, nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm, thị trường tiêu thụ yếu; nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tăng khi vào vụ thu hoạch, hoạt động nhập khẩu hàng từ Trung Quốc tăng trở lại trong trạng thái bình thường mới của dịch Covid-19, góp phần làm giảm CPI chung; (2) Giá các mặt hàng quần áo may sẵn và giày dép giảm do, nhu cầu mua sắm của người dân không nhiều, các cơ sở kinh doanh giảm giá bán để thúc đẩy tiêu thụ, tác động làm chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,35% so với cùng kỳ năm trước; (3) Giá mặt hàng điện thoại di động giảm, do cơ sở kinh doanh tổ chức các chương trình khuyến mại để tăng doanh số, tác động làm chỉ số chung của nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,26% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng bình quân tháng Chín là 5.136.487 đồng/chỉ, giảm 1,97%; giá đô la Mỹ bình quân là 23.637 đồng/1 USD, tăng 0,48% do, ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.
4.3. Chỉ số giá sản xuất
Quý III năm 2022, giá các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai tuy có biến động ở một số sản phẩm do mùa vụ nhưng không biến động lớn, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý III/2022 tăng 3,63% so với qúy II/2022, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,56%. Trong đó: Nhóm các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 3,78% so với quý trước; nhóm các sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tang 0,39%; nhóm thủy sản khai thác, nuôi trồng có chỉ số giá tăng 10,48% so với quý trước.
Chỉ số giá sản xuất công nghiệp bình quân quý III/2022 tăng 1,77% so với quý trước, trong đó có 03 nhóm sản phẩm chính tăng giá và 01 nhóm sản phẩm chính giảm giá; nhóm có chỉ số tăng so với quý II gồm: Nhóm sản phẩm khai khoáng tăng 5,2%; điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,98%; nước tự nhiên, khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,63%; riêng nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số giảm 0,38% so với quý II năm 2022.
Chỉ số chung của nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2022 so với quý trước tăng 1,91%; Chỉ số chung của nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2022 so với quý trước giảm 1,64%; Chỉ số chung của nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng quý III/2022 so với quý trước giảm 1,74%.
5. Đầu tư và xây dựng
5.1. Đầu tư phát triển
Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai dự ước quý II năm 2022 đạt 5.689,78 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 6,97%; ước thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 15.647,53 tỷ đồng, tăng 0,92% so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể các nguồn vốn như sau:
Vốn nhà nước trên địa bàn: Nguồn vốn nhà nước trên địa bàn ước thực hiện quý III năm 2022 đạt 2072,31 tỷ đồng, giảm 30,54% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5.638,77 tỷ đồng, giảm 23,71% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm do thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn và do các chủ dự án còn chậm hoàn thiện hồ sơ thanh toán cho các nội dung công việc nhà thầu thi công đã có khối lượng thực hiện, công tác đấu thầu còn chậm tiến độ;….
Vốn ngoài nhà nước: Ước thực hiện quý III năm 2022 đạt 3.346,16 tỷ đồng, tăng 84,56% so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt 9.248,38 tỷ đồng, tăng 39,98% so cùng kỳ năm trước. Vốn ngoài nhà nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, do thực hiện chủ chương của tỉnh trong việc tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư; bên cạnh đó tỉnh đã tập trung triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường; các cấp, các ngành trong tỉnh đã cố gắng nỗ lực trong việc triển khai kế hoạch đầu tư, các nhà đầu tư tích cực giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư và giải ngân vốn đầu tư các công trình dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022.
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài: Ước thực hiện quý III năm 2022 đạt 271,31 tỷ đồng, giảm 79,44% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 760,38 tỷ đồng, giảm 49,53% so với cùng kỳ năm 2021.
Chín tháng đầu năm 2022, tỉnh Lào Cai thêm mới 06 dự án FDI. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,81 triệu USD; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch. Trong đó bao gồm: - 08 dự án thuộc lĩnh vực du lịch - dịch vụ với tổng mức đầu tư đăng ký 111,93 triệu USD; 15 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư đăng ký 570,15 triệu USD; 04 dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,72 triệu USD,…
Về tình hình thu hút, đầu tư: Mặc dù môi trường sản xuất kinh doanh của Lào Cai luôn được quan tâm cải thiện, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được thông xe toàn tuyến và đang được nâng cấp tiếp, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của khối các doanh nghiệp FDI trên địa bàn có sự tăng trưởng mạnh, nhất là các chỉ tiêu về doanh thu, thu ngân sách. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư FDI còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của Lào Cai, nguyên nhân là do: Những khó khăn vốn có của tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn, dân trí không đồng đều, cách xa các trung tâm đô thị lớn (thành phố Hà Nội), hệ thống cảng biển (Hải Phòng); mặc dù đường cao tốc đã đi vào vận hành, song chi phí vận chuyển vẫn tương đối cao; một số dự án lớn được các Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, mong muốn được đầu tư vào tỉnh, xong còn vướng các quy định của Chính phủ, các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương; công tác xúc tiến đầu tư bước đầu đổi mới, song cần những bước đột phá, mang tính chuyên nghiệp cao hơn, lấy hiệu quả làm tiêu chí, thước đo đánh giá hàng đầu.
5.2. Hoạt động xây dựng
Công tác quy hoạch xây dựng được đẩy mạnh về tiến độ và chất lượng thực hiện các quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị du lịch Sa Pa, Quy hoạch phân khu Khu du lịch Y Tý, Quy hoạch chung hai bên dọc sông Hồng,… Chín tháng đầu năm, một số công trình và hạng mục công trình chuyển tiếp đã hoàn thành như: Khu nhà ở tái định cư phường Bắc Lệnh; Dự án phát triển các đô thị loại vừa; Kè bảo vệ bờ sông biên giới khu vực mốc 104(2) + 500 đến mốc 104 + 3800 m phường Lào Cai, thành phố Lào Cai; Dự án Trung tâm Thương ᶆại - Siêu thị Go! Mall thành phố Lào Cai có tổng mức ᵭầų tư 305 tỷ đồng,… ngoài ra các công trình do các đơn vị ở Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công như: Đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa; Cảng hàng không Sa Pa,... bên cạnh đó dịch Covid 19 đến nay đã được kiểm soát nên các đơn vị tập trung thi công một số công trình mới cũng như các công trình chuyển tiếp từ năm trước sang như: Nút giao Phố Lu kết nối tỉnh lộ 152 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh; Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa; Dự án khu nhà ở thương mại và các công trình hỗn hợp - dịch vụ, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường đã được khởi công xây với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Trường Quốc tế Canada - Lào Cai với tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng, …
6. Một số vấn đề xã hội
6.1. Lao động, việc làm
a) Lao động: Chín tháng đầu năm, do đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế trở lại hoạt động bình thường vì vậy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tăng khá, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm đáng kể do nhu cầu thị trường lao động tăng.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý III năm 2022 ước có 418,32 nghìn người, tăng 6,89% so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm tính đến quý III năm 2022 ước tính khoảng 413,68 nghìn người; trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 209,43 nghìn người, chiếm 50,62%; công nghiệp và xây dựng 57,04 nghìn người, chiếm 13,79%; dịch vụ 147,21 nghìn người, chiếm 35,59%. Tỷ lệ thất nghiệp quý III năm 2022 ước tính là 1,72%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,44 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,51%, nông thôn là 1,13%.
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm mới được triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm, tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiến độ đạt chậm so với kế hoạch. Trong tháng 9/2022, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo được 1.008 người, lũy kế đào tạo được 8.549 người, đạt 77,7% kế hoạch.
b) Giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội
Trong tháng 9, giải quyết việc làm cho 877 lao động, trong đó có 330 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, giải quyết việc làm mới cho 12.948, đạt 99,6% kế hoạch, Trong đó: giải quyết việc làm qua vay vốn quỹ quốc gia là 4.340 lao động.
Triển khai có hiệu quả các hoạt động, tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên Đán năm 2022 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
6.2. Giáo dục
Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; tổ chức tốt công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng dạy học; chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức các hoạt động hè thiết thực bổ ích; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền, cảnh báo đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, đặc biệt là phòng tránh đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè; làm tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; tổ chức thành công hội nghị tổng kết năm học 2020-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới, chỉ đạo tổ chức Khai giảng năm học 2022-2023 và Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường; tổ chức hiệu quả các hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục,... Tỷ lệ thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp đạt 99,57%; công tác tuyển sinh mới đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99%; huy động trẻ 6-10 tuổi đạt 99%; trẻ 11-14 tuổi đạt 99%; huy động HS hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,7%. Cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo cho dạy và học; tích cực triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay có 390/602 trường đạt chuẩn, đạt 64,78%.
6.3. Văn hóa, thể thao
Lĩnh vực văn hóa: Chín tháng đầu năm 2022, dịch bệnh covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhờ đó mà các hoạt động văn hóa, thể thao, gia đình dần sôi động trở lại, đồng thời vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch theo yêu cầu của Chính phủ. Tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh như: Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 – SEAGAMES 31; 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 68 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Lào Cai lần thứ VII; 115 năm Ngày thành lập tỉnh Lào Cai, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII tại Lào Cai,... Trong 9 tháng đầu năm, các đội tuyên truyền lưu động thực hiện 800 buổi, đạt 82,05% kế hoạch; Trong đó phục vụ vùng sâu vùng xa 582 buổi, đạt 84,96% kế hoạch; thực hiện 69 buổi chiếu phim lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa, đạt 69% kế hoạch. Tiếp tục thực hiện 02/02 phim phóng sự, tài liệu. In sao phát hành đĩa phim; Dịch và lồng tiếng 26 chương trình tiếng dân tộc, đạt 81,25% kế hoạch.
Hoạt động thể thao: Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh đã được khôi phục trở lại, sôi nổi và rộng khắp, trong tháng 9 tập trung lực lượng cho các hoạt động tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII tại tỉnh Lào Cai. Đoàn vận động viên của tỉnh Lào Cai tham gia thi đấu ở cả 08 môn, chung cuộc giành giải nhất toàn đoàn với 09 HCV, 10 HB và 09 HCĐ. Tham gia thi đấu giải Vô địch Cờ vua thế giới U8, U10, U12 tại Batumi - Cộng hòa Georgia. Công tác xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì, tạo nguồn vận động viên cho tuyến tỉnh cũng như bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc.
6.4. Y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân
a) Công tác phòng chống dịch bệnh
- Phòng chống dịch Covid-19: Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”; Tích cực, chủ động trong giám sát, phát hiện, quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng liều vắc xin đã tiếp nhận là 2.203.044 liều, tổng liều vắc xin đã tiêm là 2.182.509 mũi, trong đó: Đối tượng từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi là 479.368 người, đạt 99,25%; mũi 3 là 396.856 người, đạt 92,24%. Đối tượng từ 12-17 tuổi được tiêm 2 mũi là 83.389 người, đạt 98,88%. Đối tượng từ 5-11 tuổi được tiêm mũi 1 là 112.242 người, đạt 95,91%; tiêm mũi 2 là 84.397 trẻ, đạt 72,12%.
- Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm: Quản lý chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, một số bệnh như tiêu chảy, quai bị,... xảy ra rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời, không để diễn biến thành dịch. Số phơi nhiễm dại được tiêm vắc xin trong 9 tháng là 866 phơi; tiêm huyết thanh kháng dại cho 149 người. Khám sàng lọc phát hiện bệnh Lao cho 6.498 bệnh nhân.
- Tiêm chủng mở rộng: Số trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong 9 tháng là 8.390 trẻ, đạt 66,8% kế hoạch năm; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai: 7.086 phụ nữ, đạt 56,6% kế hoạch; tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh: 6.313 phụ nữ, đạt 94%; công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến xảy ra.
- Đảm bản an toàn thực phẩm: Trong 9 tháng đầu năm thực hiện kiểm tra 5.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh, có 5.482 cơ sở đạt tiêu chuẩn; phát hiện, xử lý hành chính 69 cơ sở. Thực hiện giám sát đảm bảo ATTP tại các sự kiện diễn ra trên địa bàn (Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022, Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW,...). Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm làm 18 người mắc, không có trường hợp tử vong.
b) Công tác khám, chữa bệnh
Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tổng số lượt khám chữa bệnh chung trong 9 tháng đầu năm là 1.694.786 lượt; khám chữa bệnh BHYT là 560.591; trong đó, người nghèo là 72.016 lượt; Dân tộc thiểu số là 304.653 lượt; trẻ em dưới 6 tuổi là 63.091 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh 9 tháng đầu năm đạt 91,32% (tại bệnh viện là 93,16%, tại phòng khám ĐKKV là 73,07%).
6.5. Tai nạn giao thông
Tháng Chín, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 9/2022 xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông; trong đó, đường bộ xẩy ra 09 vụ, đường thủy 01 vụ, làm 6 người chết và 9 người bị thương. Trong quý III/2022 xẩy ra 18 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông; trong đó, đường bộ xẩy ra 17 vụ, đường thủy 01 vụ, làm 10 người chết và 16 người bị thương; so với quý trước, số vụ tăng 28,57%; số người chết tăng 42,85%, số người bị thương giảm 11,11%; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông tăng 20%; số người chết tăng 66,66%; số người bị thương giảm 20%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm 26 người chết và 56 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 17,39%; số người chết tăng 36,84%; số người bị thương tăng 33,33%.
Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người quy định, kiểm tra nồng độ cồn. Trong tháng, đã lập biên bản xử lý 916 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 367 phương tiện các loại, tước 269 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 3,56 tỷ đồng./.
[1]DTLCP xảy ra tại 13 hộ/09 thôn/05 xã thuộc huyện Mường Khương, huyện Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa làm 117 con lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng phải tiêu hủy; khối lượng tiêu hủy 2.523 kg. Bệnh Cúm gia cầm: Trong tháng 9 dịch bệnh không phát sinh; lũy kế trong 09 tháng đầu năm Dịch bệnh xảy ra tại 01 hộ thuộc huyện Bát Xát, làm 730 con gia cầm mắc bệnh, chết và cùng đàn phải tiêu hủy; 06 mẫu dương tính với bệnh dại, một số loại dịch bệnh thông thường trên đàn vật nuôi như tiêu chảy, tụ huyết trùng, Newcastle, gumboro ... xảy ra rải rác.
Cục Thống kê tỉnh Lào Cai