(MPI) - Ngày 10/7/2020, Hội thảo trực tuyến “Quản lý chuỗi cung ứng hậu Covid-19” do Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Úc, Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Đức và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Nhật phối hợp tổ chức đã diễn ra trên nền tảng Zoom.
|
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Hội thảo tập trung vào những vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải trong quản lý chuỗi cung ứng khi đương đầu với đại dịch Covid-19. Cùng với đó, các chuyên gia khách mời sẽ chia sẻ những ý kiến đánh giá, giải pháp thực tiễn cần được triển khai và ứng dụng nhằm giải quyết những tác động của dịch bệnh Covid-19 và quản lý rủi ro trong tương lai.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Toàn cầu được thành lập bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như giới khởi nghiệp người Việt tại nước ngoài có thể kết nối, chia sẻ và hợp tác trên nền tảng kinh nghiệm, kỹ năng về khoa học công nghệ trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Mạng lưới sáng tạo Việt Nam - Đức, GS. Nguyễn Xuân Thính cho biết, đây là lần đầu tiên, 3 mạng lưới sáng tạo Nhật - Đức - Úc ở 3 quốc gia khác nhau đã cùng tổ chức hội thảo về chủ đề đang rất được quan tâm. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ hợp tác tốt hơn và chặt chẽ hơn, thực hiện được nhiều dự án và có những chương trình mà tăng cường hoạt động Đổi mới sáng tạo trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức, Nhật, Úc cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức được ra mắt ngày 14/9/2019 với sự ủng hộ rất nhiệt tình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức với khoảng 180 nghìn người tham gia, trong đó có rất nhiều người là các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nhân của các tập đoàn lớn tại CHLB Đức như là Siemens, Bloomberg… Có nhiều người thành công.
“Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường tốt để phát minh công nghệ mới và đối mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như văn hóa xã hội, y tế, môi trường. Chúng tôi muốn tạo cầu nối liên kết các nhà khoa học tại Việt Nam và Đức với toàn cầu để trao đổi chuyên sâu về khoa học công nghệ, ứng dụng chuyên sâu trong nước, nâng cao năng lực sáng tạo. Chúng tôi tăng cường thu thập nắm bắt các thông tin chuyên sâu và mới nhất về khoa học công nghệ tiên tiến, tích cực tham gia vào việc tư vấn và chuyển giao công nghệ phù hợp cho thị trường Việt Nam. Làm đầu mối cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tập đoàn Đức. Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ các bạn sinh viên các bạn tri thức người Việt gốc việt tại CHLB Đức trong việc học tấp nghiên cứu và hòa nhập vào môi trường xã hội tại CHLB Đức” - GS. Nguyễn Xuân Thính nói.
Cũng tại Hội thảo, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nhật V Join cho biết, V Join được xây dựng để kết nối hỗ trợ các giải pháp công nghệ và kỹ thuật tại hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. V Join hướng đến việc xây dựng một nền tảng đổi mới sáng tạo mở, là cầu nối giữa các chuyên gia, trí tuệ Nhật Bản với các doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ Việt Nam nhằm cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo trong thực tiễn… những công nghệ tiên tiến sẵn có của Nhật Bản sẽ được áp dụng thực tiễn tại Việt Nam thông qua nguồn tri thức của cả hai quốc gia.
Vjoin có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới tri thức tại Nhật Bản, người Việt Nam và người Nhật Bản tại Nhật Bản cũng như kết nối các ngành công nghiệp, công nghệ, kết nối mạng lưới nghiên cứu học thuật, các viện, trường, các sự kiện đối thoại giữa hai quốc gia. Đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ, cung cấp mạng lưới nhân lực…, hỗ trợ NIC Việt Nam, tìm kiếm học bổng cho sinh viên Việt Nam, trao đổi sinh viên giữa hai nước và giới thiệu và cung cấp chuyên gia Nhật Bản cho Việt Nam.
Phát biểu từ đầu cầu Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan sáng lập của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ rất nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các giải pháp liên quan đến tài chính, sửa đổi cơ chế chính sách liên quan đến các vấn đề khởi sự doanh nghiệp.
Hội thảo giúp cung cấp nhiều thông tin phong phú, đa chiều để Bộ kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thêm các thông tin và đề xuất thêm giải pháp cho Chính phủ từ các hoạt động thực tế của doanh nghiệp, tập trung vào việc phát triển thúc đẩy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sau Covid - 19./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư