Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Ninh Bình
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu dẫn đến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Ở trong nước, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân do đó làm ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân áp dụng các biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng trong điều kiện tình hình mới trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Chỉ tiêu tổng hợp
Tổng sản phẩm xã hội [1](GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh tăng 3,85%, đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp nhất từ năm 2015 đến nay.[2] Khu vực I (Nông, lâm nghiệp & thủy sản), khu vực II (Công nghiệp - xây dựng) vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Riêng khu vực III (Dịch vụ) giảm sút so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 19.180,4 tỷ đồng, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra theo khu vực kinh tế: Khu vực I (Nông, lâm nghiệp & thủy sản) đạt 2.347,6 tỷ đồng, tăng 2,17%; khu vực II (Công nghiệp - xây dựng) đạt gần 7.592,8 tỷ đồng, tăng 11,04% (riêng công nghiệp đạt 6.181,5 tỷ đồng, tăng 10,84%); khu vực III (Dịch vụ) đạt 6.330,2 tỷ đồng, giảm 3,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2.909,8 tỷ đồng, tăng 6,04%.
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 (theo giá hiện hành) ước tính đạt gần 29.655,5 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp & thủy sản đạt 3.773,4 tỷ đồng, chiếm 12,72%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 11.536,0 tỷ đồng chiếm 38,90%; khu vực dịch vụ đạt 10.186,4 tỷ đồng, chiếm 34,35%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) đạt 4.159,7 tỷ đồng chiếm 14,03%.
2. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, ngành thủy sản tăng trưởng khá, ngành nông nghiệp và lâm nghiệp sản xuất ổn định. Tuy nhiên chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng và khắc phục hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, chi phí chăn nuôi tăng cao; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản.
2.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2020 ước đạt gần 57,4 nghìn ha, giảm 1,8% (-1,1 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Diện tích cây lương thực có hạt đạt 44,1 nghìn ha, giảm 1,3% (-0,6 nghìn ha); riêng diện tích lúa đạt trên 40,2 nghìn ha, giảm 0,9% (-0,4 nghìn ha). Kết quả sản xuất vụ đông xuân một số cây trồng chủ yếu như sau:
Cây lúa vụ đông xuân: Theo đánh giá sơ bộ, ước tính năng suất lúa vụ đông xuân bình quân toàn tỉnh đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,4% (-0,3 tạ/ha); sản lượng lúa ước đạt gần 267,6 nghìn tấn, giảm 1,4% (-3,7 nghìn tấn) so với cùng vụ năm trước.
Cây ngô: 6 tháng đầu năm nay diện tích ngô đạt 3,9 nghìn ha, giảm 5,4% so cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 37,4 tạ/ha, tăng 2,2% (+0,8 tạ/ha); sản lượng ước đạt 14,6 nghìn tấn, giảm 3,1%. (-0,5 nghìn tấn).
Tính chung lại: Sản lượng lương thực có hạt 6 tháng đầu năm nay ước đạt gần 282,2 nghìn tấn, giảm 1,5% (-4,2 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Cây rau đậu và cây công nghiệp: Diện tích cây rau đạt trên 7,4 nghìn ha, giảm 1,1% (-0,08 nghìn ha); diện tích cây đậu đạt 133,9 ha, giảm 3,5% (-4,8 ha). Sản lượng rau ước đạt 146,2 nghìn tấn, tăng 1,3% (+1,9 nghìn tấn); sản lượng đậu ước đạt 201,4 tấn, tăng 15,2% (+26,6 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây công nghiệp đạt trên 3,1 nghìn ha, giảm 3,5% (-0,1 nghìn ha).
Diện tích cây lâu năm 6 tháng đầu năm nay ước đạt gần 7,2 nghìn ha, tăng 0,7% (+52 ha) so với 6 tháng đầu năm 2019, trong đó diện tích cây ăn quả ước đạt 6,5 nghìn ha, tăng 0,8% (+51 ha). Sản lượng thu hoạch một số cây trồng lâu năm tăng so với cùng kỳ như: Vải ước đạt gần 2,3 nghìn tấn, tăng 30,1% (+0,5 nghìn tấn); dứa ước đạt gần 36,0 nghìn tấn, tăng 9,2% (+3,0 nghìn tấn); chuối ước đạt gần 10,7 nghìn tấn, tăng 1,5% (+0,2 nghìn tấn);...
b. Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 gặp một số khó khăn khi nguồn cung giống thiếu hụt và sau một thời gian dịch tả lợn châu Phi kéo dài, đa số các hộ chăn nuôi đều gặp khó khăn về kinh phí tái đàn; mặt khác giá con giống cao, trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin và thuốc điều trị dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình chăn nuôi, nên người chăn nuôi vẫn rất thận trọng trong việc đầu tư tái đàn.
Ước tính đến nay đàn trâu toàn tỉnh đạt 12,7 nghìn con, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 36,9 nghìn con, giảm 0,1%; đàn lợn gần 216,4 nghìn con, giảm 9,7% (-23,3 nghìn con); đàn gia cầm gần 6,0 triệu con, tăng 8,5% (+0,5 triệu con).
Tính đến ngày 17/6/2020 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 ở 3 huyện: Huyện Yên Mô, huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn với tổng số lượng tiêu hủy là 12,5 nghìn con gia cầm. Công tác phòng trừ dịch bệnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, kiểm tra, giám sát và quản lý việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng như phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ và chủ động tiêm phòng vắc xin, khử độc, tiêu trùng chuồng trại giúp các hộ yên tâm chăn nuôi.
2.2. Lâm nghiệp
Ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm 2020 đạt 112 ha, tăng 23,1% (+21,0 ha); sản lượng gỗ khai thác ước đạt gần 12,5 nghìn m3, tăng 6,7% (+0,8 nghìn m3); sản lượng củi ước đạt trên 17,1 nghìn ste, tăng 4,1% (+0,7 nghìn ste).
Công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được quan tâm thường xuyên, trong 6 tháng đầu năm không xảy ra cháy, chặt phá rừng trái phép cũng như buôn bán động vật quý hiếm.
2.3. Thủy sản
Tình hình sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 có mức tăng trưởng khá. Sản lượng thuỷ sản ước đạt gần 28,1 nghìn tấn, tăng 8,6% (+2,2 nghìn tấn); trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 24,7 nghìn tấn, tăng 9,4% (+2,1 nghìn tấn); sản lượng thuỷ sản khai thác đạt trên 3,3 nghìn tấn, tăng 3,0% (+ 98 tấn). Sản lượng cá đạt trên 16,1 nghìn tấn, tăng 5,8% (+0,9 nghìn tấn); sản lượng tôm đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 14,0% (+84 tấn); sản lượng thuỷ sản khác đạt gần 11,3 nghìn tấn, tăng 12,5% (+1,3 nghìn tấn).
3. Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, vừa phòng chống dịch. Thêm vào đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Một số doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất và gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên đã bố trí cho người lao động sản xuất luân phiên, hoặc cho người lao động ngừng việc và trả lương trong thời gian ngừng việc (theo mức lương cơ bản hoặc trả từ 50%-80% mức lương cơ bản).
Các sản phẩm công nghiệp 6 tháng đầu năm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước gồm: Dứa đóng hộp 3.502 tấn, gấp 2,1 lần; nước dứa tươi 1.142 nghìn lít, tăng 52,1%; giày dép các loại 17.378 nghìn đôi, tăng 18,2%; các sản phẩm bằng vật liệu tết bện 30,2 triệu cái, tăng 23,4%; kính xây dựng 229,8 nghìn tấn, tăng 32,7%; thép cán đạt 146,9 nghìn tấn, tăng 3,8%; thanh nhôm, que nhôm ở dạng hình đạt trên 17,6 nghìn tấn, tăng 72,5%; cấu kiện tháp, cột bằng sắt, thép bắt chéo nhau 7,7 nghìn tấn, tăng 96,6%; cần gạt nước ô tô 3,3 triệu cái, tăng 16,8%; điện sản xuất 451,2 triệu Kwh, tăng 10,1%; nước máy thương phẩm gần 17,3 triệu m3, tăng 3,5%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là: Modul camera đạt 71,8 triệu cái, giảm 16,2%; linh kiện điện tử 89,3 triệu sản phẩm, giảm 27,0%; xe ô tô 5-14 chỗ lắp ráp 28,7 nghìn chiếc, giảm 9,5%; xe ô tô chở hàng hóa 440 chiếc, giảm 20,1%; tai nghe điện thoại di động 7,4 triệu cái, giảm 15,3%; quần, áo các loại gần 37,1 triệu cái, giảm 23,8%; găng tay 3.945,0 nghìn đôi, giảm 21,2%; đạm urê 201,7 nghìn tấn, giảm 18,9%; phân lân nung chảy đạt 53,0 nghìn tấn, giảm 31,6%; ngô ngọt đóng hộp 1.636,0 tấn, giảm 50,5%; hàng thêu 563,9 nghìn m2, giảm 23,1%...
4. Vốn đầu tư phát triển
Ước tính vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 đạt 10.672,5 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó so với cùng kỳ năm trước: Vốn ngân sách Nhà nước đạt 1.098,6 tỷ đồng, tăng 71,5%; vốn tín dụng 184,1 tỷ đồng, gấp 12,8 lần; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 343,4 tỷ đồng, gấp 4,9 lần; vốn ngoài Nhà nước đạt 8.098,6 tỷ đồng, giảm 7,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 837,8 tỷ đồng, giảm 20,4%.
5. Các ngành dịch vụ
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ phải có Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, nên các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải và xuất, nhập khẩu hàng hóa đều bị ảnh hưởng đáng kể. Tháng Tư trên địa bàn tỉnh các cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách, các dịch vụ không thiết yếu khác phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian 01/4/2020-24/4/2020. Bên cạnh đó người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường toàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay đạt 15.730,7 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện gần 13.011,4 tỷ đồng, giảm 8,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống gần 1.626,7 tỷ đồng, giảm 23,9%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 63,7%; doanh thu các ngành dịch vụ khác gần 1.090,0 tỷ đồng, giảm 10,3%.
5.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên thị trường toàn tỉnh tháng 6/2020 tăng 0,63% so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất, tăng 5,32% (nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào các ngày 28/5/2020 và 12/6/2020 làm giá xăng, dầu tăng 14,25%); tiếp theo nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,31% chủ yếu do giá gas trong tháng tăng 8,57% và giá dầu hỏa tăng 17,08%, thêm vào đó do tháng Sáu thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng cao dẫn đến giá điện sinh hoạt bình quân trong tháng tăng 4,61%, giá nước sinh hoạt tăng 3,59%...
Tính chung lại, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 6/11 nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 15,55% (Lương thực tăng 9,03%; thực phẩm tăng 19,86%; ăn uống ngoài gia đình tăng 9,07%); giáo dục tăng 3,9%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,45%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,53%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,26%. Các nhóm (5 nhóm) có chỉ số giảm, cụ thể: Nhóm giao thông giảm 8,04%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 4,62%; bưu chính viễn thông giảm 2,52%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,76%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,52%.
5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu đi lại, vận chuyển giảm mạnh, bên cạnh đó việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, taxi, hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe du lịch đều phải tạm ngừng hoạt động từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 22/4/2020.
Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm ước đạt trên 7,4 triệu lượt khách, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng luân chuyển hành khách ước thực hiện trên 391,9 triệu lượt khách.km, giảm 26,5%.
Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm nay ước đạt gần 23,8 triệu tấn, giảm 7,5% so với 6 tháng đầu năm 2019. Khối lượng luân chuyển hàng hóa 6 tháng ước thực hiện gần 3.314,0 triệu tấn.km, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm trên 2.824,5 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Vận tải hành khách ước thực hiện gần 310,1 tỷ đồng, giảm 21,6%; vận tải hàng hóa trên 2.387,5 tỷ đồng, giảm 6,2%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện gần 126,1 tỷ đồng, giảm 30,9%; doanh thu bưu chính, chuyển phát 802 triệu đồng, giảm 2,7%.
5.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ… nên các quốc gia này đã áp dụng các biện pháp như phong tỏa, cách ly toàn xã hội, dừng các hoạt động xuất nhập cảnh và xuất, nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu…nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 990,4 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Quần áo các loại đạt 90,2 triệu USD; xi măng, clanke đạt 205,0 triệu USD; giầy dép các loại đạt 171,3 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại 424,1 triệu USD; linh kiện điện tử 30,5 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm sút mạnh như: Camera và linh kiện điện thoại 62,9 triệu sản phẩm, giảm 29,5%; quần áo các loại 15,1 triệu chiếc, giảm 36,1%; hàng thêu ren 45,9 nghìn chiếc, giảm 73,4%; xi măng, clanke 5.405,1 nghìn tấn, giảm 5,6%; kính quang học 578,8 nghìn chiếc, giảm 51,9%; túi nhựa 757,0 tấn, giảm 38,6%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm xuất khẩu vẫn tăng khá như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 7,5 nghìn tấn, gấp 2,2 lần; giầy dép các loại 18,4 triệu đôi, tăng 24,7%; thảm cói 33,8 nghìn m2, gấp gần 3,9 lần; cần gạt nước 4.560 nghìn chiếc, tăng 64,5%; đồ chơi trẻ em 4.396,0 nghìn chiếc, tăng 10,5%; phôi nhôm 8,0 nghìn tấn, tăng 21,6%...
Nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1.281,3 triệu USD, giảm 9,2% so với 6 tháng năm 2019. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Linh kiện điện tử 579,3 triệu USD; linh kiện ô tô đồng bộ các loại 383,7 triệu USD; vải may mặc 32,5 triệu USD; phụ liệu may mặc 69,1 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 93,2 triệu USD.
5.5. Du lịch
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch trong thời gian 13/3/2020-27/4/2020. Thêm vào đó, do tâm lý lo ngại dịch bệnh nên người dân cũng hạn chế đi du lịch, do đó mặc dù là mùa cao điểm nhưng 6 tháng đầu năm nay lượng khách đến các điểm du lịch tại Ninh Bình giảm mạnh.
Ước tính số lượng khách đến các điểm thăm quan du lịch trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 1.508,8 nghìn lượt, giảm 72,0% so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó: Khách trong nước ước đạt trên 1.343,9 nghìn lượt, giảm 72,8%; khách quốc tế gần 164,9 nghìn lượt, giảm 63,6%. Số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên 189,9 nghìn lượt khách, giảm 56,9%; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 257,5 nghìn ngày khách, giảm 56,1%.
Doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm nay ước thực hiện gần 812,3 tỷ đồng, giảm 65,1% so với cùng kỳ năm trước.
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI
Trong 6 tháng đầu năm nay, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 việc thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc nhằm tránh lây lan dịch bệnh đã gây bất tiện trong sinh hoạt, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là các hoạt động kinh doanh dịch vụ, làm giảm thu nhập của một bộ phận dân cư, một số lao động mất việc làm hoặc việc làm không ổn định. Trước tình hình đó công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm góp phần giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
1. Dân số, lao động và việc làm
Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 7,2 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động 0,6 nghìn trường hợp; tổ chức đào tạo nghề cho trên 7,1 nghìn lao động.
Tính đến ngày 15/5/2020, toàn tỉnh có 546 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với trên 29 nghìn người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó: Số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 5.287 người; số lao động phải ngừng việc là 9.286 người và 14.522 người làm việc cầm chừng, không đủ việc làm; số doanh nghiệp có lao động phải ngừng việc là 445 doanh nghiệp; 42 doanh nghiệp có lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động và ngừng việc.
Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhìn chung các doanh nghiệp đã dần ổn định sản xuất, kinh doanh và người lao động trở lại làm việc bình thường.
2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội.
Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Một bộ phận người dân giảm thu nhập do mất việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, thậm chí phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, Tuy nhiên, do có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, các cấp, ngành địa phương cũng như sự chung tay của toàn xã hội trên tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” nên đã khắc phục được khó khăn, ổn định cuộc sống, đến nay toàn tỉnh không có hộ dân nào bị thiếu đói.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết và hỗ trợ cho cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19... Tính đến ngày 24/6/2020[4], tổng số kinh phí thăm, tặng, hỗ trợ gần 176.426 triệu đồng, tặng cho 274.396 lượt đối tượng. Cụ thể: Thăm hỏi, tặng quà trong dịp tết Canh Tý 2020 với tổng kinh phí 58.244 triệu đồng cho 174.739 đối tượng; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 118.182 triệu đồng cho 99.657 đối tượng. Hoàn thành xây mới 20 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà, nguồn vốn hỗ trợ trích từ “Quỹ vì người nghèo” của tỉnh. Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 7.898 hộ nghèo được kịp thời, đúng quy định, với định mức hỗ trợ là 54 nghìn đồng/hộ/tháng; cấp phát 298.237 thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, những người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn (người dân tộc thiểu số, và những người sống tại vùng bãi ngang ven biển).
3. Công tác giáo dục, đào tạo
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, rà soát, tinh giản nội dung dạy học, triển khai các hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình đảm bảo nội dung chương trình và kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức dạy học từ xa đối với học sinh lớp 9 THCS trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình. Các hệ thống học trực tuyến cũng được tổ chức miễn phí để các trường, các thầy cô, học sinh và phụ huynh có thể sử dụng kho bài giảng, bài tập thực hành và bài kiểm tra trực tuyến.
Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020, tại Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình có 71 học sinh của tỉnh dự thi 10 môn. Kết quả: Có 46 thí sinh đoạt giải chiếm 64,79%; trong đó có 8 giải Nhì, 20 giải Ba, 18 giải Khuyến Khích.
Tổ chức thi chọn học sinh giỏi, học viên giỏi lớp 12 cấp tỉnh, tổng số 913 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 840 thí sinh hệ THPT đăng ký dự thi). Kết quả 377 thí sinh đoạt giải (14 giải Nhất, 89 giải Nhì, 124 giải Ba và 150 giải Khuyến khích).
Tổ chức thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, có 98 dự án dự thi (32 dự án của 8 Phòng Giáo dục và Đào tạo; 66 dự án của 23 trường THPT). Kết quả: Có 59 dự án đoạt giải, trong đó có 04 giải Nhất, 19 giải Nhì, 20 giải Ba và 16 giải Tư.
4. Y tế
Trước sự lây lan và bùng phát mạnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Covid - 19 (nCov), công tác phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả. Toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự đồng lòng của nhân dân toàn tỉnh tích cực tham gia phòng, chống dịch, với tinh thần, trách nhiệm cao và sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Tỉnh đã hỗ trợ tiền ăn thêm cho mỗi công dân về cách ly tại tỉnh 23.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ khẩu trang, phun thuốc khử khuẩn, cồn rửa tay, trang bị bảo hộ, hỗ trợ nhân lực là các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế trực 24/24 để trực tiếp phân loại các công dân Việt Nam được đưa về cách ly tại các địa điểm trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 25/6/2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận, cách ly, theo dõi 7.141 trường hợp. Trong đó: Cách ly tại cơ sở y tế là 374 trường hợp; cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung là 2.748 trường hợp; cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú là 4.019 trường hợp. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 14 ca dương tính với SARS-COV-2 (đã điều trị khỏi và xuất viện 13 trường hợp, đang điều trị 01 trường hợp).
Trong 6 tháng đầu năm nay các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã khám bệnh cho gần 494,0 nghìn lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho 69,2 nghìn lượt bệnh nhân.
Đến hết 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 97 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ và 01 vụ có 05 người bị ngộ độc, không có trường hợp nào bị tử vong; 18 ca mắc chân tay miệng; 266 ca mắc thủy đậu; 19 ca sốt xuất huyết.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong 5 tháng đầu năm phát hiện mới 29 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 38 trường hợp, có 09 trường hợp tử vong do AIDS.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do đó nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn toàn tỉnh không tổ chức hoặc lùi ngày tổ chức các lễ hội trong năm Du lịch Quốc gia 2020. Tuy nhiên trước và sau đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra với nhiều nội dung thiết thực từ tuyên truyền cổ động trực quan đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương.
Phong trào thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán cổ truyền, các giải thể thao quần chúng được tổ chức trong 6 tháng đầu năm như: Tổ chức giải Bóng chuyền và Hội vật mừng xuân Canh Tý 2020 tại sân vận động công cộng thành phố Ninh Bình; tổ chức thi đấu giải giao hữu Quần vợt đầu xuân; phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước và giải bơi học sinh, thiếu niên, nhi đồng “Đường đua xanh” năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Đối với thể thao thành tích cao: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế tạm dừng, các huấn luyện viên chủ yếu duy trì đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên các lớp năng khiếu và các đội tuyển tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Bên cạnh đó vẫn tổ chức được giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư lần thứ XIV năm 2020 tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh và cử các đoàn vận động viên đi tham dự một số giải thi đấu tại các tỉnh, thành phố.
6. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường tuyên truyền, đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nghiêm các nội dung trong Nghị định, đặc biệt là quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã và xử lý 20.868 trường hợp vi phạm; tạm giữ 2.980 phương tiện các loại; phạt tiền 29,45 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác bảo đảm trật tự ATGT có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 14 người và bị thương 58 người (giảm 06 vụ, giảm 01 người chết so với 06 tháng đầu năm 2019); xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 01 người chết; xảy ra 202 vụ phạm pháp hình sự với 465 đối tượng (tăng 44 vụ và tăng 307 đối tượng); phát hiện 130 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy với 143 đối tượng (giảm 124 vụ và giảm 164 đối tượng)./.
Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình