Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/07/2020-14:57:00 PM
Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 7 và 7 tháng năm 2020

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 7/2020

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Tháng 7 năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh. Với tình hình đó, quá trình hồi phục nền kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề về nhiều mặt, đặc biệt là đối với những lĩnh vực về thương mại, du lịch và đầu tư nước ngoài.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, trong việc phòng, chống dịch bệnh, tình hình dịch ở nước ta thời gian qua đã cơ bản được kiểm soát, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong hơn 2 tháng qua. Nhờ đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế. Sang tháng 7 năm 2020, các hoạt động đời sống, kinh tế xã hội trong nước đã dần được khôi phục, những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19 đang được triển khai và bắt đầu có những hiệu quả nhất định. Có thể nhận thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới và quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 7/2020 là 13.200 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 239.297 tỷ đồng, tăng 6,9% về số doanh nghiệp và tăng 71,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, giảm 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 72,0% về vốn đăng ký so với tháng 6/2020. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2020 là 91.367 người, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 8,7% so với tháng 6/2020.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7/2020 tiếp tục gia tăng với tỷ lệ cao sau thời kỳ giảm sút ở những tháng đầu năm, thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tháng 7/2020 ghi nhận 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 3,2% so với tháng 6/2020. Số liệu của các tháng trước thể hiện, ngay sau khi Chính phủ thực hiện biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã gia tăng mạnh mẽ và tiếp tục duy trì ổn định. Có thể nhận thấy rằng, các doanh nghiệp phản ứng và thích nghi khá nhanh với những biến đổi của tình hình kinh tế - xã hội.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Bên cạnh những tín hiệu tích cực đến từ số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thì số liệu về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục thể hiện những ảnh hưởng dai dẳng của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, và doanh nghiệp đã giải thể tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019. Khi so sánh với tháng 6/2020, chỉ duy nhất số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể có xu hướng giảm.

2.1. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 7/2020 là 3.372 doanh nghiệp, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4,8% so với tháng 6/2020.

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 7/2020 là 3.068 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 20,2% so với tháng 6/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.504 doanh nghiệp, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 9,9% so với tháng 6/2020. Số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể giảm so với tháng 6/2020 cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần mang lại hiệu quả. Trong thời gian tới, dự kiến số lượng doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể sẽ có xu hướng giảm dần nếu các chính sách của Chính phủ tiếp tục được thực hiện tốt và tình hình dịch bệnh trên thế giới có những chuyển biến tích cực.

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020

Tình hình phát triển của doanh nghiệp trong tháng 7/2020 đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Tuy nhiên, khoảng thời gian kể từ khi nước ta thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đến nay vẫn còn ngắn và những chính sách đưa ra mới chỉ bắt đầu triển khai và đa phần cần thời gian để thực hiện. Chính vì vậy, nhìn chung tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm, thể hiện qua sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số lao động đăng ký và sự gia tăng của doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn. So sánh số liệu với thời điểm những tháng đầu năm, có thể nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực đang có dấu hiệu chững lại trong ngắn hạn. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được duy trì kiểm soát tốt như hiện nay và tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong thời gian tới.

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 75.249 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 chưa từng ghi nhận sự sụt giảm nào về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tỷ lệ tăng trung bình là 13,7%. Sự sụt giảm về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2020.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng thu hẹp quy mô đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2020 là 2.094.800 tỷ đồng (giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 936.386 tỷ đồng (giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 1.158.414 tỷ đồng (giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2019) với 20.957 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Trong đó, Xây dựng là ngành đăng ký tăng vốn chiếm tỷ trọng cao nhất với 218.979 tỷ đồng, chiếm 18,9%. Ngành nghề đăng ký giảm vốn chiếm tỷ trọng cao nhất là Kinh doanh bất động sản với 72.317 tỷ đồng, chiếm 22,2%.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, có 07/17 ngành có số vốn đăng ký tăng thêm tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Khai khoáng và Nghệ thuật, vui chơi, giải trí là 02 lĩnh vực tăng nhiều nhất với số vốn đăng ký tăng thêm lần lượt là 31.930 và 12.450 tỷ đồng (tăng lần lượt 252,9% và 105,9%). Đối với số liệu về doanh nghiệp đăng ký giảm vốn, Hoạt động dịch vụ khác và Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác là 02 ngành có tỷ lệ đăng ký giảm vốn tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, Hoạt động dịch vụ khác đăng ký giảm vốn 404 tỷ đồng, giảm 1437,2%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác đăng ký giảm 70.024 tỷ đồng, giảm 1007,9%.

Những tháng đầu năm 2020, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Sang tháng 7, các chỉ tiêu đã có nhiều sự cải thiện, doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, những ảnh hưởng của dịch bệnh trong những tháng nửa đầu năm vẫn là rất lớn, đặc biệt là đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, song song với đó là tâm lý e ngại của doanh nghiệp, các nhà đầu tư đối với nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2 trên toàn thế giới. Chính vì thế, số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xu hướng sụt giảm.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2020 là 598.600 lao động, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.

- Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có tới 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt đáng chú ý là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 40,3%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 29,0%); Kinh doanh bất động sản (giảm 23,9%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 15,4%). Đây là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi diễn biến dịch bệnh trong giai đoạn này.

Ở xu hướng ngược lại, 02 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 là Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 2.340 doanh nghiệp (tăng 190,7%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 1.372 doanh nghiệp (tăng 20,9%). Một nguyên nhân giải thích cho việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập với tỷ lệ cao ở các ngành kinh doanh này là bởi vì đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 những ngành này vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn.

- Phân theo địa bàn:

7 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở 3 khu vực trên cả nước.

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 30.941 doanh nghiệp (chiếm 41,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 462.371 tỷ đồng (chiếm 49,4% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 22.578 doanh nghiệp (chiếm 30,0% cả nước) và số vốn đăng ký là 272.360 tỷ đồng (chiếm 29,1% cả nước). Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất với 2.628 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 28.900 tỷ đồng (chiếm 3,1% cả nước).

- Phân theo quy mô vốn:

Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 67.212 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2019). Một điểm đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mọi quy mô vốn đều đang có sự giảm sút, cụ thể: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 4.011 doanh nghiệp (chiếm 5,3%, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2019); Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng là 2.225 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, giảm 2,2% so với cùng kỳ 2019); số doanh nghiệp đăng ký thành lập với quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 912 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 14,1% so với cùng kỳ 2019) và số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 889 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2019).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm nay là 28.564 doanh nghiệp, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019; thấp hơn trung bình tỷ lệ tăng/giảm số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 (tăng 23,0%).

Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2020 tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (10.134 doanh nghiệp, chiếm 35,5%, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019); Xây dựng (4.228 doanh nghiệp, chiếm 14,8%, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.544 doanh nghiệp, chiếm 12,4%, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2019).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Sang tháng 7/2020, nước ta cơ bản đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đây là giai đoạn cả nước phải tập trung vào các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giúp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, quãng thời gian từ khi bắt đầu quá trình phục hồi nền kinh tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay còn chưa đáng kể và diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, kéo theo tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm vẫn giữ xu hướng tăng.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%), 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%), 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%). Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh với số liệu 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 15,4%), có thể nhận thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.

2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến với mức trung bình là 28,1%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo thống kê thì trong 7 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn (kể từ thời điểm đăng ký thành lập đến nay), cụ thể: Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 16.203 doanh nghiệp (chiếm 49,5%); Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 9.084 doanh nghiệp (chiếm 27,8%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 7.435 doanh nghiệp (chiếm 22,7%).

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Kinh doanh bất động sản (927 doanh nghiệp, tăng 98,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (265 doanh nghiệp, tăng 69,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.040 doanh nghiệp, tăng 71,4%); Giáo dục và đào tạo (612 doanh nghiệp, tăng 64,1%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.932 doanh nghiệp, tăng 60,2%); Hoạt động dịch vụ khác (444 doanh nghiệp, tăng 56,3%); và Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.985 doanh nghiệp, tăng 41,3%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 11.435 doanh nghiệp (chiếm 34,9%, tăng 49,0%); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 11.095 doanh nghiệp (chiếm 33,9% cả nước, tăng 38,6%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 29.946 doanh nghiệp (chiếm 91,5%, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở mọi quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.526 doanh nghiệp (chiếm 4,7%, tăng 59,5% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng có 785 doanh nghiệp (chiếm 2,4%, tăng 69,5% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 291 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 55,6% so với cùng kỳ 2019) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 174 doanh nghiệp (chiếm 0,5%, tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019).

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể

Trong 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 21.802 doanh nghiệp, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 có mức trung bình là tăng 3,8%. Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ (8.102 doanh nghiệp, chiếm 37,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.512 doanh nghiệp, chiếm 11,5%); Xây dựng (2.356 doanh nghiệp, chiếm 11,8%).

Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (9.183 doanh nghiệp, chiếm 42,1%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (4.463 doanh nghiệp, chiếm 20,5%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (4.227 doanh nghiệp, chiếm 19,5%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 19.587 doanh nghiệp (chiếm 89,8%, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp chờ giải thể tăng ở 3/5 quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.076 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có 586 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, giảm 1,5% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 275 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 3,0% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 278 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019).

2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm 2020 là 8.937 doanh nghiệp, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn, cụ thể: Số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động từ 5 năm trở xuống là 6.116 doanh nghiệp (chiếm 68,4% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể); Số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động từ 5 đến 10 năm là 1.680 doanh nghiệp (chiếm 18,8%) và số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 1.141 doanh nghiệp (chiếm 12,8%).

8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 66,6%; 37,3% và 28,5%.

Phân theo vùng lãnh thổ, 02 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng so cùng kỳ năm 2019 là: Đồng bằng sông Hồng (2.126 doanh nghiệp, tăng 14,3%) và Đông Nam Bộ (3.908 doanh nghiệp, tăng 12,0%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 7.944 doanh nghiệp (chiếm 88,9%, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019). Ở 4/5 quy mô vốn còn lại, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều ghi nhận tăng, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 482 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng có 257 doanh nghiệp (chiếm 2,9%, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 116 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 0,9% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 138 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019)./.


Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 6986
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)