Ảnh minh họa. Minh Trang (MPI) (MPI) – Ngày 08/6/2020, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 200/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm.
Thông báo nêu rõ, thời gian qua, các Vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, Miền Trung, phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi, tiềm năng, lợi thế để trở thành các cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phát triển vùng kinh tế trọng điểm theo lĩnh vực được giao. Trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài chính, tín dụng, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, hạ tầng giao thông, đất đai, tài nguyên,… gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương liên quan.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 và báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020.
Cụ thể, cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc lập quy hoạch vùng của các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch cấp tỉnh đối với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm khắc phục các vướng mắc hiện nay và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện để các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước.
Ưu tiên bố trí các nguồn lực của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, công trình chống ngập, mặn, sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu… quan trọng, quy mô lớn, tác động lan tỏa cao tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là đối với Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả, mức độ liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đường giao thông quan trọng.
Xây dựng kế hoạch hành động gắn với các biện pháp cụ thể để thu hút và đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, liên kết chặt chẽ với các dự án trong vùng và cả nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi phù hợp về vốn, tín dụng để thúc đẩy đầu tư các dự án quy mô lớn trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, phải có cơ chế huy động nguồn lực phù hợp, nhất là cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các địa phương trong vùng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng và cả nước.
Báo cáo Chính phủ xem xét 02 phương án về cơ chế điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm: Phương án 1 là giữ nguyên như hiện nay để các địa phương luân phiên làm Chủ tịch Vùng và Phương án 2 là quy định Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm hoặc Chủ tịch Vùng để nâng cao hiệu quả công tác điều phối, liên kết giữa các địa phương trong Vùng.
Bên cạnh đó, đánh giá thực trạng và nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn một cách thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng kinh tế trọng điểm và đáp ứng các yêu cầu phát triển trong xu hướng mới, trong đó làm rõ vai trò của Ban Chỉ đạo Hội đồng Vùng trong huy động, sử dụng nguồn lực, điều phối, xử lý các vấn đề mang tính liên vùng của các địa phương và xác định các nhiệm vụ và thời hạn thực hiện cụ thể. Tập trung cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong các Vùng kinh tế trọng điểm chỉ đạo các cơ quan liên quan đề cao trách nhiệm trong phối hợp phát triển kinh tế vùng và từng địa phương. Có biện pháp động viên sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được giao, bảo đảm giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2020 và các nguồn vốn còn lại từ năm trước chuyển sang, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển mạnh sản xuất kinh doanh sau dịch. Tận dụng cơ hội có được từ các kết quả bước đầu trong trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, bảo đảm nguồn nhân lực… để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư