Báo cáo số 212/BC-UBND ngày 07/7/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020
Năm 2020 là năm cuối cùng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt quyết định thành công thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2020 về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Kế hoạch 17/KH-UBND ngày 30/01/2020 về triển khai các nội dung theo Nghị quyết 01-NQ/CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ; đặc biệt, đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, cụ thể: Ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 28/02/2020 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan rộng đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng; trên địa bàn tỉnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là tác động trực tiếp đến Du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu,…Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, Tỉnh vừa tập trung triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 vừa tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:
1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sau khi Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND ngày 28/02/2020 triển khai Chương trình hành động số 69-CTr/TU. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án: Đề án xây dựng Bộ tiêu chí về thành phố Trực thuộc Trung ương cho đô thị có tính chất đặc thù di sản; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án mở rộng địa giới thành phố Huế; Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Các Đề án đã được UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND ban hành các Nghị quyết, gồm: Đề án cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường; Đề án xây dựng Bộ tiêu chí về thành phố Trực thuộc Trung ương cho đô thị có tính chất đặc thù di sản và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, các đề án đang được hoàn thiện các thủ tục trình các bộ, ngành Trung ương theo quy định.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP, ngày 27/5/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 15/5/2020.
2. Tăng trưởng kinh tế
Một số chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt một số kết quả như sau:
TT
|
Chỉ tiêu chủ yếu
|
TH 6T/2019
|
Ước TH 6T đầu năm 2020
|
Ước TH
|
So cùng kỳ(%)
|
KH 2020(%)
|
1.
|
Tốc độ tăng GRDP (%)
|
6,87
|
0,38
|
|
7,5-8,0
|
|
Tr.đó: - Nông Lâm Ngư nghiệp (%)
|
2,19
|
0,84
|
|
2,28
|
|
- Công nghiệp-Xây dựng (%)
|
9,29
|
3,61
|
|
10,56
|
|
- Dịch vụ (%)
|
6,37
|
-2,26
|
|
6,9
|
|
- Thuế SP. trừ trợ cấp SP. (%)
|
7,73
|
4,13
|
|
5,58
|
2.
|
Tổng vốn đầu tư TH toàn XH (tỷ đồng)
|
9.950
|
10.870
|
Tăng 9,93%
|
27.000
|
3.
|
Thu ngân sách (tỷ đồng)
|
3.822,5
|
4.015
|
Tăng 5,0%
|
53%DT
|
4.
|
Chỉ số phát triển công nghiệp IIP (%)
|
9,38%
|
3,05%
|
|
|
5.
|
Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (tỷ đồng)
|
20.842
|
19.669
|
Giảm 5,7%
|
41%KH
|
6.
|
Doanh thu doanh nghiệp du lịch (tỷ đồng)
|
2.320
|
1.120
|
Giảm 47%
|
22%KH
|
7.
|
Giá trị xuất khẩu (triệu USD)
|
573
|
293
|
Giảm 49%
|
35,2%KH
|
8
|
Tạo việc làm mới (người)
|
8.680
|
2.607
|
Giảm 70%
|
15%KH
|
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tổng sản phẩm trong tỉnh - GRDP (theo giá so sánh 2010) ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ[1]; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh/thành trong vùng duyên hải miền Trung[2]. Đóng góp của các ngành, lĩnh vực như sau:
Khu vực Dịch vụ chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 nên bị giảm sâu, chiếm 48,75% trong cơ cấu kinh tế; tăng trưởng âm 2,26% (mức tăng cùng kỳ là 6,37%)[3]. Các dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp giảm: dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 33,19%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 10,36%; vận tải kho bãi giảm 10,14%; bán buôn và bán lẻ giảm 0,5%; …
Khu vực Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 30,56%; tăng 3,61% (thấp hơn mức tăng cùng kỳ là 9,29%). Trong đó, công nghiệp tăng 3,44%, xây dựng tăng 4,13%, do một số cơ sở sản xuất công nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đồng thời một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có mức sản xuất giảm.
Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,54%; tăng 0,84% (cao hơn mức tăng cùng kỳ, tăng trưởng âm -4,15% do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi). Trong đó, hoạt động đánh bắt hải sản phát triển, tăng 7,12%; ngành lâm nghiệp tăng trưởng khá 5,44%, chủ yếu nhờ khai thác gỗ rừng trồng tăng; chăn nuôi lợn dần được phục hồi.
Thuế sản phẩm[4] trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 8,15%; tăng 4,13%, (thấp hơn tăng cùng kỳ là 7,86%); thuế xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,24% là do kim ngạch các mặt hàng xuất nhập khẩu có tỷ suất thuế tăng so với cùng kỳ[5].
3. Thu chi ngân sách
Ngay từ đầu năm, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã quyết liệt, thắt chặt quản lý các biện pháp thu, tiết kiệm trong chi thường xuyên.
a) Thu ngân sách
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.015 tỷ đồng, bằng 53% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:
- Thu nội địa đạt 3.802 tỷ đồng, đạt 54% DT và tăng 6%. Trong đó: Thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 1.094 tỷ đồng, đạt 48% DT, tăng 2%; Thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước thu được 494 tỷ đồng, đạt 41% DT và giảm 8%; Thu từ doanh nghiệp nhà nước 179 tỷ đồng, đạt 39,5% DT và giảm 15,5%; Thu tiền sử dụng đất đạt 1.070 tỷ đồng, đạt 134% DT và tăng 88% so với cùng kỳ; Thu nhập cá nhân: Ước thu được 198 tỷ đồng, đạt 51% DT và giảm 2%.
+ Thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 205 tỷ đồng, đạt 42% DT, giảm 9%.
b) Chi ngân sách
Sáu tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.722 tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư 1.127 tỷ đồng, đạt 26% dự toán, chi thường xuyên 3.323 tỷ đồng, đạt 49% dự toán.
Tỉnh đã hỗ trợ chi trả phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 217,15 tỷ đồng, trong đó chi trả 44,15 tỷ đồng theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 và tạm ứng ngân sách tỉnh 173 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyếtsố42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Tỉnh đang triển khai rà soát, điều chỉnh giảm mức thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
4. Tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế
a) Phát triển ngành dịch vụ
- Du lịch
Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách ước đạt khoảng 1.136,6 nghìn lượt, giảm 45,4% so với cùng kỳ[6]. Khách lưu trú ước đạt 554,7 lượt, giảm 48,1%; trong đó, khách quốc tế 240,2 lượt; giảm 43,81%. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.478,9 tỷ đồng, giảm 41,2%; trong đó doanh thu doanh nghiệp du lịch 1.120 tỷ đồng, giảm 47%.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hoạt động du lịch trên địa bàn đều bị ngừng, đóng cửa các điểm tham quan di tích (từ tháng 2-4/2020); đồng thời hoãn hoặc hủy tổ chức các sự kiện, lễ hội, trong đó riêng Lễ hội Festival Huế 2020 đã được dời lịch tổ chức đến 28/8 - 02/9/2020. Đã tác động đến gần 8.000 lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng, ngừng việc, không có thu nhập... Thiệt hại về doanh thu du lịch ước khoảng 2.250 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về doanh thu trực tiếp trong các đơn vị kinh doanh du lịch khoảng 700 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của nhà đầu tư như khấu hao tài sản, trả lãi ngân hàng…).
Trước tình hình đó, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2020-2021) và ban hành Kế hoạch Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2020, như Tổ chức Hội nghị lữ hành toàn quốc vào cuối tháng 5/2020 để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch; Triển khai gói kích cầu của chính quyền trong năm 2020 tại các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý; Xây dựng và triển khai gói kích cầu của các doanh nghiệp, kết hợp với gói kích cầu của chính quyền; Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới: Tập trung phát triển, tổ chức có chất lượng các lễ hội, sự kiện hấp dẫn, có điểm nhấn để thu hút du khách như: Festival Huế 2020; Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực; Lễ hội Huế - Kinh đô áo dài; Vnexpress Marathon Huế 2020; Các lễ hội khác như: Ngày hội Lân Huế, Ngày hội Hiphop Huế….
- Hoạt động thương mại, quản lý thị trường:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 19.668,6 tỷ đồng, giảm 5,65% so với cùng kỳ; đạt khoảng 40,9% kế hoạch. Trong đó: kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 16.068 tỷ đồng, chiếm 81,7% và giảm 0,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.277,2 tỷ đồng, chiếm 11,6% và giảm 37,0%.
Hạ tầng thương mại được nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đa dạng của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 10 siêu thị (2 siêu thị hạng I, 8 siêu thị hạng III); 3 trung tâm thương mại hạng III; 35 cửa hàng tiện lợi (cửa hàng Vinmart: 30 cái; Cửa hàng của doanh nghiệp khác: 05 cái). Mạng lưới chợ được đầu tư, nâng cấp, cải tạo với tổng mức đầu tư các dự án lên tới 300 tỷ đồng[7]. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, đa số các địa phương còn lúng túng, thiếu chỉ đạo quyết liệt về công tác này[8]. Đến nay, có 07 chợ hoàn thành công tác chuyển đổi trên tổng số 38 chợ, đạt tỷ lệ 18,4% kế hoạch[9].
Đã tổ chức kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân tại các địa phương trong tỉnh; qua kết nối đã tiêu thụ gần 70 nghìn gia cầm, chiếm 1,8% tổng đàn gia cầm hiện có; 1,24 tấn cá Diêu Hồng; 100kg rau má ...
- Hoạt động xuất nhập khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 292,5 triệu USD, giảm 48,9% so với cùng kỳ; ước đạt 26,6% kế hoạch. Trong đó, xơ sợi chiếm 20,3% tỷ trọng xuất khẩu, giảm 58,8%; hàng may mặc chiếm 37%, giảm 62%; gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 16,6%, giảm 29%. Một số doanh nghiệp dệt may chuyển sang sản xuất mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để duy trì hoạt động sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 triệu USD, giảm 34,9% so với cùng kỳ, đạt 35,2% so với kế hoạch (trong đó nguyên phụ liệu dệt may chiếm 79,6%, giảm 31,7%).
- Hoạt động tín dụng ngân hàng:
Huy động vốn toàn địa bàn đến 30/6/2020 ước đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm (thấp hơn so mức tăng cùng kỳ là 7% do ảnh hưởng dịch bệnh nên nguồn tiết kiệm dân cư giảm và nhiều tổ chức rút tiền để thực hiện chi trả hỗ trợ xã hội theo Nghị quyết 42/NQ-CP cũng như rút tiền để trang trải cho các hoạt động đầu tư kinh doanh bắt đầu có tín hiệu trở lại).
Tổng dư nợ cấp tín dụng của các TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 6/2020 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm (thấp hơn so mức tăng cùng kỳ là 5,2% chủ yếu các khoản vay ngắn hạn giảm do tình hình kinh doanh suy giảm). Nợ xấu toàn địa bàn dự kiến ở mức 1.050 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng kể NHPT là 2,04%.
Các lĩnh vực ưu tiên cho vay theo chủ trương của Chính phủ: Dự ước đến cuối tháng 6/2020, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đạt 10.200 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm; doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.300 tỷ đồng, giảm 4,6%; tín dụng đối với xuất khẩu đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 9,4%; công nghiệp hỗ trợ đạt 430 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Trên địa bàn chưa phát sinh có dư nợ cho vay DN ứng dụng công nghệ cao.
Đã triển khai hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tính đến ngày 15/5/2020, địa bàn có 21/24 chi nhánh ngân hàng thương mại và 4/7 quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại; một số đơn vị còn lại đang tích cực thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Kết quả: Có 675 khách hàng (trong đó 94 DN) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dư nợ được cơ cấu là 673,1 tỷ đồng. Có 495 khách hàng (trong đó 205 DN) được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm là 2.106,6 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1,8 tỷ đồng. Có 1.075 khách hàng (trong đó 343 DN) được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến ngày 15/5/2020 là 3.499,6 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 3.065 tỷ đồng. NHCSXH tỉnh đã thực hiện gia hạn nợ đối với 108 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với dư nợ là 1,82 tỷ đồng.
- Hoạt động vận tải:
Trong 6 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 8.616,7 nghìn lượt khách, giảm 29,3% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 6.276,9 nghìn tấn, giảm 3,4%. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát ước đạt 1.377,6 tỷ đồng, giảm 8,87%; trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 254,7 tỷ đồng, giảm 29,63%; vận tải hàng hóa đạt 996 tỷ đồng, giảm 3,55%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 118,5 tỷ đồng, tăng 7,72%; bưu chính chuyển phát đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 15,93%.
- Hoạt động lĩnh vực bưu chính - viễn thông:
Tiếp tục ổn định và cải thiện nâng cao các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ truyền thống cả về chất lượng, số lượng. Doanh thu ước đạt 980 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
b) Về công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 3,05% so với cùng kỳ (thấp hơn mức tăng cùng kỳ là 9,74%, kế hoạch cả năm là 10%), trong đó công nghiệp khai khoáng ước tăng 8,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 4,45%; sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 15%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,98%.
Hoạt động xây dựng cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành chiếm tỷ trọng 21% trong khu vực Công nghiệp - Xây dựng, chiếm 8% trong GRDP; giá trị gia tăng ngành tăng 4,13% (thấp hơn mức tăng cùng kỳ 8,9%).
* Tình hình sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm chủ lực:
- Các sản phẩm giảm:
+ Bia: Sản lượng đạt 108,6 triệu lít, giảm 1,8% so với cùng kỳ; tình hình tiêu thụ bia gặp khó khăn do tác động kép vừa bị tác động Nghị định 100 và ảnh hưởng của dịch covid - 19, nộp ngân sách 810 tỷ đồng, giảm 9% so cùng kỳ.
+ Dệt may: sản lượng sợi các loại 44,9 nghìn tấn, tăng 1,7%; quần áo lót 162 triệu cái, giảm 6,4%; áo quần may sẵn 27,5 triệu SP, giảm 5,8%. Hoạt động sản xuất khó khăn do thiếu nguyên liệu, bị hủy đơn hàng vào thị trường chính như EU, Mỹ,....Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã kịp thời chuyển sang sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để duy trì hoạt động sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động[10].
+ Sản xuất điện: Sản lượng điện sản xuất 320 triệu kwh, giảm 23,22%. Ngành sản xuất điện tuy có bổ sung thêm năng lực mới từ Nhà máy thủy điện A Lin B1 công suất 46MW song không đủ nước để chạy hết công suất thiết kế cũng như các nhà máy điện hiện hành[11].
- Các sản phẩm tăng:
+ Xi măng: Sản lượng xi măng ước đạt 1.090 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Hiện nay, nhu sử dụng xi măng chưa cao, sản phẩm tồn kho lớn nên các doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng. Doanh thu ước đạt 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 21 tỷ đồng
+ Men frit: Sản lượng ước đạt 108,5 nghìn tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ song nguyên phụ liệu bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; do đó một số dự án dự kiến tạo năng lực tăng thêm trong đầu năm 2020 song đến nay vẫn chưa đi vào sản xuất[12].
+ Chế biến thủy hải sản: sản lượng tôm đông lạnh ước đạt 2.220 tấn, tăng 6,6% nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên kế hoạch sản xuất được đẩy nhanh.
c) Tình hình thu hút và triển khai các dự án đầu tư tại khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp
- Tình hình thu hút và triển khai các dự án đầu tư tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các Khu công nghiệp (KKT, KCN):
Trong 6 tháng đầu năm có 03 dự án cấp mới vào địa bàn KKT, KCN với vốn đăng ký 2.979 tỷ đồng, đạt 49,6% KH. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ cấp mới khoảng 05 - 07 dự án với vốn đăng ký dự kiến 6.000 tỷ đồng[13].
Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh có 149 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 102.965 tỷ đồng (trong đó có 34 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký là 67.721 tỷ đồng). Trong đó, có 94 dự án đang hoạt động chiếm 63% tổng số dự án, 31 dự án đang triển triển khai thực hiện chiếm 20,8% tổng số dự án, 07 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư chiếm 4,7% tổng số dự án, 05 dự án chậm tiến độ chiếm 3,3% tổng số dự án, 12 dự án ngừng hoạt động chiếm 8% tổng số dự án. Vốn thực hiện 6 tháng đầu năm khoảng 575 tỷ đồng, đạt 10% KH. Hiện nay, các dự án được cấp phép đầu tư tại Khu kinh tế và Khu công nghiệp đang triển khai thực hiện, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số dự án lớn triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra[14]. Chuẩn bị làn sóng đầu tư nước ngoài sau dịch Covid-19; đang tiếp tục lập thủ tục để kêu gọi đầu tư KCN Phú Bài IV giai đoạn 2 với diện tích 420 ha; đã rà soát diện tích khu kinh tế, khu công nghiệp 1.960 ha để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng cho kêu gọi đầu tư.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng Covid -19 nên hầu hết các chỉ tiêu giảm: Doanh thu khoảng 12.000 tỷ đồng, đạt 40,6% KH, giảm 15% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu khoảng 196,3 triệu USD, đạt 22,8% KH, giảm 46%; chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; Kim ngạch nhập khẩu khoảng 60,7 triệu USD, đạt 18% KH, giảm 30%, chiếm 29% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh; Thu ngân sách 1.200 tỷ đồng, đạt 39,3% KH, giảm 19%, chiếm 34% thu ngân sách toàn tỉnh.
- Hoạt động cụm công nghiệp (CCN):
Đã quy hoạch 11 Cụm công nghiệp, trong đó đã thành lập 10 CCN (Cụm công nghiệp Hương Phú, huyện Nam Đông vừa được thành lập[15]). Song chỉ có 07 CCN[16] có dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với diện tích đất đã cho thuê là 108 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 60%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, các CCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 03 dự án, vốn đầu tư gần 71 tỷ đồng, tăng 02 dự án và tăng hơn 2,3 lần về vốn; lũy kế đến nay có 127 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 1.400 tỷ đồng; thu hút lao động đang làm việc khoảng 8.700 lao động; thu nhập bình quân của lao động 5 triệu đồng/người/tháng.
Tình hình đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm do ngân sách đầu tư hạ tầng còn hạn chế; thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn. Đến nay chỉ có 06 cụm[17] đã đầu tư hạ tầng với kinh phí 142 tỷ đồng (gồm các hạng mục như giải phóng mặt bằng, đường giao thông nội bộ, cấp điện, hệ thống thoát nước,…) hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Công tác quản lý nhà nước và quản lý hoạt động còn nhiều bất cập, đa số các địa phương (trừ thành phố Huế) chưa có bộ máy chuyên trách về quản lý hoạt động của CCN.
d) Về nông lâm, ngư nghiệp
- Trồng trọt
Diện tích lúa gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020 là 28.692 ha, giảm 232 ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Năng suất ước đạt 59,5 tạ/ha (giảm 3 tạ/ha); sản lượng lúa ước đạt 170.643 tấn (giảm 10.183 tấn). Nguyên nhân giảm là do vào thời điểm cuối vụ đã có các trận mưa lớn gây ngập, úng làm giảm năng suất; ngoài ra, hơn 177 ha rau màu các loại bị thiệt hại gần như toàn bộ; bên cạnh đó, đã có hơn 1.600 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá.
Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khác giảm so với vụ Đông Xuân năm trước[18]: Sắn 5.215 ha, giảm 418 ha; Lạc 2.813 ha, giảm 102 ha; Ngô 994 ha, giảm 50 ha; Khoai lang 1.391 ha, giảm 31 ha; Rau các loại 2.410 ha, giảm 739 ha; Cây sen: 531,2 ha, tăng 349 ha. Diện tích cây lâu năm tương đối ổn định với 900 ha bưởi Thanh Trà; 8.955 ha Cao su (trong đó có 6.392,6 ha đang khai thác).
Đã thực hiện chuyển đổi 227,6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, VietGap, hướng hữu cơ tiếp tục phát triển với hơn 52.000 m2 nhà lưới; 173,4 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; 386,9 ha sản xuất theo hướng hữu cơ[19].
Vụ Hè Thu 2020: Diện tích gieo cấy lúa theo kế hoạch khoảng 25.879 ha; đến nay, đã hoàn thành việc gieo cấy và đang tiến hành chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại.
- Chăn nuôi
Sau dịch tả lợn Châu Phi, công tác tái đàn được thúc đẩy, đã tái đàn được khoảng 70.000 con (lợn nái khoảng 9.000 con); 50% số lợn tái đàn được thực hiện tại các doanh nghiệp, trang trại lớn đảm bảo an toàn sinh học với số lượng khoảng 33.490 con; nâng tổng đàn lợn hiện có khoảng 110.250 con, giảm 22% so với cùng kỳ, tăng 24,4% so với đầu năm. Đàn trâu 16.410 con, giảm 1,7%; đàn bò 29.920 con, giảm 1,9%; đàn gia cầm ổn định đạt 3.700 nghìn con, tăng 1,3% (đàn gà 2.905 nghìn con, tăng 1,6%). Công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh, giết mổ đang được triển khai thực hiện tốt.
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 495 tấn, giảm 2,5% so cùng kỳ năm trước; thịt bò hơi xuất chuồng 732 tấn, giảm 2,5%; thịt lợn hơi xuất chuồng 4.668 tấn, giảm 40,6%; thịt gà hơi xuất chuồng 4.807 tấn, tăng 0,2%...
- Lâm nghiệp
Đã tiến hành gieo ươm khoảng 20 triệu cây giống; diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 9.046 ha, tăng 4,8%; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 86.438 ha, tăng 2,1%. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng FSC năm 2020, hiện đã rà soát 203 hộ với diện tích 660,31 ha (đạt 90,4% kế hoạch). Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 318.850 m3 gỗ, tăng 1,8%.
Đã phát hiện và xử lý 206 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, tịch thu 121 m3gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 758 triệu; ngoài ra, đã phát hiện và xử lý 51 vụ phá rừng với 8,1 ha rừng bị phá. Đã xảy ra 4 vụ cháy rừng gây thiệt hại với diện tích 5,96 ha.
- Thuỷ sản
Dịch bệnh đã xảy ra trên 183 ha nuôi tôm (61 ha bị bệnh đốm trắng, 121 ha bệnh do môi trường). Sản xuất giống ước đạt 133 triệu con tôm, cua cá các loại, tăng 2,9%. Sản lượng nuôi trồng đạt 7.030 tấn, tăng 8,8%. Sản lượng khai thác đạt 21.760 tấn, tăng 3,5%. Tính chung, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 28.790 tấn tăng 4,7%.
Tổng số tàu cá toàn tỉnh là 716 chiếc, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 418 chiếc. Đã tổ chức các đợt kiểm tra về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, về hoạt động tàu cá nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản trái pháp luật[20].
- Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới:
Đến nay, toàn tỉnh đã có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh quyết định công nhận, đạt tỷ lệ 48,5%; 11 xã đạt 19 tiêu chí đang lập hồ sơ đề nghị công nhận (11,3%). Trong số các xã còn lại có 19 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 21 xã đạt 10-14 tiêu chí; 03 xã đạt 8-9 tiêu chí; không còn xã dưới 8 tiêu chí.
Về số tiêu chí bình quân: bình quân số tiêu chí/xã đạt 16,76 tiêu chí, cao hơn mức trung bình của cả nước là 1,5 tiêu chí (15,26 tiêu chí/xã) và của vùng Bắc Trung Bộ 0,96 tiêu chí (15,8 tiêu chí).
* Về mục tiêu xây dựng 2 huyện nông thôn mới:
Thị xã Hương Thủy đã có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn; đã đề nghị Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Huyện Quảng Điền hiện đã có 8/10 xã đạt chuẩn, 02 xã còn lại (Quảng Ngạn, Quảng Thái) phấn đấu đạt chuẩn giữa năm 2020 để Quảng Điền trở thành huyện nông thôn mới cuối năm 2020.
Đối với huyện Nam Đông: đã có 5 xã đạt chuẩn, 1 xã đang thẩm định để xét công nhận, 3 xã còn lại (Thượng Nhật đạt 16 tiêu chí, Hương Hữu đạt 11 tiêu chí, Thượng Long đạt 10 tiêu chí).
- Chính sách hỗ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; Chương trình OCOP
+ Trong 6 tháng đầu năm đã hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND cho 5 cơ sở với kinh phí hỗ trợ 1,094 tỷ đồng[21], nâng tổng số cơ sở đã hỗ trợ lên 24 cơ sở, tổng kinh phí hỗ trợ 8,259 tỷ đồng; đang hướng dẫn cho 10 cơ sở[22] để lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
+ Hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tổ chức 13 lớp đào tạo tập huấn[23]; Đến nay đã xác định 34 sản phẩm để hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa[24], trong đó có 8 sản phẩm đạt 3-4 sao; 10 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ để đánh giá; 16 sản phẩm đang lập kế hoạch phê duyệt để thực hiện trong năm 2020. Đang triển khai các nội dung liên kết, hợp tác với Học Viện nông nghiệp.
5. Tình hình thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Ước 6 tháng đầu năm 2020, có 500 doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 125 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 300 doanh nghiệp; giải thể 47 doanh nghiệp.
Đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư mới[25] với tổng vốn đăng ký khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 270 tỷ đồng (11,41 triệu USD). Đặc biệt có 02 dự án lớn: Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Bách Việt với mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) vốn đầu tư 700 tỷ đồng dự kiến đầu năm 2021 sẽ đưa máy bay vào cất cánh thương mại. Đã điều chỉnh 16 dự án, trong đó 07 dự án giãn tiến độ, 03 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm 184 tỷ đồng. Thu hồi 01 dự án đầu tư xây dựng Chợ đầu mối Phú Hậu. Đã ban hành danh mục 10 dự án khởi công trong năm 2020, đến nay đã có 04 dự án khởi công, đang tiếp tục thực hiện thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án.
Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, Tỉnh đã xây dựng và vận hành hiệu quả việc khai báo trực tuyến và tổng hợp tự động tình hình thiệt hại do dịch trên website ddci.thuathienhue.gov.vn để chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ..
Phát triển Kinh tế tập thể: Tính đến 31/5/2020 có 264 Hợp tác xã chuyển đổi, tăng 5 Hợp tác xã (HTX) so với đầu năm, trong đó có 02 HTX nông nghiệp và 03 HTX phi nông nghiệp; có 198 HTX đã đăng ký, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.
6. Quản lý quy hoạch, đô thị, quản lý đầu tư xây dựng
a) Về quy hoạch, đô thị
Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 646/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020; Đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị; hiện đang xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát, đôn đốc triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án phát triển hạ tầng sản xuất, khu du lịch,… để đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Toàn tỉnh hiện có 14 đô thị[26]; trong đó có 03 đô thị mới công nhận: La Sơn, Vinh Thanh, Phong An), nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 54%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị đến nay đạt 36%.
b) Về đầu tư xây dựng
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 10.870 tỷ đồng, bằng 40,26% KH năm, tăng 9,93% so với cùng kỳ.
Phân theo cấp quản lý: Vốn do Trung ương quản lý 2.917 tỷ đồng, bằng 43,70% KH, tăng 3,0%, chiếm 26,84% tổng vốn; vốn do địa phương quản lý 7.953 tỷ đồng, bằng 39,19% KH, tăng 12,71%, chiếm 73,16%.
Phân theo nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước 2.567 tỷ đồng, bằng 44,64% KH, tăng 38,61% so với cùng kỳ, chiếm 23,62% tổng vốn[27]. Nguồn vốn tín dụng đạt 4.585 tỷ đồng, bằng 41,63% KH, tăng 1,46%, chiếm 42,18% tổng vốn; vốn đầu tư của doanh nghiệp 1.500 tỷ đồng, bằng 43,86% KH, tăng 5,56%, chiếm 13,80%; vốn viện trợ 708 tỷ đồng, bằng 42,50% KH, tăng 66,12%, chiếm 6,51%; vốn đầu tư nước ngoài 300 tỷ đồng, bằng 12,0% KH, giảm 45,45%, chiếm 2,76%.
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp[28]. Vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; Trung tâm phục hồi chức năng đoàn 41 Huế; Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; bể bơi Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh; Học viện Âm Nhạc Huế; Nhà hát Sông Hương;…Các dự án trọng điểm quốc gia BT và BOT tiếp tục được hoàn thiện và thi công nhanh: Dự án La Sơn - Túy Loan; hầm Hải Vân giai đoạn II. Đặc biệt, dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể đã chi trả đền bù và giao đất cho 500 hộ và đã hoàn thành công tác kiểm kê, công khai giá đền bù cho hơn 2400 hộ còn lại; Đang đề nghị Bộ Quốc Phòng thống nhất di dời trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bệnh viện 268 ra khỏi đất di tích; khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”[29].
Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 39,5% kế hoạch; trong đó: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 56% KH ; ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình đạt 32,7% KH ; vốn từ nguồn thu di tích để lại cho đầu tư đạt 40% KH.
Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư vào các dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng: Dự án phức hợp Manor Crown; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An. Nhiều dự án chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động: Các nhà máy thủy điện ALin B1, ALin B2, Rào Trăng 3; Dự án Movenpic Resort Lăng Cô. Bên cạnh đó, đã quyết liệt hỗ trợ, đôn đốc 15 dự án khởi công mới trong năm; đến nay, đã có 02 dự án khởi công mới: dự án chung cư thương mại Minh Linh tại Khu đô thị Đông Nam Thủy An; dự án nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Huế Premium Silica).
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp: Dự án Laguna giai đoạn 2; Dự án Khu nghỉ dưỡng của Công ty Minh Viễn; Hạ tầng khu công nghiệp của Công ty cổ phần Hello quốc tế Việt Nam; Dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn; Nhà máy của Công ty Kanglongda;…
7. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
a) Văn hóa - thể thao
Đã tập trung nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí đón chào các ngày lễ lớn, mừng Đảng, mừng Xuân trước thời điểm Chính phủ chỉ đạo tạm dừng các hoạt động đông người và tổ chức dừng các Lễ hội lớn do cách ly xã hội để nhằm chống dịch bệnh Covid 19[30].
Trong thời điểm dịch đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin kịp thời, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện tạm dừng hoạt động tham quan tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các địa điểm tâm linh (đền, chùa, miếu mạo...) trên địa bàn tỉnh; nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các biện pháp không tập trung đông người, giãn cách xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc trực tuyến, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu khi giao tiếp và các biện pháp phòng dịch cần thiết khác
Sau thời điểm cách ly xã hội, đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” với hơn 200 tư liệu và hiện vật; đã khai mạc Tuần phim chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã diễn ra buổi Lễ trao giải chặng 3 (Đồng Hới - thành phố Huế) và tổ chức chặng 4 (cầu Trường Tiền - Phú Xuân) trong khuôn khổ Giải đua xe đạp Cúp truyền hình TP.Hồ Chí Minh lần thứ 32 - 2020.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, tập trung xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như: Kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022 năm 2020; Kế hoạch triển khai Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020; xây dựng kế hoạch và khảo sát các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023”. Xây dựng đề cương và Kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; xây dựng dự thảo Kế hoạch “Phát triển không gian Ca Huế thính phòng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”; dự thảo Đề án tu bổ, tôn tạo và bảo quản các di tích nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự thảo Đề án cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển Bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành việc di dời các hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh về vị trí mới (268 Điện Biên Phủ, thành phố Huế); xây dựng phương án thực hiện giai đoạn 2 của dự án di dời hiện vật (bảo quản, đầu tư hệ thống bục nâng, giá đỡ, chiếu sáng mỹ thuật…) nhằm sớm đưa vào trưng bày phục vụ khách tham quan. Đang triển khai thi công, tu bổ, bảo tồn 16 công trình các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và đã giải ngân 13,526 tỷ đồng, đạt gần 12% so với kế hoạch.
b) Giáo dục đào tạo
Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THPT và các cơ sở giáo dục khác cơ bản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 575 trường mầm non và phổ thông, trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 62,26%[31]; có 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 01 trung tâm GDTX Tỉnh.
Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng. Cụ thể: có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ II; 100% xã, phường, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ III; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ II .
Công tác phòng chống dịch Covid - 19 ngành giáo dục được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Đã tổ chức dạy học qua truyền hình[32], dạy học online trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch bệnh, góp phần quan trọng trong việc củng cố kiến thức và hoàn thành chương trình đúng tiến độ quy định. Sau thời gian học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid - 19 (từ đầu tháng 2), từ cuối tháng tư và đầu tháng 5, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định trở lại và đảm bảo tiến độ dạy học theo khung thời gian năm học quy định; dự kiến thời gian kết thúc năm học 2019-2020: học kỳ II (trước ngày 11/7/2020), cả năm (trước ngày 15/7/2020)[33]; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp học (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) cho năm học 2020-2021 dự kiến hoàn thành trước ngày 15/8/2020. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có gần 30.000 sinh viên ngoại tỉnh trở lại học tập.
Năm 2020, Đại học Huế dự kiến tuyển sinh với 14.250chỉ tiêu đại học hệ chính quy cho 146ngành đào tạo với các phương thức tuyển sinh[34]. Triển khai thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy đợt 1 năm 2020 theo phương thức xét học bạ. Thông báo nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh các môn năng khiếu vào Đại học Huế năm 2020.
Tỉnh đã tổ chức các buổi gặp mặt định hướng nghề nghiệp cho học sinh chuẩn bị vào Đại học, trong đó tập trung vào ngành công nghệ thông tin.
Trong và sau thời gian dịch Covid-19, Đại học Huế đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm thực hiện tốt công việc, hạn chế tác động lớn đến việc thực hiện kế hoạch của Đại học Huế và các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc.
c) Y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể: thành lập Ban Chỉ đạo “Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid 19” tổ chức giao ban trực tuyến hằng ngày với các Sở, ngành, địa phương để nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động xử lý; ngoài bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và các Trung tâm y tế tuyến huyện, trưng dụng tối đa các cơ sở như trường học, khu nhà ở xã hội, các khách sạn, cơ sở lưu trú làm khu cách ly: Trường Quân sự tỉnh, Khu nghỉ dưỡng 5 sao Sun&Sea Resort, Trường Cao đẳng nghề số 23, Trường trung cấp Công nghệ số 10, Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Trường Nghiệp vụ Thuế, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Trung đoàn 176, Ký túc xá Trường Bia, …; đã thành lập 05 chốt kiểm soát y tế tại các cửa ngõ “ra vào” tỉnh để yêu cầu khai báo y tế và đo thân nhiệt nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm hậu cần tại các khu cách ly và chế độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên ngành y tế,…nhằm sẵn sàng phục vụ quy mô bảo đảm đến 10 nghìn giường cho người cách ly. Bệnh việnTrung ương Huế tiếp tục khẳng định năng lực trong công tác xét nghiệm sàng lọc, điều trị Covid-19, công tác xét nghiệm lên đến 400-450 mẫu/ngày, lũy kế đã xét nghiệm hơn 10.000 mẫu . Đến nay, tỉnh đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, đã điều trị khỏi bệnh và ra viện 04 bệnh nhân, toàn tỉnh hiện không có người nhiễm dịch Covid-19.
Công tác y tế dự phòng, phòng chống bệnh dịch mùa hè được kiểm soát: trong tháng 4, có 55 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 23 ca; không có ca mắc viêm gan siêu trùng, giảm 1 ca; có 1 ca mắc bệnh Tay-Chân-Miệng, giảm 3 ca; không có trường hợp tử vong; không có ca mắc sốt rét, liên cầu lợn, thương hàn và viêm não vi rút, bằng cùng kỳ năm trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 558 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 387 ca; 30 ca mắc viêm gan siêu trùng, tăng 18 ca; 4 ca mắc bệnh Tay-Chân-Miệng, giảm 14 ca; không ca mắc sốt rét, giảm 1 ca; không có trường hợp tử vong; không có ca mắc thương hàn, viêm não vi rút và liên cầu lợn, bằng cùng kỳ; không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.
Công tác phòng chống các dịch bệnh mới nổi: Toàn ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola, MERS-CoV. Công tác giám sát dịch Ebola, MERS-CoV đảm bảo đúng các quy trình, đến nay chưa có trường hợp nào được ghi nhận.
Mạng lưới y tế cơ sở cơ bản được hoàn chỉnh, đến nay, 142/145 trạm y tế đạt chuẩn (đạt 97,9%). Hiện tại có 4 trạm Y tế phường - xã và 01 phòng khám tư nhân thành lập theo mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình với cơ cấu 01 bàn khám, do bác sĩ có chuyên môn về Y học gia đình phụ trách.
d) Khoa học công nghệ
Công tác quản lý công nghệ trên bàn tỉnh tiếp tục tăng cường[35]. Đã hướng dẫn cho 50 tổ chức, cá nhân trên địa bàn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,...trong đó, 05 văn bằng bảo hộ được cấp trong số 20 đơn đăng ký nhãn hiệu. Tăng cường thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại 02 siêu thị, 05 chợ, 32 cơ sở kinh doanh hàng hóa (trong đó có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu). Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm[36]. Đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2020; đang hoàn thiện Đề án Cố đô khởi nghiệp.
Tổ chức khảo sát mô hình, vùng nguyên liệu, điều kiện sản xuất, bao bì, công bố sản phẩm tại 07 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh, qua đó tiến hành hoàn thiện chương trình, xây dựng quy trình quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc cho cơ sở sản xuất. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 07 doanh nghiệp, cơ sở; triển khai Đề án Tư vấn hướng dẫn, đánh giá áp dụng Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt theo GMP tại 03 doanh nghiệp/cơ sở và Đề án “Tư vấn hướng dẫn, đánh giá áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP tại 01 doanh nghiệp/cơ sở” thuộc Dự án năng suất chất lượng. Đã triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính Trị: hình thành các thiết chế KH&CN trọng điểm và thực hiện các chương trình phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN của tỉnh; thành lập Khu công nghệ cao Quốc gia tại tỉnh; xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại tỉnh; hỗ trợ các dự án nâng cao năng lực cho các phòng thí nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước của Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế nhằm sớm đưa Viện trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung; …. Đã đăng ký 12 đề tài cấp bộ và Nhà nước.
đ) Lao động việc làm, an sinh xã hội
- Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Số người liên hệ, đăng ký xin việc làm là 3.150 người (trong đó, đến trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 3.000 người và đăng ký qua website, facebook của Trung tâm Dịch vụ việc làm lập 150 người); Số lượt người đến tư vấn về việc làm, chính sách lao động và dạy nghề là 19.720 lượt người; tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, qua đó thu hút 100 lượt doanh nghiệp tham gia và khoảng 2.500 người lao động đến tìm việc.
Trong 05 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 2.607 lao động, trong đó 176 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng 7.000 lao động bị thôi việc, mất việc, chiếm 12% lực lượng lao động trên địa bàn; trong đó, khoảng 2.500 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 người từ các nơi khác trở về địa phương[37], bảo hộ 93 công dân nước ngoài được cách ly tại tỉnh; có 341 lao động là người nước ngoài đang làm việc[38]. Đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 3.529 người, tăng 103% so cùng kỳ với tổng số tiền chi là 50,815 tỷ đồng, số người đề nghị được hỗ trợ học nghề là 66 người với số tiền chi là 254,7 triệu đồng.
Công tác giáo dục nghề nghiệp: đến ngày 15/5/2020, có 280 học viên đăng ký học nghề sơ cấp, tiếp nhận 415 hồ sơ đăng ký học trình độ cao đẳng, trung cấp. Bên cạnh đó, lập danh mục thiết bị cần mua sắm phục vụ đào tạo theo Chương trình nghề trọng điểm tại các Trường Cao đẳng Y tế Huế, Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế và Trường Cao đẳng Giao thông Huế với số tiền là 7 tỷ đồng từ kinh phí Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm – An toàn lao động năm 2020.
- Công tác giảm nghèo
Số hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn 12.901 hộ, chiếm tỷ lệ hộ nghèo 4,17%, giảm 0,86% so với năm 2018, trong đó nhiều địa phương đã giảm nghèo đáng kể[39]. Tỷ lệ hộ nghèo trên 25% còn 08 xã ở A Lưới[40], giảm 7 xã. Hiện nay có 288 hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công, tỷ lệ 2,23% và 358 hộ cận nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công, tỷ lệ 2,57% trong tổng số hộ nghèo. Số hộ cận nghèo còn 13.944 hộ, chiếm 4,51%, giảm 0,42%. Đang xây dựng phương án tổ chức các hoạt động giảm nghèo, an sinh xã hội tại một số địa phương đối với nguồn hỗ trợ 3 tỷ đồng của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo tiếp cận được với cơ hội việc làm và các mô hình sản xuất tiên tiến để nâng cao thu nhập; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo, nhất là dự án ở các xã đặc biệt khó khăn và xã 135.
- Chăm lo chính sách xã hội, người có công
Thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã tổ chức thăm hỏi, tặng 42.744 suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện và xã cho người có công với tổng số tiền 9,717 tỷ đồng; bên cạnh đó đã trao 154.470 suất quà với tổng số tiền 45,820 tỷ đồng cho các đối tượng là thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Tổ chức tiếp nhận 1.148 hồ sơ và đã giải quyết 1.095 hồ sơ; tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, hư hỏng; tổ chức nuôi dưỡng thường xuyên 22 người có công tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh.
Đã thực hiện chi trả cho 04 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 133.748 đối tượng, kinh phí đã chi trả 147,84 tỷ đồng trong thời gian 03 tháng, tỷ lệ thực hiện hoàn thành chi trả 99,6%; ngoài ra đã phát hiện 560 đối tượng trùng lặp, kinh phí không chi trả 486 triệu đồng; bổ sung thêm 368 đối tượng đủ điều kiện, trong đó một số địa phương đã tạm ứng ngân sách để thực hiện chi trả kịp thời. Các Nhóm đối tượng khác được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP đã tiếp nhận 21.404 đối tượng, với tổng kinh phí 21,655 tỷ đồng[41]. Dự kiến lũy kế đến hết cuối tháng 6/2020 tiếp nhận 33.970 đối tượng với tổng kinh phí 35,170 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đang làm thủ tục tiếp nhận kinh phí từ Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và đồng hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 1,010 tỷ đồng[42].
- Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới
Đã tặng quà và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác cho trẻ em đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ em con hộ nghèo tại các địa phương; tổ chức chương trình “Cùng em đến trường”, với với những hoạt động từ thiện thiết thực[43].
Đã tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020; truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đang triển khai xây dựng mô hình Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 02 huyện: Phong Điền và A Lưới.
- Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT
Ước tính đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh có: 117.969 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 91,04% so với KH; 6.831 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 43,47% so với KH; 108.066 người tham gia BHTN đạt 89,85% so với KH; 1.135.259 người tham gia BHYT đạt 98,60% so với KH.
8. Về tài nguyên môi trường
Đã phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của các địa phương cấp huyện; bổ sung 07 công trình, dự án thu hồi đất với tổng diện tích 4,999 ha; 09 công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang mục đích khác với tổng diện tích 22,389 ha. Đã giao đất cho 09 trường hợp, với diện tích 5,11 ha, cho thuê đất 17 trường hợp, với diện tích 6,05 ha. Đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của 176 công trình, dự án; phê duyệt giá đất cụ thể của 04 dự án[44].
Tổng số thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh 6 tháng đầu năm dự ước đạt 890,0 tỷ đồng, đạt 112,5% dự toán. Trong đó, thu tiền sử dụng đất các huyện, thị xã và thành phố Huế là 650,0 tỷ đồng, đạt 130,0% KH; thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất cấp tỉnh là 240,0 tỷ đồng, đạt 52,0% KH; thu cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước đạt 558,2 triệu đồng.
Đã cấp 02 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Tiếp tục thực hiện các Dự án/đề án: Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt tỉnh Thừa Thiên Huế, Điều tra, khảo sát tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; đề án xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; đề án đánh giá khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế...
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh tiếp tục được hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ; triển khai nhiều biện pháp phòng, chống lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa điểm di tích, tâm linh và danh lam thắng cảnh; các cơ quan, trường học và các khu dân cư: dọn vệ sinh, trồng cây xanh, đồng thời phun thuốc khử trùng, tiêu độc,…
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 26 vụ cháy, tăng 2 vụ; làm chết 5 người; tổng giá trị thiệt hại 631 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống thiết bị điện. Đã phát hiện 61 vụ vi phạm môi trường, tăng 10 vụ so cùng kỳ năm trước, đã tiến hành xử lý 42 vụ với tổng số tiền phạt 224,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: Khai thác cát, khoáng sản trái phép, chặt phá rừng, phát tờ rơi quảng cáo không đúng quy định và vi phạm đảm bảo an toàn thực phẩm.
9. Công tác nội vụ, đối ngoại, quốc phòng an ninh
a) Công tác nội vụ
- Công tác tổ chức bộ máy nhà nước
Tiếp tục kiện toàn và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh, gọn và hoạt động có hiệu quả. Đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành[45].
- Công tác cải cách hành chính
Đến nay, toàn tỉnh có 2.132/2.132 thủ tục hành chính (TTHC) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, 9 Trung tâm Hành chính công cấp huyện và 145 Bộ phận TN&TKQ cấp xã; trong đó công bố 1.135 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích, chiếm 53,2% TTHC; phân theo dịch vụ công trực tuyến có 1.425 TTHC ở mức DVCTT mức độ 3, 4, chiếm tỷ lệ 66,9%[46]. Đến nay, việc thực hiện thanh toán trực tuyến đối với các DVCTT trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng DVC tỉnh đang được hoàn thiện; đã kết nối nền tảng thanh toán cổng DVC quốc gia, đang chờ xác nhận từ Cổng DVC quốc gia.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHCtrên địa bàn tỉnh là 160.449hồ sơ, tổng sốhồ sơ tiếp nhận trực tuyến là20.697hồ sơ, chiếm tỉ lệ 12,9% trong đó số lượng hồ sơ yêu cầu giải quyết ở cấp huyện và cấp xã lớn song hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chưa cao[47].
Tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, tiến hành rà soát quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành chuyên môn cấp tỉnh (17 đơn vị) [48].
Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, UBND cấp huyện và cấp xã; công bố TTHC thay thế trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND cấp huyện.
Năm 2019, các chỉ số đo lường của tỉnh có nhiều cải thiện vị trí: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp vị thứ 13 (tăng 3 bậc so với năm 2018); Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp vị thứ 2 (tăng 3 bậc); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 20 (tăng 10 bậc); Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 5 (tăng 38 bậc). Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa ở cấp xã vẫn chưa được khắc phục; chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước còn quá thấp so với cả nước xếp thứ 57 (giảm 26 bậc)[49].
UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh ban hành 65 Nghị quyết thông qua đối với các Đề án, Tờ trình tại các kỳ họp bất thường. UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông qua 58/93 chương trình, đề án, báo cáo, kế hoạch (đạt tỷ lệ 62,36%/KH)[50].
b) Công tác đối ngoại
Nhiều đoàn khách nước ngoài tạm hoãn đến làm việc ở Huế; các hội nghị, hội thảo quốc tế giảm mạnh, không thể triển khai theo kế hoạch (với 157 đoàn khách quốc tế/1119 lượt người, giảm 62% về đoàn, giảm 56% về người). Đến nay, tỉnh thường xuyên duy trì và có quan hệ hợp tác với hơn 45 nước trên thế giới; có 76 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có đăng ký còn hoạt động tại địa bàn tỉnh.
Công tác xuất, nhập cảnh được kiểm soát chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã giải quyết 04 vụ việc lãnh sự, trong đó có 02 vụ việc kéo dài từ năm 2019[51]. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19, liên tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác bảo hộ công dân, người nước ngoài cách ly phòng dịch trên địa bàn tỉnh, tạo được hình ảnh tốt đẹp của Chính quyền và nhân dân địa phương đối với bạn bè quốc tế[52]. Bên cạnh đó, đã hỗ trợ cho 3 tỉnh bạn Lào là Sekong, Salavan, Savannakhet mỗi tỉnh 300 triệu đồng bằng hiện vật là trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19.
c) An toàn giao thông
Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ; từ đầu năm đến ngày 14/5/2020, đã xảy ra 103 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 26 vụ so với cùng kỳ; làm chết 51 người, giảm 30 người; bị thương 71 người, giảm 41 người. Trong đó: Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 102 vụ, giảm 20 vụ; làm chết 50 người, giảm 27 người; bị thương 71 người, giảm 39 người. Đường sắt xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, giảm 06 vụ; làm chết 01 người; tai nạn đường thủy không xảy ra.
d) Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội
Đã triển khai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2020. Toàn tỉnh, có hơn 1.300 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, các địa phương đã tổ chức chu đáo, nhanh gọn lễ giao nhận quân năm 2020, đảm bảo đúng yêu cầu và được kiểm soát chặt chẽ trong phòng dịch Covid-19. Đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối công sở và an ninh trật tự tại các địa điểm công cộng, khu dân cư, các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống cháy nổ; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.
10. Những tồn tại, hạn chế
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng GRDP giảm sâu chỉ đạt 0,38%, chưa đạt kỳ vọng (do hơn 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có doanh thu giảm gần 7.000 tỷ đồng). Thu ngân sách trên địa bàn giảm 8,3%. Một số năng lực mới ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng cao đi vào hoạt động như các dự án thủy điện A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 4 nhưng thời tiết hạn hán, thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất; dự án công nghệ thông tin Snow Bricks chậm tiến độ,… chưa có nhân tố mới đột phá, góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế.
- Quy mô kinh tế nhỏ, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế do vậy ảnh hưởng đại dịch Covid đã tác động đến ngành du lịch, lượng khách giảm mạnh.
- Chậm triển khai chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đặc biệt là trung tâm thương mại, đầu tư nâng cấp chợ Đông Ba.
- Tiến độ đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương chậm, bị ảnh hưởng theo phải cắt giảm đầu tư, giãn tiến độ đầu tư một số dự án; cùng với tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được cấp chủ trương đầu tư chậm khởi công mới, chậm tiến độ; công tác rà soát thu hồi dự án không có khả năng triển khai còn chậm; công tác GPMB gặp khó khăn; giao dịch, hoạt động của các dự án đầu tư tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 (nhất là các dự án đầu tư nước ngoài);....
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, KCN chưa đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải KCN (trừ KCN Phú Bài) chưa được đầu tư xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
- Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều chỉ số PCI, PAPI, Par-Index tăng bậc nhưng nhiều chỉ số thành phần giảm bậc đáng kể, chẳng hạn PCI tăng 10 bậc song 03 chỉ số sau đây giảm sâu: Tiếp cận đất đai của tỉnh xếp thứ 38/63 tỉnh/thành phố; Tính minh bạch của tỉnh xếp thứ và Gia nhập thị trường của tỉnh xếp thứ 41/63 được ghi nhận do vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai, việc giao đất cho doanh nghiệp, thông tin quy hoạch, thông tin mời thầu, vốn đầu tư công,...chưa đầu đủ, kịp thời.
Nguyên nhân của hạn chế:
- Về mặt khách quan, do ảnh hưởng Covid-19 nên đã tác động lớn đến việc phát triển các ngành lĩnh vực của tỉnh; trong đó một số ngành chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ như: du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu. Ngoài ra, chịu ảnh hưởng thời tiết, mưa lớn ở cuối vụ nên sản lượng nông nghiệp giảm.
- Chất lượng tham mưu trong công tác xúc tiến đầu tư, quản lý giám sát trong xây dựng, đất đai, đầu tư chưa cao đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chậm triển khai các quy hoạch phân khu...
- Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp huyện, cấp xã chưa đạt hiệu quả, đặc biệt hạn chế về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa ở cấp xã vẫn chưa được khắc phục; mặt khác, thói quen dùng giấy tờ, trình độ học vấn và điều kiện sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin của người dân đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi còn rất nhiều thiếu thốn và hạn chế gây khó khăn trong việc tiếp cận các DVCTT; do đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp DVCTT của toàn tỉnh.
II. Dự báo tác động dịch Covid-19 đối với phát triển KT-XH năm 2020
Mặc dù, đại dịch Covid-19 xảy ra với nhiều khó khăn thách thức[53], tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, các giải pháp hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ người dân, … Nhờ đó, có tác động tích cực đến với doanh nghiệp, người dân trong nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội phòng chống Covid-19, đặc biệt nổi bật trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thông tin số trong lĩnh vực giáo dục (học online); y tế (toàn dân tuân thủ khai báo sức khỏe online); phương pháp làm việc (họp online); các dịch vụ kinh doanh online,…. đã có cơ hội mở rộng lĩnh vực dịch vụ, tăng doanh thu góp phần cơ hội cho khởi nghiệp pháp triển; việc chuyển đổi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường: đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, thiết bị y tế,.…Ngoài việc mở hãng hàng không mới – Vietravel airline, thu hút làn sóng đầu tư tạo cơ hội kêu gọi đầu tư, phát triển doanh nghiệp cùng với các giải pháp hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, kích cầu du lịch trong thời gian tới. Tình hình sản xuất kinh doanh có khả năng khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm.
Dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm ước đạt 5 – 6,75% tương ứng công nghiệp-xây dựng khoảng 9% dịch vụ tăng 2,5 - 6%; nông nghiệp tăng 4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,79%). Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt từ 2,85 – 3,77% (tương ứng công nghiệp-xây dựng 6,7%; dịch vụ tăng từ 0,19% - 2%; nông nghiệp tăng 2,39 - 2,41%). Dự kiến hụt thu ngân sách 18% so dự toán. Với kết quả này sẽ thấp hơn so với kế hoạch cả năm từ 7,5%-8%.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản đã kiểm soát tốt, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, các sở, ban ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục ưu tiên cho công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19
Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông liên quan đến tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xuyên tạc, đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động rà soát và chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3809/UBND-GD ngày 08/5/2020.
2. Tập trung ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương. Hoàn thành việc chi trả các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sót đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách trên địa bàn.
Tiếp tục vận hành hiệu quả phần mềm hỗ trợ công tác thu thập thông tin, đánh giá tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 qua ứng dụng công nghệ thông tin đối với các Sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã,...trên địa bàn để chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời có giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách.
3. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới
Tập trung hoàn chỉnh các Đề án trình các cơ quan Trung ương: Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường; Đề xuất các tiêu chí về phân loại đô thị và đơn vị hành chính đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế,…
Triển khai các thủ tục, tổ chức xây dựng Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050, trong đó chú trọng tích hợp các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực vào trong quy hoạch tỉnh phù hợp với mô hình đô thị khi xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 – 2030; triển khai lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, cập nhật CSDL nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng Kế hoạch thực hiện xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng Kế hoạch cập nhật, điều chỉnh bản đồ hành chính cấp tỉnh, do có thay đổi về địa giới và sáp nhập đơn vị hành chính… Hoàn thành xây dựng Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lập đề án nâng cấp các đô thị: Vinh Hiền, Thanh Hà, Điền Lộc đạt tiêu chí đô thị loại V. Đánh giá phân loại đô thị thành phố Huế mở rộng và đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường. Lập Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang nhân dân phía Bắc và phía Nam thành phố Huế.
Chủ động làm việc, phối hợp các bộ, ngành Trung ương bám sát các nội dung kiến nghị tại Thông báo số 55/TB-VPCP, ngày 20/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh[54]; tổ chức triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020. Tiến hành đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XVI của tỉnh và Chương trình hành động triển khai kế hoạch 05 năm 2021 – 2025.
4. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất và các dự án cấp thiết trong nguồn lực có hạn. Rà soát lại mức độ cần thiết các dự án vốn ngân sách địa phương khởi công mới năm 2020. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 623/TTg-CP ngày 26/5/2020; trong đó: đến hết ngày 30/9/2020 tỷ lệ giải ngân không dưới 60%; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao KH năm 2020 (kể cả số vốn năm trước chuyển nguồn sang). Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát giãn tiến độ, khởi công 11 công trình, dự án chưa thực sự cần thiết. Trong năm 2020, tập trung ưu tiên nguồn lực tiếp tục triển khai đề án di dời các hộ dân khu vực I di tích Kinh thành Huế, di dời đất quốc phòng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và hộ dân sinh sống tại khu vực Mang Cá) và các dự án cải thiện môi trường nước: Hoàn thành di dời các hộ thuộc khu vực Thượng thành và ổn định dân cư tại khu tái định cư Hương Sơ, An Hòa; hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ đầu tư khu tái định cư Bắc Hương Sơ, khu vực 3, 4, 5, 6, 7 và 8; đảm bảo việc bàn giao đất tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ dân ảnh hưởng di dời xây dựng nhà ở trong năm 2020,…Tập trung ưu tiên tạo điều kiện hỗ trợ để khởi công các dự án ngoài ngân sách và đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án trong ngân sách để giải ngân vốn.
Tập trung hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư: Sân golf Thiên An, Khu du lịch sinh thái Biển Hải Dương (Eco Park), BRG; Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình (Tập đoàn Văn Phú); Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, dự án sản xuất găng tay và sợi polyethylen, Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt,...Hỗ trợ triển khai các dự án Trung ương trên địa bàn: Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án hầm đường bộ Hải Vân (4 làn xe), mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,....
Tiếp tục thi công hoàn thành các tuyến đường trong đô thị và kết nối với các địa phương trên địa bàn: đường Đào Tấn nối dài, đường Thủy Phù - Vinh Thanh, đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc... Tiếp tục các công trình chỉnh trang đô thị: mở rộng Cầu Lòn, đường đi bộ từ Cầu Dã Viên đến Chùa Linh Mụ, đường ven sông Bùi Thị Xuân…
Rà soát, giám sát tiến độ các dự án ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND. Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn theo Nghị định số: 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; hoàn thành quy chế Phần mềm quản lý dự án ngoài ngân sách; triển khai thực hiện quy trình liên thông thẩm định dự án đầu tư giữa các sở, ngành chuyên môn. Rà soát, thanh lý các dự án bị treo: dự án Công viên nước Hồ Thủy Tiên (nghiên cứu mô hình sở thú thân thiện), ...
Lập thủ tục sử dụng vốn kết dư dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; lập thủ tục bổ sung quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tuyến đường ven biển, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và đường Vành đai 3,...để thực hiện các dự án đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025. Điều chỉnh quy hoạch mỏ cát trắng huyện Phong Điền, quy hoạch phân khu Khu B - đô thị mới An Vân Dương, quy hoạch phân khu Khu tổ hợp dịch vụ khu vực lân cận Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài,…
Đôn đốc triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đô thị biển Vinh Xuân, Phú Vang; thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang; khu du lịch sinh thái Bãi Chuối; khu phi thuế quan Chân Mây; khu vực phía Nam trục trung tâm khu du lịch Lăng Cô; Khu công nghiệp Phú Bài 4 (giai đoạn 2); dự án Khu dân cư phía Bắc phường An Hòa - Hương Sơ, thành phố Huế và xã Hương Vinh - Hương Toàn, thị xã Hương Trà; Khu đô thị sinh thái Thanh Tiên, xã Phú Mậu - Phú Dương - Phú Thượng, huyện Phú Vang; Khu D - Đô thị mới An Vân Dương; xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển tại xã Vinh Hải và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc; Phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà; Khu du lịch sinh thái Hồ Khe Ngang, thị xã Hương Trà; khu vực phía Bắc trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô đến khu vực núi Giòn; Khu vực trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối; Khu F - Đô thị mới An Vân Dương (khu vực Tố Hữu nối dài); Khu tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tàng thiên nhiên và sân golf, huyện Phong Điền; Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ, huyện Phong Điền.
5. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án. Rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp hỗ trợ đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Tập trung vào công tác phát triển thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản suất kinh doanh,...Triển khai các hoạt động hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo Kế hoạch số 74/UBND-KH của UBND tỉnh ngày 07/3/2020.
Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ giữa năm 2020.
Thực hiện Đề án phát triển công nghiệp nông thôn và Chương trình đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã,...trong bối cảnh thị trường nông sản đang bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu 2020 chủ động kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng để chủ động phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón, giống cây trồng; phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, các loại phân bón không rõ nguồn gốc, giống cây trồng kém chất lượng... Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch. Đặc biệt chú trọng các biện pháp chuyên ngành thú y nhằm chủ động phòng, chống, dập dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi và dịch cúm gia cầm. Tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2020; tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng bằng việc duy trì hoạt động truy quét, kiên quyết xử lý các đối tượng phá rừng theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng và các tụ điểm mua bán, vận chuyển và săn bắt động vật hoang dã; thường xuyên theo dõi ảnh viễn thám để kiểm tra việc xâm hại tài nguyên rừng.
6. Đẩy mạnh phát triển du lịch và ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch
Triển khai chương trình kích cầu du lịch; đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, truyền thôngđiểm đến "Thừa Thiên Huế - an toàn và thân thiện"thông qua truyền thông, báo chí, qua các ứng dựng du lịch thông minh; chú trọng quảng bá qua các kênh của mạng xã hội, chú trọng các Fanpage có lượt follow lớn…Tăng cường hợp tác công tư, phối hợp với các doanh nghiệp lớn để tạo hiệu quả cao trong các hoạt động xúc tiến quảng bá; ưu tiên tập trung kinh phí xúc tiến, quảng bá thị trường nội địa trong năm 2020.
Tập trung quảng bá những sản phẩm, dịch vụ chiến lược như Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài, Festival 4 mùa, Festival Huế 2020 kết hợp với giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn (du lịch y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, cộng đồng, khai thác du lịch biển, đầm phá, suối, thác…).
Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Festival Huế 2020: công tác kết nối và khẳng định sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế trong tình hình dịch bệnh; tăng cường quảng bá, truyền thông Festival Huế 2020, đặc biệt tăng cường các hình thức thông tin đối ngoại trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.., nâng cấp website và phần mềm trên điện thoại di động về Festival Huế; chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Du lịch năm 2020 với chủ đề kết nối lữ hành và quảng bá chương trình kích cầu, điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế, 03 địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam (dự kiến tháng 8/2020); tham gia các chương trình kích cầu du lịch nội địa, khai thác thị trường quốc tế mới của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Tiếp tục triển khai Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi. Xây dựng Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển Du lịch”, “Chính sách phát triển Bảo tàng tư nhân”. Mở rộng kết nối đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, cầu Trường Tiền, khu vực các tuyến đường ở Đại Nội.
7. Thực hiện điều hành thu chi ngân sách hiệu quả
Tập trung ưu tiên các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách như: (1) Đấu giá, đầu thầu các dự án trọng điểm; (2) thực hiện thủ tục tổ chức đấu giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện Dự án đầu tư đối với các Khu nhà đất (đường Phạm Văn Đồng, Khu đất 44 Trần Thái Tông, Khu đất 121 Nguyễn Sinh Cung, Khu đất TMDV5 An Cựu City; Dự án Thủy Vân 2, Khu đất tái định cư Khu vực Kinh Thành Huế, Bán đấu giá đất ở đã có hạ tầng ...; (3) đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất (1 lần) các dự án lớn ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các dự án nghĩa trang Hương An viên, nghĩa trang Thủy Dương; (4) Đôn đốc triển khai các dự án đầu tư công để tăng thu vãng lai trên địa bàn (thuế VAT).
Điều chỉnh, cơ cấu lại nguồn thu, chi ngân sách. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 10/4/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương; trong đó, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; không bổ sung chi thường xuyên, trừ trường hợp đặc biệt, cấp bách. Xây dựng các kịch bản khi nguồn thu ngân sách nhà nước không đảm bảo do tác động của dịch Covid-19 theo thứ tự ưu tiên.
8. Về các lĩnh vực văn hóa - xã hội
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tuyên truyền về danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế “Xanh - Sạch - Sáng”, “Thành phố bốn mùa hoa”, phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Lễ hội Festival Huế 2020.
Về giáo dục và đào tạo: Tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh; phụ đạo cho học sinh yếu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm 2020 đảm bảo chu đáo, an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Phấn đấu tỷ lệ học sinh có điểm trung bình thi THPT Quốc gia tăng từ 05 đến 07 bậc so với năm 2019. Tiếp tục duy trì trường đã đạt chuẩn quốc gia sau khi đánh giá lại.
Về y tế: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm việc phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Chủ động phương án chuyển Bệnh viên TW Huế - cơ sở 2 trở thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong trường hợp số bệnh nhân lây nhiễm cao. Đầu tư trang thiết bị y tế cho từ 3-6 Trạm Y tế thuộc ba vùng I, II, III (theo Quyết định số 4667/2014/QĐ-BYT) để thực hiện thí điểm theo Quyết định 4389/QĐ-BYT, ngày 11/07/2018 về việc phê duyệt danh mục trang thiết bị cho Trạm Y tế xã mô hình điểm phục vụ. Triển khai và vận hành có hiệu quả việc tạo lập, quản lý hồ sơ điện tử, quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; thực hiện Bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Xây dựng cơ sở y tế “Xanh-Sạch-Đẹp” hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân.
Tăng cường thông tin, kết nối cung - cầu lao động nhằm ổn định sản xuất. Tổ chức rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tiếp tục thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiếp tục thực hiện phân công các sở, ban, ngành, đơn vị, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở huyện A Lưới và Nam Đông, đặc biệt 2 xã Thượng Long và Thượng Hữu[55] ở Nam Đông góp phần sớm về đích đạt chuẩn huyện Nông thôn mới. Phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc chính sách người có công[56].
Triển khai phát huy vai trò chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin theo lộ trình. Tăng cường hạ tầng phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, tiến tới hình thành đô thị thông minh. Tập trung triển khai hạ tầng và các dịch vụ Đô thị thông minh tại Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh của tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái trong 05 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, Môi trường.
9. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh nhằm hướng đến nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả: Đẩy mạnh CCHC gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến TTHC mức độ 3, mức độ 4, tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; … theo Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.
Rà soát và giải quyết sớm các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho những dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết các thủ tục hành chính để tồn đọng kéo dài. Phấn đấu 01 tháng triển khai thực hiện 01 dự án có trị giá từ 100 tỷ trở lên.
Triển khai đồng bộ hệ thống quản lý văn bản, đảm bảo kết nối, liên thông bốn cấp; xây dựng hình ảnh "chính quyền thân thiện, phục vụ". Triển khai thực hiện các Kế hoạch cải thiện các chỉ số PAR-Index và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) phấn đấu vị trí trong top 10 của cả nước; duy trì ICT ở hạng mức cao (năm 2019 xếp thứ 2) và đặc biệt nâng cao chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.
Tăng cường quản lý công tác tổ chức bộ máy và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hoàn thành Đề án “Hợp nhất các thiết chế Văn hóa - Thông tin cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Duy trì và triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
10. Quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội
Triển khai tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương năm 2020, chú trọng chất lượng và xây dựng cơ sở xã, phường, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu và chất lượng công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, bảo đảm thật sự vững mạnh, có độ tin cậy cao. Tăng cường chỉ đạo xây dựng công trình chiến đấu; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng trên địa bàn.
Tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối các ngày lễ lớn. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động kích động, lôi kéo tụ tập, gây rối an ninh, trật tự công cộng và các loại băng nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, “tín dụng đen”, ma túy trên địa bàn.
Tăng cường phòng chống cháy nổ; đẩy mạnh thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn và ùn tắc giao thông... Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn.
Thường xuyên chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp trong xã hội gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội; Không để xảy ra điểm nóng về tệ nạn xã hội. Tổ chức tốt tháng hành động về phòng, chống ma túy.
Chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm tổ chức thành công các ngày lễ, sự kiện lớn trong năm: Festival Huế 2020, bảo vệ an toàn ASEAN 2020, Đại hội Đảng các cấp.
[1] Số liệu do Tổng cục Thống kê tính và thống nhất công bố trên phạm vi cả nước. Mức tằng 0,38% đây là mức tăng thấp nhất chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỹ qua, giảm sâu so với mức tăng 6,87% của 6 tháng đầu năm 2019
2 trong đó các tỉnh có thế mạnh về du lịch, dịch vụ đều bị tác động lớn, tăng trưởng âm, cụ thể:
Các tỉnh/ GRDP
|
Quảng Trị
|
Thanh Hóa
|
Quảng Bình
|
Bình Định
|
Phú Yên
|
Nghệ An
|
Quảng Ngãi
|
TT-Huế
|
Hà Tĩnh
|
Đà Nẵng
|
Quảng Nam
|
Khánh Hòa
|
6 tháng(%)
|
4,17
|
3,7
|
3,38
|
2,01
|
1,93
|
1,6
|
0,72
|
0,38
|
0,09
|
-3,61
|
-11,5
|
-12,0
|
[3] do hầu hết các hoạt động du lịch trên địa bàn đều bị ngừng, đóng cửa hoạt động; các sự kiện, lễ hội bị hoãn hoặc hủy tổ chức thực hiện (trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 4/2020).
[4] Thuế sản phẩm bao gồm thuế VAT, thuế TTĐB, thuế xuất nhập khẩu (ở mức tăng khá nhờ chuyển nguồn thu từ năm 2019 chuyển sang).
[5] - Đối với xuất khẩu: dăm gỗ tăng 17,04% và clinke tăng 47,6% nhờ bến cảng và phương tiện bốc xếp sẵn sàng (do lượng tàu du lịch giảm mạnh, không bị cạnh tranh khi ưu tiên bến cảng dành cho du lịch)
- Đối với nhập khẩu: Số thu phát sinh chủ yếu: thu từ mặt hàng là nguyên liệu, vật tư của công ty TNHH Billion max Việt Nam mới phát sinh năm 2020 tăng hơn 6,1 tỷ; thu từ các mặt hàng nguyên liệu sản xuất từ một số doanh nghiệp như Công Ty TNHH Baosteel Can Making (Huế Việt Nam) đạt 40 tỷ, Công ty TNHH Bia carlsberg Việt Nam đạt gần 18 tỷ đồng, Công ty CP Frit Huế đạt hơn 13,1 tỷ đồng, đặc biệt là số thu từ mặt hàng than nhiệt nhập khẩu 11 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ cũng phát sinh thuế GTGT từ hàng máy móc thiết bị nhập khẩu của dự án đầu tư của Công ty TNHH Billion Max Việt Nam giai đoạn 2, Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3...
[6] trong đó khách quốc tế ước đạt 537,4 nghìn lượt, giảm 48,4%; khách nội địa đạt 599,2 lượt, giảm 43,0%
[7] Trong đó: dự án “Đầu tư quản lý, khai thác Chợ và Trung tâm thương mại Lăng Cô của CTCP Đầu tư Khai thác và Phát triển thương mại Nam Việt đang xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ; dự án công trình nâng cấp, cải tạo chợ Truồi-Lộc An (huyện Phú Lộc) của Công ty TNHH Đầu tư Long Phụng đang tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng; UBND chợ Mới, xã Điền Hải (huyện Phong Điền) được đầu tư xây lại trên 4 tỷ dồng; đầu tư cải tạo các chợ huyện Phú Vang: giai đoạn 2 chợ Vinh Thái 2,667 tỷ dồng; nâng cấp chợ Trường Lưu 765 triệu đồng; sửa chữa đình chợ Thị trấn Thuận An 463 triệu đồng....
[8] Đang triển khai thủ tục xây dựng phương án chuyển đổi chợ An Lỗ, xã Phong Hiền; chợ Cống, Vỹ Dạ khả năng không còn chuyển đổi mô hình theo kế hoạch, đưa vào kêu gọi đầu tư ở vị trí mới do diện tích chợ mất đi thay vào dự án mở rộng Cầu Vỹ Dạ; các chợ còn lại trong quá trình tổ chức xây dựng phương án chuyển đổi chợ
[9] 7 chợ đã chuyển đổi: chợ Tân Tô - Xã Thủy Tân, chợ Lương Văn - Phường Thủy Lương, chợ Tuần- Xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); chợ Hương Hồ - Phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà); chợ Nước Ngọt - Xã Lộc Thủy, chợ Nong - Xã Lộc Bổn, chợ Vinh Hiền - xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc).
[10] Các công ty: HBI, Scavi chủ yếu thực hiện các hợp đồng may khẩu trang gia công cho các đối tác nước ngoài, còn các doanh nghiệp như Công ty CP Dệt may Huế, Công ty CP Dệt may Thiên An Phát, Công ty CP Dệt may Thiên An Phúc, Cty Vinatext Hương Trà, Công ty CP Da giày Huế.... may khẩu trang phục vụ tiêu thụ nội địa và thực hiện lại các hợp đồng may gia công khẩu trang cho Công ty HBI và Công ty Scavi.
[11] Có 10 nhà máy tham gia phát điện: 09 nhà máy thủy điện (A lưới, Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch, A Roàng, Thượng Lộ, Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 4) tổng công suất 416,2MW và 01 nhà máy điện mặt trời Phong Điền công suất 35MW.
[12] dự án nhà máy sản xuất men frit của Công ty CP Frit Hương Giang tại KCN Phong Điền, công suất 20.000 tấn/năm, vốn đầu tư 140 tỷ đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sản xuất thử cuối năm 2019, tuy nhiên đến nay nhà máy vẫn chưa đưa vào hoạt động chính thức do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
[13] Hiện nay đang xúc tiến một số dự án lớn như: Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Cả với tổng vốn đăng ký 2.529 tỷ đồng; Dự án Đầu tư XD và KD kết cấu hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 2 với tổng vốn 3.000 tỷ đồng; Dự án Excel Chân Mây của Công ty TTN và Quốc tế Đại Việt với vốn đầu tư 200 tỷ đồng, Dự án sản xuất đá tấm thạch anh nhân tạo Lux Quartz của Công ty TNHH MTV Lux Quarts vốn đầu tư 20 tỷ đồng.
[14]Tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô:
- Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô: Dự kiến sẽ triển khai xây dựng khối khách sạn và khu biệt thự với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD trong Quý II/2020, song do ảnh hưởng của dịch Covid 19, Công ty vẫn chưa triển khai.
- Dự án đầu tư xây dựng Bến số 3 – cảng Chân Mây: Đến nay, dự án đã thi công cơ bản hoàn thành đóng cọc kè xung quanh, xây dựng kè bờ; đang thi công san lấp mặt bằng, ép cọc, thi công cầu cảng. Lũy kế khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 350 tỷ đồng. Đã ký hợp đồng mua máy móc, thiết bị , dự kiến hoàn thành dự án đưa vào hoạt động trong quý III/2020.
- Dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 – cảng Chân Mây: Dự án đã thi công hoàn thành cầu cảng với khối lượng thực hiện khoảng 270 tỷ đồng; dự kiến dự án hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động trong tháng 7/2020, giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý I/2021.
- Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải: Hiện tại, nhà đầu tư đang triển khai phần nội thất 26 căn biệt thự 03 phòng ngủ, 14 biệt thự 02 phòng ngủ; đang triển khai phần thô 12 biệt thự biển; hoàn thành phần thô 06 khối khách sạn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong quý III/2020, vốn đầu tư thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 650 tỷ đồng.
- Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô: Dự án đang tạm dừng thi công xây dựng. vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 1 ước đạt khoảng 350 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong quý II/năm 2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
- Dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam: Dự án đã vận hành và đi vào hoạt động chính thức giai đoạn 1 vào cuối quý III/2019; đến nay đã thi công toàn bộ nhà xưởng, đang lắp đặt máy móc, thiết bị giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động quý II/2020 đúng tiến độ.
- Dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina của Công ty Sunjin Property Management Llc: Dự án đã khởi công xây dựng vào Quý I/2020, hoàn thành đi vào hoạt động vào tháng 7/2020.
- Dự án Nhà máy Nakamoto Việt Nam của Công ty Nakamoto Packs Co., LTD: Đã khởi công xây dựng vào Quý IV/2020, hoàn thành đưa vào hoạt động Quý II/2021.
Tại các Khu công nghiệp:
- Dự án Đầu tư nhà máy kéo sợi 30.240 cọc sợi tại Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài: Dự án đã khởi công xây dựng vào tháng 10/2019 và dự kiến sẽ vận hành thử trong tháng 10/2020.
- Dự án Nhà máy Kanglongda Huế: Dự án đã khởi công xây dựng quý I/2020, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động giai đoạn I vào Quý I/2021. Vốn thực hiện khoảng 100 tỷ đồng.
- Nhà máy sản xuất men frit của Công ty CP Frit Hương Giang: Lò thứ 01 dự án đã hoạt động vào quý III/2019, lò thứ 02 của dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2020. Vốn thực hiện khoảng 112 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN La Sơn giai đoạn 1 của Công ty TNHH Vitto: Hiện tại, Công ty đang phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc đang thực hiện giải phóng mặt bằng đợt 2 và 3 của dự án (diện tích 85ha) để đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1 của Công ty TNHH Hello Quốc tế VN: Hiện nay, vẫn còn 03 hộ dân chưa đền bù xong. Đến nay, dự án đã hoàn thành thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất 23,2ha. Khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 150 tỷ đồng.
- Dự án sản xuất mũ thể thao và túi du lịch của Công ty TNHH Lavaya (Hồng Kông) được Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 5425334170 ngày 28/6/2019. Với mục tiêu may mũ thể thao và túi xách du lịch, công suất thiết kế 9 triệu sản phẩm/năm. Vốn đầu tư đăng ký 139,5 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 2.4 ha; dự án khởi công quý IV/2019, hoàn thành đưa vào hoạt động vào quý III/2020; vốn thực hiện lũy kế khoảng 100 tỷ đồng.
[15] Quyết định số 1227/QĐ-UBND ngày 22/5/2020
[16]An Hòa, Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa, Bắc An Gia, A Co
[17] Bắc An Gia, Tứ Hạ, An Hòa, Thủy Phương, A Co và Hương Hòa
[18] Nguyên nhân giảm là do giá cả thị trường các loại sản phẩm cây hàng năm thấp nên người dân không mặn mà gieo trồng.
[19] Công nghệ cao: 16 nhà lưới trồng hoa, 20 nhà lưới trồng rau; VietGAP: 50 ha Lúa, 18 ha bưởi Thanh Trà, 0,3 ha dưa lưới, 15 ha mướp đắng và 90,13 ha rau; Hướng hữu cơ: 214,7 ha lúa, 172,2 ha rau.
Các giống lúa chất lượng cao như HT1, IRi35, HN6, JO2, HT6... có diện tích gieo cấy 10.972 ha, chiếm 38,27% diện tích (tăng 61 ha); tỷ lệ gieo cấy giống lúa xác nhận đạt tỷ lệ 93,4 %, tăng 0,9%.
Diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn toàn tỉnh là 4.763 ha. Trong đó: Cánh đồng mẫu có liên kết 2.776 ha (109 cánh đồng, tăng 1.175 ha so với cùng kỳ năm trước); cánh đồng mẫu chưa có sự liên kết 1.987 ha (88 cánh đồng, tăng 784 ha).
[20] Kết quả: Đã thực hiện 12 cuộc kiểm tra đối với 67 đối tượng; đã phát hiện 01 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 25.000.000 đồng, tịch thu và tiêu hủy 01 vàng lưới vây có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
[21] thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
[22] 3 cơ sở nuôi trồng thủy sản tại Phong Điền; 3 cơ sở chăn nuôi tại Phú Vang, Nam Đông; 3 cơ sở trồng trọt tại Nam Đông, 1 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tại Hương Trà.
[23] 1 lớp cấp tỉnh, 4 lớp cấp xã và 8 lớp cho các chủ thể.
[24] trong đó: ngành thực phẩm 23 sản phẩm; ngành thảo dược 03 sản phẩm; ngành đồ uống 05 sản phẩm; ngành vải, may mặc 01 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí 02 sản phẩm
[25] gồm: Dự án Nhà máy bê tông thương phẩm; Dự án Xây dựng nhà xưởng gia công đan lát thủ công mỹ nghệ; Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam; Dự án Khai thác đá granite làm vật liệu xây dựng thông thường; Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô; Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây
[26] bao gồm: 1 đô thị loại I (thành phố Huế), 3 đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thị trấn thuận An mở rộng) và 10 đô thị loại V (07 thị trấn hiện hữu: Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre)
[27] Vốn ngân sách Trung ương quản lý 669 tỷ đồng, bằng 65,59% KH, tăng 57,41%; vốn ngân sách Địa phương quản lý 1.898 tỷ đồng, bằng 40,12%, tăng 33,01%.
[28] Như: Sửa chữa nâng cấp hệ thống tưới phục vụ sản xuất thuộc Khu tái định cư thủy điện A Lưới; Cống An Xuân và kè gia cố hai bờ hói An Xuân; Kè chống sạt lở bờ sông Nong; Sửa chữa, nâng cấp hồ Thọ Sơn; Kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch; Nạo vét và xây dựng Kè hói Đốc Sơ-An Hòa; Kè chống sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn Hạ Lang; Kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Công; Đường Chợ Mai - Tân Mỹ; Nâng cấp đê kết hợp giao thông đê Nho Lâm-Nghĩa lộ đoạn qua xã Quảng Phú và Quảng Thọ; Sửa chữa nâng cấp đê Đông Phá Tam Giang đoạn qua xã Điền Hoà - Điền Hải.
[29] với kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng/nhà
[30] Chương trình Countdown Chào mừng năm mới lần đầu tiên được tổ chức ở Thừa Thiên Huế, Lễ hội Đền Huyền Trân, chương trình nghệ thuật chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Lễ hội Đua Trãi trên sông Vực và Đêm thơ Nguyên Tiêu tại thị xã Hương Thủy, Lễ hội Vật Làng Sình tại Phú Vang, Lễ hội Cầu ngư tại làng Thai Dương Hạ (Phú Vang), Lễ hội Điện Huệ Nam…
Thống nhất kế hoạch điều chỉnh và chốt chương trình tổ chức Festival Huế 2020 vào ngày 28/8-02/9/2020 do ảnh hưởng dịch Covid 19
[31] Trong đó Mầm non: 206 trường, tỷ lệ đạt chuẩn QG chiếm 45,4%; Tiểu học: 200 trường, tỷ lệ đạt chuẩn QG chiếm 81,5%; THCS: 132 trường, tỷ lệ đạt chuẩn QG chiếm 62,8%; THPT: 37 trường, tỷ lệ đạt chuẩn QG chiếm 48,6%.
[32] đã phát chương trình lớp 12 từ ngày 16/3/2020, chương trình lớp 9 từ ngày 23/3/2020, chương trình lớp 5 từ ngày 13/4/2020 đến khi học sinh đi học trở lại (riêng khối 12 vẫn phát các tiết ôn tập)
[33] Riêng khối 12 của cấp THPT và Giáo dục thường xuyên phải hoàn thành chương trình giảng dạy năm học trước 30/6/2020.
[34] Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ); xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết hợp với thi tuyển sinh các môn năng khiếu
[35] trong Quý I/2020, đã cấp 01 Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Nhật Việt và tổ chức thẩm định phương án công nghệ cho Nhà máy Kanglongda Huế. Cấp 04 Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, gia hạn 5 giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho các đơn vị y tế trên địa bàn; cấp/cấp lại 1 Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách;
[36] tiêu hủy 15 mũ bảo hiểm không dán tem CR và không có nguồn gốc xuất xứ; xử phạt 03 cơ sở kinh doanh hàng hóa không ghi nhãn theo tính chất hàng hóa với số tiền phạt 3.300.000 đồng; phát hiện và nhắc nhở 01/23 cơ sở kinh doanh xăng dầu có mẫu xăng RON 95 có trị số octanne bất thường.
[37] trong đó gần 7.000 người trở về từ Lào đã hết thời gian cách ly tập trung.
[38] đã cấp 24 giấy phép lao động và 40 giấy xác nhận lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh
[39] Trong đó: huyện A Lưới tỷ lệ 18,5% (giảm 3,01% so năm 2018), huyện Quảng Điền 5,75% (giảm 1,81%); huyện Nam Đông 5,4% (giảm 2,43%), huyện Phú Vang 4,77% (giảm 0,86%); huyện Phú Lộc 4,72% (giảm 1,09%); huyện Phong Điền 4,44% (giảm 0,85%); thị xã Hương Trà 3,26% (giảm 0,54%); thị xã Hương Thủy 2,58% (giảm 0,41%); thành phố Huế 1,51% (giảm 0,19%).
[40] Hồng Trung 37,88%; Hồng Vân 37,28%; Đông Sơn 36,69%; Hồng Thái 32,84%; Hồng Kim 31,31%; Bắc Sơn 29,32%; Hồng Quảng 28,9%; Nhâm 26,08%.
[41] Trong đó: NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương là 314 người, 565 triệu đồng; Hộ kinh doanh: 1.262 hộ, với 1.262 triệu đồng; NLĐ chấm dứt HĐLĐ, HĐLV không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 268 người, với 268 triệu đồng; NLĐ làm việc không giao kết HĐLĐ: 19.560 người, với 19.560 triệu đồng.
[42] Hỗ trợ cho 12 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập: 690 triệu đồng; Hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng cho 141 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người khuyết tật đặc biệt nặng tại cộng đồng tương ứng 211,5 triệu đồng; Hỗ trợ mức 250.000 đồng/người/tháng cho 145 khẩu tại 30 hộ gia đình nghèo, cận nghèo tương ứng 108,75 triệu đồng.
[43] đã trao học bổng cho 100 em học sinh khuyết tật do công ty cổ phần FPT Việt Nam hỗ trợ; Trao tặng 200 bộ áo quần trẻ em cho Trung tâm cô nhi và khuyết tật Chùa Đức Sơn do công ty Ugether Việt Nam hỗ trợ; Hỗ trợ sữa tươi Vinamilk cho 915 trẻ đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm/cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh theo chương trình Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam 2020; Trao học bổng đợt 1-2020 và tiền mừng tuổi, quà tặng cho 597 học sinh có hoàn cảnh khó khăn do Zhishan Foundation tài trợ và hỗ trợ 10 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (A Lưới: 3; Phòng Điền: 2; Phú Vang: 2; Quảng Điền: 2; thành phố Huế: 1).
[45]gồm Sở Tài chính, VP UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng, Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ). Ngoài ra, các đơn vị như Ban Dân tộc, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn thành phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị mình; thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế trên cơ sở hợp nhất Đài Truyền thanh, Bảo tàng Văn hóa Huế và Trung tâm Văn hóa và Thể thao
[46]
TTHC
|
Tổng TTHC
|
DVCTT mức 3
|
Tỷ trọng mức 3
|
DVCTT mức 4
|
Tỷ trọng mức 4
|
Tổng cộng
|
2132
|
716
|
33,6%
|
709
|
33,3%
|
Cấp tỉnh
|
1676
|
506
|
30,2%
|
527
|
31,4%
|
Cấp huyện
|
321
|
179
|
55,8%
|
112
|
34,9%
|
Cấp xã
|
135
|
31
|
23,0%
|
70
|
51,9%
|
Một số ngành có tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến cao như Sở Giáo dục và Đào tạo (đạt 100%), Sở Thông tin và Truyền thông (84%), Sở Y tế (75%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (72%), Sở Tài nguyên và Môi trường (60%), …
[47] trong đó 11.252 hồ sơ trực tuyến/35.961 hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chiếm tỉ lệ 32,05%; 8.684 hồ sơ trực tuyến/52.410 hồ sơ tại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện, chiếm tỉ lệ 16,57%;244 hồ sơ trực tuyến/72.078 hồ sơ tại các Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã 72.078, trong đó có 244 hồ sơ trực tuyến chiếm tỉ lệ 0,34%.
[48] Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và PTNT, Lao động TB và XH, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Ngoại vụ và Y tế.
[49] SIPAS là chỉ số đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
SIPAS 2019 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh trong cả nước là 36.630 phiếu. Tổng số phiếu thu về hợp lệ là 35.268 phiếu, đạt 96.28%. Trong số 35.268 người tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học SIPAS 2019, 88,16% là người dân và 11,84% là người đại diện tổ chức.
[50] Số liệu tính đến ngày 12/6/2020.
[51] Vụ 19 công dân Singapore gặp tai nạn trên đường đi tham quan (phối hợp giải quyết từ tháng 5/2019 đến nay); Vụ 01 công dân của tỉnh chết trong vụ 39 người chết trong container ở Anh (phối hợp giải quyết từ tháng 11/2019 đến nay); Vụ 01 công dân Israel gặp tai nạn tại huyện A Lưới; Vụ 01 công dân Thái Lan tử vong.
[52] Cụ thể, thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin, kịp thời xử lý các vụ việc lãnh sự liên quan đến việc tiếp nhận và cách ly tập trung gần 7.000 người trở về từ Lào; bảo hộ 93 công dân nước ngoài được cách ly tại tỉnh; phối hợp giải quyết thủ tục đề nghị cấp thị thực cho 02 đoàn/42 lượt người; phối hợp đề nghị gia thị thực, tạm trú cho 09 đoàn/21 công dân nước ngoài hết thời hạn thị thực, trong đó có 13 công dân nước ngoài hết thời hạn thị thực tạm trú trong thời gian được cách ly để phòng, chống dịch Covid-19; giải quyết, hỗ trợ vụ 04 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép và bị cách ly tại tỉnh; hỗ trợ cho 37 công dân Anh, 02 công dân Nga và công dân các nước khác giải quyết các nhu cầu cá nhân, các thủ tục để di chuyển, xuất, nhập cảnh trên cơ sở đề xuất của Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán liên quan; bảo hộ công dân đối với 01 công dân của tỉnh đi làm việc tại Nhật Bản hết thời hạn thị thực và có nguyện vọng được về nước sớm; theo dõi diễn biến số người quê Thừa Thiên Huế nhập cảnh hàng ngày về địa phương qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay.
[53] với 4.300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng; dự kiến hụt thu ngân sách 18% so dự toán từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
[54] Các nội dung kiến nghị liên quan triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; quy hoạch, sử dụng vốn kết dư dự án cải thiện môi trường nước; cân đối nguồn vượt thu ngân sách cho Quần thể di tích Cố đô Huế; chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng: đường ven biển, đường vành đai 3; hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung, …
[55] Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 lần lượt 17,05% và 18,05%
[56] Theo Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 16/10/2019
Website UBND tỉnh Thừa Thiên Huế