Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/08/2020-18:20:00 PM
Làm chủ công nghệ mới để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ (Xem tin ảnh)
(MPI) – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần nghiên cứu, tạo ra nhiều công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ tổ quốc; phải lựa chọn, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực mang tính dẫn dắt, phải làm chủ công nghệ mới, chuyển từ “made in Vietnam” thành “made by Vietnam” để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam diễn ra ngày 14/8/2020 để đánh giá về kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Buổi làm việc nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để đưa Viện trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện phù hợp với xu thế vận động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện có 51 đơn vị trực thuộc gồm các viện nghiên cứu chuyên ngành quốc gia, các đơn vị sự nghiệp, 2 trường đại học cùng nhiều đơn vị chuyên môn, với gần 4 nghìn cán bộ, trong đó có gần 300 giáo sư, phó giáo sư và gần 900 tiến sĩ. Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín, Viện luôn là đơn vị đứng đầu cả nước và có thứ hạng khá trong khu vực về nghiên cứu cơ bản.

Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành Viện đã lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và được giao tổng số vốn là 1.941 tỷ đồng vốn trong nước, 3.869 tỷ đồng vốn nước ngoài và giải ngân lần lượt đạt 88,75% và 4,15% kế hoạch được giao. Ngoài 2 dự án sử dụng vốn ODA là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Dự án xây dựng trường Đại học khoa học công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp) bị chậm tiến độ, hầu hết các dự án trong danh mục kế hoạch được giao đã được Viện hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra. Trong thời gian qua, Viện đã được quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện cho Viện tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực nghiên cứu, tạo điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Để đổi mới và phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức bài bản việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với từng ngành, lĩnh vực, chương trình theo thứ tự ưu tiên. Viện phấn đấu đến năm 2025 có bước phát triển quan trọng, đột phá về chất trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học trình độ cao, trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu trong nước và trong khu vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tất cả các hướng nghiên cứu trọng điểm của Viện đều có những bước phát triển mạnh, một số lĩnh vực có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Sinh học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Chủ tịchChâu Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh cho biết, trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển sâu rộng thì việc đầu tư cho khoa học công nghệ là rất cần thiết và nếu không đầu tư cho khoa học công nghệ thì đất nước sẽ chậm phát triển. Tại dự thảo Văn kiện của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cho thấy vai trò của khoa học công nghệ được thể hiện rất rõ.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới có nội dung về nâng cao trình độ khoa học trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mới, khẩn trương phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao đó là công nghệ số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa.., Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đề cập đến nội dung đổi mới nâng cao hoạt động hiệu quả của các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những thành tựu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng như sự chủ động của Viện trong việc xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025. Đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, lực lượng khoa học công nghệ luôn là tiên phong và có đóng góp rất lớn. Động lực phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới là khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và nguồn lực con người. Chúng ta cần phải có những quyết sách lớn để bứt phá, hành động để tận dụng các lợi thế, đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Về triển khai các nội dung liên quan đến khoa học công nghệ, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ không đi sâu vào vấn đề công nghệ, mà đi sâu vào đánh giá tác động của khoa học công nghệ, của Cuộc cách mạng đến nền kinh tế và nền kinh tế có thể tận dụng được gì từ Cuộc cách mạng này. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam và đang được lấy ý kiến các bộ, ngành; thành lập mạng lưới sáng tạo quốc gia, quy tụ nhân tài, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ trên thế giới, mạng lưới được ra mắt vào năm 2018 và hiện có hơn 300 thành viên; thành lập 5 văn phòng ở nước ngoài để kết nối giới trí thức, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ để cùng hợp tác, chia sẻ, kết nối tạo ra giá trị mới; nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ sinh viên, doanh nghiệp, start-up Việt Nam ra nước ngoài… qua đó, góp phần đặt nền móng cho sự kết nối chặt chẽ giữa những cá nhân để hình thành một nguồn lực quý báu, tạo nên sức mạnh của dân tộc nhằm hiện thực hóa các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần tư đem lại đối với sự phát triển của đất nước.

Về đề xuất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Viện phải xây dựng chiến lược cụ thể, rõ ràng và có kế hoạch thực hiện một cách bài bản, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực của đất nước có hạn. Trong đó, đối với 02 dự án sử dụng vốn vay ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện để triển khai nhanh nhất có thể. Đối với đề xuất xây dựng 15 phòng thí nghiệm, Bộ trưởng cho rằng, điều này là đúng bởi muốn có công nghệ mới, khai thác tối đa năng lực của các chuyên gia nghiên cứu thì phải đầu tư để có môi trường, điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu. Đối với việc xây dựng trung tâm sinh học, đây là ngành có thể tạo ra sự đột phá. Do vậy, Viện cần tập trung đi sâu vào nghiên cứu và phát triển R&D để tạo ra công nghệ, nghiên cứu để hỗ trợ cho người nông dân….

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện để đạt được nhiều kết quả có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn trong nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất và đời sống, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4040
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)