(MPI) - Ngày 15/8/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì họp thảo luận các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Quốc Phương và thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các Tổ chức quốc tế, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa và một số trường đại học.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, lao động, việc làm… Để đối phó với những thách thức này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động nắm bắt tình hình và đề xuất các giải pháp trong chỉ đạo điều hành. Dập dịch tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng nhất nhưng bên cạnh đó cần có các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại đến nền kinh tế, duy trì sản xuất ở mức độ hợp lý và nắm bắt được các cơ hội mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất rất nhiều giải pháp trong thời gian vừa qua và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành như Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.
Các giải pháp, chính sách trên đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ổn định xã hội, duy trì phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và còn có thể diễn biến phức tạp hơn khi chưa tìm ra vắc-xin chữa trị nếu không có giải pháp thích ứng, phù hợp với tình hình hiện nay thì nền kinh tế sẽ ảnh hưởng rất nặng nề, tốn rất nhiều chi phí để vực dậy nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Làn sóng Covid-19 lần thứ hai lần lượt xuất hiện ở nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Brazil và một số nước châu Âu, gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng với mức độ lớn hơn nhiều so với các khủng hoảng và suy thoái trước đây, được đánh giá là lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1932. Các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã liên tục phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu; IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức - 4,9%, WB dự báo Covid-19 sẽ khiến 70 - 100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ suy giảm từ 30-40% và nhiều dự báo cho rằng quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các gói giải pháp rất đa dạng, chưa từng có tiền lệ để vừa giảm thiểu các tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, bảo đảm đời sống của người dân, duy trì sản xuất, bảo vệ thị trường trong nước… tạo tiền đề cho việc phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh kết thúc.
Cách tiếp cận chính sách của các quốc gia trên thế giới trong thời điểm giãn cách xã hội là tương đối giống nhau: tập trung vào hỗ trợ người lao động thông qua tăng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền lương; hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua cung cấp khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng; giãn, miễn giảm thuế… nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa việc sa thải lao động, thất nghiệp và bảo đảm mức thu nhập ổn định cho người lao động trong thời gian giãn cách.
Đối với Việt Nam, các chính sách, giải pháp được thực hiện trong thời gian qua vừa chính xác, vừa kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch và tương đồng với cách tiếp cận của quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới cũng như Việt Nam đã thay đổi lớn trong thời gian qua, đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới, phù hợp hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội và phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Tham gia thảo luận tại cuộc họp, các chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành đã cho ý kiến, tập trung vào các giải pháp, chính sách, trong đó làm rõ hiệu quả, tác động, tính khả thi, cách thức tổ chức thực hiện, thẩm quyền quyết định, thời gian dự kiến thực hiện, đối tượng thụ hưởng của các giải pháp, chính sách.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa biết bao giờ kinh tế thế giới mới nối lại các chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như các hoạt động du lịch, đi lại, sản xuất... Việt Nam đã khống chế dịch tốt ở giai đoạn đầu và đang phải đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở giai đoạn 2. Do vậy, việc nhanh chóng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, chính sách cho giai đoạn hiện nay là rất quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì sản xuất ở mức hợp lý nhất, tranh thủ cơ hội để nhanh chóng khắc phục, phục hồi lại nền kinh tế với thời gian ngắn và chi phí thấp để nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế và giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn. Các chính sách mới đòi hỏi phải đủ mạnh, phải có hành động đặc biệt để cứu doanh nghiệp và nền kinh tế. Phải nắm chắc được tình hình, biết được mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào với nền kinh tế đất nước.
Cùng với đó, báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, toàn diện hơn và sâu hơn về tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt tách bạch giữa chính sách đã ban hành và chính sách mới. Phải đánh giá được tác động của các chính sách đã ban hành đối với cuộc sống, các đối tượng thụ hưởng và đối với nền kinh tế để tiếp tục đề xuất, ban hành những chính sách mới với những giải pháp căn cơ, dài hơi hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để có được bức tranh toàn cảnh của từng ngành, lĩnh vực, từ đó xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời, phải nghiên cứu, đề xuất các kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, để đạt được các mục tiêu của quý III, IV. Theo đó, cần tập trung vào những ngành, lĩnh vực còn dư địa để kích thích phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến 5 nhóm nguyên tắc trong xây dựng các giải pháp, chính sách mới nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay. Thứ nhất, các giải pháp, chính sách phải bao quát, toàn diện các đối tượng, đủ lớn và đủ mạnh để kích thích nền kinh tế. Thứ hai, các gói chính sách dù lớn hay nhỏ đều phải gắn với cơ cấu các ngành, lĩnh vực, thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới sáng tạo, chuyển dịch dòng vốn đầu tư,... Thứ ba, phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống người dân. Thứ tư, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thứ năm, đối với chính sách tài khóa, cần rà soát lại các loại thuế, phí để tiếp tục tạo thanh khoản, dòng tiền cho doanh nghiệp, bảo đảm dễ thực hiện và hiệu quả. Vấn đề phối hợp, phân cấp, phân quyền cũng rất quan trọng, đồng thời phải đánh giá được tác động của các chính sách đến nền kinh tế./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư