Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/08/2020-11:17:00 AM
Tư duy, tầm nhìn mới trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Trung Du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng diễn ra ngày 26/8/2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phải có tư duy và tầm nhìn mới, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và các khó khăn, hạn chế, thách thức của các vùng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay và bối cảnh của 5 năm tới là rất quan trọng để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, “trúng và đúng” trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Xây dựng Kế hoạch đảm bảo sự nhất quán, kết nối và kế thừa, phát triển những thành tựu đã đạt được

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị được tổ chức trong thời điểm quan trọng, các địa phương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; xây dựng các quy hoạch mới, từ đó định hướng đầu tư công, để sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả nhất. Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, xem 5 năm qua làm được gì, đâu là điểm nghẽn cản trở và đưa ra tầm nhìn chiến lược, tư duy để phát triển mạnh mẽ hơn, sử dụng, phân bổ nguồn lực đầu tư công một cách hiệu quả nhất.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công theo vùng để các địa phương nắm được tình hình chung, chia sẻ thông tin, nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương, đẩy mạnh kết nối. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các địa phương, cùng nhau tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thống nhất các giải pháp xây dựng và triển khai kế hoạch. Tạo sự chủ động cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành, chia sẻ công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch trong thời gian tới, đảm bảo tập trung, hiệu quả, tiết kiệm.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư của 7 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2020; nêu bật được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là liên quan đến quy hoạch, đầu tư công, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút FDI, phát triển KKT, KCN… ; kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy giải ngân vốn đầu trong toàn xã hội. Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn tới và năm 2021 sát với thực tế và bối cảnh bình thường mới, trong đó làm rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2016-2020 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025; các kiến nghị của địa phương đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025, năm 2021 và các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu tư công năm 2021

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương xây dựng Kế hoạch phải đảm bảo sự nhất quán, kết nối và kế thừa, phát triển những thành tựu đã đạt được của giai đoạn 2016-2020; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn chiến lược để đưa ra giải pháp phù hợp với tiềm năng lợi thế của các địa phương. “Đã đến lúc chúng ta phải tính toán lại, sắp xếp lại theo hướng hoạch định tương lai của mình, phải đặt mục tiêu lớn hơn, cao hơn và xác định rõ địa phương phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì và trung ương hỗ trợ những gì, phải có sự phối kết hợp chặt chẽ từ trên xuống; phải dám đặt mục tiêu để có tư duy khác; từ đó đưa ra đâu là trục tăng trưởng, vùng động lực, hành lang kinh tế để phát triển cao hơn, mạnh hơn, lan tỏa hơn của mỗi địa phương và của cả nước.

Đồng thời, phải bám sát các định hướng phát triển được đề cập tại các văn kiện Đại hội Đảng bộ của tỉnh, thành phố giai đoạn 2020-2025 đã được Bộ Chính trị, các cơ quan TW góp ý. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người. Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân là trọng tâm, quan tâm tới đời sống, hạnh phúc của người dân, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch phát triển vùng, miền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 phải phù hợp và gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong giai đoạn tới. Nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, đổi mới, sáng tạo.

Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, gắn với giải quyết được áp lực về tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng, ùn tắc giao thông, hạ tầng xã hội ở một số đô thị lớn của Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân để hồi phục sản xuất kinh doanh; tăng nguồn thu NSNN theo hướng bền vững thông qua tăng nguồn thu nội địa, hạn chế tối đa tăng nguồn thu từ đất, xổ số.

Xây dựng các tiêu chí thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thâm dụng vốn, các dự án sử dụng hiệu quả tài nguyên (sử dụng năng lượng ít và diện tích đất thấp), các dự án có cam kết chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp trong nước. Trong thời gian qua, thu hút FDI đã đạt kết quả quan trọng tuy nhiên công nghệ chưa cao, chưa liên kết được với doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, tạo khoảng cách giữa 2 khu vực, không gắn kết, không hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Nếu không có chính sách của nhà nước và cam kết của nhà đầu tư thì doanh nghiệp rất khó tham gia vào chuỗi giá trị. Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 quy định rõ định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Do vậy, các địa phương cần bám sát các quy định thực hiện. Đã đến lúc không thu hút FDI bằng mọi giá mà phải có định hướng, phải gắn kết với doanh nghiệp, kinh tế trong nước để mang lại giá trị lớn hơn. Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương để đàm phán, đối thoại với các nhà đầu tư, lựa chọn các dự án lớn, có tính lan tỏa, mang lại giá trị cao, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân. Phải luôn tính toán, gắn kết sâu giữa thị trường và tiêu thụ để tạo ra giá trị cao nhất, không để tình trạng người nông dân được mùa rớt giá.

Bên cạnh đó, phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao nhất các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai; khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn; kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không triển khai, giao đất vượt nhu cầu. Ưu tiên huy động nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và liên Vùng (kết nối cảng biển, sân bay..); phát triển hành lang giao thông thành các hàng lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các KCN, các khu dân cư xung quanh tạo thành một động lực phát triển mới.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối Vùng hoạt động thực chất, hiệu lực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ để giải quyết căn cơ các vấn đề liên vùng như môi trường các lưu vực sông. Phát triển các hành lang kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo không gian, động lực phát triển mới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối, cơ chế vùng, giải quyết các vấn đề liên vùng, xử lý những thách thức của từng vùng, từng địa phương.

Về lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương thực hiện xây dựng Kế hoạch đầu tư công theo tiêu chí, nguyên tắc phù hợp với quy định tại Luật đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảo đảm công khai, minh bạch, công bằng nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Phải xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 và phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn của NSTW của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, phải ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, địa phương. Các dự án đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để giải quyết được các điểm nghẽn, ách tắc của từng địa phương và của vùng theo hướng kết nối, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Các địa phương phải làm tốt công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công ngay từ khâu chuẩn bị và lựa chọn dự án đầu tư để khi được bố trí vốn là có thể triển khai ngay, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và giải ngân nguồn vốn. Đối với vốn ODA, đây là nguồn vốn vay với lãi suất cao nên cần lựa chọn các dự án thật sự có ý nghĩa và thiết thực cho địa phương; kiên quyết không vay vốn ODA để triển khai các dự án mà có thể xã hội hóa hoặc có thể vay vốn trong nước để triển khai thực hiện, hạn chế tối đa gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau này.

Các địa phương cần quan tâm, ưu tiên đầu tư các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ổn định dân cư, các dự án phục vụ hạ tầng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo hài hòa giữa nguồn ngân sách trung ương đầu tư trên địa bàn với nguồn lực của các địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5218
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)