(MPI) - Ngày 26/8/2020 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu của 24 địa phương thuộc vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan.
Nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến với 03 miền Bắc, Trung, Nam với 6 vùng trong cả nước để trao đổi, thảo luận, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021. Hội nghị vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng là Hội nghị đầu tiên.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Hội nghị được nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo, quán triệt các nội dung cần tập trung thảo luận nhằm đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, “trúng và đúng” trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời nhấn mạnh đến một số lưu ý khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công theo vùng để các địa phương nắm được tình hình chung, chia sẻ thông tin, nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương, đẩy mạnh kết nối. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các địa phương, cùng nhau tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thống nhất các giải pháp xây dựng và triển khai Kế hoạch. Tạo sự chủ động cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu của các cấp, các ngành, chia sẻ trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch trong giai đoạn tới, đảm bảo tập trung, hiệu quả, tiết kiệm.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, trong giai đoạn 2016-2020, Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu các vùng trong cả nước (9,6%).
Về thu NSNN, có 9/11 địa phương đảm bảo cân đối thu - chi trên địa bàn; có 7/16 địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, trong đó có 3/5 địa phương luôn nằm trong nhóm có số thu lớn nhất cả nước. Các địa phương của Vùng đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, phần mềm, công nghiệp phụ trợ và ngành dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng, logistics lớn của cả nước. Các đô thị của vùng đã và đang phát huy vai trò tích cực là các cực phát triển kinh tế, địa bàn tạo việc làm và trung tâm dịch vụ tổng hợp của vùng.
Hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước và ngày càng hoàn thiện hơn gồm đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt đã tạo động lực liên kết phát triển và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của Vùng. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục được cải thiện; công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được quan tâm, với nhiều giải pháp thiết thực. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt.
Các địa phương trong Vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Quan tâm phát triển toàn diện nguồn nhân lực và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tập trung lực lượng lao động trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực trong và ngoài nước…
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, nhìn chung, Vùng đã bám sát các quy định, nhiệm vụ, mục tiêu tại Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bố trí vốn để thanh toán cơ bản số nợ đọng xây dựng cơ bản của giai đoạn 2016-2020 và xử lý một phần vốn ứng trước phải thu hồi, đáp ứng một phần nhu cầu bố trí vốn cho các dự án cấp bách thuộc danh mục dự án sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn 10 nghìn tỷ đồng điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Theo Báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn Vùng Trung du và miền núi phía Bắc ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; đã thu hút được một số nhà đầu tư vào địa bàn Vùng; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong Vùng được nâng lên.
Một số địa phương có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào GDP chung của cả nước, có vai trò dẫn dắt đầu tàu phát triển vùng như tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai và bước đầu phát huy được thế mạnh của từng địa phương trên cơ sở khai thác tốt các ngành kinh tế động lực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt nhất là hạ tầng giao thông; hệ thống đô thị được xây dựng khang trang, hiện đại, đồng bộ. Hạ tầng giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư và hoàn thành nhiều công trình quan trọng.
Về tình hình thực hiện đầu tư công, các địa phương trong Vùng đã nghiêm túc triển khai công tác điều hành, chỉ đạo thúc đẩy giải ngân, ban hành các văn bản điều hành, phân công trách nhiệm cho Lãnh đạo tỉnh, các sở ban, ngành, UBND các cấp, các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020 được giao. Tỷ lệ giải ngân năm 2020 của các tỉnh trong Vùng mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng nguồn vốn ODA vẫn ở mức thấp, trong đó vướng mắc nhiều nhất là khâu thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài hiệp định, điều chỉnh vốn, ký kết thỏa thuận vay lại vốn ODA. Ngoài ra, do chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên hầu hết các kế hoạch thực hiện giải ngân các dự án đều chậm lại.
Tham gia thảo luận tại các điểm cầu, đại diện các địa phương bày tỏ đồng thuận cao với các chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại Hội nghị. Đồng thời, tập trung đánh giá về các kết quả đạt được, các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, đại diện UBND tỉnh Hà Giang cho biết, về dự kiến xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Tỉnh đang hoàn thiện và sẽ sớm gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời kiến nghị Bộ đề xuất sửa đổi bổ sung Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; sớm có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để địa phương kịp thời có nội dung bám sát để xây dựng trúng và đúng, khi tổ chức thực hiện sát với điều kiện thực tiễn; sớm có đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù xây dựng đề án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng đối với khu vực miền núi phía Bắc.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo UBND Thành phố bày tỏ thống nhất cao với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và tập trung đánh giá về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố 8 tháng đầu năm 2020. Đồng thời cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Thành phố đã xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Thành phố xây dựng các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, tiếp tục cơ cấu ngành kinh tế gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, hệ thống logistics, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra chuỗi liên kết; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ;… Về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, thành phố Hà Nội thực hiện các dự án chuyển tiếp, các dự án mới và các dự án cho đầu tư phát triển.
Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có kết quả tính toán tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước năm 2020 cho các địa phương có căn cứ tính toán kết quả tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 và xây dựng chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025; đánh giá lại quy mô GDP; về phát triển kinh tế, đề nghị Bộ thường xuyên hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 52; sớm tham mưu cho Chính phủ để có thông báo vốn dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn bày tỏ nhất trí cao với các nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư công. Đồng thời mong muốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thông qua phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để các địa phương có cơ sở xây dựng các phương án liên kết vùng, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng các mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển, định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng để các địa phương xây dựng quy hoạch đảm bảo sự liên kết, đồng bộ và hệ thống…
|
Hình ảnh trực tuyến tạiđiểm cầu các địa phương. Ảnh: MPI |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, điều chỉnh nguồn vốn một cách phù hợp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến hết tháng 7, tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 3.500 tỷ đồng, bằng 52,7% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao. Dự báo kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 rất khó khăn.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng Cục Thống kê rà soát, sớm công bố số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh để địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; sớm hướng dẫn, thông báo số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 để Tỉnh có cơ sở triển khai đầu tư các dự án đảm bảo thủ tục theo quy định; quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng liên vùng do Trung ương quản lý và hỗ trợ bổ sung các nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ cho Tỉnh;…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ các vấn đề được các địa phương quan tâm, kiến nghị, trong đó tập trung vào các nội dung về đấu thầu, thống kê, quản lý khu kinh tế, dự án ODA…
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị và quyết tâm cao của các địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Qua các ý kiến tham luận và trao đổi có thể thấy bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh, vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được tập trung tháo gỡ để phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội nghị để nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Vùnggiai đoạn tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư