Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/08/2020-17:20:00 PM
Hội nghị trực tuyến Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025 vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (Xem tin ảnh)
(MPI) – Trong chuỗi các hoạt động của Hội nghị trực tuyến Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025, ngày 27/8/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021-2025 với 19 tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công theo vùng để các địa phương nắm được tình hình chung, chia sẻ thông tin, nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương, đẩy mạnh kết nối. Tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với địa phương để chia sẻ để cùng nhau tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thống nhất các giải pháp xây dựng và triển khai Kế hoạch. Tạo sự chủ động cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu của các các cấp, các ngành, chia sẻ trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch trong giai đoạn tới đảm bảo tập trung, hiệu quả, tiết kiệm.

Để nhận thức đúng đắn được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và cả các hạn chế, thách thức của các vùng, đặc biệt là đặt trong bối cảnh hiện nay và bối cảnh của 5 năm tới là hết sức quan trọng để từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, “trúng và đúng” trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hội nghị tập trung phát biểu và thảo luận 04 nội dung chính.

Một là, đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 7 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2020.

Hai là, nêu bật được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực như: quy hoạch, đầu tư công, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển KKT, KCN,… trong năm 2020; kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó đặc biệt là thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm 2020.

Ba là, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 sát với thực tế và bối cảnh “bình thường mới”. Trong đó, lưu ý phải làm rõ được và chính xác những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế trong gian đoạn 2016-2020 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Bốn là, kiến nghị của các địa phương đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025, năm 2021 và các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực kế hoạch - đầu tư.

Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 và năm 2021 vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, biển miền Trung là tài nguyên Quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam với chiều dài đường bờ biển 1.900 km là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế rất lớn. Về cơ sở hạ tầng, vùng miền Trung hiện có 11/17 KKT ven biển của cả nước, gắn với nhiều cảng biển lớn, có 9 cảng hàng không, trong đó có 5 cảng quốc tế, có đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, hệ thống thông tin liên lạc khá đồng bộ.

Vùng Tây Nguyên với tiềm năng và lợi thế, Hệ thống giao thông kết nối với các trục ngang nối với vùng KTTĐ Đông Nam Bộ và trục dọc nối các cảng biển Miền Trung, 3/5 địa phương có sân bay. Vùng là nơi đầu nguồn của 5 con sông lớn có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái gắn với phát triển kinh tế rừng, phát triển năng lượng sạch. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thắng cảnh tự nhiên với nhiều rừng quốc gia, công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận năm 2020.

Vùng có diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, trong đó hơn 2 triệu ha đất nông nghiệp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao. Nguồn nhân lực dồi dào với quy mô dân số trên 5,5 triệu người, văn hóa bản địa đặc sắc với 47 dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội, phong tục truyền thống lâu đời.

Đánh giá thực hiện kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2020 vùng miền Trung, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, có 11/14 địa phương có tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 và 3 địa phương giảm (cả nước có 12 địa phương giảm). 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ: cao nhất là Thanh Hóa 3,7%, Quảng Trị 4,17%. 8 địa phương vùng Nam Trung bộ có 5 tỉnh tăng trưởng; 3 tỉnh giảm, trong đó : thành phố Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng (cơ cấu dịch vụ thành phố Đà Nẵng 64%, Khánh Hòa 51,7%, Quảng Nam 35%). GRDP khu vực nông lâm nghiệp của Vùng tăng 2,05% so với cùng kỳ 2019 (cao hơn mức bình quân tăng 1,19% của cả nước). GRDP khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,79% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 12 địa phương có tăng trưởng và 2 địa phương giảm là thành phố Đà Nẵng giảm 1,8%; tỉnh Quảng Nam giảm sâu 20%;

GRDP dịch vụ của Vùng giảm 4,74% so với cùng kỳ 2019, là vùng giảm nhiều nhất so với các vùng khác của cả nước; có 11/14 địa phương giảm, trong đó: Thừa Thiên Huế giảm 2,26%; thành phố Đà Nẵng giảm 4,62%, Quảng Nam giảm 10,68%, Quảng Ngãi giảm 3,82%, Bình Định giảm 1,72%, Khánh Hòa giảm 3,67%.

Về đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch năm 2020 của vùng Miền trung, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; Xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã lấy lại được đà tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã ổn định. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 49,6 % (cả nước 49%). An sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự kiến các chỉ tiêu không đạt: Tốc độ tăng GRDP: 6,5% (kế hoạch 9%). Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 86%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 87%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 98%.

Về đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, mức tăng trưởng GRDP của Vùng đạt 2,72%, đây là mức tăng trưởng cao thứ 2 của cả nước sau Vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Lâm Đồng tăng 0,51%; Đắk Lắk tăng 2,28%; Gia Lai tăng 3,01%; Đắk Nông tăng 4,99% và Kon Tum tăng 7,32%. Đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch năm 2020, sản xuất nông nghiệp của Vùng duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Vùng tiếp tục phát huy được lợi thế; đã kiểm soát được dịch bệnh, chăn nuôi phát triển. Một số ngành công nghiệp chế biến hoạt động ổn định, nhà máy khai thác Alumin Đắk Nông và Lâm Đồng hoạt động có hiệu quả, Các nhà máy thủy điện hoạt động khá tốt. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Vùng tăng và số doanh nghiệp giải thể giảm so cùng kỳ, thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng thấp so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp - xây dựng không duy trì được mức tăng trưởng; khu vực dịch vụ giảm sâu, nhất là du lịch chịu tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nguồn thu từ ngành dịch vụ du lịch tại một số địa phương như Lâm Đồng, Đắk Lắk. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) một số địa phương ở mức thấp của cả nước. Dự báo sẽ có 5/11 chỉ tiêu không đạt, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP theo kế hoạch là 8,54%, ước thực hiện là 8,2%. GRDP bình quân đầu người kế hoạch là 58 triệu, ước thực hiện là 55,06 triệu.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tổng quát là xây dựng vùng Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, vùng trọng điểm về phát triển kinh tế biển với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Công nghiệp, dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, gắn với biển; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân, tình trạng sức khỏe được cải thiện căn bản; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo của đất nước được bảo vệ vững chắc; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đối với vùng Tây Nguyên, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao; Phát triển kinh tế rừng, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, làm tốt công tác định canh định cư cho đồng bào di cư tự do; giữ vững an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, các địa phương đánh giá cao báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn về cách tính GRDP mới khi chuyển đổi giá so sánh gốc là năm 2020; vấn đề liên kết vùng; xây dựng tuyến cao tốc ven biển; quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư; sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan điều phối liên kết vùng; đồng thời mong muốn sớm có nghị định hướng dẫn để triển khai các luật: đầu tư, doanh nghiệp và PPP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021…

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam đánh giá cao những phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đánh giá đã nêu nội dung chi tiết và định hướng phát triển cho kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2021. Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa đã được thể hiện rất rõ trong báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời làm rõ thêm, về kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020 trong 4 năm đầu Khánh Hòa thực hiện tốt với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,7%, nếu không có tác động của Covid-19 thì Tỉnh sẽ đạt mục tiêu của kế hoach 5 năm. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đạt tốc độ tăng trưởng GRDP -11% thấp nhất của nhóm các tỉnh miền Trung. Với ảnh hưởng của dịch, dự kiến tốc độ tăng trưởng 5 năm của Tỉnh chỉ đạt 6,1%, trong đó 2/4 tiêu chí không đạt đó là thu ngân sách, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Với tình hình của năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành xây dựng kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, Tỉnh cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRPD là 7,5% trở lên.

Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Bắc Vân Phong nói riêng và Khu kinh tế Vân Phong nói chung để tạo động lực thu hút đầu tư; xem xét đưa Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, bố trí lại một phần nguồn thu trên địa bàn bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng một số dự án lớn trong Khu kinh tế; xem xét, chỉ đạo bổ sung thêm tuyến đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nam Phú Yên để tạo điều kiện phát triển kinh tế liên vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa...

Đại diện từ điểm cầu Ninh Thuận cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã đạt 25/27 chỉ tiêu, trong đó quan trọng nhất là đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP. Trong 7 tháng 2020, ngoài tác động từ covid-19, tỉnh Ninh thuận còn chịu ảnh hưởng của hạn hán. Tuy nhiên, với việc khai thác tốt nguồn lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, GRDP 6 tháng năm 2020 của Tỉnh đạt 6,8%, riêng tăng trưởng của công nghiệp đạt trên 52%, các dự án năng lượng đạt trên 52 nghìn MW hòa vào lưới điện quốc gia.

Về một số định hướng lớn trong thời kỳ tới, trong mục tiêu chung của Tỉnh, kinh tế biển vẫn là động lực. Liên quan đến định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn tới, Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm công bố nguồn vốn để Tỉnh xây dựng chính sách cho giai đoạn tới. Đồng thời đề nghị, trong kế hoạch và chiến lược phát Vùng, cần xây dựng những sản phẩm du lịch ở tầm quốc gia từ đầu tư kết nối đến hình thành chuỗi giá trị trong đó có khôi phục tuyến đường sắt từ tỉnh Ninh Thuận đi tỉnh Lâm Đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk Đinh Xuân Hà cho biết, Tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và đang hoàn thiện để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung về chỉ tiêu GRDP sẽ lấy năm gốc so sánh là 2020 thay cho năm gốc là 2010, do vậy Tỉnh đề nghị Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chuyển đổi. Tỉnh Đắk Lắk cũng có những đề xuất về tiêu chí và định mức phân bổ vốn, vốn đối ứng ODA và tỉ lệ vay lại đối với các tỉnh Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện tỉnh Bình Định cho biết, đối với giải ngân, tính đến ngày 31/8/2020, Tỉnh đã giải ngân được 53,38% và sẽ cố gắng đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công để đạt được mức tăng trưởng tối đa. Tỉnh mong muốn Bộ sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật PPP.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho biết, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã tổ chức lập quy hoạch trước mốc Luật quy hoạch được ban hành mà theo Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu xác định cách thức, mức độ tích hợp quy hoạch. Do vậy, Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và phối hơp với các bộ ngành sớm có hướng dẫn triển khai.

Về vấn đề chung, để giúp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên xây dựng kế hoạch phát huy hết tiềm năng lợi thế, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành cần tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế liên kết vùng, du lịch, cơ sở hạ tầng kết nối, đường ven biển trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Cùng với đó, các tỉnh miền Trung có tiềm năng để phát triển năng lượng điện gió. Do vậy, về vấn đề quy hoạch điện gió, điện mặt trời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương có quy hoạch cho cả vùng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị báo cáo của các địa phương khi xây dựng bám sát dự thảo Văn kiện Đại hội đảng bộ của địa phương. Trong đó, liên quan đến phần đánh giá, cũng như mục tiêu, riêng về đánh giá năm 2020 một năm khó khăn và rất đặc biệt, khó khăn trong công tác dự báo, do vậy đối với các địa phương phải xây dựng một số kịch bản kết quả thực hiện của năm 2020 để làm cơ sở xây dựng các mục tiêu của năm 2021.

Với các mục tiêu năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương bám sát kết quả dự báo năm 2020 đặt ra các mục tiêu phù hợp với thực tiễn vừa gắn với định hướng 5 năm mà Văn kiện đại hội tỉnh đảng bộ đã nêu. Các sở, ban, ngành của địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với cơ quan thống kê của địa phương trong công tác đánh giá cũng như số liệu để có những đánh giá chính xác nhất.

Về công tác quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ đề án phân vùng tại kỳ họp Chính phủ lần này, sau khi Chính phủ cho ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có cơ sở để làm quy hoạch vùng, tiếp đó các địa phương sẽ xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch của các địa phương.

Về đầu tư công, các kiến nghị tập trung nhiều vào các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên có những vấn đề chung, Thứ trưởng Trần Quốc phương cho biết, trước hết về số vốn kiểm tra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ lần này số vốn kiểm tra của 5 năm, trên cơ sở số vốn kiểm tra, căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ số vốn mới của cả nước.

Về nghiên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, ngày 26/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thì Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Về tiến độ làm kế hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đều rất gấp, do vậy Thứ trưởng đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao. Về kế hoạch đầu tư công năm 2021, trong Luật đầu tư công cũng ghi rõ năm 2021 là năm trình riêng, còn kế hoạch trung hạn thì đến tháng 7/2021 mới thông qua. Các dự án khởi công mới năm 2021 gặp nhiều vấn đề khi chưa có kế hoạch trung hạn thì dự án chưa đủ điều kiện, do vậy có nghiên cứu, đánh giá tác động để báo cáo Quốc hội có hướng xử lý./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5141
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)