Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/08/2020-18:11:00 PM
Khung định hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường (Xem tin ảnh)
(MPI) – Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong Vùng xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo Khung định hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến các địa phương trong Vùng và ngày 28/8/2020, Bộ tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang về Dự thảo này.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng, đại diện các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan.

Tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn HaskoningDHV&GIZ trình bày Dự thảo Khung định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, Vùng đang phải đối diện với nhiều thách thức từ ngoại vùng (vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn, tác động của các dự án từ thượng nguồn sông Mê Công…). Các thách thức nội vùng đến từ lực lượng lao động thiếu trình độ kỹ thuật, thu nhập bình quân thấp, phát triển rộng diện tích trồng lúa làm hạn chế khả năng khai thác tiềm năng của các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phát triển kinh tế thiếu kiểm soát nên dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, suy giảm nguồn nước ngầm, sụt lún đất, xói lở sông và bờ biển. Bên cạnh đó, Vùng chịu tác động suy giảm nguồn nước và phù sa từ thượng nguồn, biến đổi khí hậu và thiên tai đang tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh… đòi hỏi cần nhiều nguồn lực để ứng phó.

Từ các thách thức nêu trên, Dự thảo đưa ra quan điểm phát triển Vùng theo hướng quản lý những thách thức nêu trên, tạo giá trị từ những ngành có lợi thế của Vùng và trọng tâm định hướng là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường. Đối với ngành kinh tế có lợi thế của Vùng là nông nghiệp, đơn vị tư vấn cho rằng, cần phải có sự cải thiện mang tính hệ thống về kỹ thuật canh tác và hỗ trợ nông dân; chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và những bất lợi khác. Về công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, trung tâm đầu mối, gia tăng giá trị. Công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp phát triển trên nền tảng trung tâm đầu mối, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và cần có sự liên kết/chiến lược phát triển…

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Chiến cho rằng, bên cạnh những tiềm năng phát triển, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều thách thức, hạn chế như thách thức về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển; cơ sở hạ tầng của Vùng còn yếu kém, hạ tầng giao thông phục vụ cho lưu thông hàng hóa chưa đảm bảo, hạn chế sự lưu thông hàng hóa, hội nhập, sức cạnh tranh và thu hút đầu tư bị hạn chế; thu hút đầu tư đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là FDI. Nông nghiệp là thế mạnh nhưng có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này…

Về định hướng trong khung kế hoạch, Phó Chủ tịch Lê Minh Chiến nhấn mạnh, kinh tế nông nghiệp vẫn là trọng tâm, nền tảng cho sự phát triển của Vùng, do vậy cần chuyển đổi từ khai thác chiều rộng sang chiều sâu, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị cho từng sản phẩm. Đồng thời, cần chú trọng theo từng địa bàn, các tỉnh ven biển để phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản; phải căn cứ thổ nhưỡng để định hướng, quy hoạch, phát triển và tạo sự liên kết mạnh mẽ; đồng thời, cần phải có trung tâm nghiên cứu cây giống chất lượng cho Vùng để có định hướng cụ thể cho người dân. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông, trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tiễn để quy hoạch trọng tâm, từ đó kết nối, hình thành trục phát triển. Cùng với đó, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, đường truyền tải điện cho Vùng chưa đáp ứng và cần được nghiên cứu, bổ sung cụ thể vào Dự thảo.

Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đánh giá cao các nội dung của dự thảo Khung định hướng được trình bày tại Hội thảo. Các thông tin được cung cấp là cần thiết để các bộ, ngành và địa phương làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, thống nhất các nội dung, cùng nhau xác định các quy hoạch có liên quan đến không gian của các tỉnh trong Vùng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế và liên kết vùng. Đồng thời nhấn mạnh đến tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp; tác động nặng nề của biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai; chính sách đặc thù cho Vùng, đặc biệt là chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư; đầu tư cho công trình ứng phó ven sông, ven biển; đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa; danh mục dự án đưa vào nghiên cứu đầu tư hệ thống đường ven biển của Vùng, cùng với các hệ thống hạ tầng khác để khai thác tiềm năng kinh tế biển; nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch, sắp xếp vùng dân cư ven sông, ven biển của Vùng, cũng như ở bán đảo Cà Mau và có cơ chế mạnh mẽ trong thu hút đầu tư để thực hiện quy hoạch này; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Vùng phù hợp với định hướng phát triển để khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng phát biểu tại Hội thảo.Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương bày tỏ thống nhất về quan điểm phát triển trong dự thảo Khung định hướng theo hướng tạo giá trị từ những ngành có lợi thế của Vùng và trọng tâm định hướng là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân; ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng cao. Đồng thời cho rằng, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các địa phương trong Vùng và các bộ, ngành, liên quan để trực tiếp lắng nghe các ý kiến và cập nhật thông tin từ các địa phương để hoàn thiện khung chính sách là rất cần thiết. Các đại biểu cũng tập trung nhấn mạnh các nội dung liên quan đến định hướng tổng thể phát triển Vùng; Chiến lược phát triển trong tương lai, đặc biệt là các ngành nông nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng ngành nước; sinh thái môi trường, văn hóa xã hội; chiến lược ứng phó với nước biển dâng;…

Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Đinh Trọng Thắng đánh giá cao ý kiến góp ý trách nhiệm, thẳng thắn của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương. Ý kiến của các địa phương được tiếp cận theo phương pháp tích hợp, đa ngành vì mục tiêu phát triển chung của cả Vùng. Đồng thời nhấn mạnh, đây cũng là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện Dự thảo để trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét đưa vào văn bản hướng dẫn về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển cho Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo cơ sở để định hướng cho việc lập quy hoạch tỉnh của các địa phương trong Vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa quy hoạch các cấp theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3661
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)