(MPI) – Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cần được ưu tiên hàng đầu đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đây là quan điểm của Lãnh đạo thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Vĩnh Long tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức trực tuyến ngày 28/8/2020.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.
Ảnh: MPI
|
Lãnh đạo 3 địa phương cho rằng, giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tại ĐBSCL, nơi sinh sống của gần 20 triệu người dân, hệ thống hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đúng mức. Cả Vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc, trong khi phần lớn khối lượng hàng hóa của Vùng phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hạn chế lớn nhất của Vùng, gây ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững khu vực.
Thời gian qua liên tục xuất hiện những điểm nghẽn giao thông do phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn, năng lực hạ tầng giao thông đã gây ách tắc cục bộ, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Nhiều đoạn của Quốc lộ 1A đi qua khu vực đã xuống cấp, ngập sâu nghiêm trọng mỗi khi thủy triều dâng cao, lưu lượng qua cầu Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải.
Hệ thống giao thông đường thủy được cho là lợi thế của ĐBSCL, với luồng tuyến giao thông nhiều nhưng phát triển còn manh mún, không đồng cấp về độ sâu. Cả khu vực không có cảng lớn để trung chuyển hàng hóa, do vậy hàng hóa phải luân chuyển từ cảng ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở vùng Đông Nam Bộ nên thời gian vận chuyển dài hơn, giá thành vận chuyển cao hơn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Vùng ĐBSCL hiện có 4 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc, nhưng đều là vận chuyển hành khách. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa là một trong những mắt xích quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của dịch vụ Logistics đã và đang trở thành một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho các hoạt động lưu thông, chuyên chở hàng hóa được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo 3 địa phương cũng nêu những bất cập và góp ý đề xuất về lĩnh vực thủy lợi, nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, môi trường,…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đồng tình với các địa phương, coi hạ tầng giao thông là vấn đề tối quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đồng thời, đánh giá cao các ý kiến và mong muốn các địa phương tiếp tục nghiên cứu các nội dung để hoàn chỉnh Khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phục vụ công tác lập quy hoạch Vùng sau này./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư