(MPI) - Ngày 11/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Nghị quyết, các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước. Các vùng KTTĐ đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng KTTĐ đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Mặc dù vậy, các vùng KTTĐ chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, để tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển, đồng thời đang đối mặt nhiều thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định; cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng, không phát huy được lợi thế, tiềm năng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển mới; huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông; khó khăn về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn; nhiều vấn đề về quản lý đô thị cần giải quyết như áp lực về tăng dân số, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhà ở cho người lao động, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các vùng KTTĐ.
Để khắc phục những hạn chế, phục hồi nhanh và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng, quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Trước hết, về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân vùng, làm căn cứ xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ, trong quý IV năm 2020 trình Hội đồng quy hoạch quốc gia ban hành hướng dẫn về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và các nội dung liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, vùng, quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Hướng dẫn các địa phương trong vùng KTTĐ lập và trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong điều kiện tổ chức lập đồng thời các quy hoạch để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư.
Bộ Xây dựng cần đề xuất các giải pháp quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị lớn và siêu lớn trong vùng kinh tế trọng điểm trở thành các thành phố hiện đại, đáng sống mang tầm cỡ khu vực, trong đó có các giải pháp để quản lý các mô hình “thành phố trong thành phố”, “đô thị thông minh”, “đô thị xanh”… gắn với các giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ bố trí nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, khẩn trương lập và trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành của pháp luật về quy hoạch. Rà soát, đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của một số địa phương trong vùng KTTĐ đạt tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao, sử dụng đất có hiệu quả, có khả năng thu hút đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Về huy động nguồn lực đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng KTTĐ trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế định hướng, ưu tiên thu hút một số dự án ODA quy mô lớn, có tính liên kết vùng cho các vùng KTTĐ.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các nhà tài trợ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi mang tính kết nối vùng, các dự án khắc phục hạn hán, phòng chống xâm nhập mặn trong quý IV năm 2020.
Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ưu tiên cho phép các địa phương thuộc các vùng KTTĐ được tăng bội chi trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước để tăng mức vay lại của địa phương, từ đó có thêm nguồn vốn vay để đầu tư cho các dự án quan trọng, quy mô lớn của địa phương. Đề xuất cơ chể, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết phù hợp trong giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc các vùng KTTĐ, nhất là các địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả nước. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh quy định về phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, giá phí sau đầu tư.
Về cơ chế điều phối vùng KTTĐ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ mô hình Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được thành lập tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ để đề xuất hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động các vùng KTTĐ. Đầu mối phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ thúc đẩy triển khai có hiệu quả các hoạt động kết nối ngành, lĩnh vực trong vùng KTTĐ.
Các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các bộ và địa phương trong vùng KTTĐ theo các Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015, số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015; Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ (đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long); phát huy vai trò động lực, kết nối vùng KTTĐ, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ cần xác định rõ chiến lược phát triển của các vùng KTTĐ phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, có giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động chi tiết phát triển các ngành, lĩnh vực để từng địa phương, từng vùng KTTĐ không chỉ là đầu tàu phát triển kinh tế, nơi tập trung văn phòng, nhà xưởng của các tập đoàn, công ty mà còn thực sự là nơi đáng sống, đáng làm việc của giới trẻ, giới tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước. Các bộ và các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ cần xác định một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng phát triển để ưu tiên thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức chương trình đào tạo, đào tạo lại cho người lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có nhu cầu và là thế mạng của các vùng KTTĐ ...
Trong việc tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng. Kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết này. Trước ngày 20/12 hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong Vùng KTTĐ.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong các vùng KTTĐ tập trung quán triệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết; khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong Quý III năm 2020 và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện. Đồng thời, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước ngày 25/11 hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư