Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/09/2020-09:25:00 AM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với một số tỉnh miền núi phía Bắc
(MPI) - Nhằm nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, trong thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh ngân vốn đầu tư công, cũng như để chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Sơn La: phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hành lang kinh tế, tạo động lực phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La. Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La, sau khi nghe báo cáo và các kiến nghị của Tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hành lang kinh tế, tạo động lực phát triển chứ không chỉ đơn thuần là tuyến đường giao thông. Muốn vậy, tỉnh Sơn La phải thực hiện quy hoạch rõ, giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, bởi đây chính là điểm yếu lớn nhất của tỉnh Sơn La. Đồng thời đánh giá cao việc tỉnh Sơn La dự kiến tập trung vào phát triển ngành nông nghiệp. Trong 8 tháng qua, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nông sản tỉnh Sơn La vẫn được mùa, được giá, trở thành vựa hoa quả lớn thứ hai cả nước, lớn thứ nhất miền Bắc song chúng ta không nên chạy theo sản lượng mà phải tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả cao gắn với thị trường tiêu thụ, mang lại thu nhập cho người dân.

Cùng ngày (13/9/2020), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển để nắm bắt các cơ hội, nhất là từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ trên toàn cầu. Phát triển nhân lực chất lượng cao của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại càng đặc biệt quan trọng hơn. Điều này nhằm tận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng miền khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn phát huy vai trò chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều nguồn lực cũng được tập trung đầu tư cho Vùng này. Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để đạt được các mục tiêu phát triển của Đề án, cần phải huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, từ ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và từ cộng đồng, người dân, đồng thời quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực này. Bên cạnh đó, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện khó khăn khác; giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính… để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Trong khuôn khổ chuyến công tác và làm việc tại tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia dự Lễ bàn giao “Mái ấm tình thương nơi biên giới” tặng các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn của huyện Sốp Cộp.

Điện Biên: tập trung phát triển hạ tầng để giải quyết các điểm nghẽn

Ngày 15/9/2020, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với tỉnh Điện Biên về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (GRDP) đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm 2019, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Tỉnh 8 tháng ước đạt trên 784 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 63% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 7.128 tỷ đồng, đạt trên 52% so với kế hoạch và tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn vốn Ngân sách Nhà nước năm 2020 do địa phương quản lý là trên 3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế giải ngân là trên 1.300 tỷ đồng, đạt gần 44% so với kế hoạch.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm 2020, tỉnh Điện Biên tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020, đảm bảo phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh. Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các nhiệm vu, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020…

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá, thu hút đầu tư phát triển. Tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP), ưu tiên và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thương mại, du lịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời điểm hết sức quan trọng, chuẩn bị kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020. Các địa phương đang thực hiện xây dựng Nghị quyết, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, trong 5 năm qua, tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, 18/18 chỉ tiêu đề ra, GRDP vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thu hút tốt; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của người dân cơ bản được nâng lên…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Tỉnh như hiện nay, Điện Biên vẫn đang là tỉnh nghèo, khó khăn, nguồn lực hạ tầng giao thông hạn chế nên thu hút đầu tư khó; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, dưới mức trung bình của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (30,67%); có 5 huyện nghèo thuộc diện 30a… cho thấy thách thức của Tỉnh còn rất lớn. Bên cạnh đó, vị trí địa lý cách xa trung tâm, vùng kinh tế lớn, hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng kém phát triển, liên kết vùng còn hạn chế; chưa có các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, chưa có dự án động lực, dự án lớn mang tính dẫn dắt, lan tỏa; chưa có sản phẩm đặc sắc, nổi trội, đặc thù mang thương hiệu của Tỉnh; môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế… Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian tới, Tỉnh cần đổi mới đưa ra các giải pháp tập trung nhằm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của mình, vừa tranh thủ được cơ hội vừa vượt qua được các khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu vừa ổn định chính trị, xã hội, nhất là sinh kế, việc làm, điều kiện sống của người dân.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 31/8/2020, Tỉnh mới giải ngân đạt 41,73%, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhiều giải pháp được đưa ra, do vậy, Tỉnh cần thực hiện các giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất, đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước cũng như góp phần khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát Sân bay Điện Biên. Ảnh: MPI

Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tỉnh Điện Biên cần tập trung vào các vấn đề liên quan an ninh, an sinh và chất lượng cuộc sống của người dân, lấy người dân làm trung tâm, các chính sách hướng đến hạnh phúc cho người dân, từ cơ sở y tế, trường học, nâng cao giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt phải có các mô hình để tạo sinh kế cho người dân, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Tỉnh cần đẩy nhanh nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tỉnh để xác định trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực, cực tăng trưởng. Đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, tập trung phát triển nông nghiệp, phải lấy nông nghiệp hiệu quả cao để phấn đấu, gắn quá trình sản xuất và tiêu thụ với giá thành cao còn công nghệ cao chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu hiệu quả cao, gia tăng sản lượng phải gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, khai thác các tiềm năng, lợi thế thủy sản từ các lòng hồ. Du lịch cũng là điểm mạnh của Tỉnh, do vậy cần được tập trung khai thác, xúc tiến đầu tư

để có dự án tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện hạ tầng đường giao thông, các tuyến giao thông phải là chiến lược, tạo không gian, động lực phát triển chứ không đơn thuần là tuyến đường nối từ điểm này đến điểm kia; cải tạo, nâng cấp sân bay, thúc đẩy du lịch, lưu thông hàng hóa; tập trung vào các dự án cụm hồ chứa nước trên địa bàn Tỉnh; dự án chống sạt lở, biến đổi khí hậu;…

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bên cạnh đầu tư của trung ương với vai trò chủ đạo, dẫn dắt, Tỉnh cần xác định các lĩnh vực, nguồn lực trọng yếu, để tạo động lực phát triển; xác định được động lực, chiến lược tăng trưởng, định vị lại các vấn đề và lựa chọn thứ tự ưu tiên, xác định nguồn lực đầu tư trúng và đúng nhằm tạo bước thay đổi căn bản cho Tỉnh trong thời gian tới.

Lai Châu phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 16/9/2020, Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với tỉnh Lai Châu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng để tỉnh Lai Châu, cũng như cả nước thực hiện đánh giá những kết quả đạt và chưa đạt trong giai đoạn qua để chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ ấn tượng với những thành tựu tỉnh Lai Châu đã đạt được trong thời gian qua. Cùng với kết quả chung của cả nước, Tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng như duy trì được tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội,…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quảđạt được, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đến nay, Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hạn chế về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, công nghiệp chủ yếu dựa vào thủy điện, không thu hút được đầu tư, nhất là dự án đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu nông nghiệp vẫn dựa vào vụ mùa, giá trị gia tăng thấp. Nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách trung ương… Điều này đòi hỏi Tỉnh phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế và các khó khăn, hạn chế, thách thức của mình để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện. Theo đó, Tỉnh cần tập trung vào hạ tầng, làm sao kết nối, gắn kết, thu hẹp khoảng cách để đẩy mạnh giao thương, phát triển du lịch; nông nghiệp của Tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển; phát triển tiềm năng của kinh tế cửa khẩu; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, thu hút được các dự án lớn, có tính động lực để dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3361
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)