Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2014-17:05:00 PM
Nhà đầu tư Nhật Bản luôn quan tâm đến chính sách đầu tư tại Việt Nam
(MPI Portal) - Đối thoại chính sách lần thứ hai giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã được tổ chức vào chiều ngày 08/12/2014, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Keidanren ông Takahashi Kyohei và ông Nakamura Kuniharu đã chủ trì Đối thoại.

Ông Takahashi phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại Đối thoại, ông Takahashi cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và Đối thoại lần này là cơ hội quý báu để đại diện Chính phủ và doanh nghiệp hai bên cùng nhau thảo luận về chính sách đầu tư.

Đối thoại là cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ các vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động, đồng thời giới thiệu các lĩnh vực tiềm năng tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhằm đóng góp hiệu quả vào quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong quan hệ phát triển hạ tầng và nhân lực.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao sáng kiến Đối thoại chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Keidanren. Đây là cơ hội để hai bên cùng trao đổi, đưa ra giải pháp nhằm hướng tới ngành công nghiệp bền vững, cũng như thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại Đối thoại.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Đối thoại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thông báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 của Việt Nam. Năm 2014, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đạt mục tiêu và vượt kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô đã dần đi vào ổn định, lạm phát giảm, cán cân thanh toán ngoại tệ được cải thiện, dự trữ ngoại tệ tăng, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, môi trường đầu tư được cải thiện... Điều này được thể hiện thông qua việc, gần đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một số đạo luật quan trọng phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho người dân như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Năm 2015, Việt Nam đã đề ra một số mục tiêu như tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,2%; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, điều chỉnh một số luật để phù hợp với thông lệ quốc tế; chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Đầu năm 2015, Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại tư do (FTA) với các đối tác lớn gồm Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EU), Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhastan) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện các khung khổ pháp lý để phù hợp với thông lệ quốc tế, đẩy mạnh đột phá về thể chế kinh tế.

Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập, tăng cường lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động và thúc đẩy đầu tư trực tiếp giữa các nước trong Khu vực. Khi tham gia Cộng đồng này, Việt Nam sẽ mở rộng thị trường rộng lớn với quy mô dân số 600 triệu dân, tổng GDP 3000 tỷ USD/năm. Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia, tìm kiếm cơ hội đầu tư, tạo khả năng liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp trong nước với các nước trong Khu vực, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư FDI của các công ty đa quốc gia.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Đối thoại, đại diện phía Nhật Bản đã trình bày các vấn đề liên quan đến thực trạng và định hướng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, cụ thể là trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghệ thông tin, phần mềm, máy móc thiết bị nông nghiệp và khu công nghiệp. Các nội dung liên quan đến lĩnh vực kết cấu hạ tầng gồm: Phát triển dự án điện và kết cấu hạ tầng liên quan, hạ tầng khu công nghiệp; Hạ tầng giao thông vận tải; Ưu đãi đối với dự án lọc hóa dầu. Một số vấn đề liên quan đến nghành công nghiệp điện. Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đưa ra các lĩnh vực như đào tạo tay nghề trong lĩnh vực xây dựng; Phát triển nguồn nhân lực trong ngành hóa chất và phân phối dược phẩm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Đại diện từ phía Việt Nam gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế…đã có những phản hồi từ những kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam mong muốn Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Kết luận Đối thoại, đại diện Chính phủ hai bên đều cho rằng, các nội dung tập trung tại cuộc Đối thoại lần này rất thiết thực, quan trọng liên quan đến phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, đồng thời, thảo luận các chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Việt Nam luôn đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ phía Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản và khẳng định sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Thông qua sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã góp phần định hình chính sách, thể chế của Việt Nam, giúp Việt Nam có được tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Việt Nam sẽ tiếp thu những đánh giá, góp ý từ phía Nhật Bản và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, góp ý để Việt Nam có những chính sách hoàn thiện hơn trong tương lai./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2201
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)