Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/12/2014-17:45:00 PM
Họp Hội đồng Khuyến khích Phát triển DNNVV năm 2014
(MPI Portal) – Sáng ngày 04/12/2014, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hội đồng Khuyến khích Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2014 đã tổ chức họp thường kỳ dưới sự trủ trì của ông Đặng Huy Đông, Ủy viên thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết sự quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2014 ước tính tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 5%, mặt bằng lãi suất giảm, cán cân thương mại thặng dư, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng duy trì tốt, chính sách đầu tư được bảo đảm. Năm 2014, môi trường vĩ mô tốt hơn và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện.

Về tình hình doanh nghiệp, 11 tháng năm 2014 cả nước có gần 68 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 391 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 11 năm 2014 là 936 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2014 có chất lượng hơn so với cùng kỳ năm 2013.

Về hỗ trợ DNNVV, trong năm 2013 và 2014, Việt Nam tiếp tục dành nguồn lực từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động tài trợ khác thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ DNNVV bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, điển hình khung pháp lý hỗ trợ DNNVV tiếp tục được hoàn thiện, hỗ trợ DNNVV tham gia có hiệu quả vào các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao kiến thức pháp lý, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp…

Tuy nhiên, công tác trợ giúp phát triển DNNVV thời gian qua còn có một số hạn chế, việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV còn ở mức thấp, chưa có trọng tâm và chưa có tác động rõ đến các DNNVV. Tỷ lệ DNNVV tham gia và thụ hưởng từ các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước còn thấp…Nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm trễ trong việc bố trí kinh phí thực hiện còn gặp nhiều khó khăn nên chưa hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế suy thoái vừa qua. Nguồn lực dành cho hỗ trợ DNNVV vốn còn hạn chế, dàn trải, phân tán và chồng chéo…

Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, cuộc họp lần này tập trung đánh giá tình hình doanh nghiệp và trợ giúp phát triển DNNVV năm 2013, 2014 và thảo luận một số nội dung cụ thể để có những định hướng, phải pháp nhằm đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển DNNVV trong thời gian tới. Các nội dung của buổi họp tập trung thảo luận đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm 2011-2015; thảo luận về hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo và thảo luận về hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các địa phương.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt kết quả và thực hiện kết luận của Hội đồng tại kỳ họp năm 2013; Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm[T1] 2011-2015 và một số định hướng, nội dung cơ bản trong xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV. Ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, tại phiên họp thường kỳ năm 2013, Hội đồng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015; tăng cường tiếp cận tín dụng, tài chính cho các DNNVV; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV; tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV; nghiên cứu xây dựng Đề án Luật hỗ trợ DNNVV; hình thành các cụm liên kết ngành và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Hội đồng đã đưa ra dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch vào năm 2015, cụ thể: Số lượng DNNVV thành lập mới giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 350 nghìn doanh nghiệp, cả nước có 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tính đến 31/12/2015. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Tiếp theo là đầu tư của khu vực DNNVV chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Mục tiêu cuối cùng là DNNVV tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu chỗ làm việc mới trong giai đoạn 2011-2015.

Đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trợ giúp DNNVV giai đoạn 2011-2013, khối các cơ quan Trung ương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp gồm: hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường, hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho DNNVV. Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho DNNVV. Tăng cường cung cấp thông tin hỗ trợ và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV. Xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV. Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV.

Một số vấn đề đặt ra trong công tác hỗ trợ DNNVV: Mặc dù đã có sự nỗ lực của Chính quyền các cấp, các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các DNNVV có quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế. Môi trường kinh doanh mặc dù được cải thiện song sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các khu vực kinh tế, do đó chưa đủ động lực để doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV bỏ vốn đầu tư, đổi mới sáng tạo. Thêm vào đó, nguồn lực dành cho trợ giúp DNNVV còn hạn chế, nhiều chương trình triển khai chậm hoặc chưa triển khai do tiến độ phê duyệt chậm và thiếu nguồn lực. Thiếu sự điều phối liên ngành dẫn đến hỗ trợ còn dàn trải, phân tán.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Hội đồng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Poral)

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra một số định hướng giải pháp trợ giúp DNNVV. Công tác trợ giúp phát triển DNNVV trong thời gian tới cần đẩy mạnh, để có thể thực hiện và đạt được những mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2014-2015.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Hội đồng đã nêu một số vấn đề đặt ra đối với Hỗ trợ DNNVV liên quan đến đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo để thảo luận. Ông Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới cần có thêm các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học và công nghệ. Đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ để tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là doanh nghiệp có thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu và nhu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ vận dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu và đầu tư phát triển hạ tầng cho khoa học và công nghệ. Việc thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương. Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, định kỳ hàng năm có diễn đàn hoặc hội nghị để các doanh nghiệp được trao đổi, chia sẻ và tiếp thu các giải pháp tháo gỡ những vấn đề phát sinh liên quan đến vấn đề này./.

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2050
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)