(MPI Portal) - Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF) đã được khai mạc sáng ngày 05/12/2014 tại Hà Nội với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, những nội dung được đề cập tại Diễn đàn lần này là những vấn đề hệ trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam đã đạt được những nền tảng quan trọng đầu tiên, một trong số đó là nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân qua việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…và cải cách thủ tục hành chính chuyên theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Trong năm 2014 – 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện và trở thành nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong tái cơ cấu kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế được coi là điều kiện tiên quyết trong tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tạo nền tảng cho khung khổ pháp lý, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân.
Sau VDPF 2013 đã thống nhất 22 hành động chính sách, bao gồm 81 hoạt động thành phần. Trong đó đã hoàn thành 18 hoạt động, tiếp tục triển khai 57 hoạt động và đang chọn thực hiện tiếp 6 hành động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường vai trò làm chủ và tính chủ lập của cơ quan Chính phủ trong quá trình chuẩn bị và triển khai các hành động chính, trong việc phối hợp giữa cơ quan Chính phủ và các cơ quan phát triển. Ngoài ra, các hành động chính sách cần cụ thể, tập trung hơn nữa, cần được trao đổi chuẩn bị và đi đến thống nhất trong thời gian trước và cả sau Diễn đàn.
|
Bà Victoria Kwakwa: kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã được trong năm 2014. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lạm phát ở mức một con số, tỷ giá hối đoái ổn định, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ…kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng.
Theo bà Victoria Kwakwa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có cả những quốc gia mới trỗi dậy như Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Những thách thức đó đòi hỏi các quốc gia phải có những hành động thích hợp và nghiêm túc để tận dụng triệt để lợi thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng như giảm thiểu rủi ro.
Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm cắt giảm thủ tục và chi phí hành chính, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong các cơ quan hành chính nhà nước. Gần đây, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Phá sản…Điều này chứng tỏ Việt Nam đã hết sức nỗ lực và quyết liệt trong trong cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời là khởi điểm rất tốt cho việc xây dựng các biện pháp đổi mới thể chế.
Diễn đàn cần tập trung thảo luận các nội dung nhằm khuyến khích sự phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển năng động hơn nữa. Việc cải cách thể chế cần tập trung vào các thách thức và khu vực doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt. Sắp tới, hội nhập kinh tế sẽ hướng theo chiều sâu thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN, EFTA, TPP…sẽ mang lại cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân.
Cải cách thể chế kinh tế mang lại cơ hội nâng cao trách nhiệm giải trình cho người dân. Cải cách cũng sẽ đảm bảo thân thiện hơn hơn đối với các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo việc làm cho những đối tượng thiệt thòi trong xã hội.
Bà Victoria Kwakwa khẳng định, cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển luôn sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Diễn đàn được nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Nhưng bằng sự nỗ lực phấn đấu của Chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của Chính phủ gồm: huy động và sử dụng cao nhất các nguồn lực, cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho người dân và cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có thể nói rằng, đây là động lực, giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các hiệp định đã ký kết, tạo mọi thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động đầu tư thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tái cơ cấu đầu tư công và khuyến khích mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tập trung các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu Thiên niên kỷ. Trong năm 2015, công tác phòng chống tham nhũng là một trong những ưu tiên trọng tâm của Chính phủ Việt Nam.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Diễn đàn, đã diễn ra các phiên thảo luận, đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức quốc tế về các vấn đề nhằm cải cách thể chế kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam. Cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như những giải pháp được Chính phủ đề ra nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những ý kiến, khuyến nghị nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư