Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/08/2020-10:34:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2020 tỉnh Nghệ An

1. Sản xuất nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 7/2020 của tỉnh chủ yếu tập trung chăm sóc, gieo cấy vụ Hè Thu và vụ Mùa, bên cạnh đó tích cực khắc phục tình trạng hạn hán xẩy ra trên diện rộng đồng thời chủ động công tác phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng.

Tính đến ngày 08/7/2020, vụ Hè Thu 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng nước ở các hồ đập ở mức thấp hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó tiềm ẩn nguy cơ sâu bệnh như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh lùn sọc đen, bạc lá, khô vằn và rầy phát sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Ước tính tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đạt 79.378 ha, giảm 1,47% (-1.181 ha) so với cùng kỳ, so với kế hoạch giảm 1,88%. Trong đó, lúa Hè Thu ước đạt 58.909 ha giảm 2,37% (-1.430 ha). Diện tích lúa Hè Thu năm nay giảm do nắng nóng kéo dài, một số địa phương thiếu nước nên chuyển sang gieo trồng vụ Mùa. Diện tích vụ Hè Thu năm nay tập trung ở một số huyện trọng điểm lúa chủ động nguồn nước tưới và có kinh nghiệm trong sản xuất vụ Hè Thu như: Yên Thành 11.205 ha, Diễn Châu 8.800 ha, Đô Lương 7.646 ha; Nam Đàn 5.827 ha; Quỳnh Lưu 5.633 ha; Thanh Chương 5.033 ha;…

Diện tích gieo trồng cây hoa màu vụ Hè Thu ước đạt 13.739 ha trong đó cây ngô 5.628 ha; cây vừng 2.561 ha; cây lạc 198 ha; cây khoai lang 202 ha; rau đậu và hoa các loại 5.059 ha và cây hàng năm khác 4.697 ha.

Tính đến ngày 08/7/2020, vụ Mùa đã gieo trồng được 54.623 ha đạt 60,62% kế hoạch và bằng 90,03% cùng kỳ năm 2019. Do nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích khô hạn, không có nước phục vụ cho việc làm đất gieo trồng. Tình hình gieo trồng một số cây trồng như sau: Cây lúa đã gieo trồng được 18.039 ha, đạt 58,19% kế hoạch và bằng 87,06% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể các huyện gieo cấy như sau: Thị xã Thái Hòa đạt 86,13%, Nghĩa Đàn đạt 76,67%, Quỳ Châu đạt 69,93%, Tân Kỳ đạt 68,78%, Quế Phong 61,64% so với kế hoạch. Cùng với đó, một số cây trồng hàng năm khác như: cây ngô, diện tích gieo trồng ước đạt là 1.255 ha bằng 58,67% so với cùng kỳ năm trước; so với kế hoạch cũng chỉ bằng 13,94%, cây rau, đậu các loại: diện tích gieo trồng ước đạt 840 ha, trong đó rau các loại là 740 ha, so với kế hoạch chỉ đạt 12,33%, so với cùng vụ năm 2019 chỉ bằng 93,29%. Đậu/đỗ các loại 32 ha so với kế hoạch đạt 5,33%, so với cùng vụ 2019 bằng 57,19%. Cây lạc: diện tích gieo trồng ước đạt 76 ha và đạt 15,20% kế hoạch, bằng 102,84% so với cùng kỳ…

Đối với cây lâu năm như Chè, Cao su, Dứa…hiện nay đang là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong năm chính vì vậy doanh nghiệp và bà con nông dân đang tập trung chăm sóc cây giống, chuẩn bị vật tư, phân bón để trồng mới vụ Thu 2020 đạt kế hoạch đề ra.

Tình hình Chăn nuôi: Tổng đàn trâu tại thời điểm tháng 7/2019 ước đạt 270.100 con, giảm 0,85% (-2.310 con) so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước đạt 478.758 con, tăng 1,51% (+7.128 con), trong đó bò sữa 61.315 con, tăng 3,82% (+2.258 con); đàn lợn ước đạt 886.651 con, giảm 0,46% (-4.129 con) so cùng kỳ năm 2019; Tổng đàn gia cầm ước đạt 26.530 nghìn con, tăng 7,95% (+1.953 nghìn con), trong đó đàn gà ước đạt 22.250 nghìn con, tăng 8,10% (+1.667 nghìn con) so cùng kỳ năm 2019.

Trong những năm gần đây tổng đàn trâu giảm là do diện tích đồng cỏ tự nhiên, bãi chăn thả bị thu hẹp phục vụ cho sản xuất khác; chương trình cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng mở rộng trong toàn tỉnh thay cho sức kéo đàn trâu. Chăn nuôi bò hàng hóa tăng nhanh vì cho hiệu quả kinh tế cao và nhu cầu tiêu dùng thịt bò của người dân luôn ổn định, hơn nữa phương thức chăn nuôi ngày càng được cải tiến do đó người dân đầu tư chăn nuôi bò nhiều hơn. Nguyên nhân số bò sữa trên địa bàn tỉnh tăng do tháng 01 và tháng 5 năm 2020 công ty sữa TH tại huyện Nghĩa Đàn đã nhập về 1.584 con bò sữa.

Chăn nuôi Lợn chủ yếu là hình thức chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ khó kiểm soát; tại một số địa phương vùng ven biển, đồng bằng mật độ chăn nuôi lớn; hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Do đó việc tái đàn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh. Trong thời gian qua, đã có một số hộ chăn nuôi tái đàn nhưng bị tái dịch, ảnh hưởng đến nuôi tái đàn lợn tại các địa phương. Các hộ chăn nuôi sau khi bị dịch bệnh xảy ra gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hiện nay giá con giống cao.

Tính đến 16h ngày 09/7/2020, bệnh dich tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21.456 hộ, 2.629 xóm, 359 xã, 21 huyện, thành phố, thị xã. Tổng số lợn đã tiêu hủy: 95.727 con chiếm 10,80% tổng đàn, tổng trọng lượng 4.836.790 kg chiếm 3,67% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Hiện tại, đã qua 30 ngày không phát sinh thêm kể từ ngày tiêu hủy con cuối cùng mắc bệnh.

Tính đến ngày 30/6/2020 tại địa bàn xóm 19/8 xã Tân Thắng huyện Quỳnh Lưu đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng, tổng số gia súc mắc bệnh 18 con (4 trâu, 14 bò), tổng số hộ bị dịch là 4 hộ. Sau khi dịch xảy ra Chi cục Chăn nuôi - thú y đã kết hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu và xã Tân Thắng triển khai phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây dập dịch, đến nay dịch cơ bản đã được khống chế, đã qua 12 ngày không phát sinh thêm ca mới.

2. Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng 7 năm 2020, thời tiết nắng nóng kéo dài, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 285 ha, giảm 39,62% (-187 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 7.412 ha, tăng 2,16% (+157 ha). Trong kỳ, các địa phương chủ yếu tập trung việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng cường công tác phòng chống cháy rừng.

Sản lượng gỗ khai thác tháng 7 năm 2020 ước đạt 122.438 m3, tăng 14,40% (+15.412 m3) so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 689.825 m3, tăng 9,12% (+57.654 m3). Trong đó, gỗ khai thác chủ yếu là nhóm 6 và nhóm 7 của rừng sản xuất, do rừng trồng của các hộ dân, doanh nghiệp đã đến kỳ khai thác phải thu hoạch, thời tiết khô ráo dễ vận chuyển.

Củi khai thác tháng 7 ước tính đạt 101.076 ste, tăng 0,94% (+944 ste) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác 7 tháng ước đạt 718.269 ste, tăng 0,98% (+6.985 ste) củi khai thác nhiều từ các loại cây phân tán cùng với các sản phẩm khác từ khai thác gỗ (vỏ cây, cành cây…).

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm, tuy nhiên trong tháng 7 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 3,62 ha. Tính chung 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị cháy 116,05 ha (trong đó đất có rừng 39,38 ha) chủ yếu là rừng thông, keo. Nguyên nhân do ý thức của người dân, dọn vườn, đốt ong … Cháy rừng chủ yếu tập trung ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Thanh Chương.

Tháng 7 năm 2020 phát hiện và bắt giữ, xử lý 53 vụ vi phạm lâm luật, tăng 17,7% (+8 vụ) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vi phạm phá rừng trái phép 26 vụ (thiệt hại 9,67 ha); Vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng, bảo vệ rừng: 05 vụ; vi phạm về quản lý lâm sản: 05 vụ; Vi phạm khác 17 vụ. Thu nộp ngân sách trong tháng: 261 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm xẩy ra 113 vụ phá rừng, tăng 94,83% với diện tích rừng bị phá lên đến 26,3 ha, tăng 16,47% so cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất thủy sản

Trong tháng 7 năm 2020, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (nuôi không sử dụng lồng bè, bể bồn) ước đạt 263 ha, tăng 1,54% (+4 ha), trong đó: diện tích nuôi cá 76 ha, giảm 2,56% (-2 ha), diện tích nuôi tôm 182 ha tăng 2,82% (+5 ha), diện tích thủy sản khác 5 ha, tăng 25% (+1 ha), đưa lũy kế 7 tháng ước đạt 20.104 ha, tăng 0,05% (+11 ha), diện tích nuôi cá 18.215 ha, diện tích tôm 1.680 ha, diện tích thủy sản khác 209 ha, so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 20.944 tấn, tăng 8,33% (+1.611 tấn), trong đó: cá 16.964 tấn, tăng 8,61% (+1.345 tấn); tôm 1.637 tấn, tăng 4,07% (+64 tấn) ; thủy sản khác 2.343 tấn, tăng 9,43% (+202 tấn), tính chung 7 tháng đầu năm tổng sản lượng thủy sản ước đạt 142.063 tấn, tăng 9,36% (+12.159 tấn), cá ước đạt 116.412 tấn, tôm ước đạt 6.061 tấn, thủy sản khác ước đạt 19.590 tấn.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7 ước đạt 16.285 tấn, tăng 9,75% (+1.447 tấn), trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 15.689 tấn, tăng 10,08% (+1.436 tấn); Sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 596 tấn, tăng 1,88% (+11 tấn). Lũy kế 7 tháng tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 107.550 tấn, tăng 10,90% (+10.571 tấn) so cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 7 ước đạt 4.659 tấn, tăng 3,65% (+164 tấn), trong đó: cá 3.057 tấn, tăng 3,52% (+104 tấn); tôm 1.345 tấn, tăng 3,30% (+43 tấn), thủy sản khác 257 tấn, tăng 7,08% (+17 tấn), lũy kế 7 tháng ước đạt 34.513 tấn, tăng 4,82% tấn (+1.588 tấn), cá ước đạt 27.217 tấn, tôm ước đạt 4.766 tấn, thủy sản khác ước đạt 2.530 tấn.

Để đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản của nhân dân trong và ngoài tỉnh, các cơ sở sản xuất giống với sản lượng tháng 7 ước đạt 256 triệu con, tăng 2,40% (+6 triệu con), trong đó: giống cá ước đạt 6 triệu con, giống tôm ước đạt 244, tăng 2,52% (+6 triệu con), giống thủy sản khác ước đạt 6 triệu con, tăng 20% (+1 triệu con), đưa lũy kế 7 tháng ước đạt 2.171 triệu con, tăng 5,29% (+109 triệu con), cá ước đạt 266 triệu con, tôm ước đạt 1.790 triệu con, thủy sản khác ước đạt 115 triệu con.

Trong tháng 7 năm 2020, trên địa bàn tỉnh tình hình nuôi trồng thủy sản ổn định không có dịch bệnh xảy ra.

4. Sản xuất công nghiệp

Tháng 7 năm 2020, ngành công nghiệp Nghệ An tăng trưởng chậm hơn so với kịch bản đề ra, hiện nay trên thế giới dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất công nghiệp Việt Nam nói chung và sản xuất công nghiệp Nghệ An nói riêng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể công nghiệp khai khoáng tăng 4,90%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,08%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,00% do trong kỳ hạn hạn kéo dài các nhà máy sản xuất điện thiếu nước để sản xuất điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,49%.

Sản phẩm chủ yếu tăng khá trong tháng như: Sữa tươi ước đạt 14,0 triệu lít, tăng 12,86% so cùng kỳ năm 2019; Sữa chua ước đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 37,85%; Thức ăn cho gia súc ước đạt 12,3 nghìn tấn, tăng 2,27%; Bia đóng chai ước đạt 5,1 triệu lít, tăng 8,56%; Bia đóng lon ước đạt 10,7 triệu lít, tăng 8,13%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 44,9 nghìn tấn, tăng 66,74%; Xi măng ước đạt 625 nghìn tấn, tăng 9,21%; Ống thép Hoa sen ước đạt 2,0 nghìn tấn, tăng 11,67%; Tôn lợp ước đạt 54,6 nghìn tấn, tăng 5,39%; Cửa ra vào bằng sắt ước đạt 198,0 nghìn m2, tăng 47,48%; Điện thương phẩm ước đạt 380 triệu KWh, tăng 5,64%;… Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Bao bì ước đạt 4,2 triệu chiếc, giảm 14,40%; Thùng carton ước đạt 1,6 triệu chiếc, giảm 41,21%; Phân hóa học (NPK) ước đạt 4,2 nghìn tấn, giảm 33,72%; Bột đá ước đạt 36,6 nghìn tấn, giảm 30,32%; Hộp bia lon ước đạt 324 tấn, giảm 43,65%; Điện sản xuất ước đạt 196,9 triệu KWh, giảm 6,14%; …

Tính chung 7 tháng từ đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm khai khoáng tăng 2,85%; chế biến, chế tạo tăng 4,84%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 19,05%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,14%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng thấp do tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, khai thác khoáng sản ngày càng khó khăn, đơn giá đền bù đất đai hoa màu cao, nhiều doanh nghiệp vỡ nợ đã tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Một số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng thấp và giảm do ảnh hưởng của chính sách thương mại giữa Mỹ - Trung. Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu ở mức độ phức tạp và chưa được khống chế, thực hiện việc giãn cách xã hội, thời gian sản xuất của những tháng đầu năm ngắn hơn so cùng kỳ năm 2019, thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hạn hán kéo dài gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó thiếu nước phục vụ sản xuất điện.

Tình hình sản xuất một số sản phẩm chính trong 7 tháng từ đầu năm và so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có những sản phẩm tăng khá như: Sữa chua ước đạt 24,3 nghìn tấn, tăng 14,60%; Xi măng ước đạt 3.987,8 nghìn tấn, tăng 14,28%; Cửa ra vào bằng sắt ước đạt 1,1 triệu m2, tăng 22,46%; Điện thương phẩm ước đạt 2.102,6 triệu KWh, tăng 4,88%;… Những sản phẩm chủ lực giảm trong kỳ như: Đá phiến ước đạt 373,8 nghìn m3, giảm 6,22%; Đá xây dựng khác ước đạt 1.436,8 nghìn m3, giảm 2,44%; Bia đóng chai ước đạt 21,4 triệu lít, giảm 38,94%; Bia đóng lon ước đạt 46,6 triệu lít, giảm 19,56%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 249,3 nghìn tấn, giảm 22,38%; Tôn lợp ước đạt 355,9 nghìn m2, giảm 2,76%; Loa ước đạt 72,2 triệu chiếc, giảm 8,66%; Nước uống được ước đạt 17,0 triệu lít, giảm 2,26%;…

5. Đầu tư và xây dựng

Trong 7 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực đầu tư xây dựng có nhiều khởi sắc, tiếp tục thi công thực hiện các công trình, dự án lớn trong kỳ. Vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2020 ước đạt 727,4 tỷ đồng, tăng 55,72% so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng từ đầu năm vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 4.215,1 tỷ đồng tăng 39,70% so cùng kỳ năm 2019.

Vốn đầu tư chủ yếu tập trung ở các công trình xây dựng lớn, trọng điểm của tỉnh như: Cảng Cửa Lò, Cảng Hàng không Vinh, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn tỉnh Nghệ An, dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền đoạn Km0 - Km7, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1), dự án LRAMP hợp phần đường, cầu Cồn Gát (huyện Nam Đàn), nhà tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích Kim Liên, trụ sở làm việc Công an huyện Thanh Chương, tuyến đê biển và trồng cây chắn sóng vùng Đông Hồi thuộc xã Quỳnh Lập huyện Quỳnh Lưu, dự án phát triển đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vinh, đường từ Thị trấn huyện Thanh Chương đi vào khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ huyện Thanh Chương, tiểu dự án 3, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, dự án hồ chứa nước bản Mồng,…

6. Thu chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 8.348,9 tỷ đồng, bằng 54,87% của dự toán do Hội đồng nhân dân tỉnh giao và giảm 6,14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 7.748,9 tỷ đồng, bằng 57,76% dự toán, tăng 0,34%, trong thu nội địa có thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất, thu tiền xổ số ước đạt 5.458,6 tỷ đồng, bằng 50,12% dự toán, giảm 10,01%. Nhiều khoản thu so với dự toán giảm sâu so với cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp Trung ương ước đạt 309 tỷ, giảm 25,26%; Thu từ doanh nghiệp Địa phương ước đạt 67,9 tỷ đồng giảm 12,24%; Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 122,8 tỷ đồng, giảm 14,29%; Thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh ước đạt 2.221,6 tỷ đồng, giảm 19,37%;… Bên cạnh đó, có một số khoản thu tăng trong kỳ như: Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 417,6 tỷ đồng, tăng 12,10%; Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 1.091,8 tỷ đồng, tăng 8,17%; Thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.275,1 tỷ đồng, tăng 37,68%;…

Tổng chi ngân sách 7 tháng ước đạt 16.401,9 tỷ đồng, bằng 60,48% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 5.120 tỷ đồng, bằng 77,68% dự toán; chi thường xuyên 10.835 tỷ đồng, bằng 53,97% dự toán. Các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 1.050 tỷ đồng, bằng 53,49% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 4.620 tỷ đồng, bằng 53,94% dự toán; chi sự nghiệp y tế 1.290 tỷ đồng, bằng 56,03%; chi quản lý hành chính 1.980 tỷ đồng, bằng 54,02% dự toán. Phân theo chức năng và nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước bao gồm: Chi tích lũy là chi cho tăng cường cơ sở vật chất như đầu tư phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng, trong đó phần lớn là xây dựng cơ bản, khấu hao tài sản xã hội. Chi tiêu dùng là không tạo ra sản phẩm vật chất để xã hội sử dụng trong tương lai (chi bảo đảm xã hội), bao gồm: giáo dục, y tế, công tác dân số, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin đại chúng, thể thao, lương hưu và trợ cấp xã hội, quản lý hành chính, an ninh- quốc phòng, các khoản liên quan đến can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh tế, dự trữ tài chính, trả nợ vay nước ngoài, lãi vay nước ngoài,các khoản chi khác.

7. Thương mại, giá cả

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 theo giá hiện hành ước đạt 7.833,7 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 44.394,9 tỷ đồng, giảm 1,32% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7/2020, ước đạt 6.255,8 tỷ đồng, chiếm 79,86% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tăng 3,28% so với tháng trước và tăng 17,81% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 7 tháng, ước đạt 37.086,6 tỷ đồng, tăng 2,92% so cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 7 tháng từ đầu năm phân theo nhóm ngành hàng tăng so cùng kỳ năm 2019 như sau: Lương thực, thực phẩm 12.927,4 tỷ đồng, tăng 12,64% do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng; Hàng may mặc 2.253,3 tỷ đồng, tăng 1,34%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 4.785,2 tỷ đồng, tăng 4,99%; Gỗ và vật liệu xây dựng 2.763,7 tỷ đồng, tăng 12,30%; Phương tiện đi lại 2.721,8 tỷ đồng, tăng 2,98%; Nhiên liệu khác 365,0 tỷ đồng, tăng 3,13%. Bên cạnh đó có các nhóm hàng giảm như: Vật phẩm, văn hoá, giáo dục ước đạt 368,5 tỷ đồng, giảm 0,58% do học sinh, đã kết thúc năm học và đang nghỉ hè nên nhu cầu về các mặt hàng sách giáo khoa, đồ dùng học tập giảm; Ô tô ước đạt 4.958,7 tỷ đồng, giảm 11,11%; Xăng, dầu các loại ước đạt 3.318,7 tỷ đồng, giảm 3,75%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm ước đạt 388,8 tỷ đồng, giảm 20,32%; Hàng hoá khác ước đạt 1.290,5 tỷ đồng, giảm 5,04%; Doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 944,9 tỷ đồng, giảm 11,93%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 7/2020, ước đạt 1.577,9 tỷ đồng, chiếm 25,22% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Trong đó: doanh thu ngành dịch vụ lưu trú ước đạt 151,5 tỷ đồng, giảm 5,97%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 844,3 tỷ đồng, tăng 9,05%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 24,1 tỷ đồng, tăng 29,52%.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu ngành dịch vụ lưu trú ước đạt 454,7 tỷ đồng, giảm 43,62%; Dịch vụ ăn uống ước đạt 3.578,1 tỷ đồng, giảm 18,21%; Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 52,9 tỷ đồng, giảm 46,15% so cùng kỳ năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội và nhu cầu về dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành của người dân giảm. Hiện tại, dịch bệnh trên thế giới chưa được khống chế nên khách du lịch đến Việt Nam cần phải kiểm soát và giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019.

Về hoạt động lưu trú, du lịch, lữ hành: trong tháng 7 lượt khách phục vụ ước đạt 753,7 nghìn lượt khách, giảm 0,30% so cùng kỳ năm 2019; ngày khách phục vụ 979,9 nghìn ngày khách, tăng 0,24%; lượt khách du lịch theo tour 7.976 lượt khách, tăng 26,10%; ngày khách du lịch theo tour 26.253 ngày khách, tăng 26,06%. Tính chung 7 tháng từ đầu năm lượt khách phục vụ ước đạt 2.103,1 nghìn lượt khách, giảm 45,09% so cùng kỳ năm 2019; ngày khách phục vụ 2.828,8 nghìn ngày khách, giảm 41,46%; lượt khách du lịch theo tour 17.316 lượt khách, giảm 46,37%; ngày khách du lịch theo tour 57.490 ngày khách giảm 46,53%.

Giá cả thị trường:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2020 tăng 0,39% so với tháng trước, giảm 0,30% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 4 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước đó là Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,80%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; giao thông tăng 3,13%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Bên cạnh đó, có 4 nhóm hàng giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,04%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,41%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,21%; văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,37%. Có 3 nhóm đứng giá là thuốc và dịch vụ y tế, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

Bình quân chung 7 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,46%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,31%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,92%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,74%; giáo dục tăng 4,83%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,00%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,01%. Bên cạnh đó, có nhóm hàng hóa giảm là: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,37%; giao thông giảm 8,48%; bưu chính viễn thông giảm 0,08%.

Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 3,15%, so với tháng 12/2019 tăng 18,88%, so với cùng kỳ năm trước tăng 25,93%; chỉ số đô la Mỹ giảm 0,22% so với tháng trước, so với tháng 12/2019 giảm 0,05%, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,10%.

8. Vận tải

Vận chuyển hành khách tháng 7/2020 ước đạt 9.686,6 nghìn khách, tăng 18,21% so cùng kỳ năm 2019, khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 774,9 triệu khách.km, tăng 16,88%, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 244,8 tỷ đồng tăng 15,75%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 57,4 triệu lượt khách, giảm 9,77%; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 4.496 triệu khách.km, giảm 6,42%, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.299,3 tỷ đồng, giảm 6,92%. Vận tải hành khách 7 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ do trong kỳ bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại của người dân đã làm ảnh hưởng đến kinh doanh vận tải hành khách.

Khối lượng vận chuyển hàng hoá tháng 7/2020 ước đạt 12.074 nghìn tấn tăng 18,90% so cùng kỳ năm 2019; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 309,9 triệu tấn.km tăng 17,01%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 603,2 tỷ đồng, tăng 16,21%; khối lượng vận chuyển hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 69.713,9 nghìn tấn tăng 6,24% và khối lượng luân chuyển ước đạt 2.068,4 triệu tấn.km tăng 5,51%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 3.864,6 tỷ đồng tăng 4,55% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu vận tải, bốc xếp tháng 07/2020, ước đạt 123,1 tỷ đồng, tăng 11,25% so cùng kỳ năm trước. Đưa doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ 7 tháng đầu năm ước đạt 763,1 tỷ đồng, tăng 7,99%. Tính chung doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 7 tháng là 5.931,9 tỷ đồng tăng 2,22% so cùng kỳ năm 2019.

9. Một số vấn đề xã hội

a. Dịch bệnh

Tính từ ngày 10/6/2020 đến 10/7/2020, trên địa bàn toàn tỉnh không xẩy ra ca dịch tả nào. Tiêu chảy đã xẩy ra 643 ca giảm 13,11% (-97 ca) so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng từ đầu năm xẩy ra 4.423 ca tiêu chảy giảm 12,73% (-645 ca). Nguyên nhân tiêu chảy giảm do ngành Y tế đã phối hợp tốt với các ngành tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phòng bệnh, chữa bệnh tiêu chảy, thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh các loại,... Tiêu chảy xảy ra nhiều ở các huyện, thành phố, thị xã: thành phố Vinh 128 ca, Quế Phong 109 ca, Tương Dương 61 ca, Kỳ Sơn 55 ca, Hưng Nguyên 55 ca, thị xã Hoàng Mai 50 ca,...

Tình hình sốt rét: Trong kỳ xảy ra 12 ca, giảm 40 ca so với cùng kỳ năm trước; tăng 2 ca so với tháng trước, xảy ra ở huyện Kỳ Sơn. Trong tháng không có người chết do sốt rét gây ra. Cộng dồn 7 tháng xảy ra 37 ca, giảm 61,46% (-59 ca) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm so với cùng kỳ là do người dân đã có nhận thức tốt về tác hại của bệnh sốt rét nên có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe

Sốt xuất huyết: Trong kỳ xảy ra 239 ca, tăng 238 ca so với cùng kỳ và tăng 144 ca so với tháng trước, xảy ở huyện Diễn Châu 237 ca, Nghi Lộc 1 ca và thị xã Hoàng Mai 1 ca. Cộng dồn 7 tháng xảy ra 410 ca, tăng 405 ca so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thời tiết nắng xen lẫn các đợt mưa là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển, khó kiểm soát.

Ngộ độc: Số vụ ngộ độc thức ăn theo HTCTTKQG mới trong tháng không xẩy ra vụ nào, tính chung 7 tháng xẩy ra 1 vụ giảm 66,67% so cùng kỳ năm 2019.

Tình hình lây nhiễm HIV: Luỹ kế tính đến ngày 31/5/2020 số người bị nhiễm HIV là 12.231 người, trong đó có 9.992 người trong tỉnh (chiếm 81,69%) và người ngoại tỉnh là 2.239 người (chiếm 18,31%). Căn bệnh HIV đã xảy ra trên 21/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, cụ thể ở các huyện: Quế Phong 2.005 người, thành phố Vinh 1.854 người, Tương Dương 1.090 người, Quỳ Châu 931 người, Diễn Châu 541 người, Quỳ Hợp 437 người, Đô Lương 406 người, Thanh Chương 384 người, Con Cuông 301 người, Thái Hoà 299 người, Tân Kỳ 216 người, Yên Thành 212 người, Nghĩa Đàn 208 người, Hưng Nguyên 188 người, Nam Đàn 183 người, Nghi Lộc 181 người, Quỳnh Lưu 155 người, Cửa Lò 128 người, Kỳ Sơn 108 người, Anh Sơn 90 người, Hoàng Mai 75 người.

Số người bị bệnh AIDS: Luỹ kế tính đến 31/5/2020 có 7.135 người bị bệnh AIDS, trong đó người nội tỉnh có 6.373 người chiếm 89,32%; ngoại tỉnh đến có 762 người chiếm 10,68%. Số người chết do AIDS là 4.414 người, trong tỉnh có 4.226 người chiếm 95,74%; ngoài tỉnh có 188 người chiếm 4,26%.

b. Trật tự an toàn xã hội

Tình hình phạm pháp kinh tế diễn biến phức tạp. Buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong tháng xảy ra 155 vụ tăng 106,67% bắt giữ 175 đối tượng, tăng 110,84% so cùng kỳ năm 2019. Đã thu giữ 26 chiếc quạt điều hòa, 662 máy bơm nước, 840 chai nước ép hoa quả, 134 túi xách các loại, 100 đôi dày, 260 kg hoa quả, 135 kg nội tạng động vật, 39 m3 đất, cát,... Tính chung 7 tháng số vụ phạm pháp kinh tế là 931 vụ, giảm 2,41%; với 1.046 đối tượng, giảm 0,48% so cùng kỳ.

Phạm pháp hình sự: Trong tháng xảy ra 97 vụ, tăng 12,79%; với 119 đối tượng, giảm 1,65% so cùng kỳ năm 2019. Trộm 6 xe máy, 3 xe đạp điện và một số hàng hóa khác ước giá trị khoảng 250 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020 số vụ phạm pháp hình sự là 703 vụ, giảm 7,01%; với 1.057 đối tượng, giảm 16,04% so cùng kỳ.

Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý: Trong tháng đã xảy 143 vụ, tăng 76,54% với 179 đối tượng, tăng 98,89% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thành phố Vinh 43 vụ 50 đối tượng, Quế Phong 17 vụ 18 đối tượng, Diễn Châu 11 vụ 18 đối tượng, Quỳ Châu 12 vụ 13 đối tượng, Quỳ Hợp 11 vụ 18 đối tượng, và một số huyện khác. Thu 1 bánh heroin, 480,13 gam heroin, 1.600 viên ma túy tổng hợp, 177,62g ma túy đá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020 số vụ phát hiện là 592 vụ, tăng 1,02%; với 712 đối tượng, tăng 9,88% so cùng kỳ.

Về tệ nạn sử dụng ma túy: Trong tháng xảy ra 51 vụ, tăng 4,08% với 74 đối tượng, tăng 13,85% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thị xã Cửa Lò 19 vụ 19 đối tượng, Diễn Châu 6 vụ 10 đối tượng, thành phố Vinh 6 vụ 6 đối tượng, Con Cuông 6 vụ 6 đối tượng và một số huyện khác. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020 số vụ phát hiện là 357 vụ, tăng 28,88%; với 475 đối tượng, tăng 34,56% so cùng kỳ.

Tệ nạn mại dâm: Trong tháng xảy ra 5 vụ, 16 đối tượng xảy ra ở huyện Quỳnh Lưu 1 vụ 3 đối tượng, Diễn Châu 2 vụ 9 đối tượng, Nghi Lộc 1 vụ 2 đối tượng, Quế Phong 1 vụ 2 đối tượng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020 số vụ phát hiện là 15 vụ, giảm 37,50%; với 35 đối tượng, giảm 32,69% so cùng kỳ.

Về tai nạn giao thông: Trong tháng xảy ra 30 vụ, tăng 7,14% so cùng kỳ năm 2019; làm chết 13 người, không tăng giảm so cùng kỳ; bị thương 24 người, giảm 4,00%; ước giá trị thiệt hại 1.021 triệu đồng, tăng 18,72%. Tính chung 7 tháng đầu năm, xảy ra 215 vụ, giảm 11,16% so cùng kỳ năm 2019; làm chết 91 người, giảm 21,55%; bị thương 175 người, giảm 10,71%; ước giá trị thiệt hại 6.219 triệu đồng, giảm 17,63% so cùng kỳ.

Trong khoảng thời gian từ ngày 10/6/2020 đến 10/7/2020, đã xảy ra 26 vụ cháy, gây thiệt hại 2,86 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 70 vụ cháy, làm chết 2 người, 3 người bị thương, giá trị thiệt hại ước tính 14,93 tỷ đồng.

Trong tháng phát hiện 30 vụ đánh bạc 89 đối tượng. Thu giữ 87,43 triệu đồng và một số tài sản khác. Tính chung 7 tháng phát hiện 267 vụ đánh bạc và thu giữ 949,43 triệu đồng cùng một số tài sản khác./.


Cục Thống kê tỉnh Nghệ An

    Tổng số lượt xem: 681
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)