Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/08/2020-10:27:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2020 dự tính đạt khoảng 1.465,92 tỷ đồng, giảm 1,58% so với tháng trước và tăng 7,75% so với cùng kỳ.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng 8, thời tiết thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, ngô của người dân. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là thu hoạch cây trồng vụ Xuân, thu hoạch đến đâu người dân làm đất đến đó để gieo trồng vụ Mùa cho kịp thời vụ, tranh thủ gieo cấy lúa mùa sớm và một số cây trồng khác vụ Mùa. Dự kiến đến hết tháng 8, toàn tỉnh sẽ thu hoạch xong diện tích cây trồng vụ Xuân.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

* Cây lúa: Toàn tỉnh đã thu hoạch xong lúa Xuân, diện tích đã gặt lũy kế từ đầu vụ đến nay là 15.458 ha, tăng 0,34% so với cùng kỳ. Đạt được kết quả trên là do đầu tháng 8 thời tiết có một số ngày nắng ráo, thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, ngô. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ngày càng được ứng dụng đã giúp nông dân giảm thiểu thời gian cũng như chi phí cho công việc này.

* Cây ngô: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 5.762 ha, tăng 1,28% so với cùng kỳ; cộng dồn ước 14.184 ha, tăng 0,91%.

* Cây khoai lang: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 172 ha, giảm 18,77% so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước 58,28 tạ/ha, giảm 1,83% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 1.004 tấn, giảm 20,26% so với cùng kỳ. Diện tích khoai lang giảm là do sản xuất trồng trọt phải đầu tư công sức nhiều, thời gian sản xuất kéo dài, giá trị kinh tế thấp và không ổn định nên người dân không thực sự quan tâm mở rộng sản xuất.

Tình hình gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa năm 2020

* Cây lúa: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tích cực xuống đồng gieo cấy lúa Mùa năm 2020, tập trung gieo cấy các giống lúa chủ yếu như: Khang dân, Bao thai, Kim cương, đây là những giống lúa có ưu điểm phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương cũng như cho năng suất và chất lượng tốt. Tính đến trung tuần tháng 8, ước gieo cấy lúa vụ Mùa đạt 14.621ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

* Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 2.991 ha, giảm 0,62% so với cùng kỳ. Dự kiến người dân sẽ mở rộng diện tích trồng do nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi tăng (chăn nuôi lợn phục hồi, xu hướng nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo ngày càng tăng).

* Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 710 ha, tăng 0,68% so với cùng kỳ.

Tình hình dịch bệnh

Cơ quan chuyên môn chủ động trong công tác điều tra, phát hiện và khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ dịch hại cây trồng kịp thời, hiệu quả. Các sinh vật hại trên các loại cây trồng được kiểm soát nên không gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển cây trồng. Các loại sâu hại chính như bọ xít, rầy các loại trên lúa xuân; ốc bươu vàng trên lúa mùa; nhện đỏ, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi; bọ xít, nhện đỏ trên cây na; bệnh thán thư trên cây hồi; sâu róm trên cây thông có diện tích gây hại tăng so với cùng kỳ năm trước.

1.1.2. Chăn nuôi

* Tổng đàn trâu: Tổng đàn trâu toàn tỉnh vẫn giảm dần do nhu cầu sử dụng sức kéo bằng gia súc của nhân dân giảm và môi trường chăn thả bị thu hẹp, một số hộ xuất bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng. Cụ thể: Ước tính số đầu con trâu hiện có 80.017 con, giảm 6,89% số con trâu xuất chuồng đạt 2.285 con, tăng 1,51% so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 555,65 tấn.

* Tổng đàn bò: Đàn bò của tỉnh tăng so với cùng kỳ do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức cao, người chăn nuôi có lãi. Ước tính số đầu con bò hiện có 33.150 con, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm trước; số con bò xuất chuồng đạt 625 con tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 126 tấn, giảm 5,38% so với cùng kỳ năm trước trong tháng giảm do mô hình chăn nuôi bò theo hướng nhốt chuồng, vỗ béo.

* Tổng đàn lợn: Số con hiện có ước 93.526 con, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước; người dân tái đàn chuẩn bị cho nhu cầu dịp tết, tuy nhiên tốc độ tái đàn chậm do lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Sản lượng tiêu thụ trong tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do trong tháng 01 và tháng 02 năm 2020 dịch tả lợn được khống chế, người dân tái đàn, đến thời điểm hiện tại bắt đầu xuất bán.

* Tổng đàn gia cầm: Tổng đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.223,28 nghìn con, tăng 6,27% so với cùng kỳ. Trong chăn nuôi các loại gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng phát triển đàn chăn nuôi đàn gà, vịt, chim cút, chim bồ câu; giảm chăn nuôi ngan, ngỗng do điều kiện chăn thả và nhu cầu của thị trường giảm. Ước tổng đàn gà đạt 4.647,19 nghìn con, tăng 6,53% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 763,07 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 4316,78 nghìn quả. Tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến khó lường, nên người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn đầu tư để tái đàn lợn với số lượng lớn, vì vậy để đảm bảo sản xuất và kinh tế họ chuyển sang đầu tư phát triển đàn gia cầm. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thịt và trứng gia cầm vẫn cao nên có thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định. Dự kiến tổng đàn gia cầm phát triển trong thời gian tới để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Tình hình dịch bệnh

Đến ngày 15/8/2020, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 940 hộ/343 thôn/113xã, của 11 huyện, thành phố. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 2.964 con, tổng trọng lượng là 138.770 kg, Nguyên nhân xảy ra dịch là do người dân mua lợn không rõ nguồn gốc về nuôi, chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học; mặt khác hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn con giống, lợn thịt từ các tỉnh khác đưa vào địa bàn nguy cơ tiền ẩn làm phát sinh và lây lan dịch. Chỉ đạo các xã tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn ốm có triệu chứng điển hình và có kết quả dương tính. Cấp phát 1.573 lít thuốc sát trùng và 18.068 kg vôi hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các hộ dân giáp ranh. Thực hiện tiêm phòng được 814.445 lượt con, đạt 62% so với kế hoạch, đạt 127% so với cùng kỳ. Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện đảm bảo quy định. Trong tháng tiếp nhận và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc 03 vụ gồm; gia cầm 8.300 con; Nầm 760 kg; sản phẩm động vật khác 348 kg.

Giá cả vật nuôi và thức ăn chăn nuôi

Giá gà ta hơi ở mức 118,02 nghìn đồng/kg, giá gà công nghiệp phổ biến ở mức 70,26 nghìn đồng/kg, giá gà ta giống ở mức 20 nghìn đồng/con, giá gà công nghiệp giống là 18,88 nghìn đồng/con.

Giá lợn hơi ở mức 91,19 nghìn đồng/kg, giá lợn giống ở mức 131,18 nghìn đồng/kg,

Giá thịt trâu hơi ở mức 117,889 nghìn đồng/kg, giá thịt bò hơi ở mức 115,76 nghìn đồng/kg,

Giá thức ăn chăn nuôi: Nhìn chung ổn định, giá thức ăn cho gà thịt từ 270.000đ đến 285.000đ/bao/25 kg tùy theo từng hãng thức ăn; cho lợn từ 250.000đ đến 290.000đ/bao/25kg tùy theo từng hãng sản xuất.

1.2. Lâm nghiệp

1.2.1. Công tác trồng rừng:

Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước thực hiện 1.618,22 ha, tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước. Trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Số cây trồng phân tán ước 289,23 nghìn cây (tương đương 114,61ha) giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

1.2.2. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng:

Công tác theo dõi tình hình sâu bệnh hại rừng tại các xã và các điểm hay có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Qua kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh không phát hiện dịch sâu bệnh hại rừng.

Lực lượng Kiểm lâm các cấp tăng cường bám sát địa bàn để chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương cơ sở thường xuyên duy trì chế độ trực, gác lửa rừng tại các xã trọng điểm, theo dõi cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh; đôn đốc cấp ủy, chính quyền địa phương và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án Quản lý bảo vệ rừng và Phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Trong tháng xảy ra 06 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 11,01 ha rừng trồng Thông. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát khai thác gỗ rừng tự nhiên, gỗ rừng trồng và cây trồng phân tán của các cá nhân và tập thể trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

1.2.3. Khai thác và thu nhặt lâm sản:

Khai thác gỗ tròn: Ước 5.528,62m3, giảm 12,99% so với cùng kỳ; cộng dồn từ đầu năm 93.610,41 m3, tăng 1,54% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác tăng do hiệu quả kinh tế từ trồng rừng sản xuất mang lại, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn; gỗ đến tuổi khai thác và nhu cầu chế biến gỗ của các cơ sở trên địa bàn tăng.

Củi các loại: Ước 87.245,17 ste, giảm 7,43 % so cùng kỳ. Cộng dồn từ đầu năm 871.083,77 ste, giảm 3,64 % so cùng kỳ năm trước. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu và một phần được tiêu thụ trên thị trường. Sản lượng củi khai thác giảm hầu hết ở các huyện, thành phố, giảm nhiều ở huyện Chi Lăng, Bắc Sơn... do hiện nay sản lượng củi trong rừng tự nhiên thấp, chủ yếu khai thác từ rừng trồng, nhiều hộ dân đã chuyển dùng củi sang dùng gas công nghiệp.

1.3. Thủy sản

Trong những năm vừa qua diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra. Cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện liên kết sản xuất cho các hộ, hợp tác xã trên địa bàn có hoạt động sản xuất thủy sản. Bên cạnh đó để cải thiện môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên Trung tâm Thủy sản của tỉnh đã tổ chức thực hiện thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản vào một số hồ chứa.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 so với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 bằng 80,97% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng bằng 69,13%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 99,73%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện bằng 61,86%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải bằng 99,34%.

Dự ước tháng 8, trong công nghiệp khai khoáng, chỉ số sản xuất ngành khai thác than cứng và than non (sản phẩm than) bằng 50,77% so với tháng trước; khai khoáng khác (sản phẩm đá xây dựng khác) bằng 91,08% do trong tháng 8, mưa kéo dài ảnh hưởng hoạt động của ngành này. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Chế biến thực phẩm tăng 2,67%; sản xuất hóa chất dự ước tăng 8,49% (trong đó sản phẩm colophan tăng 8,41%, sản xuất oxit molipden tăng 9,76% do từ đầu quý III doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và có đơn hàng tăng so với các tháng trước), hoạt động sản xuất chì thỏi của Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ trong tháng 8 dự kiến sản lượng sản phẩm ước tăng 12,39% so với tháng 7; sản xuất sản phẩm từ nhựa tăng 4,78%...; Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số bằng 61,86% trong đó sản lượng điện sản xuất bằng 56,64% chủ yếu giảm từ hoạt động nhiệt điện do trong tháng 8, Công ty Nhiệt điện Na Dương điều tiết sản xuất, luân phiên sửa chữa, bảo dưỡng 2 lò nhiệt điện nên dự kiến chỉ đạt ½ công suất, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự giảm nhu cầu và sản lượng than trong tháng 8 so với tháng trước; điện thương phẩm tăng 0,94% so với tháng trước, mức tăng lượng tiêu thụ điện phụ thuộc vào điều độ của EVN. Ngành xử lý và cung cấp nước cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt của dân cư so với tháng trước (bằng 98,99%) do sang tháng 8 mưa nhiều, thời tiết mát hơn tháng trước nên nhu cầu sử dụng nước giảm so với tháng trước; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng bằng 99,54% so với tháng trước.

2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 so với cùng kỳ

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2020 tăng 6,89%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 24,37%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 3,01%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,28% so với cùng kỳ.

Trong ngành công nghiệp khai khoáng, hoạt động khai thác than tăng 13,82%; hoạt động khai thác đá tăng 32,56%, riêng khai thác đá tăng cao so với năm trước do tại thời điểm cùng kỳ năm 2019, hoạt động khai thác đá của các doanh nghiệp đều giảm, do dự án thành phần 1 BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cơ bản hoàn thành giảm nhu cầu sử dụng đá, do đó sản lượng đá năm nay tăng cao so với cùng kỳ. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành cấp 2 có chỉ số tăng so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống tăng 10,37%; sản xuất chế biến gỗ tăng 91,98%; sản xuất hóa chất tăng 7,51%, sản xuất da... Một số hoạt động sản xuất khác có xu hướng giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm giấy (bìa), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, giấy và sản phẩm từ giấy… Riêng đối với hoạt động sản phẩm từ khoáng phi kim loại, trong đó sản phẩm xi măng là sản phẩm có giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp. Đến đầu tháng 8, Công ty Xi măng Đồng Bành điều tiết sản xuất phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng lò, sản lượng xi măng sản xuất giảm 10-20 nghìn tấn mỗi loại; Công ty Xi măng Hồng Phong cũng đang trong quá trình sửa chữa lò sản xuất xi măng, đây là nguyên nhân chính tác động làm giảm chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo …. Trong ngành công nghiệp điện, sản lượng điện sản xuất tháng 8/2020 tăng 2,77%; điện thương phẩm tăng 3,88% so với cùng kỳ.

2.3. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ

Cộng dồn 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất chung ngành công nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Ngành công nghiệp khai thác tăng 6,02%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6%. Trong đó, một nửa số ngành công nghiệp cấp 2 (10/20 ngành) có xu hướng giảm so với cùng kỳ: sản xuất thuốc lá, da thuộc, kim loại đúc sẵn, sản phẩm từ giấy (bìa), sản phẩm điện tử, quang học…; còn lại các ngành có xu hướng tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,3%; sản xuất đồ uống tăng 14,86%, dệt tăng 4,07%; chế biến gỗ tăng 16,47%; in, sao chép bản ghi tăng 0,22%, sản xuất nội thất tăng 4,81%; sản xuất máy bơm nước tăng 5,11%; trong đó tác động mạnh vào tốc độ tăng của ngành chế biến chế tạo là chỉ số sản xuất của ngành sản xuất kim loại (chì thỏi) do 7 tháng đầu năm 2019 Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc bộ tạm ngừng sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, sang tháng 8/2019 doanh nghiệp mới tìm được nguồn nguyên liệu và sang năm 2020 nguyên liệu đảm bảo cho hoạt động sản xuất nên sản lượng tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 5,04%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,34% (hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,59%, hoạt động thu gom rác thải tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước). Hiện nay chỉ còn Công ty TNHH Thực Nghiệp Long Đằng (sản xuất bật lửa ga) lãnh đạo và kỹ thuật đều là người Trung Quốc, từ sau kỳ nghỉ Tết chưa thể quay lại Việt Nam làm việc.

2.4. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2020 giảm 0,42% so với tháng trước và giảm 0,31% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, so với cùng kỳ: ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 4,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,84%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,4%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,84%. Bình quân 8 tháng năm 2020, chỉ số sử dụng lao động giảm 1,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong ngành công nghiệp, chia theo loại hình kinh doanh, riêng chỉ số lao động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháng 8 và 8 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng cao (tháng 8 tăng 44,17%, 8 tháng tăng 30,54%) chủ yếu do sự thay đổi lao động từ Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ so với cùng kỳ

3. Đầu tư, xây dựng

3.1. Tình hình vốn đầu tư thực hiện tháng 8 năm 2020

Các dự án khởi công mới được giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương trong năm 2020 đến ngày 30/7/2020 đang khẩn trương các thủ tục phê duyệt dự án, thiết kế, đấu thầu để tổ chức khởi công trong tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2020: Kè chống sạt lở bờ sông Kỳ Cùng thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng (35 tỷ đồng); Dự án nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn (18 tỷ đồng); Tuyến nhánh đường đến trung tâm các xã Xuân Dương, Ái Quốc (huyện Lộc Bình), Thái Bình (huyện Đình Lập) (33 tỷ đồng); Đường giao thông vào điểm Suối Nọi - Dự Định huyện Bắc Sơn (20,4 tỷ đồng). Nguồn ngân sách tiếp tục được giải ngân thực thiện các công trình dự án đảm bảo tiến độ thi công, tuy nhiên sang tháng 8, thời tiết mưa nhiều ảnh đến tiến độ thi công các dự án công trình, cụ thể:

Dự ước, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2020, ước thực hiện 284.554 triệu đồng, đạt 8,86% so với kế hoạch năm 2020, tăng 2,70 % (tương đương tăng 7.475 triệu đồng) so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 171.835 triệu đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 112.719 triệu đồng, tăng 13,93% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2020, ước thực hiện 1.790.958 triệu đồng, tăng 26,12%, tương đương 370.950 triệu đồng so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.087.901 triệu đồng, tăng 20,80%, tương đương tăng 187.333 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 703.057 triệu đồng, tăng 35,35%, tương đương tăng 183.616 triệu đồng so với cùng kỳ.

3.2 Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh

Dự án Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án Hồ chứa nước Bản Lải, công trình có tổng mức đầu tư 1.028.200 triệu đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8 năm 2020 ước thực hiện được 1.008.742 triệu đồng, đạt 98,10 % so với kế hoạch.

Dự án Cầu thị trấn Lộc Bình: Công trình có tổng mức đầu tư 181.190 triệu đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8 năm 2020 ước thực hiện được 155.100 triệu đồng, đạt 85,60% so với kế hoạch.

Dự án đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định: Công trình có tổng mức đầu tư 414.410 triệu đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8 năm 2020 ước thực hiện được 368.716 triệu đồng, đạt 88,97% so với kế hoạch.

4. Tài chính, ngân hàng

4.1. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 8 tháng năm 2020 là 4.162 tỷ đồng, đạt 71% so với dự toán Trung ương giao, đạt 67,7% so với dự toán tỉnh giao, bằng 92,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu nội địa: 1.751 tỷ đồng, đạt 63,7% so với dự toán tỉnh giao, bằng 85,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 2.408 tỷ đồng, đạt 70,8% so với dự toán giao, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các khoản huy động đóng góp: 2.6 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8 tháng năm 2020: 6.177 tỷ đồng, đạt 52,7% so với dự toán tỉnh giao, bằng 102,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương: 5.171 tỷ đồng, đạt 56,7% so với dự toán tỉnh giao, bằng 101,0% so với cùng kỳ năm 2019. Chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các nhiệm vụ khác: 1.006 tỷ đồng đạt 38,6% dự toán tỉnh giao, bằng 111,8% so với cùng kỳ năm 2019.

4.2. Ngân hàng

Các Ngân hàng trên địa bàn chủ động tiếp cận, làm việc với khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu vốn vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng; thực hiện cho vay theo các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ và của địa phương; triển khai các sản phẩm cho vay với lãi suất ưu đãi; thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ; giảm lãi suất cho vay; đánh giá lại chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi của các khoản nợ, để có biện pháp xử lí phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định và phát triển.

Ước thực hiện đến ngày 31/8/2020: Tổng huy động vốn đạt 30.567 tỷ đồng, tăng 1,16% so với 31/7/2020 và tăng 3,3% so với 31/12/2019; Dư nợ tín dụng đạt 31.534 tỷ đồng, tăng 0,32% so với 31/7/2020 và tăng 0,9% so với 31/12/2019.

5. Thương mại và dịch vụ

5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2020 dự tính đạt khoảng 1.465,92 tỷ đồng, giảm 1,58% so với tháng trước và tăng 7,75% so với cùng kỳ.

Các nhóm hàng hóa giảm so với tháng trước gồm: hàng may mặc giảm 9,88%; Đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình giảm 8,91%; nhóm vật phẩm, văn hóa giáo dục giảm 7,64%; nhóm phương tiện đi lại giảm 5,66%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 7,79% và dịch vụ sửa chữa ô tô xe máy giảm 5,28%. Các nhóm hàng hóa trên giảm do nhu cầu tiêu dùng ít. Ngoài các nhóm hàng hóa doanh thu giảm ở trên, có một số nhóm hàng doanh thu tăng cụ thể: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 1,18% so với tháng trước; nhóm Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,66% so với tháng trước; nhóm hàng hóa khác tăng 4,99% so với tháng trước.

Dự ước tổng mức bán lẻ 8 tháng năm 2020 đạt 11.337,38 tỷ đồng, giảm 4,17% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 8 và dự ước 8 tháng năm 2020 như sau:

Doanh thu ước tính ngành hoạt động lưu trú, ăn uống tháng 8 năm 2020 đạt 140,53 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 16,77% và so cùng kỳ giảm 0,46%. Doanh thu dịch vụ lữ hành dự tính đạt 0,61 tỷ đồng giảm 56,5% so với tháng trước và giảm 40,18% so với cùng kỳ.

Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành giảm so với tháng trước do dịch Covid -19 có các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng từ thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác (trong đó có tỉnh Lạng Sơn). Một số nhà hàng, quán ăn trong thời gian xuất hiện có ca nhiễm dịch trên địa bàn tỉnh đã tạm ngừng kinh doanh để đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch.

Dự tính doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2020 đạt 1041,16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước giảm 10,49%. Doanh thu lữ hành dự ước 8 tháng đạt 7,14 tỷ đồng giảm 15,48% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ tiêu dùng khác (trừ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) tháng 8 và dự ước 8 tháng năm 2020:

Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8 năm 2020 đạt 34,02 tỷ đồng, giảm 1,64% so với tháng trước và giảm 7,04% so cùng kỳ năm trước. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể hình, thẩm mỹ, Spa, Yoga… do ảnh hưởng dịch covid -19 đã tạm ngừng hoạt động để đảm bảo sức khỏe và nâng cao tinh thần công tác phòng chống dịch.

Dự ước doanh thu dịch vụ trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 273,2 tỷ đồng, giảm 7,48% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Vận tải

Thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng và chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh có 4 ca nhiễm Covid-19 sau khi đi du lịch từ Đà Nẵng trở về (Ngày 5/8/2020, Bộ Y tế đã công bố). Do trong tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh có ca nhiễm Covid-19, mặc dù tâm lý người dân không còn hoang mang như khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, song hoạt động vận tải hành khách vẫn giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước (giảm 34,09% về doanh thu, giảm 12,20% về vận chuyển và giảm 29,97% về hoạt động luân chuyển); hoạt động vận tải hàng hóa; doanh thu hoạt động kho bãi và hỗ trợ; doanh thu chuyển phát tiếp tục tăng so với tháng cùng kỳ.

Nếu từ nay đến cuối năm dịch bệnh không bị lây lan ra nhiều địa phương khác trong tỉnh, hoặc tình hình dịch bệnh được khống chế, thì hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn sẽ phát triển tốt hơn, tuy nhiên với diễn biến khó lường cả về dịch bệnh và kinh tế trên thế giới, doanh thu ngành vận tải khó có thể bằng năm trước, theo dự ước doanh thu ngành này trong 8 tháng giảm 4,83% so với cùng kỳ năm trước (trong đó doanh thu vận tải hành khách giảm 41,95%, về hành khách vận chuyển giảm 39,71% và hành khách luân chuyển giảm 41,86% ; doanh thu vận tải hàng hóa tăng 8,43%, về hàng hóa vận chuyển giảm 27,03%; và hàng hóa luân chuyển tăng 9,41%; doanh thu hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 5,52%.

6. Chỉ số giá

CPI chung toàn tỉnh tháng 8 năm 2020 giảm 0,14% so với tháng trước; tăng 6,94% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá bình quân 8 tháng đầu năm 2020 tăng 7,97% so với bình quân cùng kỳ, cụ thể:

CPI chung toàn tỉnh so với tháng trước: Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm:

* Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,68%, trong đó:

+ Lương thực giảm 0,69%: Chỉ số giá nhóm lương thực giảm chủ yếu ở mặt hàng gạo (giảm 1,43%), trong đó giá gạo tẻ thường dao động từ 13.700đ-15.500đ giảm 1,48%, giá gạo nếp dao động từ 23.000đ – 26.500đ giảm 1,11% so với tháng trước.

+ Thực phẩm giảm 0,88%: Chỉ số giá của các mặt hàng trong nhóm thực phẩm biến động so với tháng trước, cụ thể: Giá thịt gia súc tươi sống giảm 2,37%, giá thịt lợn hơi giảm dẫn đến giá thịt lợn giảm 2,68% so với tháng trước. Giá thịt lợn bình quân dao động từ 150.000đ/kg – 160.000đ/kg các loại, giảm từ 10.000đ/kg – 15.000đ/kg so với tháng trước. Giá thịt lợn giảm kéo theo giá dầu mỡ và chất béo giảm. Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 0,61%, chủ yếu giảm ở mặt hàng thịt gia cầm khác (giảm 2,6%). Nguyên nhân do nguồn cung của các loại thực phẩm tươi sống dồi dào hơn. Giá trứng các loại giảm 0,62%. Giá quả tươi giảm 2,64% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở các mặt hàng quả đang trong vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào như thanh long, nhãn, ổi …

+ Ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,09%: các hàng quán phục vụ dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại bình thường và ổn định.

* Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,05%: Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm so với tháng trước ở các mặt hàng như găng tay, bít tất, khăn quàng ...

* Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,14%: Những mặt hàng trong nhóm này giảm chủ yếu ở các mặt hàng đồ điện như máy xay sinh tố, máy đánh trứng, tủ lạnh … do điểm giá ở các cửa hàng kinh doanh đồ dùng gia đình đang áp dụng chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng của người dân.

* Nhóm Văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,04%: Chỉ số giá nhóm hàng này giảm ở nhóm thiết bị văn hóa chủ yếu là mặt hàng ti vi màu do một số điểm giá đang áp dụng chương trình khuyến mãi để kích cầu người dân mua sản phẩm.

Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, cụ thể:

* Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,68%: Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này biến động ở các mặt hàng sau: Giá điện sinh hoạt tăng 3,57%. Giá dầu hỏa bình quân tháng 8 năm 2020 tăng 1,93% so với tháng trước, do điều chỉnh giảm giá vào 15h ngày 12/8/2020. Giá gas, giá nhà ở và giá vật liệu không thay đổi.

* Nhóm giao thông tăng 0,02%: Tính đến 15 giờ ngày 12/8/2020 giá xăng A95 là 15.229đ/L, giá dầu Diezen là 12.514đ/L, chỉ số nhóm nhiên liệu tăng 0,45% và đóng góp tăng 0,02% điểm vào CPI. Giá vé tàu hỏa giảm 0,6%. Các mặt hàng còn lại của nhóm giá ổn định.

Chỉ số giá CPI chung toàn tỉnh tháng 8/2020 tăng 6,94% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: (1) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 20,13%; (2) Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%; (3) Nhóm hàng thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,28%; (4) Nhóm giáo dục tăng 7,49%; (5) Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,2%.

Chỉ số giá bình quân 8 tháng năm báo cáo so với cùng kỳ năm trước tăng 7,97% do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 21,56%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,12%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,97%; Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,9%; Nhóm giáo dục tăng 7,5%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,84%.

6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

- Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 6,51% và tăng 29,75% so với cùng kỳ: trong tháng giá vàng thế giới có nhiều biến động (chủ yếu tăng) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường.

- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,13% so với tháng trước, giảm 0,12% so với cùng kỳ.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội

Trung tâm Dịch vụ việc làm: Tư vấn việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động cho 1.596 người (trong đó: tư vấn giới thiệu việc làm là 1.194 người, BHTN là 402 người); lũy kế từ đầu năm là 6.628 người (trong đó: tư vấn giới thiệu việc làm là 3.693 người, BHTN là 2.935 người).

Tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm với 229 người tham gia và 04 phiên giao dịch việc làm lưu động với 570 người tham gia[4]. Tuyển được 12 người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Việc tuyển lao động đi làm việc tại Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay đang tạm dừng vì do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tiếp nhận 402 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, lũy kế từ đầu năm là 2.938 người; Quyết định hưởng trợ cấp BHTN là 350 người, lũy kế từ đầu năm 3.069 người với số kinh phí chi trả là 4,215 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm 39,697 tỷ đồng.

Định hướng nghề cho 350 đoàn viên thanh niên tại huyện Bắc Sơn và tư vấn việc làm, tuyên truyền chính sách việc làm cho 252 học sinh cuối cấp Trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc và Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bắc Sơn.

Trợ cấp thường xuyên cho 4.081 người có công với kinh phí 7,755 tỷ đồng. Lũy kế từ tháng 01 là 32.897 người có công và thân nhân với kinh phí 62,597 tỷ đồng.

Lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân là 1028 hồ sơ. Trong tháng 8 tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến 107 hồ sơ.

Tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020).

7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng

Trong tháng 8, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Lạng Sơn đã có 04 ca nhiễm. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh do COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan.

Tình hình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19:

* Công tác giám sát dịch:

Sở Y tế đã quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch một cách nghiêm túc, đúng quy định. Bước đầu, đã kiểm soát, hạn chế các ca nhiễm mới, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong cộng đồng. Công tác phòng, chống dịch đã đi vào nề nếp và có hiệu quả.

Ngành Y tế đã thành lập 24 đội phản ứng nhanh và các đội cấp cứu lưu động; thành lập các tổ tuyên truyền, hậu cần và an toàn, an ninh trật tự để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Tính đến 16 giờ 00 ngày 12/8/2020, tổng số mẫu xét nghiệm COVID-19 là: 15.285 mẫu, trong đó đã có 15.111mẫu kết quả âm tính, chưa có kết quả 166, có 04 mẫu dương tính với SARS-CoV-2(làm xét nghiệm 2 lần).

* Số lượng người cách ly (Tính đến 16 giờ 00 ngày 12/8/2020)

Tổng số người cách ly tập trung của tỉnh do quân đội quản lý, các khách sạn và cách ly y tế là 12.547 người, trong đó đã có 11.199 người hoàn thành cách ly, hiện còn 1.348 người đang cách ly.

* Thông tin liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng (đến 16 giờ 00 ngày 12/8/2020).

Tổng số người về từ Đà Nẵng: 1.669 người; Tổng số người liên quan quản lý y tế toàn tỉnh: 5.621 người.

Tại huyện Đình Lập: Đã đưa vào cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Đình Lập là 169 người. Tại cộng đồng: Khu cách ly: Khu 7, thị trấn Đình Lập (172 hộ/619 người): kiểm tra tình hình sức khỏe (đo nhiệt độ sáng, chiều) đều ổn định.

Đối với 04 trường hợp F0: UBND tỉnh đã trao đổi xin ý kiến chuyên môn của Viện Nhiệt đới Trung ương và thống nhất cho chuyển cả 04 trường hợp về điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lúc 14h30 ngày 05/8/2020

* Công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị y tế cho phòng, chống dịch

Ngành y tế đã rà soát, có thể huy động được số vật tư, thiết bị y tế cho phòng, chống dịch như sau: 40 máy thở (ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh), 06 xe chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân (y tế 04 xe, quân đội 02 xe) và 20 xe cứu thương khác, 03 máy X quang di động, 50 máy theo dõi bệnh nhân, trên 100.000 khẩu trang y tế, 2.600 khẩu trang N95 và 6.000 bộ trang phục phòng, chống dịch, 2.000kg Cloramin B. Hiện nay, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh đã chủ động điều chế dung dịch sát khuẩn rửa tay khô để cấp cho các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, khu vực cách ly của tỉnh.

* Công tác phòng dịch khác

Thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong tháng không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt. Cụ thể bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh trong tháng nhiều bệnh có số ca mắc giảm, một số bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Cộng dồn 8 tháng đầu năm, bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, không có dịch lớn xảy ra. So với cùng kỳ năm 2019, đa số những bệnh có số ca mắc giảm, một số loại bệnh có số ca mắc tăng.

7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao

Hoạt động bảo tàng: Tổ chức thành công Khai mạc triển lãm chuyên đề “Lương Văn Tri - Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng” tại Bảo tàng tỉnh; Thực hiện triển lãm tại hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 – 17/8/2020).

Trong tháng nhà trưng bày Bảo tàng phục vụ, đón tiếp 370 lượt khách tham quan; Thực hiện đăng tải 20 tin bài tuyên truyền lên trang Website và trang Fb của Bảo tàng, 39 ảnh hiện vật lên Trang Thông tin Điện tử của đơn vị.

Hoạt động chiếu bóng: Thực hiện 199 buổi chiếu phim phục vụ Nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tại 24 lượt xã,141 lượt thôn, 1974 lượt tuyên truyền, phục vụ 13.865 lượt người nghe, xem; rạp Đông Kinh thực hiện chiếu 5 phim (phim nước ngoài), đạt 36 suất chiếu (04 - 06 suất chiếu/ ngày), doanh thu: 16.275.000 đồng.

Hoạt động thư viện: Tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ sách từ các nguồn, gồm: 133 tên sách, 798 bản sách từ nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia;119 tên sách, 714 bản sách từ nguồn sách luân chuyển; 229 tên sách; 1.001 bản sách từ nguồn sách Nghiệp vụ; 113 tên sách; 228 bản sách từ nguồn sách biếu tặng với tổng trị giá 163,3 triệu đồng.

Hoạt động thể dục, thể thao: Tham gia tập huấn và thi đấu các giải toàn quốc đạt nhiều kết quả: Giải vô địch Kickboxing trẻ toàn quốc năm 2020 tại Nghệ An đạt 01 huy chương đồng; Giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc năm 2020 tranh cup Vietcombank không giành được huy chương; Giải cầu lông bóng bàn gia đình toàn quốc 2020 giành được 04 huy chương (01HCV; 03HCĐ) và xếp thứ 09 toàn đoàn.

Hoạt động du lịch: Tổ chức đón đoàn khảo sát trong liên kết hợp tác phát triển du lịch với Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc.

Số liệu khách du lịch: Tổng lượng khách du lịch trong tháng 8/2020 đạt 83.800 lượt khách (giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó khách quốc tế đạt 1.640 lượt, khách nội địa đạt 82.160 lượt, doanh thu đạt 37,7 tỷ đồng (giảm 37.2%).

7.4. Trật tự - An toàn giao thông

Tháng 8 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ giao thông đường sắt nghiêm trọng, làm 06 người chết, 02 người bị thương. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm 27 người chết, 10 người bị thương; giảm 07 vụ (-20,59%), giảm 09 người chết (-25%), giảm 06 người bị thương (-37,5%) so với 8 tháng năm 2019.

Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.

7.5. Môi trường

Trong tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra trường hợp vi phạm môi trường, không xảy ra vụ cháy, nổ. Lũy kế từ đầu năm xảy ra 08 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý vi phạm 08 vụ, số tiền phạt 233 triệu đồng.

7.6. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng 8 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra vụ thiên tai nào./.


Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

    Tổng số lượt xem: 791
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)