Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2020-16:34:00 PM
Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
(MPI) - Trong khuôn khổ Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển năm 2020 (VRDF 2020) đã diễn ra phiên thảo luận về Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu dưới sự điều hành của Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Vũ Thành Tự Anh.
Chủ tọa phiên 1. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Thành Tự Anh đề nghị các bài trình bày tập trung vào các nội dung về tác động của đại dịch Covid-19 tới các nhân tố nền tảng, nằm đằng sau sự biến chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu; Những cơ hội và thách thức của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam trong nỗ lực tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; Những chiến lược và chính sách cần thiết để thực hiện được mục tiêu nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19 để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững và bao trùm.

Tác động của Covid-19 đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam

Diễn đàn được nghe Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa trình bày tham luận với chủ đề “Tác động của Covid-19 đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam” theo hình thức trực tuyến. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, trên bình diện toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, tác động này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, phần lớn do hiệu lực ứng phó của các chính phủ. Việt Nam đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự kết hợp giữa các cú sốc cung và cầu trong nước với sự lan tỏa qua biên giới thông qua du lịch, thương mại, tài chính, thị trường hàng hóa và niềm tin của nhà đầu tư. Sự đứt gãy này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm chủ yếu về thương mại, FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu, vì các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất là các nút sống còn trong các mạng toàn cầu này. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để hiểu được tác động đầy đủ của virus này đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, sẽ cómột cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn nhiều hơn so với cuộc Đại suy thoái trước đây. Dòng vốn FDI toàn cầu và thương mại toàn cầu về hàng hóa trung gian và dịch vụ sẽ cần thời gian để phục hồi sau cú sốc Covid-19 này.

Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, hậu quả trước mắt của đại dịch là các nước đang phát triển phải đối mặt với những cơn gió ngược và lưu ý 5 kênh chính về tác động đối với nền kinh tế toàn cầu, gồm: tăng trưởng, thương mại, năng suất; nguồn vốn cho phát triển; chủ nghĩa bảo hộ; cách mạng sản xuất toàn cầu bị đứt gãy và tự động hóa.

Nêu hàm ý của những thách thức và cơ hội do Covid-19 tạo ra đối với Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã phát triển tốt không chỉ trước đại dịch mà còn kiên cường trước những cú sốc.Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng như CPTPP và EVFTA. Những hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất và tăng trưởng của Việt Nam.

Việt Nam đã phát triển tốt trong giai đoạn sau khủng hoảng toàn cầu 2009-2017 với tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu, và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ tăng vốn FDI cao nhất. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong việc hội nhập vào các chuỗi cung ứng chế biến chế tạo, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng việc làm và Việt Nam vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1%, nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống, do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

Theo bà Victoria Kwakwa, để chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện, trong ngắn hạn việc đa dạng hóa các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Trong trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho tình trạng bình thường mới của các chuỗi cung ứng là điều quan trọng. Trong dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất.

Để tiếp tục bảo đảm tính bao trùm, Việt Nam cần quản lý tốt những gián đoạn trên thị trường lao động do công nghệ thúc đẩy, gắn với các xu hướng tự động hóa và số hóa đang nổi lên.

Dịch Covid-19 dự kiến ​​sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu và để lại những vết “sẹo” lâu dài thông qua nhiều kênh, bao gồm đầu tư thấp hơn, xói mòn vốn nhân lực do thất nghiệp và thất học và có thể rút lui khỏi thương mại và các liên kết cung ứng toàn cầu. Đại dịch cũng có thể mang lại cơ hội và các quốc gia sẽ cần tính đến điều này khi xây dựng các chiến lược phát triển của mình. Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động. “Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ và hiện tại, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam có thể thậm chí làm còn tốt hơn trong tương lai”, bà Victoria Kwakwa nói.

Trình bày tham luận theo hình thức trực tuyến về chủ đề nắm bắt cơ hội từ những dịch chuyển trong các chuỗi giá trị: tăng trưởng toàn diện, thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào Việt Nam và phát triển khu vực tư nhân, Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia (MNE) đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ gia tăng. Đồng thời nhấn mạnh, thách thức đối với chế độ thương mại đa phương sẽ có lợi cho FDI trong khu vực và việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại và đầu tư song phương/khu vực là một điểm đáng quý.

Toàn cảnh phiên 1. Ảnh: MPI

Theo ông Jonathan Pincus, FDI mang lại lợi ích như tạo việc làm, tạo nguồn thu thuế, tạo xuất khẩu, tiếp cận ngoại hối… Tuy nhiên, FDI cũng kéo theo những chi phí. Nhu cầu của Việt Nam là tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước nhằm thu được giá trị gia tăng từ các nhà xuất khẩu có vốn FDI.

Ông Jonathan Pincus cho rằng, về dài hạn, tầm quan trọng của FDI trong khu vực sẽ tăng lên. Thách thức ở đây là tăng cường năng lực của doanh nghiêp trong nước trong việc thu được giá trị gia tăng đối với cả doanh nghiệp xuất khẩu có vốn FDI và không có vốn FDI. Đồng thời khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung xây dựng chính sách công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng năng lực trong các ngành tăng trưởng bền vững.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh trình bày các giải pháp, hành động để doanh nghiệp Việt Nam vượt khó khăn, thách thức, chủ động giành cơ hội, phục hồi kiên cường và bền vững.

Bà Hà Thị Thu Thanh đưa ra các bối cảnh kinh tế ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam như đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các FTA thế hệ mới, sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, các FTA thế hệ mới sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh, khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế. Khu vực tư nhân Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng cũng còn nhiều hạn chế và rào cản để bứt phá, chỉ số đổi mới sáng tạo còn hạn chế do chỉ số này của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó là thiếu hụt kỹ năng cũng là một trở ngại lớn, rào cản đến từ môi trường kinh doanh.

Bà Hà Thị Thu Thanh cho rằng, để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, cần tập trung vào quản lý dòng tiền với các hành động cần ưu tiên cao có hiệu quả tức thì, trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung vào khách hàng và chuỗi cung ứng với hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp chủ động khi triển khai. Rà soát xây dựng mô hình kinh doanh hợp lý với các hành động mang tính chiến lược, dài hạn.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các bài tham luận và cho rằng, cơ hội và thách thức luôn đan xen với nhau, vấn đề là làm thế nào để hành động ngay và hiện thực hóa được các cơ hội này. Đồng thời nhấn mạnh, các cơ hội cần phải nhìn ở diện rộng bởi đây không phải là vấn đề thị trường, năng lực doanh nghiệp mà là cơ hội để đẩy nhanh cải cách kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm, tăng trưởng xanh. Các cơ hội đưa ra phải gắn với mục tiêu dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề mở cửa thị trường, về phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh; về thu hút FDI phải gắn với doanh nghiệp trong nước và tạo ra sự lan tỏa…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 883
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)