Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/10/2020-17:05:00 PM
Xây dựng Nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng an ninh
(MPI) – Nhằm tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện rà soát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế tăng cường quản lý các doanh nghiệp quốc phòng an ninh (QPAN), các doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp QPAN để hướng dẫn Điều 217 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp QPAN. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 93/2015/NĐ-CP và cần thiết sửa đổi Nghị định.

Về đối tượng được xác định là doanh nghiệp QPAN, tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 93/2015/NĐ-CP quy định doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp QPAN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hiện nay được Bộ Quốc Phòng giao thực hiện nhiệm vụ QPAN là các công ty con do Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ như: Công ty TNHH MTV: Thông tin M1, Thông tin M3 (thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ); Công ty TNHH MTV: Hải Sơn X50, Hải Minh X51 (thuộc Tổng công ty Sông Thu). Việc không được công nhận là doanh nghiệp QPAN đã tạo ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế chính sách khi doanh nghiệp hạch toán kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về thời gian công nhận, công nhận lại doanh nghiệp QPAN, tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 93/2015/NĐ-CP quy định: “Định kỳ 3 năm một lần, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận lại doanh nghiệp QPAN”. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, việc quy định thời gian 3 năm phải thực hiện công nhận lại là doanh nghiệp QPAN đối với doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp quốc phòng; bảo đảm kỹ thuật và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chiến lược là ngắn, chưa phù hợp và thống nhất với thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp.

Về cơ chế hoạt động của doanh nghiệp và người lao động tại các doanh nghiệp QPAN, ngoài những kết quả tích cực trong thực hiện cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp QPAN theo quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn gặp một số tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế chính sách như công tác đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ QPAN cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không ổn định, thường xuyên qua các năm do nhu cầu dự trữ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh có sự biến đổi theo tình hình thực tế. Do vậy, việc sản xuất, cung cấp sản phẩm theo nhu cầu đặt hàng, giao kế hoạch của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì và phát triển doanh nghiệp; không đủ để trang trải các chi phí tại doanh nghiệp và đảm bảo đời sống cho người lao động trong nhiều giai đoạn.… .

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 93/2015/NĐ-CP quy định doanh nghiệp được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh (trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng không đủ) bao gồm: “…; các khoản chi cho công tác QPAN, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân”. Thông tư số 151/2016/TT-BTC đã hướng dẫn về các khoản chi cho “công tác quan hệ nhân dân”, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể các khoản chi cho “công tác QPAN, công tác phục vụ QPAN” gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp có xem xét, loại trừ các nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận khi doanh nghiệp thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích. Tuy nhiên, khi xem xét đánh giá người quản lý doanh nghiệp thì chỉ tiêu lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn là một trong 3 chỉ tiêu được xem xét, cân nhắc. Đối với các doanh nghiệp QPAN, việc hạch toán các khoản chi phí đặc thù phục vụ QPAN vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể dẫn đến doanh thu bị giảm, hoặc bị lỗ. Do vậy, ảnh hưởng đến việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp QPAN ngay cả khi doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ QPAN được giao.

Nghị định số 93/2015/NĐ-CP chưa có quy định cơ chế tạo nguồn vốn và hạch toán các khoản chi phí đặc thù (bao gồm cả chi phí để thuê chuyên gia, người lao động chất lượng cao) để doanh nghiệp chủ động thực hiện nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm QPAN nhằm phát triển công nghiệp QPAN của quốc gia. Đồng thời, việc thực hiện các đề tài khoa học công nghệ nghiên cứu và sáng chế các sản phẩm, dịch vụ QPAN (trong đó bao gồm việc mua sắm vật tư, linh kiện, thiết bị, máy móc (đầu vào) phục vụ cho nghiên cứu sản phẩm QPAN) phải thực hiện đấu thầu đã làm chậm quá trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghiệp QPAN theo nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp do phải mất nhiều thời gian và tăng thêm chi phí thực hiện các thủ tục đấu thầu.

Từ những vướng mắc trên thực tiễn và các yêu cầu nêu trên, việc rà soát, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 93/2015/NĐ-CP là cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn triển khai. Ngoài ra, việc ban hành Nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp QPAN giúp tạo khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp QPAN, góp phần nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của nhà nước đối với các doanh nghiệp QPAN.

Dự thảo Nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp QPAN gồm 04 chương, 14 Điều và 01 Phụ lục. So với nội dung Nghị định số 93/2015/NĐ-CP, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp QPAN có một số nội dung mới về đối tượng được xác định là doanh nghiệp QPAN; cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp QPAN; Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp QPAN; chế độ báo cáo, công bố thông tin của doanh nghiệp QPAN; kiểm tra, giám sát doanh nghiệp QPAN; thời gian công nhận lại và trình tự thực hiện công nhận, công nhận lại doanh nghiệp nhà nước; phụ lục Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn phục vụ QPAN do doanh nghiệp QPAN./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1820
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)