(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 23/10/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định. Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp.
|
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: MPI |
Nghị định quy định về giám sát và đánh giá đầu tư thay thế Nghị định số 84/2015/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở quy định chi tiết nhiệm vụ được giao tại khoản 6 Điều 70 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Đồng thời, rà soát, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định về giám sát và đánh giá đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản để phù hợp hơn với tình hình thực tế triển khai và cắt giảm thủ tục hành chính trên cơ sở các ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong quá trình rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Dự thảo Nghị định gồm 10 Chương và 69 Điều. So với quy định hiện hành là Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định có một số nội dung mới, các nội dung về giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được rà soát, sửa đổi phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Sửa đổi quy định về chi phí giám sát, đánh giá đầu tư. Giảm bớt hoạt động/nội dung/số lượng báo cáo giám sát và đánh giá đối với một số chủ thể. Bổ sung một số nội dung quy định “Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư hằng tháng” đối với Chủ chương trình, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công; Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước ngoài vốn đầu tư công; Nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (Điều 64). Quy định kết quả giám sát và đánh giá đầu tư là căn cứ để các cấp có thẩm quyền phân bổ vốn đầu tư cho Dự án (Điều 66)…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Văn Sử cho biết, trách nhiệm quy định trong Nghị định số 84/2015/NĐ-CP là rất lớn, tần suất nhiều. Với đầu tư tư nhân ra nước ngoài đề nghị xem xét thêm về tính khả thi, thẩm quyền và hiệu quả. Đồng thời, đề xuất thu hẹp phạm vi theo đúng mức độ, tần suất giám sát theo quy định của Luật. Về đầu tư ra nước ngoài kiến nghị sửa khoản 5, Điều 40 liên quan đến các ngành nghề có điều kiện, bổ sung vào Điều 55 về hướng dẫn công tác theo dõi kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Đỗ Văn Sử cho rằng phương thức giám sát cần rõ ràng để không cản trở nguồn lực và đề xuất 5 phương thức giám sát đó là: kiểm tra giám sát theo hệ thống thông tin; báo cáo; các cuộc họp, giao ban; tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp; tổ chức đoàn kiểm tra đơn tuyến hoặc liên ngành.
Chia sẻ về phương thức giám sát qua hệ thống thông tin, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Như Sơn cho rằng, hệ thống thông tin giúp thay đổi phương thức giám sát. Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong những năm qua, tiến tới là xây dựng Chính phủ số, việc giám sát sẽ không cần phải đến tận nơi khi có hệ thống thông tin hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị sắp xếp lại nội dung trong dự thảo theo nhóm, làm rõ thêm về vấn đề công bố thông tin, quy định về cập nhật báo cáo, tích hợp chia sẻ thông tin…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, giám sát và đánh giá đầu tư cần hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là hiệu quả, đầu tư tư nhân không nên giám sát quá chặt nhưng công tác giám sát cũng không thể bỏ qua vì đã có những dự án không hiệu quả do tiền của nhà đầu tư tư nhân trả nhưng đất đai lại là của nhà nước, khi có những dự án được giao đất mấy chục năm nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, phải có cơ chế giám sát để nhà nước có quyền thu hồi đất đối với những dự án này.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, có hai loại dự án đầu tư ra nước ngoài đó là dự án đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước và dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định, đối với dự án của doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài thì nhà nước chỉ giám sát về thủ tục xem đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật chưa, còn đối với dự án đầu tư sử dụng vốn của nhà nước khi đầu tư ra nước ngoài thì phải giám sát … do vậy đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu để làm rõ thêm về vấn đề này.
Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Công Thương, … đã đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định. Đây sẽ là cơ sở để Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư