(MPI) – Ngày 04/11/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tiếp Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: (MPI) |
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao những hỗ trợ của UNDP dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong nghiên cứu cơ chế, chính sách về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, kinh tế - xã hội. Đồng thời cho biết, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra các giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp hiện nay.
Thứ trưởng Trần Duy Đông bày tỏ vui mừng khi UNDP đặt mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và cho biết, Việt Nam xác định đây là một trong những động lực tăng trưởng trong giai đoạn 10 năm tới và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của UNDP trong lĩnh vực này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, tham mưu tổng hợp chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia, được Chính phủ giao xây dựng Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ cũng là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về các cơ chế hỗ trợ đặc thù cho NIC.
Thứ trưởng Trần Duy Đông đề xuất UNDP nghiên cứu, hợp tác, hỗ trợ NIC, đặc biệt là lĩnh vực thể chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm của các quốc gia trong việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần biến các định hướng, chiến lược hiện nay trở thành những kế hoạch, mục tiêu hoạt động cụ thể.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Caitlin Wiesen cho biết, UNDP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều năm hợp tác chiến lược và UNDP luôn thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. UNDP đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2005 và gần đây nhất UNDP và Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, năm 2019, UNDP đã triển khai xây dựng phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo ở trên 90 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Với những kinh nghiệm và mạng lưới này, UNDP hoàn toàn có thể tham gia và sẵn sàng hỗ trợ NIC thông qua sự hỗ trợ từ những chuyên gia giỏi nhất.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông và bà Caitlin Wiesen tại buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam nên nhìn đổi mới sáng tạo dưới lăng kính của hệ sinh thái và UNDP hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này. Theo đó, UNDP có thể lập ra một nhóm chuyên gia giúp Việt Nam có thể học hỏi những mô hình đổi mới sáng tạo của các quốc gia như Singapore, UAE, Scotland, …
Các chính sách và ưu tiên hỗ trợ của UNDP hiện nay là lấy sự nghiệp phát triển con người bền vững làm trọng tâm thông qua các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo nhằm mục tiêu tạo công ăn, việc làm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, công bằng. Đồng thời hướng tới mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ, hòa nhập xã hội và tái tạo môi trường cũng như tăng cường sự tham gia và tiếng nói của cấp cơ sở, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp.
UNDP bắt đầu đặt quan hệ hợp tác với Việt nam từ năm 1977 với mục tiêu hỗ trợ nhằm góp phần nâng cao một cách bền vững đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Các hình thức hỗ trợ kỹ thuật và tri thức được chuyển giao để thực hiện mục tiêu này luôn được điều chỉnh phù hợp với các ưu tiên và chính sách phát triển của đất nước./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư