Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/11/2020-16:52:00 PM
Trải đường cho GMS hội nhập, bao trùm, bền vững và thịnh vượng hơn (Xem tin ảnh)
(MPI) – Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) năm 2020, Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 24 với chủ đề: Trải đường cho GMS hội nhập, bao trùm, bền vững và thịnh vượng hơn được tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra vào ngày 04/11/2020 để xem xét, trao đổi, thông qua một số nội dung, tài liệu và chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 7. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương là Trưởng đoàn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị gồm các đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, giống như các nước, Việt Nam đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu… Những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ… Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự kiến thấp hơn nhiều so với kế hoạch và mục tiêu đề ra. Sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng mạnh.

Trong thực tế, với sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của quốc tế, của các đối tác phát triển… Việt Nam đã đưa ra những phản ứng nhanh, phù hợp, qua đó đạt được những thành công nhất định trong đối phó thách thức và vượt qua khó khăn. Cụ thể, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Các ngành kinh tế sau giai đoạn khó khăn đã hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng. Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhiều kết quả tốt. Kinh tế năm 2020 của Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng dương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ vui mừng khi mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng các chương trình, nhóm công tác, sáng kiến thuộc khuôn khổ GMS vẫn được tiến hành theo kế hoạch của năm 2020 thông qua ứng dụng triệt để lợi thế của công nghệ thông tin. Các bài học, kinh nghiệm thành công trong ứng phó dịch bệnh, khôi phục kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được các nước kịp thời chia sẻ, phổ biến, đem lại tác dụng hết sức thiết thực. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của GMS trong việc nhanh chóng có những hành động, sáng kiến hỗ trợ các nước thành viên. Các khoản ngân sách, dự án khẩn cấp do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số đối tác phát triển tài trợ có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ các nước GMS vượt qua khó khăn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay và thời gian tới, hơn lúc nào hết GMS là cơ chế, khuôn khổ hợp tác rất quan trọng, phù hợp để các nước GMS cùng trao đổi, phối hợp thực hiện các sáng kiến, hành động trên cơ sở 3 trụ cột kết nối, cạnh tranh và cộng đồng. Qua đó, giúp GMS nói chung và các nước thành viên nói riêng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, sát cánh cùng Nhân dân khu vực và thế giới vì mục tiêu hội nhập, bao trùm và bền vững hơn trong thập kỷ tới.

Những tài liệu, nội dung trao đổi, thống nhất tại Hội nghị có ý nghĩa tạo nền móng, cơ sở, định hướng cho sự phát triển của GMS và các nước thành viên trong giai đoạn tới. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến, hoạt động hợp tác thuộc khuôn khổ GMS. Việt Nam luôn dành ưu tiên cao giúp các địa phương thuộc khu vực Tiểu vùng nâng cao năng lực, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện sinh kế, chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo công bằng trong cơ hội và trình độ phát triển với các vùng miền khác của đất nước. Đồng thời, Việt Nam cũng rất tích cực hợp tác chặt chẽ với các nước GMS, ADB, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân trong, ngoài nước để huy động vốn, xây dựng dự án giúp đạt được các mục tiêu phát triển của GMS một cách thành công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, Ban Thư ký GMS đã trình bày những nội dung chính trong Dự thảo mới nhất của Khung Chiến lược Chương trình hợp tác kinh tế GMS đến năm 2030 (GMS-2030); Dự thảo kế hoạch giai đoạn 2021-2023 nhằm giải quyết thách thức do Covid-19 bao gồm các sáng kiến ưu tiên, đổi mới chính sách và dự án trong lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội với mục tiêu vì hợp tác và hội nhập khu vực; báo cáo về các hoạt động gần đây và đang triển khai của GMS, công tác chuẩn bị và kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng định GMS lần thứ 7…

Đóng góp ý kiến đối cho Dự thảo GMS-2030, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị bổ sung nội dung lộ trình cho từng lĩnh vực trong từng giai đoạn và bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động trong các lĩnh vực; bổ sung nội dung về hợp tác phát triển du lịch thông minh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, cung cấp dịch vụ du lịch của doanh nghiệp du lịch, quản lý và xúc tiến điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo… Hợp tác trong quản lý đô thị và rác thải công nghiệp dọc theo sông Mê Công để đảm bảo an ninh nguồn nước cho các nước hạ nguồn sông Mê Công. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng các dự án sau khi GMS-2030 được phê duyệt cần có ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan để đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của mỗi quốc gia.

Đối với Kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi cho giai đoạn 2021-2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Ban Thư ký GMS xem xét bổ sung cụ thể yêu cầu, nội dung, giải pháp, ưu tiên trong Kế hoạch ứng phó; làm rõ vai trò của các nhóm công tác trong thực hiện và điều phối triển khai kế hoạch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương hoan nghênh và đánh giáo cao nỗ lực của Ban Thư ký GMS và các nước GMS trong việc triển khai các nghiên cứu và tổ chức diễn đàn, hội nghị. Những nỗ lực này đã giúp tổng kết các kinh nghiệm, bài học thành công của khu vực và thế giới, đồng thời tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của GMS trong thập kỷ tới. Bên cạnh những phát hiện, tổng kết đã được trình bày trong các nghiên cứu, Thứ trưởng đề nghị Ban thư ký GMS xem xét, nhấn mạnh sự cần thiết kết nối tổng thể, toàn diện hạ tầng cứng, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng mềm nhất là quy định, thể chế, các cam kết/thoả thuận chung của cả khu vực GMS trong đó lưu ý, ưu tiên tầm quan trọng của phần phía Đông Tiểu vùng với bờ biển dài gần các tuyến giao thông quốc tế chính và hệ thống hạ tầng đã được phát triển tương đối đầy đủ.

Hội nghị Bộ trưởng GMS là Hội nghị thường niên trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kinh tế GMS được tổ chức luân phiên tại các nước thành viên của GMS. Hội nghị tập trung xem xét tình hình và thống nhất các giải pháp thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế trong Tiểu vùng. Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam - Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam về Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng là Trưởng đoàn Việt Nam tại các Hội nghị Bộ trưởng GMS.

Thời gian qua, hợp tác GMS được triển khai trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, du lịch, đầu tư, thương mại và phát triển nhân lực... trong đó lĩnh vực giao thông vận tải được triển khai mạnh nhất, với sự hình thành của các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông - Tây… và các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách và hàng hoá qua biên giới tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS-CBTA). Ngoài ra, những sáng kiến, hoạt động khác đã được triển khai đem lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên là phát triển các tuyến hành lang kinh tế GMS, tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại, phát triển du lịch, phát triển bền vững và bao trùm Tiểu vùng Mê Công, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các thiên tai khác, bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thực hiện các dự án thuộc khung đầu tư./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1579
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)