(MPI) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 diễn ra ngày 25/11/2020, Chương trình “Kết nối giao thương hội nhập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vào chuỗi cung ứng” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Chương trình Ảnh: MPI |
Chương trình nhằm phát triển kết nối giao thương của khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp đầu chuỗi trong và ngoài nước trong các lĩnh vực: công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, điện - điện tử, năng lượng, môi trường…
Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, kết nối và hợp tác từ cấp độ quốc gia cho tới từng người dân, doanh nghiệp là xu hướng tất yếu hiện nay, bởi sự hợp tác sẽ mở ra những cơ hội mới, tận dụng tối đa năng lực của các bên để cùng nhau phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, kết nối và hợp tác càng trở nên quan trọng.
Đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài, cùng với đó là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài. Một số ngành kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn... Đó là những nguy cơ lớn mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.
|
Toàn cảnh Chương trình. Ảnh: MPI |
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19 với nhiều cơ hội mở ra, cùng với các Hiệp định thương mại, đầu tư mà Việt Nam ký kết trong thời gian gần đây sẽ là những cơ sở vững chắc để Chính phủ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước... nhằm đạt mục tiêu dự kiến tăng GDP năm 2021 khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%... Cùng với đó, các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ… do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã được ban hành và có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
|
Các doanh nghiệp tham gia kết nối tại Chương trình. Ảnh: Thúy Quyên (MPI) |
Tại Chương trình, các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng đã được kết nối với hơn 100 quỹ đầu tư tham dự chương trình và tổ chức giới thiệu ý tưởng sản phẩm trực tiếp và trực tuyến trong ngày sự kiện. Đây là cơ hội lớn cho các công ty starups có sản phẩm ý tưởng công nghệ vượt trội đã được chọn lọc thông qua hàng loạt các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp giai đoạn vừa qua để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các quỹ đầu tư lớn trong khu vực và thế giới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư