Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2020-16:54:00 PM
Cuộc họp tiền khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 09/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đại diện cho Ủy ban kinh tế Việt - Nhật thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức cuộc họp tiền khởi động giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tham gia cuộc họp phía Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tòa án nhân dân tối cao. Phía Nhật Bản có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA, JETRO, JBIC, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, …

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian qua, với những nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn đang được cộng đồng các nhà đầu tư quan tâm. GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,1%, riêng quý III tăng 2,62%. Đồng thời, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài toàn cầu suy giảm tới 40% nhưng kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 11 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt tổng vốn đăng ký trên 26,5 tỷ USD trong đó vốn tăng thêm và mở rộng đầu tư tăng gần 8%. Các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đạt trên 2,1 tỷ USD đứng thứ 4/109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đó là những tín hiệu tích cực thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa duy trì mục tiêu phát triển ổn định kinh tế - xã hội”.

Trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản có nhiều Hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là hình thức hợp tác đặc biệt và rất hiệu quả giữa hai nước trong suốt 17 năm qua. Với 7 giai đoạn đã thực hiện đây là kênh đối thoại quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp tham mưu về chính sách cũng như thực thi các chính sách cho các cơ quan của Chính phủ Việt Nam. Năm 2019, giai đoạn 7 đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ, 52/52 hạng mục cam kết đã được thực hiện xong hoặc đang thực hiện. Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng, trên sự thành công đó, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước.

Phát biểu tại Cuộc họp, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho biết, qua hơn 17 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện được 7 giai đoạn, với 430/525 hạng mục trong Kế hoạch hành động được triển khai tốt và đúng tiến độ. Hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề, trong đó 8 nhóm vấn đề đã được thống nhất gồm: đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên nhằm thúc đẩy nhập khẩu khí LNG; các vấn đề liên quan tới đất đai.

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng bày tỏ tin tưởng, với tinh thần hợp tác giữa các bộ, ngành và cơ quan có liên quan của hai bên, hai nước sẽ hoàn thành tốt Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho cuộc họp chính thức khởi động Giai đoạn 8 dự kiến được tổ chức vào giữa năm 2021. Việt Nam mong muốn Nhật Bản sẽ có những hỗ trợ cụ thể hơn đối với các ý kiến, đề xuất của Việt Nam để có được những biện pháp hỗ trợ cụ thể và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, phía Nhật Bản đã đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời kỳ hậu Covid-19 và các dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp lớn, đại diện cho các ngành nghề khác nhau của Nhật Bản. Điều này đã cho thấy lòng tin và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, gắn bó và cùng phát triển những chuỗi giá trị mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn 8 nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 7469
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)