Giá trị xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 ước tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo tăng 6,4%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 5,2%.
Dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng cả về sản xuất lẫn thương mại hàng hóa trên quy mô toàn cầu khi hàng loạt khu vực phải phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 ước đạt 4%. Đây có thể coi là điểm sáng trong nỗ lực phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.
Nỗ lực “lội ngược dòng” của doanh nghiệp
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ phải phong tỏa biên giới, hoạt động thương mại, vận tải bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực tận dụng năng lực sản xuất, biến “nguy” thành “cơ” để duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu dương.
Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, giá trị xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp thành phố năm 2020 ước tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo tăng 6,4%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 5,2%. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có cuộc lội ngược dòng thành công.
Cụ thể, nửa đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do khách hàng hoãn, hủy đơn khiến kim ngạch xuất khẩu giảm sâu từ 15-19%. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp, xuất khẩu gỗ từng bước được khôi phục và tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) phân tích,dịch COVID-19 khiến người dân các nước phải ở nhà nhiều hơn. Nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng phục vụ gia đình, trong đócó một số sản phẩmđồ nội thấtcó xu hướng tăng lên.
Thêm vào đó, Trung Quốc và EU vốn là những khu vực chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 khiến hoạt động sản xuất đồ gỗ tại đây bị gián đoạn.
Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ về mặt thương mại nhưng hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không có nhà máy phải phong tỏa hay ngừng hoạt động.
Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có cơ hội lấp vào chỗ trống thị trường mà một số quốc gia để lại. Một lợi thế khác giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu EU chính là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8/2020. Từ đó, giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả tại thị trường EU.
Tuy nhiên, để có thể đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lội ngược dòng ngoạn mục trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bên cạnh yếu tố khách quan, không thể không nhắc đến nỗ lực thích nghi, tìm hướng đi mới của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Scansia Pacific cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và lây lan, doanh nghiệp đã chủ động theo dõi hoạt động sản xuất cũng như thông tin thị trường.
Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực, đặc biệt là EU và Mỹ khiến người dân hạn chế ra ngoài mua sắm, giải trí, dành thời gian làm việc ở nhà. Khi đó, nhu cầu trang bị tiện nghi cho không gian sinh hoạt của gia đình tăng lên. Song song đó, người tiêu dùng cũng thay đổi phương thức mua sắm, ưu tiên cho các kênh bán hàng trực tuyến thay vì hệ thống cửa hàng như trước.
“Nắm bắt được sự dịch chuyển đó, chúng tôi đã tập trung phát triển các sản phẩm mới, có thể tháo rời, gọn nhẹ, phù hợp với kênh bán hàng online. Bên cạnh đó, Scansia Pacific tích cực tìm kiếm các đối tác có thế mạnh về thương mại điện tử để tăng số lượng tiêu thụ. Nhờ khai thác linh hoạt, mặc dù hai thị trường xuất khẩu chính là EU và Hoa Kỳ đều là “điểm nóng” dịch COVID-19, xuất khẩu của Scansia Pacific vẫn giữ mức tăng trưởng khá tốt so với năm 2019, dự kiến cả năm 2020 có thể tăng trưởng 15-20%,” ông Bảo chia sẻ.
Nhận định về xuất khẩu gạo năm 2020, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu với giá trị tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
|
Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ông Phạm Thái Bình, có nhiều yếu tố giúp khẩu gạo Việt Nam đạt mức tăng trưởng nổi bật trong năm 2020. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia nâng cao hạn ngạch dự trữ lương thực.
Một điểm nhấn khác là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với những ưu đãi lớn về thuế quan cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó gạo được hưởng thuế 0% với hạn ngạch 80.000 tấn. Tận dụng cả hai lợi thế trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu và ký kết các hợp đồng có giá trị cao với thị trường EU, vừa đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu, vừa khẳng định vị thế của gạo Việt Nam.
Duy trì động lực tăng trưởng
Là trung tâm kinh tế năng động, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ cao xuất hiện ca mắc COVID-19 và lây lan ra cộng đồng. Với mục tiêu không để kinh tế tăng trưởng âm, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, triển khai các Bộ chỉ số an toàn trong phòng, chống dịch đối với từng lĩnh vực, trong đó có sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhờ giám sát chặt chẽ việc thực hiện Bộ chỉ số an toàn trong phòng, chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh có thể duy trì hoạt động xuyên suốt cho doanh nghiệp có số lượng lao động lên đến hàng ngàn người, nắm giữ tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, trong cơ cấu xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 44,01% kim ngạch xuất khẩu) đạt mức tăng trưởng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ tính riêng sản lượng sản phẩm của Khu công nghệ cao đóng góp khoảng 19 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, năm 2020, các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức, sắp xếp lại lao động với mục tiêu đảm bảo hoạt động sản xuất-kinh doanh và người lao động không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch COVID-19.
Trong thời gian giãn cách xã hội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo “Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS -CoV-2 tại doanh nghiệp.”
Với nỗ lực duy trì mức độ rủi ro thấp, các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao nói chung, hai nhà máy lớn nhất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Product Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung đã kiến nghị và được thành phố cho phép vận hành bình thường. Nhờ đó, duy trì được hoạt động sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu của sản phẩm.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ, tổ chức vào tháng 8/2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Kim Huat Ooi, Tổng Giám đốcCông ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Products Viet Nam cho biết, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thương mại trên quy mô toàn cầu. Nhiều nhà máy buộc phải tạm dừng sản xuất khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu và hàng hóa bị đứt gãy.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh nhờ khả năng khống chế dịch bệnh hiệu quả, các doanh nghiệp thực hiện tốt quy trình phòng, chống dịch được phép duy trì hoạt động sản xuất liên tục, kể cả trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo ông Kim Huat Ooi, trong khi sức tiêu thụ của nhiều mặt hàng giảm sút, nhu cầu sử dụng sản phẩm về điện tử, công nghệ cao như máy tính, máy chủ, hệ thống mạng phục vụ làm việc, học tập và phòng, chống dịch gia tăng do dịch COVID-19.
Để đáp ứng thị trường, vào thời điểm dịch COVID-19 lây lan mạnh khiến một số nhà máy ở nước ngoài phải tạm dừng hoạt động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Việt Nam đã đầu tư, sản xuất ra 2 tỷ đơn vị sản phẩm, trung bình mỗi giây tạo ra 25 sản phẩm. Dự kiến năng suất sản xuất của công ty trong năm 2020 tăng thêm 20% so với năm 2019 và đóng góp đến 3/4 sản lượng sản phẩm của Tập đoàn trên toàn cầu.
Bên cạnh tập trung kiểm soát dịch bệnh, tạo môi trường an toàn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, 2020 là năm rất đặc biệt đối với kinh tế khi cùng lúc xuất hiện cả cơ hội và thách thức chưa từng có tiền lệ đan xen. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng truyền thống nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội thiết lập những chuỗi cung ứng mới.
Nhận thấy trong "nguy" có "cơ," ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đem lại cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp bị hủy, thay vào đó, ITPC đã nhanh chóng chuyển qua hỗ trợ và kết nối trực tuyến giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm khách hàng.
Thông qua các chương trình kết nối của ITPC, hơn 1.500 lượt doanh nghiệp được kết nối với nhiều đơn hàng giá trị cao, không chỉ góp phần tích cực vào việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 mà còn tạo tiền đề để nâng cao giá trị xuất khẩu cho doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.
Có thể thấy, dù trải qua năm 2020 với nhiều thách thức và biến động, tuy nhiên, bằng quyết tâm cao độ của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận của các cấp chính quyền, người dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo kinh tế tăng trưởng dương.
Trong năm 2021, với những nền tảng sẵn có, Thành phố Hồ Chí Minh càng tự tin hơn với “mục tiêu kép” đã đặt ra: Không để dịch bệnh lây lan rộng, tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội./.