(MPI) – Trong khuôn khổ Chương trình triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam và khởi công Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, chiều ngày 09/01/2021 đã diễn ra Chương trình Tọa đàm: Vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
|
Thứ trường Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Phát biểu tại Lễ khai mạc sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ mặc định là một phần trong đó, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng này. Trong 20 năm trở lại đây, thực tế đã chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.
Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng kinh tế vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, biến đổi mới sáng tạo thành tài nguyên vô tận cho tăng trưởng bền vững.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó xác định vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng như khẳng định doanh nghiệp là trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 50), trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và khuyến khích thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương và các doanh nghiệp.
Trước nhu cầu ngày càng cao về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm thế nào để kích thích đổi mới sáng tạo và đâu sẽ là nơi quy tụ, kết nối và lan tỏa tinh thần đó là câu hỏi đang được đặt ra. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đổi mới sáng tạo có thể được tập trung quy tụ, phát triển nhanh, mạnh mẽ thông qua trung tâm đổi mới sáng tạo và sự dẫn dắt của các doanh nghiệp khoa học, công nghệ đầu tàu trong nền kinh tế. Xuất phát từ yêu cầu đó, trong khuôn khổ Triển lãm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm: Vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI |
Tọa đàm đã quy tụ nhiều diễn giả hàng đầu trong các lĩnh vực công tác khác nhau cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng của tăng trưởng. Qua đó cung cấp các góc nhìn đa chiều và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới nhằm tận dụng tốt nhất thành quả của đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế số năm 2030 với vai trò đầu tàu dẫn dắt của các doanh nghiệp. Thông qua Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn các diễn giả thảo luận, chia sẻ các ý kiến về vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo khác ở địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và vai trò, đóng góp của mình trong hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung thảo luận về đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ, trong tư duy quản trị,…
Giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Vũ Quốc Huy cho biết, Trung tâm Chính phủ thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019. Đây là trung tâm mang tầm cỡ quốc gia với mục đích kết nối giữa các chủ thể tích cực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó có doanh nghiệp, quỹ đầu tư,…; kết nối các ý tưởng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp với các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu để nuôi dưỡng các ý tưởng đó phát triển thành các giải pháp, các mô hình kinh doanh có hiệu quả phục vụ cho doanh nghiệp. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là cơ quan đầu mối để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau và với các chủ thể khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Qua đó nhằm thúc đẩy sự phát triển về đổi mới sáng tạo quốc gia góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc hợp danh Mckinsey Việt Nam Marcin Miller cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một môi trường mà trong đó các chủ thể, các bên liên quan phối hợp với nhau, ví dụ như ở Singapore đã xây dựng trung tâm số hóa, các công viên đổi mới sáng tạo, trong đó các chủ thể kinh tế, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, … đều có tiếng nói của mình và đều tham gia, có vai trò như nhau. Việt Nam cần thúc đẩy cơ chế chia sẻ giữa các đơn vị tham gia, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào đổi mới sáng tạo thông qua các giải pháp, công nghệ.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhà trường liên quan tới đào tạo, do khoa học công nghệ được đổi mới nên các chương trình đào tạo hiện nay cũng thay đổi theo, nhiều ngành nghề được thay thế bởi những ngành nghề mới; những kỹ năng mềm cần phải đào tạo cho sinh viên, trong đó có kỹ năng suy nghĩ về đổi mới sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học; công nghệ đã làm thay đổi phương thức dạy và học, cách dạy thời đại mới và áp dụng những công nghệ hiện đại nhiều hơn.
Việt Nam đang tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng cơ cấu kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp đầu tàu ngày càng trở nên rõ ràng và thiết yếu. Tọa đàm đã cung cấp nhiều góc nhìn thời sự, đa chiều từ các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau để trao đổi, đề xuất các giải pháp cho đổi mới sáng tạo./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư