Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/01/2021-13:42:00 PM
Người tiêu dùng thông minh trong Kỷ nguyên 4.0 (Xem tin ảnh)
(MPI) –Tiếp nối chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam, sáng ngày 10/01/2021 đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề: Người tiêu dùng thông minh trong Kỷ nguyên 4.0.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quốc Huy phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quốc Huy cho biết, với sự phát triển của công nghệ số, thiết bị thông minh đã dần hình thành thói quen mới cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm tới các yếu tố về giá rẻ hay chi tiêu theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nhờ công nghệ, người tiêu dùng bắt đầu biết cách tìm hiểu về sản phẩm, đánh giá chất lượng và tính tiện ích của sản phẩm để đưa ra quyết định chi tiêu. Từ những thay đổi trong việc định hình cách chi tiêu của người tiêu dùng, mở ra nhiều thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp để đưa ra các chiến lược phù hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng. Các doanh nghiệp hiện nay cũng đã và đang tiếp cận, làm quen với chuyển đổi số ở nhiều mức độ khác nhau nhằm tận dụng các tiềm năng và cơ hội của công nghệ một cách nhanh chóng để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19, đại dịch đã dẫn tới sự thay đổi trong tiêu dùng của người dân và tác động không nhỏ tới tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thách thức chuyển đổi để thích ứng trở thành vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hơn bao giờ hết. Tình hình sử dụng thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng do xu hướng tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh. Bằng cách thay đổi chiến lược, cách thức tương tác, giao dịch tạo ra những thay đổi đột phá từ việc áp dụng chiến lược chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp thích nghi với các yêu cầu mới của khách hàng và tận dụng tối đa những lợi thế mà thế giới số mang lại.

Trong 10 năm tới, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế được đặt lên hàng đầu để duy trì tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tránh nguy cơ tụt hậu. Để làm được điều đó, chỉ có thể dựa vào đổi mới sáng tạo, áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nhanh chóng tiếp cận những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp cần cải tiến, đổi mới công nghệ và định hướng phát triển sản phẩm để thích ứng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: MPI

Chia sẻ tại Tọa đàm, Giám đốc khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, theo khảo sát của Nielsen, hiện nay có một nhóm gọi là “người tiêu dùng kết nối”. Theo ước tính đến năm 2021, lượng người tiêu dùng kết nối chiếm tới 40 triệu người, phần tiêu dùng của họ chiếm 50% tiêu dùng trong xã hội. Nhóm người tiêu dùng này rất quan tâm tới sức khỏe, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ có lợi cho sức khỏe. Cùng với đó, 58% người tiêu dùng sẽ có xu hướng dùng hàng nội địa nhiều hơn và 47% người Việt Nam có nhu cầu thử những sản phẩm mới, đó là cơ hội rất lớn cho đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Đối ngoại cấp cao Tiki miền Bắc Hoàng Quốc Quyền thì cho rằng, các dự đoán đã bị thay đổi khi Covid-19 xảy ra, tiêu dùng online đã giúp con người tiện dụng và dễ dàng hơn, … Xu hướng cho thấy, các sản phẩm thuần tự nhiên, liên quan tới sức khỏe được phát triển nhiều hơn và các sản phẩm nội địa được tìm kiếm nhiều hơn. Sự tiện lợi về thời gian, không gian trong tiêu dùng online cũng giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt cũng chia sẻ về khả năng tiếp cận rộng lớn và dễ dàng hơn đã tác động tới hành vi người tiêu dùng. Cùng với đó, người tiêu dùng dễ dàng được trải nghiệm toàn bộ quá trình mua sản phẩm, họ không chỉ muốn mua hàng trực tiếp mà còn muốn tiếp cận thông tin mua hàng online và trở lên gần gũi hơn với các thương hiệu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Logistics Startlink Nguyễn Việt Thắng cho rằng, người tiêu dùng thông minh có 3 yếu tố đó là “tin cậy, tin tưởng và trung thành”. Logistics Startlink đã kết hợp giữa tiêu dùng online và chuỗi cung ứng hiện tại. Năm 2020, Việt Nam đã tăng trưởng 14-16% về logistic và vươn lên đứng thứ nhất về tiêu chí giải phóng hàng trên tàu ở Đông Nam Á, trước đây kỷ lục này đạt được ở Xinh-ga-po, qua đó chứng tỏ công nghệ về logictis của Việt Nam đã rất tối ưu nhờ vào đổi mới sáng tạo và Việt Nam đang được hướng tới trở thành một trọng điểm về logistics của khu vực.

Đứng trước Cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần có tư duy mới, bứt phá từ cách quản lý doanh nghiệp trong những chính sách và cách tiếp cận nhằm mục tiêu chung trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại. Tọa đàm đã cung cấp góc nhìn thời sự đa chiều từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các đại diện đã cùng nhau chia sẻ những giải pháp về chuyển đổi số, những đổi mới sáng tạo thành công trong chính những doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp có những định hướng về phát triển sản phẩm, dịch vụ, quản trị doanh nghiệp hướng tới sự phát triển đổi mới sáng tạo chung của quốc gia./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2127
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)