(MPI) - Ngày 22/01/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống làm việc với Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Daisuke OKABE về khả năng và định hướng tiếp tục triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2021-2030.
Tham dự buổi làm việc có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông cùng một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Thống đánh giá cao mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và cho biết, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01/7/2013 về Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu ưu tiên phát triển sáu ngành công nghiệp được lựa chọn, gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là ưu tiên phát triển sáu ngành công nghiệp được lựa chọn nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Qua 6 năm thực hiện Chiến lược, với sự nỗ lực hợp tác của cả 2 phía, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của sáu ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt như mong đợi, trong đó có mục tiêu về đổi mới công nghệ, tăng năng suất trong ngành công nghiệp; sự kết nối và lan tỏa về công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản trong các ngành công nghiệp ưu tiên chưa đạt như mong muốn được nêu tại Chiến lược.
Tại Công văn số 6187/VPCP-HTQT ngày 29/7/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan và phía Nhật Bản để rà soát và kiến nghị điều chỉnh nội dung Chiến lược công nghiệp hóa phù hợp với tình hình mới, trình Thủ tướng Chính phủ. Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn 2021-2030 và gửi xin ý kiến các bộ, ngành và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
|
Công sứ Daisuke OKABE phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Công sứ Daisuke OKABE đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời đánh giá cao kết quả đạt được của Việt Nam trong năm 2020, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng GDP Việt Nam đạt 2,91%, đây là kết quả rất tốt đẹp.
Về xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn 2021-2030, Công sứ Daisuke OKABE nêu một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng Chiến lược mới trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và thế giới; việc tận dụng các tiềm năng, lợi thế trong bối cảnh mới phù hợp với những nhu cầu mới; các lĩnh vực cần ưu tiên trong giai đoạn tới;…
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành liên quan đã đánh giá kết quả phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Các ý kiến cho rằng, việc thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Đồng thời đề xuất các ngành lựa chọn phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam và định hướng ưu tiên của Nhật Bản trong thời gian tới. Trên cơ sở những kết quả đạt được và trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số đặt ra việc định hướng hợp tác trong thời gian tới trong lĩnh vực công nghiệp là rất cần thiết và cần có sự kế thừa./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư