Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/03/2021-14:13:00 PM
Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam"
(MPI) – Ngày 12/3/2021, Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ Công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” theo hình thức trực tuyến dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a.
Lễ Công bố Báo cáo. Ảnh: World Bank Vietnam

Mục tiêu quan trọng của Báo cáo nhằm nhận diện tác động chung của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, tìm hiểu khả năng ứng phó của doanh nghiệp với đại dịch cũng như đánh giá ban đầu của các doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc đã cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp.

Về tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, theo Báo cáo, đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp tại Việt Nam, với 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn". Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các doanh nghiệp tại vùng Duyên hải miền Trung.

Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%) và Sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%).

Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sử dụng nhân công, người lao động, bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19... Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, dừng hoạt động do tình hình dịch, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột.

Do những tác động của dịch Covid-19, có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%. Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn.

Về ứng phó của doanh nghiệp đối với đại dịch, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó đối với dịch Covid-19. Biện pháp mà nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn cả là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động, với 57% doanh nghiệp tư nhân và 71% doanh nghiệp FDI. Kế đến là việc doanh nghiệp chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% doanh nghiệp tư nhân và 40% doanh nghiệp FDI). Dự trữ hàng hóa và nguyên vật liệu là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp theo (20% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm các giải pháp mới/thay thế chuỗi cung ứng (16% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Khoảng 13% doanh nghiệp tư nhân và 15% doanh nghiệp FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19, kết quả khảo sát cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Ba chính sách được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn nộp tiền thuê đất. Kết quả cho thấy những doanh nghiệp nào dễ tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ hơn, thì có xu hướng đánh giá mức độ hữu ích của chính sách cao hơn.

Cùng với việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phố biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi - đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 678
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)