Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/03/2021-13:57:00 PM
Phát triển bền vững ĐBSCL: Những đề xuất từ thực tiễn
Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 13/3, đại biểu một số địa phương, những nơi đang triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, đã đề cập một số kiến nghị cụ thể để phát triển bền vững ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Tham luận tại Hội nghị,Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bìnhcho biết qua 3 năm thực hiện, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã thực sự tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân phát huy tính sáng tạo trong lao động sản xuất, sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tác động lan tỏa song qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, An Giang nhận thấy vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như cơ chế liên kết vùng vẫn còn bất cập; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư các công trình hạ tầng thích ứng BĐKH còn hạn chế; hạ tầng giao thông vẫn là “điểm nghẽn” trong phát triển của vùng…

Từ thực tiễn đó, trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh An Giang đề xuất một số vấn đề cụ thể.

Về cơ chế, chính sách: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH; sớm ban hành Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 để các tỉnh có cơ sở triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh và là cơ sở để triển khai các hoạt động liên kết vùng.

Về giải pháp công trình, kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ vốn thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng tứ giác Long Xuyên”, một dự án liên kết vùng, phục vụ đa mục tiêu “phòng tránh thiên tai gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” cho tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Trong khi đó,Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bìnhđề xuất, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, nhất là cụ thể hóa quy định pháp luật có liên quan về các vấn đề như: Hội đồng vùng; cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng về huy động nguồn lực, khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa lớn,…

Hai là, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai có hiệu quả các quyết sách theo Nghị quyết 120, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của các Bộ, ngành Trung ương trong việc hoàn thiện các quy hoạch, đề án, chương trình, dự án đã được nêu tại Nghị quyết 120; sự tham gia phản biện, góp ý của các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế cho sự phát triển bền vững của vùng.

Thứ ba la, từng địa phương cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực trọng tâm trong liên kết vùng, đặc biệt là nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải;… nhằm tối ưu hóa thế mạnh, phát huy hết tiềm lực của các tỉnh, thành phố trong vùng…

Bốn là, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và dịch vụ logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển cho vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị,Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quâncho biết 3 vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh, cũng là 3 thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển đó là: Giữ đất, giữ nước, giữ người. Giữ đất là phòng chống sạt lở, không để mất đất ven sông, ven biển; giữ nước là quản lý có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; giữ người là bảo vệ tính mạng, sự sống và phát triển của con người, hạn chế tình trạng di dân, dịch chuyển lao động đi nơi khác.

Để giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với BĐKH. Theo đó, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “ đê, kè mềm”, phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với các lớp tạo chắn sóng...

Để giữ nước, Cà Mau đang đẩy mạnh đề án tái cấu trúc nông nghiệp, hình thành các tiểu vùng khép kín gắn với hệ thống thủy lợi nội đồng.

Từ đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ và Trung ương có các chính sách về phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để vừa giữ đất, giữ rừng và phát triển kinh tế.

Ông Lê Quân cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận thực hiện theo phương thức cấp phát đối với khoản vay 2 tỷ USD tăng thêm cho giai đoạn 2021-2025 để thoàn thành các chương trình, dự án đầu tư của vùng ĐBSCL, trong đó có Cà Mau, với cơ chế tài chính cấp phát vốn vay nước ngoài theo tỷ lệ phù hợp./.

Nhóm PV
Chinhphu.vn

  • Tổng số lượt xem: 851
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)