Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/05/2021-08:20:00 AM
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo Kết luận số 53 của Bộ Chính trị
(MPI) - Chiều ngày 11/5/2021, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong theo Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng ngày 11/5/2021, Đoàn Công tác đã khảo sát thực địa tại Vân Phong. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Khánh Hòa là tỉnh ven biển, ở vị trí trung tâm của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ: Theo tính toán của tỉnh, tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2013-2020 đạt 4,7%/ năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2013-2020 tăng 27,1% so với năm 2013; thu ngân sách 2016-2020 đạt 91.541 tỷ đồng, tăng 11,6%/năm, đến năm 2020 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2013. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 206,87 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm, tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GRDP hàng năm đạt 53,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 64,62 triệu đồng/người/năm, gấp 1,75 lần so với năm 2013. Giá trị các ngành kinh tế biển chiếm tỷ lệ trên 80% so với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Công nghiệp phát triển ổn định, giai đoạn 2013-2020 bình quân tăng 6%/năm đã góp phần tạo thêm năng lực mới phát triển của ngành công nghiệp tỉnh.

Về tình hình kinh tế - xã hội nổi bật trong quý I/2021, trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đã sát sao chỉ đạo các cấp, các ngành, đồng hành cùng các thành phần trong xã hội để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, do đó kinh tế của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. GRDP tăng trưởng âm, giảm 4,7% trong quý I/2021, trong đó GRDP theo ngành kinh tế giảm 5,5% so với cùng kỳ và cả nước quý I/2021 (4,48%). Đây là điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt các ngành dịch vụ, du lịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, về một số điểm nghẽn, thách thức của Tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí với các khó khăn, hạn chế mà tỉnh đã xác định tại Báo cáo của tỉnh, ngoài ra còn một số những điểm nghẽn tăng trưởng của tỉnh. Cụ thể, Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP âm 10,52% do sức chịu đựng của ngành, lĩnh vực kinh tế còn thấp khi dịch bệnh xảy ra, nhất lĩnh vực dịch vụ du lịch. Chưa chuyển mạnh theo hướng cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại đầu tư; chậm phát triển đầu tư theo chiều sâu các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Lợi thế cạnh tranh trong từng ngành, từng vùng, thành phần kinh tế chưa được phát huy, tốc độ tăng năng suất còn thấp, có xu hướng giảm dần, đóng góp của tăng năng suất vào tăng trưởng còn chưa cao, chưa phát huy được lợi thế của tỉnh về lợi thế kinh tế biển như dịch vụ cảng, đóng tàu, khai thác thủy hải sản, phát triển hài hòa 03 khu vực, đặc biệt thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp.

Khánh Hòa là tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung bộ, có tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2016-2020 tăng 6,58%, tương đương vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung (6,85%), thấp hơn so với vùng Miền Trung (7,47%) và cả nước (7,51%). Các ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, giá trị gia tăng còn thấp. Ngành dịch vụ, kinh tế biển có tỷ trọng chiếm 80% GRDP của tỉnh nhưng chưa phát huy được tiềm lực. Lợi thế cạnh tranh trong từng ngành, từng vùng, thành phần kinh tế chưa được phát huy. Mặc dù đã ban hành nghị quyết triển khai phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm và phát huy hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội, nhưng hạ tầng đô thị, hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới, không tạo ra được sự đột phá trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh.

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Khánh Hòa chưa cao, tính chung các nguồn vốn là 10,08%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước khối địa phương (12,14%), mà một trong các lý do chính là tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn cân đối ngân sách địa phương. Môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, điều này thể hiện ở chỉ số PCI năm 2020 đứng thứ 26, thuộc nhóm khá chứ chưa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố tốt trong cả nước. Việc huy động và khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhất trí với những đánh giá các kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong 08 năm (2013-2020) xây dựng và phát kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nêu tại Báo cáo. Đồng thời đề nghị, tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu những đánh giá nêu trên, tìm hướng đi, giải pháp căn cơ để xây dựng Dự thảo Đề án Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 trình Bộ Chính trị.

Trong đó, Tỉnh cần quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt trong giai đoạn 2021-2026. Duy trì và phát triển các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương đã đạt được theo quy định, phấn đấu đạt đủ các tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại; thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các chính sách Trung ương đã ban hành, trong đó lưu ý khẩn trương hoàn thiện “Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh” theo Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 03/8/2020 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên, trong đó đề xuất các chính sách phù hợp trong giai đoạn 2021-2025.

Với những định hướng đúng đắn và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, chung sức chung lòng của lãnh đạo Tỉnh và sự ủng hộ kịp thời và hiệu quả của Trung ương, Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng rằng, Khánh Hòa sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai, là một trung tâm lớn của vùng Nam Trung Bộ và cả nước./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4573
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)