Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/06/2021-14:04:00 PM
Thường trực Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021
(MPI) - Ngày 10/6/2021, tại phiên họp mở rộng do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh:quochoi.vn

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là những nội dung dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong các phiên họp 57 và 58 tới.

Trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 55 Nghị định để triển khai kịp thời các Luật đã được Quốc hội thông qua; sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Các cơ quan, cả trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân.

Công tác điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dự địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các hoạt động đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đây mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Đồng thời, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh việc thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là từ các nguồn thu bền vững, ổn định. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng. Phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt tinh thần phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh. Củng cố, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tại phiên họp, các đại biểu quan tâm đến đánh giá tác động của các đợt dịch nhất là đợt dịch thứ 4 đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp của Chính phủ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch. CPI 5 tháng đầu năm tăng 1,29% thấp nhất từ 2016 tuy nhiên trong bối cảnh giá một số mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu tăng mạnh, áp lực lạm phát trong những tháng tiếp theo thì Chính phủ cần có giải pháp gì trong điều hành nền kinh tế vĩ mô. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư 5 tháng đạt 26,4% ở mức thấp liệu đây có phải là nút thắt cản trở tăng trưởng hay không.

Đồng thời, các đại biểu cũng nghe báo cáo và thảo luận về đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đề xuất kiến nghị cho các tháng cuối năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cách thức giải quyết các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến phát biểu tại phiên họp đề hoàn thiện các báo cáo. Trong đó, bổ sung nội dung đánh giá giữa các lĩnh vực bảo đảm cân đối, hài hòa; tác động của đại dịch Covid-19 và dự báo trong thời gian tới, kịch bản tăng trưởng; việc triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch; công tác phòng chống dịch bệnh, việc triển khai nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và tiêm cho toàn dân; vấn đề lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết khó khăn vướng mắc trong thanh quyết toán, cơ cấu thu ngân sách…

Trên cơ sơ ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế cùng với Chính phủ, các bộ ngành để hoàn thiện các báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiến hành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội khóa XV./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2047
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)