Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/06/2021-14:43:00 PM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp về Đề án Thể chế liên kết vùng (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 11/6/2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án Thể chế liên kết vùng nhằm lắng nghe ý kiến của các đơn vị được giao nhiệm vụ và các chuyên gia để có xây dựng một Đề án thực sự có ý nghĩa, đi vào cuộc sống.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương đã trình bày tóm tắt về Đề án. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm xác định các quan điểm và đề xuất giải pháp chính sách để hoàn thiện thể chế liên kết vùng ở Việt Nam, từ đó góp phần tích cực thúc đẩy liên kết giữa các cơ quan địa phương nội vùng và phát triển kinh tế vùng đạt hiệu quả cao.

Đề án đưa ra 7 quan điểm mục tiêu hoàn thiện thể chế liên kết vùng. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế liên kết vùng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp chính quyền trong giai đoạn 2021-2030 nhằm đảm bảo tăng cường liên kết vùng, qua đó thúc đẩy phát triển địa phương, vùng và quốc gia một cách nhanh và bền vững. Thứ hai, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng dựa trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, đảm bảo tạo lập và duy trì sự tin tưởng giữa các bên, tạo lợi thế cạnh tranh của vùng, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Thứ ba, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất, hướng tới tối đa hóa lợi ích của toàn vùng, của quốc gia.

Thứ tư, thể chế liên kết vùng cần khuyến khích các hình thức liên kết sáng tạo và đủ linh hoạt để đem lại hiệu quả và lợi ích đồng thời có những quy định mang tính hành chính, bắt buộc trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hoặc mang tính tổng hợp, phức tạp. Thứ năm, đảm bảo một thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh, trong đó cần xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò điều phối các cơ quan địa phương liên kết vùng.

Thứ sáu, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo sự vận hành đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp lý về liên kết vùng và kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chính sách vùng. Đồng thời đảm bảo cải cách hành chính, tránh phát sinh thủ tục và cấp trung gian. Thứ bảy, thỏa thuận liên kết vùng cần có lộ trình, có bước đi thích hợp theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm, có tiềm năng, thế mạnh tương đồng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về nội hàm của vùng, liên kết vùng, cách tiếp cận, phân vùng kinh tế - xã hội, liên kết hạ tầng, quản lý khai thác nguồn nước, … Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan chuẩn bị Đề án công phu, kỹ lưỡng. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Đề án được chuẩn bị tốt, làm thực chất, bàn bạc kỹ để có hiệu quả khi đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Đề án phải nêu được thực trạng hiện nay của vùng và liên kết vùng, những kết quả đã đạt được, hạn chế, từ thực trạng đó để tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan, … Đồng thời, làm rõ nội dung về liên kết vùng và thể chế để thực hiện liên kết vùng. Về định hướng các giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần bắt đầu từ vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Quản lý quy hoạch phối hợp với Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu dự họp để hoàn thiện Đề án với chất lượng tốt nhất./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3888
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)