(MPI) – Chia sẻ tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chiều ngày 12/6/2021, đại diện các Đối tác phát triển đều bày tỏ quan điểm sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tư vấn để giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Buổi làm việc có sự tham dự của nhóm các đối tác phát triển gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, nhận thức được tình hình hiện nay và yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan của Chính phủ khi đợt dịch Covid-19 mới tấn công vào tuyến đầu của các khu vực tăng trưởng, đặc biệt là các khu công nghiệp đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chuỗi giá trị mà Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng. Thay mặt Nhóm các đối tác phát triển, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cả về mặt phân tích, chia sẻ kinh nghiệp quốc tế, xu hướng của các nhà tài trợ cũng như các ý kiến tư vấn để giải quyết những vấn đề này.
Trong đó, Ngân hàng Thế giới đã chuẩn bị một báo cáo chuyên đề liên quan đến Covid vào năm 2020. Mặc dù vào thời điểm đó dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng những khuyến nghị, phát hiện trong báo cáo vẫn còn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Ngân hàng Thế giới cũng đang xây dựng báo cáo cập nhật tình hình tài khóa và sẵn sàng chia sẻ cho các cơ quan của Chính phủ trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn và ngắn hạn, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc ứng phó khẩn cấp nhất hiện nay là vắc-xin, làm sao để có nguồn vốn, giải ngân nhanh để mua vắc-xin và các đối tác phát triển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nếu có vướng mắc trong vấn đề này. Tiếp theo là vấn đề an sinh xã hội, khi hiện nay kể cả người lao động trong khu vực chính thức và khu vực phi chính thức đều cần có những gói hỗ trợ về an sinh xã hội và đảm bảo an ninh lương thực.
Về vấn đề mở rộng dư địa tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng, các đối tác phát triển cho rằng, hiện nay mới chỉ có Chính phủ có các hoạt động kích thích kinh tế thông qua hoạt động đầu tư công. Do vậy, chúng ta cần phải có những điều chỉnh về dư địa tài khóa cũng như khả năng vay nợ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong trung hạn. Trong đó, liên quan đến chương trình tăng cường dư địa tài khóa và thúc đẩy đầu tư công, Việt Nam nên tập trung vào tăng trưởng xanh, khả năng chống chịu và tăng trưởng bao trùm, kinh tế các-bon thấp và chuyển đổi số. Đó là những thách thức nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam trong thời gian tới.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Về vấn đề vắc-xin, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cách thức tiếp cận với các nhà sản xuất vắc-xin thông qua việc ký kết các hợp đồng mua vắc-xin, hỗ trợ các thủ tục để Việt Nam có thể mua được vắc-xin nhanh nhất.
Các đối tác phát triển đánh giá, trong năm 2020 giải ngân đầu tư công của Việt Nam đã có sự chuyển biến ngoạn mục, không có sự thay đổi nhiều về chính sách mà là cách triển khai quyết liệt, trong đó, có thể thấy rõ 04 bài học. Thứ nhất, đó là những hành động cụ thể tập trung vào các dự án lớn ở cấp trung ương, địa phương và tìm điểm nghẽn của từng dự án để giải phóng nguồn lực và đầu tư. Thứ hai, cơ chế trách nhiệm cao, đặt trách nhiệm cho người đứng đầu, những đơn vị là chủ dự án để thực hiện các biện pháp giải ngân. Thứ ba, áp dụng triệt để cơ chế linh hoạt trong tái phân bổ lại vốn đã được cho phép tại Luật đầu tư công năm 2020.
Đồng tình với những chia sẻ của các đối tác phát triển, Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong muốn Ngân hàng Thế giới sớm chia sẻ 02 báo cáo quan trọng nêu trên để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể nghiên cứu, sử dụng những nhận định phù hợp bối cảnh hiện nay và yêu cầu của Chính phủ giao. Đồng thời mong muốn, nhận được sự chia sẻ thẳng thắn của các đối tác phát triển để tìm ra nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm của ai để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chia sẻ các vấn đề còn vướng mắc để kiến nghị sửa quy định pháp lý thật đúng và trúng./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư