Tính đến 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính lũy kế đến ngày 20/6/2021, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thông tin chi tiết như sau:
I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
1. Tình hình thu hút ĐTNN 6 tháng đầu năm 2021
1.1. Tình hình hoạt động
Vốn thực hiện:
Tính tới 20/06/2021, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt trên 116 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ, chiếm 74,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 115,3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt trên 102,6 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ và chiếm 64,9% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực ĐTNN xuất siêu 13,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 12,7 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 14,9 tỷ USD.
1.2. Tình hình đăng ký đầu tư
Tính đến 20/06/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt gần 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài vốn đầu tư theo phương thức GVMCP giảm, thì cả vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh đều tăng lên trong 6 tháng đầu năm.
Trong đó:
Vốn đăng ký mới: Có 804 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 43,3%), tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ).
Vốn điều chỉnh: Có 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 12,5%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ).
Góp vốn, mua cổ phần: Có 1.855 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 55%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,61 tỷ USD (giảm 54,3% so với cùng kỳ).
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục I kèm theo báo cáo).
Theo lĩnh vực đầu tư:
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Theo đối tác đầu tư:
Đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng lên so với cùng kỳ. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,05 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Theo địa bàn đầu tư:
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng đầu năm. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội,..
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục II kèm theo báo cáo).
Một số dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2021:
(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp GCNĐKĐT ngày 19/3/2021).
(2) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp GCNĐKĐT ngày 22/01/2021).
(3) Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 04/02/2021).
(4) Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021).
(5) Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh (GCNĐKĐT ngày 29/3/2021).
2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021.
- Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 5 tháng đầu năm tăng 6,8% so với cùng kỳ. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp ĐTNN tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.
- Vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2021, góp phần duy dì ổn định tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước (chỉ giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh giảm so với cùng kỳ (tương ứng 43,3% và 12,5%). Sự biến động này chủ yếu nằm ở nhóm các dự án quy mô nhỏ. Cụ thể:
+ Số lượng dự án có quy mô dưới 1 triệu USD giảm 47,7% so với cùng kỳ 2020 và giảm 54,2% so với cùng kỳ 2019; Số lượng dự án mới có quy mô dưới 5 triệu USD giảm 48,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 56,1% so với cùng kỳ 2019; Số lượng dự án mới có quy mô từ 5 triệu USD đến dưới 50 triệu USD giảm 13,4% so với cùng kỳ 2020 và giảm 43% so với cùng kỳ 2019; Trong khi đó, số lượng dự án mới có quy mô trên 50 triệu USD tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020.
+ Số lượt dự án điều chỉnh vốn dưới 5 triệu USD giảm 19% so với cùng kỳ 2020 và giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019.
Việc giảm số lượng dự án cấp mới cũng như điều chỉnh vốn quy mô nhỏ, trong khi vốn đầu tư đăng ký tăng đã làm tăng quy mô bình quân của các dự án cấp mới và điều chỉnh vốn so với cùng kỳ. Quy mô vốn bình quân tăng từ gần 6 triệu USD/dự án mới trong 6 tháng năm 2020 tăng lên 11,8 triệu USD/dự án mới trong 6 tháng năm 2021 và tăng từ 7,1 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 8,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn.
- Đầu tư theo phương thức GVMCP trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục giảm theo xu hướng chung của năm 2021 cả về số lượt GVMCP lẫn giá trị vốn góp. Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường M&A trên thế giới nói chung và cả Việt Nam bởi đặc thù của M&A cần có sự tham gia trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp của nhà ĐTNN. Việc hạn chế di chuyển trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quyết định đầu tư của các nhà ĐTNN. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số giao dịch M&A lớn trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng ảnh hưởng đến việc giảm giá trị M&A trong 6 tháng đầu năm 2021. Mặc dù giảm cả về số lượt GVMCP cũng như giá trị vốn góp, xong mức độ giảm đang được cải thiện dần.
- Xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN vẫn tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm. Khu vực ĐTNN xuất siêu 13,4 tỷ USD kể cả dầu thô. Tuy nhiên, mức xuất siêu của khu vực ĐTNN không đủ bù đắp phần nhập siêu 14,9 tỷ của khu vực trong nước. Vì vậy cả nước nhập siêu 1,5 tỷ USD trong 6 tháng năm 2021.
Một số nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và GVMCP
- Khách quan: (i) FDI toàn cầu giảm; (ii) dịch bệnh Covid tại các quốc gia đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,..) vẫn diễn biến phức tạp; (iii) các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển; (iv) nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu, thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh, tuy nhiên trong một số trường hợp ta không đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra.
- Chủ quan: (i) chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (làm giảm số lượng và tăng về chất lượng); (ii) các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác đang bị tạm dừng, hoặc nếu có vào được thì thủ tục cũng rất phức tạp nên phần nào hạn chế các nhà đầu tư mới vào Việt Nam để khảo sát, đưa ra quyết định đầu tư; (iii) các thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn còn là một rào cản; (iv) hoạt động XTĐT thiếu sự chủ động và trong bối cảnh cạnh tranh thu hút ĐTNN nếu tiếp tục với cách làm truyền thống sẽ kém hiệu quả.
3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/06/2021
Tính lũy kế đến ngày 20/06/2021, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
- Theo lĩnh vực: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 233,7 tỷ USD, chiếm 58,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với trên 61 tỷ USD (chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 33,6 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).
- Theo đối tác đầu tư: Có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 72,1 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 63,1 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.
- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với trên 48,8 tỷ USD (chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với trên 36,8 tỷ USD (chiếm trên 9,2% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với 36,6 tỷ USD (chiếm gần 9,2% tổng vốn đầu tư).
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục III kèm theo báo cáo)
II. VỀ ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 547 triệu USD (tăng gần 2,5 so với cùng kỳ). Trong đó có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 143,8 triệu USD (bằng 77,6% so với cùng kỳ) và 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 403,2 triệu USD (tăng 10,8 lần so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 148,6 triệu USD, chiếm 27,2%; tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,...
Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,8 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư 89,2 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Canada, Pháp,… với vốn đầu tư đạt 32,08 triệu USD và trên 32 triệu USD.
Lũy kế đến 20/06/2021, Việt Nam đã có 1.420 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam 21,8 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36,4%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,7%); Campuchia (13,1%); Nga (12,9%);…
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục IV và V kèm theo báo cáo).
File đính kèm: FDI_06.2021.xlsx
Cục Đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư