I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 01 tập trung chủ yếu vào cày ải đất rẫy, ruộng, làm đất chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới; một số vùng bà con nông dân tranh thủ thu hoạch mía nguyên liệu, khoai lang, sắn và các loại rau xanh.
Thời tiết trong tháng rét đậm, rét hại kéo dài, khô hanh và kèm theo nhiều đợt sương muối làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ đông xuân. Tính đến ngày 15/01 diện tích gieo trồng một số cây vụ đông xuân thực hiện được như sau: Cây ngô trồng được 73,3 ha, giảm 1,74% hay giảm 1,3 ha; cây thuốc lá trồng được 992,7 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 8,3% hay giảm 89,8 ha, hiện nay bà con vẫn đang tích cực chăm sóc vườn ươm, đưa cây vào bầu để chăm sóc và tiếp tục trồng để đảm bảo kế hoạch mùa vụ; cây mía trồng được 280 ha, tăng 51,35% hay tăng 95 ha; cây khoai lang trồng được 70 ha, tăng 4,17% hay tăng 2,8 ha; rau các loại trồng được khoảng 392,95 ha, tăng 0,63% hay tăng 2,45 ha so với cùng kỳ năm trước.
Để phục vụ sản xuất vụ đông xuân và vụ mùa năm 2021 có hiệu quả, ngay từ những tháng đầu năm các ngành, các địa phương chủ động lập kế hoạch cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ và kịp thời đến bà con nông dân theo kế hoạch từng vụ. Bên cạnh đó, những hạng mục công trình thủy lợi đã và đang được quan tâm tu sửa, xử lý những vị trí xung yếu đảm bảo cung cấp đủ nước 100% diện tích gieo cấy vùng đồng bằng và có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, cung cấp đủ nước theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tập trung thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như cam, quýt, chuối, đu đủ, dứa, chanh, táo, bưởi… Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài, mận… Cây ăn quả của địa phương chủ yếu là được trồng phân tán, phần lớn chỉ phục vụ cho gia đình, khối lượng sản phẩm trao đổi trên thị trường không nhiều.
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Trong tháng, thời tiết khô hanh và kèm theo nhiều đợt sương muối tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh trên cây trồng. Cây rau, đậu các loại bị bệnh rệp, sâu xanh, sâu khoang, bệnh sương mai, sâu tơ, bệnh thối nhũn ngọn cây… gây hại nhẹ. Trên cây ăn quả bị bệnh rệp muội, rệp sáp, sâu vẽ bùa, sâu đục cành, bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh sẹo quả… gây hại nhẹ.
Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển bình thường, công tác thú y trên địa bàn tỉnh thường xuyên được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý thường xuyên, chặt chẽ nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan, thực hiện vùng an toàn dịch bệnh... Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra. Tuy nhiên, trong tháng do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài và một số địa phương xuất hiện băng giá nên đã gây thiệt hại đến đàn gia súc (tính từ ngày 16/12/2020 đến ngày 15/01/2021 có 27 con gia súc các loại chết rét). Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò có chiều hướng giảm so với tháng trước. Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/1/2021 có 76 con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi với trọng lượng trên 2,3 tấn; 03 con bò chết do nhiễm bệnh viêm da nổi cục đã được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy và xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Các dịch bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy... làm chết 08 con trâu, bò. Các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phù đầu lợn con... làm chết 10 con lợn. Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai rà soát số lượng và lập kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2021.
Tổng đàn trâu ước tính 101.705 con, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 112.227 con, giảm 0,61% hay giảm 685 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn ước tính 287.429 con, tăng 1,61% hay tăng 4.559 con, đàn lợn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng hồi phục nhanh do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt và có chiều hướng giảm so với những tháng trước, bên cạnh đó giá thịt lợn hơi ở mức cao và ổn định đã khuyến khích các hộ chăn nuôi tái đàn. Tổng đàn gia cầm ước tính có 2.875,2 nghìn con, tăng 10,27% hay tăng 267,7 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng nhanh do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra nên người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn, nhiều hộ chăn nuôi lợn tận dụng chuồng trại bỏ trống để chăn nuôi các loại gia cầm thay thế phục vụ các dịp lễ tết sắp tới.
Ước tính sản lượng thịt xuất chuồng tháng 01/2021: Thịt trâu 131,44 tấn, tăng 15,83%; thịt bò 165,36 tấn, giảm 9,14%; thịt lợn 1.686,87 tấn, tăng 2,04%; thịt gia cầm hơi các loại 530,3 tấn, tăng 8,56% so cùng kỳ năm trước.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có; chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ Tết trồng cây xuân Tân Sửu. Bên cạnh đó, các chủ rừng có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… một số chủ rừng chuẩn bị cho công tác trồng dặm, trồng bổ sung một số diện tích rừng trồng khai thác từ năm trước. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Tuy nhiên, trong tháng xảy ra 01 vụ chặt phá rừng với diện tích 0,09 ha tại huyện Hòa An và 05 vụ cháy rừng với diện tích 10,39 ha tại các huyện Hòa An, Trùng Khánh, Thạch An.
Ước tính sản lượng gỗ khai thác tháng 01 năm 2021 đạt 1.354 m³, bằng 76,45% so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác 74.824 ste, bằng 126,57% so cùng kỳ năm trước.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 01, các hộ nuôi trồng tiếp tục thu hoạch và có kế hoạch dự trữ các sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh thu hoạch sản phẩm, nhiều hộ triển khai cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ chờ thời tiết ấm lên để thả giống cho vụ mới trong năm 2021. Khai thác thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì khá tốt.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Nhìn chung, tháng 01 năm 2021 các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng một số doanh nghiệp lớn vẫn sản xuất ổn định. Là tháng cận Tết Nguyên đán các đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung mọi nguồn lực, hoạt động tối đa công suất để sản xuất kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 281,75% so cùng kỳ năm trước, chỉ số tăng chủ yếu ở các ngành: sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 62,11%; chế biến thực phẩm tăng 59,51%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 41,08%...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2021 giảm 7,6% so tháng trước và tăng 13,74% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng 29,33% so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân do là tháng cận tết nên nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất hàng hóa phục vụ cho dịp lễ, tết của các doanh nghiệp tăng cao và nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt của người dân cũng tăng trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ giảm sâu. Ngành khai khoáng tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2020; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,62%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,35%.
Trong tháng, các sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng tăng 236,31%; cát tự nhiên tăng 89,08%; điện sản xuất tăng 47,29%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 41,08%; đá xây dựng tăng 31,82%; đường tăng 22,53%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 17,19%… nguyên nhân do năm trước tháng 01 trùng tháng tết nên các đơn vị sản xuất công nghiệp tạm ngừng hoạt động, công nhân sản xuất nghỉ lễ, tết theo chế độ. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Manggan và các sản phẩm của manggan giảm 39,08%; sản phẩm in khác giảm 7,41%.
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Ước tính tháng 01 năm 2021 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 315,21 tỷ đồng, bằng 35,69% so với tháng trước, tăng 91,5% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 309,21 tỷ đồng, bằng 35,23%, tăng 98,08%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 6,0 tỷ đồng, tăng 10,29% so với tháng trước, giảm 29,41% so với tháng cùng kỳ năm 2020.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển của tỉnh tháng 01 năm 2021 ước đạt thấp so với tháng trước do trong tháng chủ yếu vẫn thi công các công trình chuyển tiếp dở dang của năm trước. Các chủ đầu tư tiếp tục đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công có công trình dự án còn dở dang của năm 2020, hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán khối lượng hoàn thành để nghiệm thu và giải ngân vốn theo quy định.
Các dự án khởi công theo kế hoạch năm 2021 hiện nay đang từng bước được các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục hồ sơ ban đầu để thực hiện bàn giao thi công theo kế hoạch.
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
Tháng 01 năm 2021 là tháng cận Tết Nguyên đán Tân Sửu nên hoạt động kinh doanh của các cơ sở thương mại, dịch vụ trong tháng diễn ra sôi động và nhộn nhịp, nhiều người dân đã chuẩn bị mua sắm dần hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng trong dịp tết. Thị trường hàng hóa, sản phẩm bán ra dồi dào, phong phú và đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2021 ước đạt 900,56 tỷ đồng, tăng 5,66% so với tháng trước và tăng 9,33% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 716,60 tỷ đồng, tăng 5,67% so với tháng trước và tăng 10,68% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước tính của tất cả các nhóm hàng đều tăng cao hơn tháng trước do nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân tăng cao để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Số tăng nhiều tập trung ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 6,90%; nhóm hàng may mặc tăng 5,61%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,33%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 133,84 tỷ đồng, tăng 5,94% so với tháng trước, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú tăng 0,43%; dịch vụ ăn uống tăng 6,38% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,61 tỷ đồng, giảm 13,71% so với tháng trước và giảm 31,98% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 49,51 tỷ đồng, tăng 5,03% so với tháng trước và tăng 7,67% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 01 năm 2021 ước đạt 36,38 tỷ đồng, tăng 1,48% so với tháng trước và tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu vận tải hành khách tăng 5,79%, vận tải hàng hóa tăng 5,89%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 73,77%. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải hành khách giảm 28,36%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng mạnh 21,84% và doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 73,16%.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 01 năm 2021 vận chuyển hành khách đạt 153,70 nghìn lượt hành khách, tăng 4,12% so với tháng 12/2020, giảm 22,11% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 9.068,28 nghìn lượt HK.km so với tháng trước tăng 4,06%, so với cùng kỳ năm trước giảm 16,65%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 01 năm 2021 đạt 499,77 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 6.511,40 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 13,47% hàng hóa vận chuyển và tăng 1,41% hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm 2020 số hàng hóa vận chuyển giảm 2,36%, hàng hóa luân chuyển tăng 13,42%.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Tình hình xã hội môi trường
Trong tháng 01 năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy nhà tại thành phố Cao Bằng, ước tính giá trị tài sản thiệt hại khoảng 64 triệu đồng. Phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm môi trường, với số tiền xử phạt 137 triệu đồng.
Trong tháng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế và các ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tăng cường tại các khu vực cửa khẩu, biên giới khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Tính đến ngày 13/01/2021 tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19.
Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: ghi nhận 01 ca Rubella; 02 ca uốn ván khác, không có tử vong. Ghi nhận một số bệnh dịch lưu hành tại địa phương như: Tay - chân - miệng 01 ca, Cúm thông thường 1.093 ca, Quai bị 14 ca… Các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời.
Phát hiện 06 trường hợp nhiễm mới HIV, không có trường hợp mới chuyển AIDS và 01 người nhiễm HIV/AIDS tử vong.
Trong tháng 01 năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Tình hình tai nạn giao thông
Từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/01/2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 04 người, bị thương 10 người, giá trị thiệt hại tài sản ước tính 852,5 triệu đồng. So với tháng trước tai nạn giao thông giảm 08 vụ, tăng 01 người chết và tăng 09 người bị thương.
Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng