Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/02/2023-16:06:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023 tỉnh Cao Bằng

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

Trồng trọt

Cây hàng năm

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 01 tập trung chủ yếu vào cày ải, làm đất chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới, bên cạnh đó chăm sóc một số cây trồng sớm của vụ đông xuân như cây thuốc lá và các loại rau, đậu; một số vùng người dân tranh thủ thu hoạch mía nguyên liệu, khoai lang, sắn của vụ mùa năm trước và các loại rau, củ phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Trong tháng thời tiết tương đối thuận lợi để gieo trồng các loại cây vụ đông xuân, tính đến ngày 15/01 tiến độ gieo trồng một số loại cây ước đạt được như sau: cây ngô trồng được 45 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,76% hay tăng 4 ha; cây thuốc lá trồng được 3.159 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 37,47% hay tăng 861 ha, tiến độ gieo trồng cây thuốc lá nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, khâu làm đất và gieo trồng được chủ động hơn, đến thời điểm này cây đang trong giai đoạn hồi xanh, đang được bà con chăm sóc và tiếp tục trồng để hoàn thành kế hoạch mùa vụ; cây mía trồng được 95 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 11,76% hay tăng 10 ha; rau các loại trồng được 371 ha, giảm 3,89% hay giảm 15 ha so với cùng kỳ năm trước.

Để sản xuất nông nghiệp năm 2023 có hiệu quả, ngay từ tháng đầu năm ngành nông nghiệp cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… sẵn sàng phục vụ cho sản xuất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dự báo tình hình sâu bệnh phát sinh, gây hại đối với cây trồng nhằm đạt kết quả tốt nhất về năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, những hạng mục công trình thủy lợi đã và đang được quan tâm tu sửa, tăng cường nạo vét hệ thống kênh mương khơi thông dòng chảy đảm bảo cung cấp đủ nước 100% diện tích gieo cấy vùng đồng bằng và có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, cung cấp đủ nước theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

Cây lâu năm

Trong tháng, các hộ gia đình tập trung thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường trong dịp Tết Nguyên đán như cam, quýt, chuối, đu đủ, dứa, chanh, táo, bưởi… Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, mít, na, xoài, mận…

Tình hình sâu bệnh hại cây trồng

Trong tháng, thời tiết khô hanh và kèm theo nhiều đợt sương muối tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại nhẹ - trung bình trên cây trồng.

Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển bình thường, công tác giám sát dịch bệnh được quan tâm thực hiện, các ổ dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan ra diện rộng. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa trong dịp Tết Nguyên đán được quản lý thường xuyên, chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi như: che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn, đốt lửa hoặc dùng bóng điện sưởi ấm cho vật nuôi… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Tổng số trâu hiện có 104.910 con, tăng 0,81% hay tăng 845 con so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 01 đạt 213 tấn, tăng 6,5% hay tăng 13 tấn so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò hiện có 107.615 con, tăng 0,03% hay tăng 31 con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 01 đạt 200 tấn, tăng 1,52% hay tăng 3 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số lợn hiện có 323.246 con, tăng 5,67% hay tăng 17.347 con so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 01 đạt 1.839 tấn, tăng 1% hay tăng 18 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số gia cầm hiện có 2.954,8 nghìn con, tăng 0,66% hay tăng 19,35 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 01 đạt 544 tấn, tăng 1,68% hay tăng 9 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 2.949 nghìn quả, tăng 1,1% hay tăng 32 nghìn quả.

Từ ngày 01/01 đến ngày 13/01/2023, đối với đàn trâu, bò chết 04 con do bệnh tụ huyết trùng; đối với đàn lợn chết 20 con do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy…; đối với đàn gia cầm chết 118 con do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng...

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có; chuẩn bị mặt bằng, cây giống phục vụ Tết trồng cây xuân Quý Mão. Bên cạnh đó, các chủ rừng có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… một số chủ rừng chuẩn bị cho công tác trồng dặm, trồng bổ sung một số diện tích rừng trồng khai thác từ năm trước. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Trong tháng 01 toàn tỉnh có 2,54 ha diện tích rừng bị thiệt hại do chặt, phá.

Diện tích trồng rừng mới trong tháng tính đến ngày 15/01/2023 ước tính đạt 34,16 ha, tăng 337,95% hay tăng 26,36 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 598,42 m3, giảm 40,12% hay giảm 400,88 m³ so cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác khoảng 55.397,52 ste, giảm 0,02% hay giảm 12,28 ste so cùng kỳ năm trước.

3. Thuỷ sản

Trong tháng 01, các hộ nuôi trồng tiếp tục thu hoạch các sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh thu hoạch sản phẩm, nhiều hộ triển khai cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ để chuẩn bị cho vụ mới trong năm 2023. Khai thác thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì khá tốt. Tổng sản lượng thủy sản tháng 01 ước tính đạt 62,04 tấn, giảm 1,47% hay giảm 0,93 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 5,53 tấn, tăng 3,11% hay tăng 0,16 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 56,51 tấn, giảm 1,9% hay giảm 1,09 tấn.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Nhìn chung, tháng 01 năm 2023 các đơn vị công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất nhưng một số doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động ổn định. Là tháng trùng với Tết Nguyên đán các đơn vị công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động thời gian ít hơn so với cùng kỳ năm trước, đến thời gian thu thập thông tin một số đơn vị tạm ngừng sản xuất, công nhân nghỉ lễ, tết sớm vì vậy chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2023 giảm 16,77% so tháng trước và giảm 2,19% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giảm chủ yếu ở ngành khai khoáng giảm 34,49% so với cùng kỳ năm trước do đến thời điểm thu thập thông tin các đơn vị khai thác đã tạm dừng hoạt động, công nhân nghỉ tết sớm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,92%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 27,43%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,6%.

Trong tháng, các sản phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: xi măng tăng 155,84%; cửa ra vào cửa sổ bằng sắt thép tăng 125,81%; manggan và sản phẩm của manggan tăng 88,31%; cát tự nhiên tăng 70,31%; sắt thép không hợp kim (phôi thép) tăng 52,95%; gạch xây tăng 47,8%; sản phẩm in khác tăng 6,45%; nước uống được tăng 2,5%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 70,96%; đá xây dựng giảm 34,17%; điện sản xuất giảm 14,83%; nước tinh khiết giảm 13,99%; điện thương phẩm giảm 6,23%; đường giảm 3,38%.

III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG

Ước tính tháng 01 năm 2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 125,17 tỷ đồng, bằng 21,56% so với tháng trước, tăng 8,14% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 118,97 tỷ đồng, bằng 20,81%, tăng 8,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 6,2 tỷ đồng, giảm 30,57% so với tháng trước, giảm 4,62% so với tháng cùng kỳ năm 2022.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển của tỉnh tháng 01 năm 2023 ước đạt thấp so với tháng trước do Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, công nhân nghỉ về quê ăn tết. Các công trình chỉ thực hiện đến khoảng giữa tháng và toàn bộ là các công trình dở dang của năm cũ.

IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ

Tháng 01 năm 2023 là tháng Tết Nguyên đán nên hoạt động kinh doanh của các cơ sở thương mại, dịch vụ trong tháng diễn ra sôi động và nhộn nhịp. Thị trường hàng hóa, sản phẩm bán ra dồi dào, phong phú và đa dạng đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2023 ước đạt 965,43 tỷ đồng, tăng 8,53% so với tháng trước và tăng 56,78% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 751,53 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 43,37% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu tăng cao so với tháng trước như: lương thực, thực phẩm tăng 23,44%; hàng may mặc tăng 21,39%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,95%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 19,40%; hàng hoá khác tăng 10,74%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 17,94%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 144,08 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước, tăng 134,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú giảm 11,61%; dịch vụ ăn uống tăng 0,68% so với tháng trước.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,39 tỷ đồng, tăng 0,52% so với tháng trước và tăng gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 69,43 tỷ đồng, tăng 10,79% so với tháng trước và tăng 131,37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 01 năm nay có dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán nghỉ dài ngày nên nhu cầu du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ của người dân tăng cao.

2. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý từ ngày 16/12/2022 đến 15/01/2023 ước tính đạt 57,49 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,15 triệu USD, giảm 7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,84 triệu USD, tăng 64%; kim ngạch hàng giám sát, kho ngoại quan đạt 16,5 triệu USD.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hạt điều đạt 5,22 triệu USD, hàng rau quả đạt 1,78 triệu USD, hàng thuỷ sản đạt 1,65 triệu USD, hạt tiêu đạt 0,37 triệu USD, cà phê đạt 0,27 triệu USD.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Ô tô các loại đạt 16,54 triệu USD; vải các loại 3,11 triệu USD; hàng rau quả đạt 2,43 triệu USD; than các loại đạt 0,97 triệu USD, quặng và khoáng sản khác đạt 0,36 triệu USD.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 năm 2023 tăng 0,65% so với tháng trước. Chỉ số giá tăng nhiều ở các nhóm hàng hoá phục vụ tết và nhóm giao thông, cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,76% (lương thực tăng 0,87%; thực phẩm tăng 0,5%, ăn uống ngoài gia đình tăng 5,40%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,55%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,69% do trong tháng có sự điều chỉnh giá xăng, dầu. Ngoài ra, trong tháng có 02 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,43% và nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,1%. Các nhóm hàng hoá, dịch vụ còn lại chỉ số giá không tăng hoặc tăng không đáng kể.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 năm 2023 tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 01, chỉ số giá vàng tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 2,49% so với tháng trước, tăng 3,40% so với cùng kỳ năm trước.

4. Hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải tháng 01 năm 2023 ước đạt 33,75 tỷ đồng, tăng 4,08% so với tháng trước và tăng 39,08% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu vận tải hành khách tăng 11,47%; doanh thu vận tải hàng hóa tăng 0,65%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 1,11%; doanh thu bưu chính, chuyển phát tăng 2,15%.

Vận tải hành khách

Ước tính tháng 01 năm 2023 vận chuyển hành khách đạt 188,6 nghìn lượt hành khách, tăng 11,51% so với tháng 12/2022; ước tính hành khách luân chuyển đạt 8.864,2 nghìn lượt HK.km so với tháng trước tăng 16,46%. So với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 82,7%; luân chuyển hành khách tăng 65,7%.

Vận tải hàng hoá

Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 01 năm 2023 đạt 143,3 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 4.194,2 nghìn tấn.km, so với tháng 12/2022 tăng 0,63% hàng hóa vận chuyển và tăng 0,65% hàng hóa luân chuyển. So với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hoá tăng 15,01%; luân chuyển hàng hoá tăng 25,95%.

V. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG

1. Thu chi ngân sách

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ, chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 16/01/2023 đạt 100.565 triệu đồng, bằng 4% dự toán Trung ương giao và bằng 4% dự toán HĐND giao, trong đó: thu nội địa đạt 31.602 triệu đồng; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 68.964 triệu đồng.

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 16/01/2023 đạt 155.766 triệu đồng, bằng 1,2% dự toán Trung ương giao và bằng 1,2% dự toán HĐND giao, trong đó: chi thường xuyên và mục tiêu sự nghiệp đạt 155.688 triệu đồng, chi trả nợ lãi 77 triệu đồng.

2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Các tổ chức tín dụng chú trọng công tác thu hút, tăng trưởng nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vay vốn hợp pháp; quan tâm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn; không nới lỏng các quy định trong thẩm định, cho vay, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp thu hồi, xử lý nợ xấu mới phát sinh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định, lãi suất cho vay tăng nhẹ. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-9,4%/năm; một số ngân hàng có chương trình cạnh tranh, lãi suất cao hơn mức lãi suất bình quân; lãi suất tiền gửi online cao hơn mức lãi suất tại quầy giao dịch từ 0,1-1,8%/năm để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Lãi suất cho vay các chương trình ưu đãi riêng biến động từ 5,5-13,5%/năm; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 9-13,5%/năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói tín dụng.

Tổng nguồn vốn quản lý và huy động trên địa bàn tỉnh đến 31/01/2023 ước đạt 26.800 tỷ đồng, so với 31/12/2022 tăng 60 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,22%, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.450 tỷ đồng, so với 31/12/2022 tăng 34 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,15%; nguồn vốn quản lý ước đạt 4.350 tỷ đồng, so với 31/12/2022 tăng 26 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,6%. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/01/2023 ước đạt 15.020 tỷ đồng, so với 31/12/2022 tăng 15 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,1%, trong đó nợ xấu đến 31/01/2023 ước là 115 tỷ đồng, chiếm 0,77% trong tổng dư nợ.

Hoạt động ngoại hối trên địa bàn số lượng giao dịch ít, không có biến động lớn, các ngân hàng điều chỉnh tỷ giá mua bán USD trên cơ sở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hàng ngày và biến động thị trường. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động của giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.

VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm

Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản của Bộ Y tế, UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19; tiếp tục thực hiện cập nhật “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19; ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.

Luỹ tích đến ngày 15/01/2023 tỉnh Cao Bằng xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 được 585.377 mẫu trong đó có 98.247 mẫu dương tính. Tính đến 17h00 ngày 15/01/2023 không trường hợp bệnh đang cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, không có trường hợp bệnh đang cách ly, điều trị tại nhà; khỏi bệnh 98.182 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 62 người.

Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tổng số mũi tiêm đã thực hiện tính từ ngày 16/4/2021 đến ngày 15/01/2023 là 1.335.032 mũi.

Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: bệnh do virút Adeno 43 ca, Cúm thông thường 550 ca, Quai bị 03 ca, Thuỷ đậu 26 ca, Tiêu chảy 296 ca, Viêm gan virút khác 10 ca, Lỵ trực trùng 03 ca.

Trong tháng phát hiện 02 trường hợp nhiễm HIV mới. Luỹ tích trường hợp thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị Methadone thuộc các Trung tâm y tế huyện, thành phố trong tỉnh tính đến tháng 01/2023 là 2.055 người. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.386 người.

Trong tháng 01 năm 2023 có 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại Tổ 2 Thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình làm 02 người mắc, 01 người nhập viện, có 01 người tử vong, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do ăn canh chân giò nấu ấu tầu.

2. Giáo dục

Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đào tạo, phối hợp với ngành Y tế để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh theo quy định.

Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2022-2023.

Tham mưu UBND tỉnh Quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

3. Tình hình trật tự, an toàn giao thông

Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 07 người, bị thương 07 người, giá trị thiệt hại tài sản ước tính 394 triệu đồng. So với tháng trước tai nạn giao thông tăng 06 vụ, tăng 05 người chết và tăng 03 người bị thương.

4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023, lực lượng chức năng phát hiện 28 vụ vi phạm môi trường, xử lý 19 vụ, phạt tiền 75,75 triệu đồng. So với tháng trước số vụ vi phạm phát hiện tăng 14 vụ, tăng 16 vụ vi phạm môi trường đã xử lý.

Về tình hình cháy, nổ: Trong cùng khoảng thời gian trên, toàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ.

5. Tình hình Tết Nguyên đán

Công tác chăm lo, chuẩn bị Tết cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trong dịp Tết được thực hiện tốt.

Thực hiện cấp phát gạo hỗ trợ nhân dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán: cấp 642,645 tấn gạo cho 10.772 hộ với 42.843 nhân khẩu.

Các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, động viên chúc Tết các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... Toàn tỉnh đã tặng 68.550 suất quà với tổng kinh phí 29.791,6 triệu đồng.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã kịp thời chi trả lương tháng 01 năm 2023 cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN tháng 01, tháng 02 năm 2023 bảo đảm đầy đủ, an toàn, kịp thời, đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng trong dịp Tết.


Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng

  • Tổng số lượt xem: 312
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)