I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 02 tập trung chủ yếu vào cày ải, làm đất, trồng ngô và các loại hoa màu, đồng thời chăm sóc một số cây trồng sớm của vụ đông xuân như cây thuốc lá, rau, đậu các loại. Một số địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi phát quang nương rẫy, nạo vét kênh mương để chuẩn bị lấy nước gieo cấy lúa vụ đông xuân.
Ước tính đến ngày 15/2, tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm như sau: cây ngô trồng được 3.058 ha, giảm 29,56% hay giảm 1.283 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích cây ngô giảm nhiều do năm nay nhuận hai tháng 02 nên mùa vụ diễn ra muộn hơn so với năm trước; cây thuốc lá trồng được 3.283 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 3,73% hay tăng 118 ha, hiện nay bà con vẫn đang tích cực chăm sóc trong giai đoạn phát triển thân, lá; khoai lang trồng được 13 ha, tăng 44,44% hay tăng 4 ha; cây mía trồng được 464 ha, tăng 67,51% hay tăng 187 ha; cây đỗ tương trồng được 69 ha, tăng 6,15% hay tăng 4 ha; rau các loại trồng được 696 ha, giảm 2,66% hay giảm 19 ha so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tiến độ gieo trồng đảm bảo đúng kế hoạch mùa vụ.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tập trung thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như: chuối, đu đủ, dứa, chanh, táo, bưởi... Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn.
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Thời tiết trong tháng mưa, nắng xen kẽ độ ẩm cao tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: sâu tơ, sâu xanh, rệp sáp, bệnh sương mai, thối nhũn vi khuẩn gây hại trên cây rau, đậu; sâu xám, bệnh sương mai, đốm vàng, sâu khoang, rệp gây hại trên cây ngô, thuốc lá, mía… mức độ gây hại nhẹ - trung bình và đã được cơ quan chức năng kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Tháng 02 tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì khá ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác thú y được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi được tuyên truyền và hướng dẫn sâu, rộng đến từng hộ chăn nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Tổng đàn trâu hiện có 105.219 con, tăng 0,03% hay tăng 32 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 104.630 con, giảm 0,61% hay giảm 640 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 215 tấn, tăng 1,9% hay tăng 4 tấn so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế từ đầu năm 428 tấn, tăng 4,14% hay tăng 17 tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 203 tấn, tăng 5,73% hay tăng 11 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 402 tấn, tăng 3,34% hay tăng 13 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số lợn hiện có 325.631 con, tăng 6,77% hay tăng 20.642 con so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 2.056 tấn, tăng 2,09% hay tăng 42 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 3.894 tấn, tăng 1,54% hay tăng 59 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số gia cầm hiện có 2.784,14 nghìn con, tăng 0,93% hay tăng 25,68 nghìn con so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 02 đạt 612 tấn, tăng 1,32% hay tăng 8 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 1.157 tấn, tăng 1,67% hay tăng 19 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 2.240 nghìn quả, tăng 0,17%, lũy kế từ đầu năm đạt 5.190 nghìn quả, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước.
Từ ngày 13/01 đến ngày 14/02/2023, các loại dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 05 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, phân trắng; 69 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lợn con phân trắng; 142 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng...
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các chủ rừng có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa... Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương.
Diện tích trồng rừng mới trong tháng tính đến ngày 15/02/2023 ước tính đạt 62 ha, tăng 181,82% hay tăng 40 ha so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 96 ha, tăng 231,03% hay tăng 67 ha; sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 278 m3, giảm 67,64% hay giảm 582 m³ so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 877 m3, giảm 52,82% hay giảm 872 m³ do nửa cuối tháng 01 là thời điểm Tết Nguyên đán nên người dân hạn chế khai thác; sản lượng củi khai thác khoảng 61.717 ste, giảm 0,49% hay giảm 301 ste so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 117.114 ste, giảm 0,27% hay giảm 313 ste.
Số cây lâm nghiệp trồng phân tán tính đến ngày 15/02/2023 ước tính trồng được 650 nghìn cây, chủ yếu là keo, lát, thông, sa mộc..., trong đó: 143 nghìn cây trồng được do hưởng ứng hoạt động Tết trồng cây Xuân Quý Mão năm 2023 của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 02 toàn tỉnh có 1,83 ha diện tích rừng bị thiệt hại trong đó: diện tích rừng bị cháy 1,69 ha; diện tích rừng bị chặt, phá 0,7 ha.
3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản tháng 02 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại thuỷ sản để triển khai thực hiện vệ sinh, khử trùng ao, hồ, lồng bè đợi thời tiết ấm lên thả giống cho vụ mới. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp. Tổng sản lượng thủy sản trong tháng ước tính đạt 50,02 tấn, giảm 1,42% hay giảm 0,72 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 112,07 tấn, giảm 4,67% hay giảm 5,49 tấn, trong đó: sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 5,21 tấn, giảm 3,52% hay giảm 0,19 tấn, lũy kế từ đầu năm 10,75 tấn, giảm 0,2% hay giảm 0,02 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 44,81 tấn, giảm 1,17% hay giảm 0,53 tấn, lũy kế từ đầu năm 101,32 tấn, giảm 5,12% hay giảm 5,47 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Tháng 02 năm 2023 sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng khắc phục khó khăn để mở rộng sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Các đơn vị hoạt động trong ngành khai thác và chế biến quặng đã hoạt động trở lại, công nhân các nhà máy quay lại làm việc ổn định sau thời gian nghỉ tết vì vậy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02 năm 2023 tăng 24,81% so với tháng trước và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu ở ngành khai khoáng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó: khai khoáng tăng 148,15%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,85% do các đơn vị hoạt động trong ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (gạch và xi măng) tăng sản lượng sản xuất để bù đắp các đơn hàng còn thiếu trong tháng 01; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 24,92%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 02 tháng tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,2%; ngành khai khoáng tăng 11,56%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,96%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 31,35%.
Trong 02 tháng năm 2023, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: xi măng tăng 325,37%; chiếu trúc, chiếu tre tăng 160%; cát tự nhiên các loại tăng 145,54%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) tăng 59,16%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 17,92%; nước uống được tăng 8,91%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: manggan và sản phẩm của manggan giảm 50,8%; điện sản xuất giảm 36,93%; quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 13,41%; điện thương phẩm giảm 10,62%; nước tinh khiết giảm 9,96%; sản phẩm in khác giảm 7,57%...
III. ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Ước tính tháng 02 năm 2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 123,21 tỷ đồng, tăng 1,68% so với tháng trước, tăng 22,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 117,21 tỷ đồng, tăng 1,09%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 6,0 tỷ đồng, tăng 14,72% so với tháng trước.
Khối lượng thực hiện trong tháng 02 năm 2023 ước đạt thấp do công nhân nghỉ về quê ăn Tết chưa trở lại làm việc đều, đồng thời mưa kéo dài ở thời điểm đầu tháng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Các công trình thực hiện chủ yếu là các công trình xây dựng dở dang của năm trước, dự tính khối lượng thực hiện trong tháng cao hơn so với cùng kỳ năm trước do năm 2022 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một số dự án chuyển tiếp có khối lượng thực hiện tương đối lớn trong tháng bao gồm: Nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh (cầu qua sông Gâm) huyện Bảo Lâm; Bảo tàng tỉnh Cao Bằng; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 205; Xây dựng trụ sở làm việc HĐND-UBND-Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng; Trụ sở làm việc các Sở, Ban ngành tỉnh Cao Bằng.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển ước tính thực hiện được 244,38 tỷ đồng, bằng 9,38% kế hoạch năm 2023, tăng 12,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 233,15 tỷ đồng, tăng 14,93%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 11,23 tỷ đồng, giảm 17,18% so với cùng kỳ năm 2022.
IV. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Hoạt động kinh doanh của các đơn vị sau Tết Nguyên đán đã trở lại ổn định. Tuy nhiên, doanh thu của một số ngành giảm so với tháng trước.
1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 năm 2023 ước đạt 852,08 tỷ đồng, giảm 12,07% so với tháng trước và tăng 63,12% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 639,18 tỷ đồng, giảm 15,56% so với tháng trước và tăng 48,19% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết, các nhóm hàng đều có doanh thu dự ước giảm so với tháng trước. Trong đó giảm nhiều ở các nhóm như: nhóm lương thực, thực phẩm giảm 17,19%; nhóm hàng may mặc giảm 28,85%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 31,49%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 29,71%. Trong tháng có 02 nhóm doanh thu dự ước tăng: nhóm xăng, dầu các loại tăng 8,93% do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng; nhóm doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,43%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 147,5 tỷ đồng, tăng 2,49% so với tháng trước, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước tính đạt 12,26 tỷ đồng, tăng 5,56%; dịch vụ ăn uống ước tính đạt 135,24 tỷ đồng, tăng 2,22% so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,47 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 53,59% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành ước tính tăng cao do sau Tết có nhiều Lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao được tổ chức thu hút du khách đến tham quan như: Lễ hội đền Kỳ Sầm, ngày hội văn hoá dân tộc Mông và Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm, Lễ hội về nguồn Pác Bó huyện Hà Quảng, Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên huyện Quảng Hoà...
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 64,94 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 111,45% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 02 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.821,08 tỷ đồng, tăng 63,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.396,13 tỷ đồng, tăng 50,42%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 291,41 tỷ đồng, tăng 139,67%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,89 tỷ đồng, tăng 150%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 132,65 tỷ đồng, tăng 107,45%.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng từ ngày 16/01/2023 đến ngày 15/02/2023 ước đạt 25,0 triệu USD, bằng 43,5% so với tháng trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,0 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,6 triệu USD; kim ngạch giám sát đạt 7,4 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 48,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và đạt 8% so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng rau quả đạt 2,5 triệu USD; nhân hạt điều 0,794 triệu USD; hàng thuỷ sản 0,39 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 0,516 triệu USD...
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: hàng rau quả 0,341 triệu USD; than các loại 0,417 triệu USD; ô tô các loại 7,17 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 0,478 triệu USD.
3. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2023 tăng 0,04% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 tăng nhẹ do trong tháng có 05/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng. Cụ thể: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,55%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 1,28%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,04%. Một số nhóm hàng hoá, dịch vụ giá đã hạ nhiệt sau Tết nên chỉ số giá giảm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,02% (lương thực tăng 0,71%; thực phẩm giảm 1,61%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,15%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,18%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,09%. Các nhóm hàng hoá, dịch vụ còn lại chỉ số giá ổn định, không tăng, không giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2023 tăng 0,68% so với tháng 12 năm 2022 và tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 02 tháng năm 2023 tăng 4,32% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá vàng tháng 02 năm 2023 tăng 1,72% so với tháng 01 năm 2023, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 02 tháng năm 2023 tăng 1,71% so với bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02 năm 2023 tăng 0,15% so với tháng trước, giảm 2,34% so với tháng 12 năm 2022 và tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 02 tháng năm 2023 tăng 3,73% so với bình quân cùng kỳ.
4. Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 02 năm 2023 ước đạt 30,5 tỷ đồng, giảm 3,77% so với tháng trước và tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải tháng 02 năm 2023 giảm so với tháng trước chủ yếu ở hoạt động vận tải hành khách do tháng trước là tháng Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết tăng cao.
Doanh thu vận tải cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng báo cáo ước đạt 62,2 tỷ đồng, tăng 30,92% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách
Tháng 02 năm 2023 vận chuyển hành khách ước đạt 110,7 nghìn lượt hành khách, bằng 89,27% so với tháng 01 năm 2023, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 9.888,1 nghìn lượt HK.km so với tháng trước bằng 87,65%, tăng 116,83% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách trong 02 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 234,7 nghìn hành khách và đạt 21.169,0 nghìn lượt HK.km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển tăng 20,7% và số hành khách luân chuyển tăng 113,62%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 02 năm 2023 đạt 95,6 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 6.634,9 nghìn tấn.km, so với tháng trước tăng 7,42% hàng hóa vận chuyển và tăng 5,54% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa ước tính đạt 184,6 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 11,58%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 12.921,6 nghìn tấn.km, tăng 116,35% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Thu chi ngân sách
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ, các giải pháp tăng thu, rà soát lại các nguồn thu và dự kiến các nguồn thu có khả năng khai thác được các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo và thực hiện để tăng thu đảm bảo đạt và vượt dự toán được giao. Chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/02/2023 đạt 245.906 triệu đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 128.045 triệu đồng, bằng 86% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 117.361 triệu đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm trước; thu các khoản huy động, đóng góp đạt 500 triệu đồng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 734.195 triệu đồng, bằng bằng 89% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: chi thường xuyên và mục tiêu sự nghiệp đạt 734.118 triệu đồng, chi trả nợ lãi 77 triệu đồng.
2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp để thu hút, tăng trưởng nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vay vốn hợp pháp; quan tâm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn; không nới lỏng các quy định trong thẩm định, cho vay, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì tương đối ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1% - 9,5%/năm, lãi suất tiền gửi online cao hơn tại quầy giao dịch từ 0,1% - 1,8%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 5,5% - 13,5%/năm; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 8,5% - 13,5%/năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng vốn huy động và quản lý trên địa bàn ước tính đến 28/02/2023 đạt 27.750 tỷ đồng, tăng 3,8% hay tăng 1.010 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 2,6% hay tăng 584 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 4.750 tỷ đồng, tăng 9,9% hay tăng 426 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 28/02/2023 ước đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 0,6% hay tăng 95 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 135 tỷ đồng, chiếm 0,89% tổng dư nợ.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong tháng 02 năm 2023, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản của Bộ Y tế, UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19; tiếp tục thực hiện cập nhật “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19; ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.
Luỹ tích đến 17h00 ngày 14/02/2023 tỉnh Cao Bằng xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 được 586.388 mẫu trong đó có 98.248 mẫu dương tính. Tính đến 17h00 ngày 14/02/2023 không trường hợp bệnh đang cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, không có trường hợp bệnh đang cách ly, điều trị tại nhà; khỏi bệnh 98.182 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 62 người.
Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tổng số mũi tiêm đã thực hiện tính từ ngày 16/4/2021 đến ngày 14/02/2023 là 1.335.464 mũi.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng ghi nhận một số bệnh lưu hành như: bệnh do virút Adeno 19 ca, Cúm thông thường 372 ca, Thuỷ đậu 18 ca, Tiêu chảy 257 ca, Viêm gan virút khác 03 ca.
Luỹ tích trường hợp thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị Methadone thuộc các Trung tâm y tế huyện, thành phố trong tỉnh tính đến tháng 02/2023 là 2.055 người. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.391 người.
Trong tháng xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phan Thanh, huyện Nguyên Bình làm 07 người mắc, 02 người nhập viện, không có tử vong.
2. Giáo dục
Tổ chức công tác coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tại tỉnh Cao Bằng. Cử các đoàn tham gia coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tại các tỉnh do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công.
Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, phối hợp với ngành Y tế để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh theo quy định.
3. Tình hình trật tự, an toàn giao thông
Từ ngày 15/01/2023 đến ngày 14/02/2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 01 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 41 triệu đồng. So với tháng trước tai nạn giao thông giảm 05 vụ, giảm 06 người chết và tăng 03 người bị thương.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/01/2023 đến ngày 14/02/2023 lực lượng chức năng phát hiện 07 vụ vi phạm môi trường, xử lý 08 vụ với số tiền xử phạt 82,75 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện giảm 21 vụ, giảm 11 vụ vi phạm môi trường đã xử lý.
Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng