(MPI) - Chủ nhật, ngày 25/7/2021, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ sáu tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở Hội trường xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Quốc hội chiều ngày 25/7/2021. Ảnh: chinhphu.vn |
Tiếp tục duy trì ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm, với những kết quả rất tích cực
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, qua ý kiến của các đại biểu chúng tôi có một cảm nhận đây là những ý kiến phát biểu hết sức sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất cao, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành cũng như cổ vũ, động viên của Quốc hội đối với Chính phủ trong công cuộc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, đưa đất nước nhanh chóng vượt qua được giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay để ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống của Nhân dân. Đồng thời tham gia làm rõ thêm một số ý kiến.
Trước hết, về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất và đồng tình với nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của 6 tháng cuối năm. Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về những khó khăn, thách thức, nhất là các tác động từ diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và có các giải pháp ứng phó phù hợp. Ý kiến của các đại biểu rất cụ thể và xác đáng. Chính phủ xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến, sẽ chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng, bổ sung các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của 6 tháng cuối năm trên quan điểm vừa nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức cũng như vừa tận dụng các cơ hội mới, điều hành linh hoạt trong ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid -19 với những biến chủng mới, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua được khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của Nhân dân. Kết quả nổi bật là đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, tiếp tục duy trì ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm, với những kết quả rất tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo công tác sơ kết và đánh giá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 6 tháng đầu năm để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo điều hành của 6 tháng cuối năm.
4 bài học kinh nghiệm phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo điều hành của 6 tháng cuối năm
Thứ nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19. Quyết tâm phải lớn nỗ lực phải cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương nắm chắc tình hình thực tế, lấy phương châm hành động thần tốc hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và có tính chất quyết định để ổn định hướng phát triển kinh tế đất nước và hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021.
Thứ hai, phải thường xuyên rà soát và hoàn thiện thể chế tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Thứ ba, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát được tình hình thực tiễn để chủ động linh hoạt, kịp thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Thứ tư, phải khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh của con người Việt Nam. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, dịch bệnh để củng cố niềm tin trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù vậy kinh tế vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều hạn chế yếu kém cần tập trung xử lý trong 6 tháng cuối năm. Thách thức lớn nhất hiện nay là phải phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm là rất khó khăn. Nhập siêu của chúng ta đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít của thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI còn cao. Các thị trường tài chính bất động sản, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro.
Sắp xếp và cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Giá cả một số mặt hàng cơ bản lại tăng. Gia tăng khả năng lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội. Khả năng đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng chiến lược phát sinh của nước ta còn gặp nhiều thách thức. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp. Nguy cơ có thể lỡ nhịp so với nền kinh tế thế giới vì chúng ta không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.
Thu hút nguồn vốn FDI, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế đang giảm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Giải ngân đầu tư công thì còn chậm.
Tuy nhiên cơ hội của 6 tháng cuối năm có rất nhiều, đặc biệt chúng ta đã có được khí thế mới sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công với một quyết tâm mới và có nhiều các quyết sách quan trọng. Sau khi chúng ta đã tổ chức và hệ thống chính trị, tác động tích cực từ xu thế phục hồi của nền kinh tế thế giới và nhiều chính sách, giải pháp trong bối cảnh Covid-19 được phát huy hiệu quả, như là việc đẩy mạnh phê duyệt các quy hoạch cũng như các chính sách hỗ trợ hiệu quả đời sống của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Giải pháp phát triển thị trường xuất nhập khẩu, củng cố và chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như quá trình chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp được đẩy mạnh, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công,...
Điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm đó là kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, nhất là ở các khu vực động lực, thành phố lớn, khu công nghiệp. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện cần, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp cần được phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, điều chỉnh trọng tâm hợp lý giữa các mục tiêu kiểm soát dịch với tăng trưởng kinh tế, gắn liền với bối cảnh và tình hình cụ thể của mỗi địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, không đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của người dân đối với tăng trưởng bằng mọi giá.
Rà soát các khó khăn, vướng mắc tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất
Đối với một số vấn đề lớn liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà các đại biểu quan tâm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thứ nhất, về mục tiêu tăng trưởng. Một số đại biểu có băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của giai đoạn là 6,5-7% là tương đối cao, sẽ khó khăn khi thực hiện. Tuy vậy chúng ta cũng có rất nhiều các dư địa và các cơ hội để chúng ta có thể thực hiện mục tiêu này nên Chính phủ kiến nghị là chúng ta sẽ quyết tâm thực hiện đạt được mục tiêu này để tạo nền tảng cho giai đoạn 2021-2025, cũng như là các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội Đại hội Đảng đã đề ra mà chúng ta phải đạt được vào giai đoạn 2030-2045.
Đối với giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực sẽ tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ các thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
Thứ hai, kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng hỗ trợ cũng như các doanh nghiệp tham gia cụm, chuỗi liên kết cũng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho doanh nghiệp hiện nay. Sửa đổi những quy định hỗ trợ cho Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ tư, tạo cơ chế luồng xanh để cho hàng hóa của doanh nghiệp và người dân.
Thứ năm, đẩy nhanh cơ chế tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú. Đó là 5 vấn đề mà Chính phủ đang chỉ đạo.
Về chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành để nghiên cứu một chương trình phục hồi kinh tế kết hợp với sau khi chúng ta hết dịch bệnh và Bộ sẽ có đề xuất và trình trong quý IV/2021.
Về vấn đề quy hoạch, đây là một vấn đề rất lớn. Chúng ta lần đầu tiên thực hiện các luật quy hoạch và chúng ta phải tổ chức đồng bộ thực hiện khi khối lượng quy hoạch rất lớn. Gồm có một quy hoạch tổng thể quốc gia, hai là 38 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 63 quy hoạch cấp địa phương, cấp tỉnh, ngoài ra còn hàng trăm quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành của các bộ, các ngành. Như vậy, khối lượng rất lớn nhưng lần đầu tiên chúng ta lại làm theo phương pháp tổng thể và vừa pháp tích hợp nên năng lực và nhân lực để làm công tác này, kể cả tư vấn đang còn rất hạn chế, việc triển khai rất khó và rất lúng túng. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ để thực hiện các quy hoạch này.
Hiện nay mới xong được một quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang trình Hội đồng thẩm định chuẩn bị tiến hành thẩm định và 02 quy hoạch của địa phương đã xong là Bắc Giang và Hà Tĩnh, còn lại trong năm 2021 là 15 quy hoạch, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị về công tác quy hoạch, hy vọng các vấn đề quy hoạch sẽ đẩy nhanh hơn./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư