Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/07/2021-08:32:00 AM
Đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
(MPI) – Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: MPI

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Nội dung đánh giá nêu rõ các công việc đã triển khai, kết quả đạt được 6 tháng và ước cả năm, những khó khăn, hạn chế để có biện pháp khắc phục. Trong đó, các nội dung cần tập trung đánh giá là thực hiện nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội về phát triển KTXH và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao để đạt được các mục tiêu phát triển KTXH năm 2021.

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao để đạt được các mục tiêu phát triển KTXH năm 2021, các nội dung tập trung đánh giá chủ yếu bao gồm phòng, chống hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khó hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 phải được xây dựng dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 và dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển KTXH của đất nước, trong đó tập trung vào các nội dung: Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài…

Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của cả nước, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của địa phương. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ theo phân công tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị các nội dung theo phân công công tác và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2021.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng chỉ tiêu lạm phát (Chỉ số giá tiêu dùng – CPI) năm 2022. Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất xây dựng một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương xây dựng phương án tăng trưởng kinh tế năm 2022, tổng hợp các cân đối lớn và tổng hợp, hoàn thiện báo cáo “Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” của cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo các cơ quan của Đảng, Quốc hội./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1149
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)