(MPI) - Chiều ngày 27/7/2021, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch dự kiến cho giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư công là một hành lang pháp lý quan trọng mà Việt Nam đã đạt được nhiều các kết quả tích cực trong giai đoạn phát triển vừa qua. Giải ngân đầu tư công không những liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn liên quan tới nhiều Luật khác như Luật đất đai, xây dựng, môi trường, tài chính ngân sách, … và liên quan đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan từ trung ương đến địa phương, giải phóng mặt bằng, nhà thầu, tư vấn, giám sát, … Một số quy định hiện nay giữa các luật liên quan đang còn chưa thống nhất, chồng chéo, chậm được sửa đổi, trình tự thủ tục còn phức tạp, thiếu linh hoạt. Ví dụ như việc điều chuyển hằng năm giữa vốn ngân sách nhà nước và giữa các dự án trong cùng một địa phương vẫn phải báo cáo Trung ương, nhiều địa phương vẫn hỏi trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết.
Về vấn đề lựa chọn dự án, chưa bám sát vào các quy hoạch, yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối của ngân sách dẫn đến không bố trí được vốn dẫn đến chậm, dàn trải, lãng phí, thất thoát. Nhiều dự án chưa cần thiết cũng đề xuất, nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, không kiểm soát được các định mức đơn giá như tổng mức đầu tư, dẫn đến tổng mức đầu tư đội lên rất lớn, không có khả năng cân đối, rất lãng phí, dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng đến dự án.
Công tác lập chuẩn bị phê duyệt dự án chưa tốt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại của ngân sách trung ương. Đề xuất xin vốn xong rồi mới về lập dự án nên dẫn đến phải điều chỉnh dự án nhiều lần, điều chỉnh kế hoạch nhiều lần… Về chất lượng của công tác quy hoạch chưa cao, tùy tiện điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch. Năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, Ban quản lý, tư vấn giám sát còn nhiều hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thanh toán quyết toán chưa phát huy được hết trách nhiệm, còn trùng lặp giữa các cơ quan và các nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp cận theo hướng làm các dự án phải có lồng ghép, tích hợp với các ngành để tạo động lực phát triển, không gian phát triển và lan tỏa cho nền kinh tế của địa phương đó, vùng đó. Kế hoạch 5 năm tới sẽ tập trung ưu tiên cho các dự án quan trọng, trọng điểm quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới. Tăng cường liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các vùng, các địa phương. Đảm bảo vừa tạo động lực cho các cực tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm nhưng cũng vừa hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn có điều kiện để vươn lên và đảm bảo cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực và giữa các tỉnh, giữa các vùng, miền./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư