Báo cáo số 1087/KHĐT-TH ngày 30/7/2013 của Sở KHĐT Quảng Bình.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt:
Trong tháng 7, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhờ đó các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ Hè thu. Riêng cây lúa đến giữa tháng 7 đã hoàn thành công tác gieo cấy ở các địa phương. Kết quả cụ thể như sau:
- Cây lúa gieo cấy đạt: 23.848 ha, bằng 99,9%, trong đó lúa tái sinh 8.982 ha, bằng 94,6% so cùng kỳ. Diện tích cây ngô thực hiện 486 ha, bằng 99,2%; khoai lang 577 ha, bằng 97,6%; rau các loại 1.440 ha, tăng 7,7%; đậu các loại 1.670 ha, tăng 9,2%; lạc 691 ha, tăng 25,2% so cùng kỳ.
Trong tháng, các địa phương đang triển khai công tác chăm sóc lúa Hè thu và thu hoạch lúa tái sinh. Đến cuối tháng 7, cơ bản hoàn thành công tác thu hoạch lúa tái sinh. Dự kiến năng suất lúa tái sinh đạt 23,83 tạ/ha, tương đương năm trước.
Sâu bệnh hại cây trồng đã phát sinh ở một số nơi, tập trung chủ yếu gây hại trên lúa. Tình hình sâu bệnh tính đến ngày 19/7/2013: Diện tích lúa bị chuột gây hại 444 ha; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại 236,5 ha; sâu cuốn lá nhỏ gây hại 1.447,5ha; sâu đục thân gây hại 95 ha lúa; bọ xít đen gây hại 5 ha. Các ngành chức năng đã kết hợp với các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn và bà con nông dân triển khai kịp thời công tác phòng, chống nên đã hạn chế được thiệt hại.
- Cây cao su: nhìn chung, cây cao su phát triển tốt, diện tích kinh doanh tăng khá nên sản lượng đạt cao. Dự kiến tháng 7 sản lượng cao su khai thác 570 tấn, 7 tháng 4.140,4 tấn, tăng 12,5% so cùng kỳ.
b. Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đàn gia súc phát triển chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả thức ăn tăng cao. Riêng đàn gia cầm phát triển khá nhờ nuôi gà giống địa phương theo mô hình gia trại.
Dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương được khống chế có hiệu quả, đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khó kiểm soát, tình hình vận chuyển trái phép còn xảy ra nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Vì vậy, công tác tiêm phòng văcxin, công tác kiểm tra giết mổ, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi phải được triển khai kịp thời và đồng bộ.
Đến 19/7/2013, cơ bản đã hoàn thành công tác tiêm văcxin đợt I năm 2013. Cụ thể: Lở mồm long móng 71.625 liều, đạt 80% kế hoạch; tụ huyết trùng trâu, bò 55.725 liều, đạt 70% kế hoạch; dịch tả tam liên 56.730 liều, đạt 67% kế hoạch; cúm gia cầm 479.800 liều, đạt 53,3% kế hoạch; dại chó 30.650 liều, đạt 77% kế hoạch; tai xanh lợn 7.590 liều, đạt 76% kế hoạch.
2. Lâm nghiệp
a. Khai thác lâm sản: Dự ước sản lượng gỗ khai thác 7 tháng 128.462 m3, tương đương cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gỗ khai thác từ rừng trồng.
Sản lượng nhựa thông khai thác tháng 7 thực hiện 905 tấn, 7 tháng 3.175 tấn, bằng 90,2% so cùng kỳ.
b. Lâm sinh, quản lý bảo vệ rừng:
Trong tháng, các đơn vị, địa phương tiếp tục chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị mặt bằng, cây giống cho công tác trồng rừng theo kế hoạch. Dự kiến 7 tháng diện tích rừng được chăm sóc 14.316 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ. Đã chú trọng triển khai phối kết hợp với các đơn vị, địa phương tập huấn, diễn tập phòng chống cháy rừng nhờ đó đã xây dựng được lực lượng nòng cốt tại các địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân về ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, nhờ đó hạn chế tình trạng đốt rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng nên đã có hiện tượng cháy rừng phạm vi nhỏ xảy ra ở một vài nơi nhưng thiệt hại không đáng kể.
Tập trung đẩy mạnh công tác xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật. Tháng 7 đã phát hiện và lập biên bản xử lý 121 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản, tịch thu 157,203m3 gỗ các loại; nộp ngân sách 1.023 triệu đồng, đưa tổng thu 7 tháng lên 6.921 triệu đồng.
3. Thuỷ sản
Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 7 đạt 7.738,6 tấn, 7 tháng 32.877 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ, đạt 59,5% kế hoạch. Trong đó: Cá các loại 25.175 tấn, tăng 6,8%; tôm các loại 2.899 tấn, tăng 1,4%; thủy sản khác 4.802,6 tấn, tăng 6,1%.
a. Nuôi trồng
Sản lượng nuôi trồng thu hoạch tháng 7 ước đạt 1.463,4 tấn; 7 tháng đạt 4.548 tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ. Trong đó: Cá các loại 2.087 tấn, tăng 4,3%; tôm các loại 2.269,5 tấn, tăng 0,5%; thủy sản khác 191,5 tấn, tăng 5,9% so cùng kỳ. Các địa phương có sản lượng thu hoạch tăng khá như: Quảng Ninh tăng 20,6%, Minh Hóa tăng 13,2%, Lệ Thủy tăng 12%, Quảng Trạch tăng 4,3%, Tuyên Hóa tăng 2,5%. Các địa phương diện tích nuôi trồng giảm, theo đó sản lượng giảm là Đồng Hới giảm 10,4%, Bố Trạch giảm 5,9% so cùng kỳ năm trước.
b. Khai thác
Do thời tiết thuận lợi cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, mặt khác có một số địa phương đóng thêm thuyền mới, thành lập tổ đội đánh bắt xa bờ nên hoạt động đánh bắt xa bờ phát triển khá, sản lượng khai thác tăng cao và ổn định so cùng kỳ năm trước. Dự ước sản lượng khai thác trong tháng 7 đạt 6.275 tấn; 7 tháng khai thác 28.329 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ, đạt 64,4%KH, . Trong đó: Cá các loại 23.088,4 tấn, tăng 7%; tôm các loại 629,7 tấn, tăng 4,8%; thủy sản khác 4.611,1 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ.
Xây dựng nông thôn mới:
Đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Trong tháng 7 đã phê duyệt và công bố đồ án quy hoạch cho 3 xã, có 9 xã hoàn thành cắm mốc chỉ giới quy hoạch. Đến nay đã có 141/141 xã đã phê duyệt, công bố đồ án quy hoạch và đề án nông thôn mới cấp xã; có 108/141 xã đã được UBND huyện, thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết xã, đạt 76,6%; có 133/141 xã cắm mốc chỉ giới quy hoạch, đạt 94,3%. Đang tích cực chỉ đạo để đến hết năm 2013, có 1-2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các xã sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
4. Công nghiệp
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp hoàn thành đúng tiến độ. Sản xuất công nghiệp trong tháng 7 vẫn duy trì được sự ổn định và giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2013 tăng 5% so với tháng trước và tăng 13,2% so với tháng 7 năm 2012. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 7,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất 7 tháng: Quặng Ti-tan đạt 27.556 tấn, tăng 8%; đá xây dựng sản xuất đạt 1.549 nghìn m3, tăng 7%; mực đông lạnh 291 tấn, giảm 4,3%; bia đóng chai 11.835 nghìn lít, tăng 6,9%; gạch lát nền 958 nghìn m2, tăng 1,3%; gạch nung 62.311 nghìn viên, giảm 4,1%; xi măng 746,9 nghìn tấn, tăng 4,9%; điện thương phẩm 297 triệu Kwh, tăng 2,8%; nước máy 3.931 nghìn m3, tăng 4,1% so cùng kỳ.
Trong tháng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện “Chương trình phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015” nhằm đánh giá những kết quả đạt được, phân tích một số nguyên nhân tồn tại; rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện hoàn thành mục tiêu của Chương trình đến năm 2015.
5. Xây dựng cơ bản
Thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị số 29/CT-TTg, Chỉ Thị 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Các ngành, các cấp đã tăng cường công tác quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn NSNN, kiên quyết không điều chỉnh quy mô và bổ sung thêm các hạng mục của dự án so với quyết định đầu tư ban đầu, từng bước hạn chế và giảm dần nợ đọng XDCB. Tăng cường chỉ đạo công tác bồi thường GPMB; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn đầu tư XDCB. Khối lượng thực hiện tháng 7 ước đạt 151,6 tỷ đồng, khối lượng thực hiện 7 tháng ước đạt 854,3 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước thực hiện 127,8 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 726,5 tỷ đồng. Cụ thể: khối lượng thuộc ngành giao thông vận tải 291,8 tỷ đồng; ngành Nông Lâm nghiệp 119,7 tỷ đồng; ngành Giáo dục đào tạo 73,1 tỷ đồng; ngành Quản lý nhà nước 78,3 tỷ đồng; ngành Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội 69,9 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đến ngày 20/7 đạt 52,8%.
6. Thương mại, Du lịch và dịch vụ
- Nội thương: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tháng 7 ước đạt 1.275 tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 14,7% so cùng kỳ. 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ ước đạt 9.124,7 tỷ đồng, tăng 13,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,5% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế Nhà nước tăng 14,8%; kinh tế tập thể bằng 74,6%; kinh tế cá thể tăng 15%; kinh tế tư nhân tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước.
- Xuất nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 10,7 triệu USD, 7 tháng đầu năm ước đạt 85,4 triệu USD, tăng 13,2% so cùng kỳ, đạt 63,3%KH. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 98%; khu vực kinh tế nhà nước chiếm 2%. Hình thức xuất khẩu chủ yếu là xuất trực tiếp chiếm tỷ trọng 83,4%, xuất uỷ thác chiếm 16,6%. Sản lượng xuất khẩu chủ yếu: Cao su 15,5 ngàn tấn, tăng 14,9%; gỗ các loại 8,2 ngàn m3, tăng 17,4%; nhựa thông 1.234,4 tấn, bằng 73,3%; dăm gỗ khô 159,5 ngàn tấn, tăng 30,4%; thuỷ sản 318,8 tấn, gấp 2,1 lần so cùng kỳ.
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 6,1 triệu USD, ước 7 tháng 27,9 triệu USD, đạt 55,8% KH tăng 23,5% so cùng kỳ. Trong đó 100% là nhập khẩu trực tiếp và thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là mặt hàng gỗ tạm nhập tái xuất chiếm tỷ trọng 74,8%, còn lại là một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất trong tỉnh như: nguyên liệu sản xuất tân dược, nguyên liệu sản xuất gạch men và một số hàng hóa khác.
- Chỉ số giá tiêu dùng:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2013 tăng 0,22% so tháng trước, tăng 2,51% so tháng 12 năm trước; tăng 7,94% so cùng kỳ; Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng do một số nguyên nhân như do giá một số mặt hàng thiết yếu tăng như: giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần liên tiếp; giá gas tăng 18.000 đồng/bình 12kg; giá vé tàu hỏa tăng mạnh.
- Du lịch: Tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch, thời tiết diễn biến thuận lợi nên lượng khách đến tham quan tăng cao. Số lượt khách du lịch đến Quảng Bình tháng 7 ước đạt 141,7 ngàn lượt khách, 7 tháng đạt đạt 682,5 ngàn lượt khách, tăng 3,1% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 22,1 ngàn lượt, tăng 25,3% so cùng kỳ. Trong tổng số khách du lịch đến Quảng Bình, khách lữ hành ước tháng 7 đạt 89,1 ngàn lượt, tăng 4% so cùng kỳ. Dự ước 7 tháng đạt 366,1 ngàn lượt, tăng 8,1% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 7 tháng đạt 22,3 ngàn lượt, tăng 78,2% so cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, nhà hàng, du lịch tháng 7/2013 ước đạt 134,6 tỷ đồng, tăng 9,4%, 7 tháng ước đạt 779,5 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ.
- Giao thông vận tải: Lưu lượng hành khách tăng lên đột biến do khách du lịch và số lượng thí sinh dự thi đại học. Khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách và hàng hóa tăng khá, ước tháng 7, khối lượng hành khách vận chuyển đạt 1.416,4 ngàn hành khách, 7 tháng đạt 9.342,6 ngàn hành khách, tăng 6% so cùng kỳ. Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 7 ước đạt 57,6 triệu hk.km, 7 tháng đạt 380,6 triệu hk.km, tăng 10,6% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hoá tháng 7 ước đạt 1.292,9 ngàn tấn, 7 tháng đạt 8.489,5 ngàn tấn, tăng 9,9% so cùng kỳ. Khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 7 đạt 65,4 triệu tấn.km, 7 tháng đạt 409,3 triệu tấn.km, tăng 10,5% so cùng kỳ.
7. Tài nguyên môi trường
Trong tháng, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất 2011-2015. Đến nay, Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt và đã công bố quy hoạch theo đúng quy định; UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất 04 huyện, thành phố và 02 thị trấn gồm: Huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới, thị trấn Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão. Quy hoạch sử dụng đất cấp xã đã được UBND huyện phê duyệt 135 xã, còn 06 xã của thành phố Đồng Hới chưa phê duyệt.
Thực hiện tốt công tác giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng đất của các tổ chức. Đã giới thiệu địa điểm sử dụng đất 08 dự án, cho thuê đất 40 dự án với diện tích 39.713,8 m2 .
Công tác đăng ký đất đai và đo đạc bản đồ địa chính đang chủ yếu tập trung vào lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trích đo bản đồ địa chính; chỉnh lý biến động đất đai… Tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng tạo quỹ đất khu đô thị phía Bắc đường Lê Lợi, Phường Hải Đình; tạo quỹ đất khu dân cư tỉnh lộ, thị trấn Hoàn Lão huyện Bố Trạch, diện tích 15 ha.
Công tác quản lý tài nguyên tiếp tục được tăng cường, hoạt động kiểm tra, thanh tra, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được chú trọng. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo, tiếp tục thực hiện lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành đã tập trung kiểm tra các điểm mỏ khoáng sản, tài nguyên nước để quản lý quá trình hoạt động khai thác và làm thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước cho các tổ chức, doanh nghiệp.
8. Sắp xếp doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh
- Công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa 3 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo đúng lộ trình được phê duyệt cho: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình tiến hành cổ phần hóa trong năm 2014, Công ty TNHH MTV Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình sẽ thực hiện năm 2015.
- Công tác đăng ký kinh doanh: Trong tháng, đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 32 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 118 tỷ đồng; 7 tháng cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 255 doanh nghiệp, tăng 22% so cùng kỳ, trong đó: có 33 DN tư nhân, 109 Công ty TNHH 2 TV, 96 Công ty TNHH 1 TV, 17 công ty cổ phần với tổng số vốn đăng ký 811,4 tỷ đồng. Trong tháng 7 đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 13 doanh nghiệp, 7 tháng là 76 doanh nghiệp trong đó có 67 doanh nghiệp giải thể, 9 DN chuyển đổi loại hình hoạt động; Ngoài ra có 27 doanh nghiệp vi phạm pháp luật và 2 chi nhánh giải thể đã có quyết định thu hồi, sau 6 tháng mới tiến hành giải thể theo Luật Doanh nghiệp.
9. Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư
Các dự án ODA: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án kết thúc, đang tiến hành nghiệm thu, thanh quyết toán để kết thúc dự án theo Hiệp định vay vốn. Đối với các dự án chuyển tiếp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động như: phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, trao thầu và tiến hành xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình thực hiện... Đối với các dự án mới: Dự án đường từ xã Hưng Thủy đi Liên Thủy: đang triển khai thi công gói thầu xây lắp, khối lượng hoàn thành đạt 80%; Dự án khu neo đậu tránh trú bão Nhật Lệ: đang tiến hành điều chỉnh quy mô cho phù hợp với nguồn vốn trước khi triển khai thực hiện. Đang triển khai vận động 3 dự án gồm: Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (IFAD 3): Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản phê duyệt danh mục dự án, dự kiến sẽ ký kết hiệp định vay vốn vào đầu tháng 8 năm 2013; Dự án thoát nước và vệ sinh thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy; thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh: đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đưa vào danh mục dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc; Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới: đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
- Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Tháng 7 cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với số vốn đăng ký là 1.064 tỷ đồng gồm: Dự án Khai thác, chế biến đá xây dựng tại Lèn Con -Công ty TNHH Thục Linh; Dự án đầu tư phát triển cao su tại xã Ngân Thủy và Kim Thủy, huyện Lệ Thủy-Công ty TNHH MTV Tổng công ty Binh đoàn 15; Dự án khai thác vật liệu xây dựng- Công ty CP Cosevco 1; Dự án nhà máy xi măng Vạn Ninh-Công ty CP Xi măng Hải Vân; Khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng-Công ty TNHH XDVL Liên Hương. Tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư 7 tháng đầu năm là 19 dự án với tổng vốn đăng ký 1.451 tỷ đồng. Đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 3 dự án: Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty TNHH cơ khí Đúc Thắng Lợi; Dự án Khai thác mỏ nguyên liệu sản xuất xi măng Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty TNHH cơ khí Đúc Thắng Lợi và Trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng của Công ty Kiến trúc và Xây dựng Tân Việt do các dự án được UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng.
- Công tác ngoại vụ:
Đoàn ra: Trong tháng đã giải quyết thủ tục xuất cảnh cho 15 đoàn với 150 lượt người đi các nước Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia... với mục đích tham quan học tập kinh nghiệm, đi khảo sát, đào tạo, tập huấn…
Đoàn vào: Trong tháng, có 25 đoàn với 102 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Khách nước ngoài có quốc tịch Lào, Thái Lan, Philippin, Đức, Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Hà Lan, Nga… với mục đích đến tham quan du lịch, thăm trẻ em được bảo trợ thuộc dự án NGO đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, khảo sát hang động, nghiên cứu ngôn ngữ, hoạt động MIA, ...
Công tác quản lý, vận động viện trợ phi Chính phủ: Trong tháng, đã tiếp nhận và phê duyệt 1 dự án NGO: Tăng cường cơ chế trách nhiệm trong lĩnh vực chăm sóc SKSS cho người dân vùng khó khăn tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư 125.324 Euro.
- Công tác xúc tiến đầu tư: Trong tháng 7 đã tiếp nhận 01 dự án đăng ký đầu tư là dự án Trồng rừng cây Paulownia (cây hông) xen canh cây ngắn ngày và kết hợp mô hình trang trại trên địa bàn tỉnh của Công ty Quản lý và Khai thác Rừng Việt Nam. Quy mô dự án khoảng 200-1.000ha với vốn đầu tư dự kiến là 50 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư vào Quảng Bình giữa Tập đoàn Devi, Cộng hòa Liên bang Đức với tỉnh. Tập đoàn Devi đã giới thiệu với tỉnh ta về Tập đoàn Malakoff- Tập đoàn đầu tư lớn, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và nước, có trụ sở tại Malaysia. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh có thư mời chính thức gửi Tập đoàn Malakoff đến Quảng Bình khảo sát và thảo luận một số nội dung liên quan đến Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch.
10. Tài chính, Tín dụng
Tài chính: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời phải thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, gia hạn, giãn thời gian nộp thuế theo chủ trương của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp thu, phát triển quỹ đất để tăng nguồn thu, nên thu ngân sách vẫn tăng trưởng so cùng kỳ.
Dự ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 7 đạt 196 tỷ đồng, 7 tháng 1.108 tỷ đồng, tăng 20 % so cùng kỳ, đạt 52,8% kế hoạch địa phương giao. Trong đó thu nội địa 893,9 tỷ đồng, đạt 49,7% dự toán ĐP, tăng 15,3% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu 214,2 tỷ đồng, tăng 45,7% so cùng kỳ, đạt 71,4% dự toán ĐP. Một số khoản thu đạt cao như: thu từ doanh nghiệp trung ương 72,6 tỷ đồng, tăng 15,5%; thu ngoài quốc doanh 218,8 tỷ đồng, tăng 66,7%, thu tiền thuê đất 21,6 tỷ, tăng 35,8% so cùng kỳ. Riêng có một số khoản thu đạt thấp so với cùng kỳ như: thu doanh nghiệp Nhà nước địa phương 65,6 tỷ, bằng 99,5%; thu tiền cấp quyền sử dụng đất 165 tỷ đồng, bằng 83,1%;
Chi ngân sách 7 tháng đạt 3.086,4 tỷ đồng, đạt 53% dự toán địa phương; trong đó: chi đầu tư phát triển(gồm NSTT, quỹ đất, hỗ trợ mục tiêu) 475,1 tỷ đồng, Chi chương trình MTQG: 90 tỷ đồng, chi thường xuyên và chi khác 2.521,3 tỷ đồng.
Tín dụng: Các tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn. Đến ngày 15/7/2013, tổng nguồn vốn huy động đạt 14.380 tỷ đồng, giảm 1,8% so đầu tháng và tăng 2,1% so đầu năm. Trong đó: Tiền gửi VND đạt 13.695 tỷ đồng, chiếm 95,2% tổng nguồn vốn, giảm 1,7% so đầu tháng và tăng 3,9% so đầu năm; tiền gửi ngoại tệ đạt 685 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng nguồn vốn, giảm 3,7% so tháng trước và giảm 24,1% so đầu năm; tiền gửi TCKT đạt 1.525 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng nguồn vốn, giảm 8,0% so tháng trước và giảm 19,9% so đầu năm; tiền gửi dân cư đạt 12.130 tỷ đồng, chiếm 84,3% tổng nguồn vốn, tăng 0,1% so tháng trước và tăng 11,6% so đầu năm. Dự ước đến cuối tháng 7/2013 tổng nguồn vốn huy động đạt 14.480 tỷ đồng, giảm 1,1% so tháng trước và tăng 2,8% so đầu năm.
Đến ngày 15/7/2013 dư nợ cho vay đạt 17.106 tỷ đồng, giảm 1,4% so tháng trước và tăng 1,7% so đầu năm. Trong đó: Dư nợ cho vay bằng VND đạt 15.439 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng dư nợ, giảm 1,5% so tháng trước và tăng 3% so đầu năm; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 1.667 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng dư nợ, giảm 0,4% so tháng trước và giảm 8,8% so đầu năm; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 8.361 tỷ đồng, chiếm 48,9% tổng dư nợ, giảm 2,2% so tháng trước và 1,9% so đầu năm; dư nợ cho vay trung dài hạn đạt 8.745 tỷ đồng, chiếm 51,1% tổng dư nợ, giảm 0,6% so tháng trước.
Dự ước đến cuối tháng 7/2013 tổng dư nợ cho vay đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 4,1% so đầu năm.
11. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng, đã chỉ đạo, tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên năm học 2013-2014 nghiêm túc, an toàn, có chất lượng. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2013-2014 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tiến hành công tác tập huấn, bối dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.
Kỳ thi đại học 2013 - 2014 đã được diễn ra an toàn, nghiêm túc. Trong năm học 2013 - 2014 Trường Đại học Quảng Bình tổ chức tuyển sinh 16 chuyên ngành đại học với 1.000 chỉ tiêu, xét tuyển 1.050 chỉ tiêu cho 20 ngành cao đẳng. Tỷ lệ thí sinh dự thi đại học đợt 1 (khối A và A1) đạt 82,8%, tỷ lệ thí sinh dự thi đại học đợt 2 (khối B, C, D1, M, H, T) đạt 83,2% so với số lượng hồ sơ đăng ký dự thi. Trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi, đã tuân thủ tốt quy chế thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
12 Văn hoá, thể thao và thông tin truyền thông
Hưởng ứng các hoạt động Kỷ niệm Kỷ niệm 24 năm ngày tái lập tỉnh 1/7/1989 - 1/7/2013; ngày thành lập lực lượng Vũ trang Quảng Bình (4/7/1945 - 4/7/2013); Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950-15/7/2013); Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2013; Các cấp, các ngành đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim màn ảnh rộng phục vụ nhân dân các địa phương, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa .
Phong trào Thể dục Thể thao của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được quần chúng nhận thức và hành động thiết thực. Các hoạt động thể thao, các cuộc thi đấu của các cơ quan, ban, ngành và ở các địa phương diễn ra thường xuyên, đạt chất lượng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, có tác dụng cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, các đội tuyển thể thao Quảng Bình tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đã đạt được 75 huy chương các loại (24 HCV, 24 HCB, 27 HCĐ).
- Thông tin truyền thông: Trong tháng, ngành đã quan tâm xây dựng các Quy hoạch phát triển hạ tầng Viễn thông tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển Báo chí, Xuất bản, In và Phát hành tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh Quảng Bình, kịp thời hỗ trợ, xử lý sự cố và đảm bảo vận hành thông suốt, kết nối liên thông giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương và liên thông giữa các sở, ban, ngành theo đúng lộ trình gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.
Tăng cường hướng dẫn hoạt động tuyên truyền cho các cơ quan báo chí, địa phương trên địa bàn. Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo tỉnh, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tình hình phát triển kinh tế- xã hội, an ninh trật tự của địa phương; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
13. Khoa học công nghệ
Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được tăng cường. Các đề tài, dự án đã tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý các đề tài, dự án khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, xét chọn, đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Công tác kiểm tra, thông tin, phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được chú trọng đúng mức. Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được quản lý chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về chất lượng sản phẩm hàng hóa và đo lường; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở SXKD và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN được đẩy mạnh.
14. Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh theo mùa, trong đó chú trọng dịch cúm A(H5N1, H1N1, H7N9), tay chân miệng và các dịch bệnh nguy hiểm khác. Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, chủ động giám sát, phát hiện nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch cúm A(H7N9). Từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh khá ổn định, chưa ghi nhận ca mắc cúm A(H1N1), A(H5N1), ghi nhận 68 ca tay chân miệng xuất hiện rải rác trong cộng đồng. Số bệnh nhân sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng (45 ca), tăng so với cùng kỳ, nhiều nhất là Lệ Thủy với 26 ca.
Công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 2.508 trường hợp tiêu chảy; 413 trường hợp lỵ trực trùng; 428 trường hợp lỵ a míp; 80 trường hợp viêm gan siêu vi trùng; 282 trường hợp thủy đậu; 399 trường hợp quai bị; 1 trường hợp viêm não vi rút; 8.509 trường hợp cúm; tay chân miệng 55 trường hợp; sốt xuất huyết 20 trường hợp. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.
Từ đầu năm đến 30/6/2013 trên địa bàn tỉnh phát hiện 19 người nhiễm mới HIV, 11 người chuyển sang AIDS, 3 người tử vong do AIDS. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động về thông tin - giáo dục - truyền thông, can thiệp giảm tác hại và chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế...
Công tác kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, ngành đã tích cực tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố, tập trung vào các quầy tạp hoá, chợ, các nơi bán thực phẩm hàng ngày. Đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Hưng Trạch (Bố Trạch) làm 9 người phải đi cấp cứu, không có tử vong xảy ra.
15. Lao động, Thương binh và Xã hội
Trong tháng, Ngành đã triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2013, gồm: Tổ chức họp Ban chỉ đạo 1956/QĐ-TTg tỉnh Quảng Bình; Tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn trên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Quảng Bình; Thẩm định và ký hợp đồng dạy nghề phi nông nghiệp đối với 05 cơ sở dạy nghề; Triển khai công tác dạy nghề nông nghiệp tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ngành đã thực hiện giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trong tháng, đã giải quyết các chế độ trợ cấp hàng tháng cho 246 trường hợp và trợ cấp một lần đối với 635 trường hợp; đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 ở tỉnh và các huyện, xã. Đã hướng dẫn các huyện, thành phố tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức điều dưỡng tập trung cho gần 1000 đối tượng người có công với cách mạng; Cùng với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các trường học tổ chức tốt chương trình phối hợp chăm sóc, tu bổ các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn; Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng đối với 02 trường hợp dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2013; ngành tiếp tục thực hiện vận động xây dựng Quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa”.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Trong tháng, đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch và thành phố Đồng Hới giải quyết vấn đề trẻ em lang thang tại địa phương. Xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2013 tại huyện Lệ Thủy với chủ đề “Trẻ em tham gia sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
16. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển năm 2013; kiện toàn BCĐ 138 tỉnh; BCĐ và BQL Dự án hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ tỉnh; thay đổi thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; BCĐ Thi hành án dân sự tỉnh; Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách tỉnh; BCĐ Dự án MAG. Dự thảo Quyết định về việc chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, công chức thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Tư pháp.
Tham mưu UBND tỉnh Quyết định về điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã; Báo cáo kết quả điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính các cấp: xã, huyện, tỉnh.
b. Công tác tư pháp
Nâng cao công tác thẩm định, góp ý cho các văn bản QPPL, tham mưu giúp UBND tỉnh tiến hành tự kiểm tra các văn bản QPPL. Qua tự kiểm tra, cơ bản các văn bản trên đều ban hành đúng quy định, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trong tháng, đã thẩm định, góp ý 04 dự thảo văn bản do các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh soạn thảo: Nghị quyết về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013; Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình; Quyết định của UBND tỉnh tỉnh bổ sung đối tượng miễn thu quỹ quốc phòng - an ninh; Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định một số nội dung về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Quảng Bình.
Tiếp tục triển khai công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp. Công tác đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài đã thực hiện theo đúng quy định.
Triển khai thực hiện công tác phổ biến GDPL theo kế hoạch đề ra. Trong tháng, ngành tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên trên địa bàn huyện Minh Hóa; phối hợp với Tỉnh đoàn thành lập câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật"; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố để tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành trên địa bàn.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
Trong tháng, ngành đã hoàn thành 13 cuộc thanh tra về phòng chống tham nhũng, quản lý sử dụng ngân sách và kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công tại Trường Trung cấp Y tế Quảng Bình và Trường Đại học Quảng Bình. Tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch được duyệt như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp Nhà nước...
Công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh; lãnh đạo và cán bộ tiếp dân của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện xử lý kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đúng thời gian quy định; giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định. UBND tỉnh đã tiếp định kỳ 16 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo với 16 vụ việc; Tại Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 13 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong đó: khiếu nại 04 đơn, tố cáo 06 đơn, phản ánh kiến nghị 03 đơn.
Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 theo quy định; triển khai có hiệu quả "kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020" theo Quyết định số 3368/QĐ-UBND ngày 25/11/2009 và Quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 04/10/2010 của UBND tỉnh.
17. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên trên địa bàn tỉnh và hai tuyến biên giới tiếp tục được giữ vững và cơ bản ổn định.
An toàn giao thông: Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng 7 năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm 11 người chết, 37 người bị thương, giảm 4 vụ, giảm 3 người chết, tăng 11 người bị thương so với tháng 7 năm 2012, trong đó đường bộ 35 vụ; đường sắt, đường thuỷ không xảy ra tai nạn.
An toàn xã hội và pháp luật: các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm trấn áp mạnh các loại tội phạm; chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng... Nhờ đó các đối tượng tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong các tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.
Công tác quân sự - quốc phòng 7 tháng đầu năm được chú trọng đẩy mạnh thực hiện toàn diện, lực lượng vũ trang duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp các lực lượng nắm chắc tình hình trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định. Đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp. Hoàn thành tốt cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Đồng Hới./.