Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/08/2013-13:14:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013 của Thừa Thiên Huế
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/7/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị quyết số 24/2012/NQ-HĐND ngày 11/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện các Chương trình trọng điểm, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội… Nhờ vậy, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt được kết quả khá, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 7,45%, trong đó, dịch vụ đóng góp 4,45%, công nghiệp xây dựng 2,82%, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 0,17%; thu ngân sách đạt 2203 tỷ đồng, giảm 6,9% so cùng kỳ, bằng 46,28% so dự toán;hoạt động văn hóa xã hội chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt:
TT
Chỉ tiêu chủ yếu
6tháng/2012
6tháng/2013
Chỉ tiêu NQ 2013
1
Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP)
9,42
7,45
trên 10%
Tr.đó:- Dịch vụ (%)
13,14
9,27
12,4-13
- Công nghiệp-Xây dựng(%)
7,10
7,25
9-10
- Nông Lâm Ngư nghiệp (%)
3,27
1,33
2,3-2,5
2
Giá trị xuất khẩu (triệu USD)
213,6
239,5
540
3
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tỷ đồng )
6.250
6.520
14.500
4
Thu ngân sách nhà nước (tỷ đồng)
2.181
2203
4760
5
Tạo việc làm mới (người)
7.000
8.700
16.000
6
Diện tích trồng rừng (ha)
712
709
4.000
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
1. Tình hình triển khai “Năm Đô thị” và thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị
Năm 2013 tiếp tục chủ đề “Năm Đô thị” với ưu tiên tiếp tục thực hiện Chương trình trọng điểm nâng cấp và phát triển đô thị. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các đề án quy hoạch theo định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng Đề án tổng thể phân loại đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị loại I, triển khai xây dựng Đề án công nhận Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh đã tổ chức nghe báo cáo thông qua lần 2.
Công tác quản lý quy hoạch và trật tự đô thị được chú trọng; tiến hành xây dựng các Quy định về quản lý quy hoạch cấp nước, nghĩa trang, chất thải rắn; Quy định quản lý công viên cây xanh. Chỉ đạo xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị ở các địa phương[1]. Chỉ đạo xây dựng đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn theo Chỉ thị 24-CT/TU ngày 08/8/2012 của Tỉnh ủy về việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Chú trọng công tác đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị cơ bản đảm bảo tiến độ. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng Cầu Dã Viên, bến xe Nguyễn Hoàng, đường Đội Cung; tiếp tục chỉnh trang, mở rộng đường Điện Biên Phủ, Đống Đa, Trần Phú, Chương Dương, Nguyễn Sinh Cung… Hoàn thành nâng cấp cầu Ga; tiếp tục nâng cấp cầu Đông Ba và hệ thống giao thông nội các đô thị; chỉnh trang vỉa hè, cây xanh, thoát nước ở các đô thị vệ tinh Thuận An, Hương Thủy, Hương Trà…
2. Tình hình sản xuất, kinh doanh
a) Lĩnh vực dịch vụ:
Lĩnh vực du lịch: Lễ hội Festival Nghề truyền thống lần thứ 5 được tổ chức hoành tráng, ấn tượng với nhiều hoạt động phong phú; đưa vào khai trương một số khu du lịch lớn như:khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô của tập đoàn Banyan Tree, Vườn quốc gia Bạch Mã mở cửa đón khách trở lại... Tuy nhiên, sân bay quốc tế Phú Bài đóng cửa đã gây khó khăn cho việc lưu chuyển khách du lịch, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Tổng lượt khách 6 tháng đầu năm ước đạt 919 nghìn lượt, tăng 2,84% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 392,8 nghìn lượt, tăng 1,7%. Doanh thu các cơ sở lưu trú ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 11,3% (tuy doanh thu du lịch tăng 11,3% song cần lưu ý chỉ số giá của nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng khá cao 5,62%).
Hoạt động thương mại, mặc dù giá xăng, gas và lương thực, thực phẩm giảm nhưng do tác động của giá nước sinh hoạt tăng mạnh đã làm chỉ số giá tiêu dùng chung tăng nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2013 tăng 6,29% so với tháng 12, tăng 9,06% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 12.085,8 tỷ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ. Tổ chức thành công Hội chợ triển lãm Làng nghề Việt Nam tại Huế trong dịp Festival nghề truyền thống[2].
Hoạt động xuất khẩu, giá trị xuất khẩu ước đạt 239,5 triệu USD, tăng 11,58% so cùng kỳ, tập trung ở nhóm hàng dệt may đạt 193,5 triệu USD, chiếm 80,9% tổng giá trị xuất khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 170,7 triệu USD, tăng 15,98% so cùng kỳ; tập trung phụ liệu may mặc, bông xơ,...
Hoạt động tín dụng ngân hàng: tổng nguồn vốn huy động ước đạt 19.700 tỷ đồng, tăng 5,8% so đầu năm, trong đó tiền gửi tiết kiệm chiếm 75,7%. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,93% trong tổng dư nợ cho vay[3]. Ngân hàng đã thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến cuối tháng 4 đã cơ cấu lại nợ của trên 3.100 khách hàng với tổng dư nợ cơ cấu lại là 928 tỷ đồng; dư nợ cho vay bốn lĩnh vực ưu tiên đạt 6.799 tỷ đồng, chiếm hơn 45% tổng dư nợ cho vay.
Hoạt động bưu chính viễn thông, dự ước đến 30/6/2013, số thuê bao điện thoại đạt 1.674.585máy, giảm 25%; đạt mật độ 153,5 máy/100 dân; trong đó, điện thoại di động1.452.044máy, giảm 26%. Internet có 74.898 thuê bao, tăng 3%, đạt mật độ 6,9 thuê bao/100 dân.
b) Lĩnh vực Công nghiệp:
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi song tốc độ tăng trưởng chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,25% so cùng kỳ[4]. Các sản phẩm chủ yếu tăng khá so cùng kỳ: Sản xuất quặng kim loại tăng 5,82%; bia lon tăng 54,6%; chế biến thủy sản tăng 7,08%; sản xuất sợi tăng 13,16%; may mặc tăng 26,51%; xử lý rác thải 44,6 ngàn tấn, tăng 7,49%... Các sản phẩm giảm so cùng kỳ: Xi măng 599,8 nghìn tấn, giảm 11,43%; điện sản xuất giảm 19,6%; tinh bột sắn 4.974 tấn, giảm 16,7%.
c) Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp, vụ Đông xuân 2012-2013 đảm bảo khung lịch thời vụ. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 46.904 ha, giảm 1,1% so cùng kỳ[5], trong đó, cây lúa đạt 27.611 ha, tăng 0,9%. Đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân; năng suất đạt 57,8 tạ/ha, tăng 0,7% so với vụ Đông Xuân năm 2012; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 160,7 nghìn tấn, tăng 0,5%.Đã triển khai các mô hình “cánh đồng mẫu lớn”; qua đánh giá cho thấy các mô hình có hiệu quả cao hơn, năng suất đạt bình quân từ 65 đến 70 tạ/ha.
Về chăn nuôi, nhờ thực hiện các biện pháp tăng cường công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, chốt chặn các điểm xung yếu, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có dịch bệnh xảy ra. Kết quả điều tra ngày 01/4/2012, tổng đàn gia cầm đạt trên 2.212.800 con, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng đàn lợn 221.986 con, giảm 7,1%. Tổng đàn trâu đạt 22.128 con, giảm 8,7%; đàn bò 19.835 con, giảm 4%[6]. Tiếp tục triển khai đề án Phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao; đến nay có 3.629 hộ đăng ký và thả nuôi 6.923 con (đạt 134,4% kế hoạch).
Về lâm nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung đạt 709 ha[7], giảm 0,4%. Chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2013 có khả năng không đạt kế hoạch[8] do định mức ngân sách Trung ương hỗ trợ thấp hơn dự toán. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 114.061 m3, tăng 3,4% so cùng kỳ; gỗ rừng tự nhiên 500m3. Công tác quản lý bảo vệ rừng có tiến bộ, số vụ vi phạm giảm so cùng kỳ (xử lý 218 vụ, giảm 8,8%). Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra cháy rừng.
Về thuỷ sản, đã chỉ đạo các địa phương nuôi trồng đúng lịch thời vụ; diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 6.160,2 ha, tăng 3,8% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch ước đạt 2.984 tấn, tăng 8,9%; sản lượng khai thác ước đạt 17.516 tấn, tăng 3,7%; trong đó khai thác biển 15.610 tấn, tăng 4,3%. Tính đến cuối tháng 5/2013, có hơn 59 ha tôm, cá bị nhiễm bệnh; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, không để lây lan.
3. Tình hình đầu tư và xây dựng
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 6.520 tỷ đồng, bằng 45% KH, tăng 4,3% so cùng kỳ; trong đó, vốn Trung ương quản lý 1.250 tỷ đồng, bằng 43,6% KH, tăng 50%; vốn Địa phương quản lý 5.270 tỷ đồng, bằng 45,38% KH, giảm 2,7%[9].
Nguồn vốn ngân sách nhà nước giảm do năm nay kế hoạch vốn địa phương quản lý chỉ bằng 80% so năm trước.Tình hình triển khai một số dự án khá tốt[10]; song đa số gặp nhiều khó khăn[11]. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng còn cao (14%), ảnh hưởng khả năng tài chính của các nhà thầu để đảm bảo tiến độ thi công các gói thầu. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc do thiếu nơi tái định cư; giá trị đất tái định cư cao hơn so với giá trị bồi thường; quá trình giải quyết bồi thường gặp nhiều phát sinh không có trong quy định hoặc người dân không chấp nhận giá trị đền bù dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài; thời gian xử lý qua nhiều cấp thẩm quyền và chậm trễ bàn giao mặt bằng… Một số dự án phê duyệt sau ngày 01/12/2009 có tổng mức đầu tư vượt giá trị được duyệt do trượt giá nhưng vướng quy định của Nghị định 83/2009/NĐ-CP nên không điều chỉnh được; đến nay vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Một số dự án thuộc nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu chưa được bố trí đúng mức, như: Các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (đề nghị bố trí 65 tỷ đồng), các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị Huế (đề nghị bố trí 102 tỷ đồng)... Các dự án do doanh nghiệp đầu tư nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm[12].
Tình hình doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số đăng ký kinh doanh giảm về số lượng và tổng vốn; có 272 doanh nghiệp đăng ký với số vốn đăng ký đạt 839,5 tỷ đồng (giảm 11%); 54 doanh nghiệp giải thể.
Đã cấp mới 16 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.952,3 tỷ đồng (Khu Công nghiệp cấp mới 6 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 1.371,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cấp mới 1 dự án, tổng vốn 163,5 tỷ đồng. Khu vực FDI có 1 dự án cấp mới thuộc địa bàn Khu Công nghiệp).
Về ODA, tiếp nhận mới 2 dự án[13]; tiếp tục triển khai 15 dự án, khối lượng thực hiện 210 tỷ đồng. Vận động ODA cho dự án phát triển hạ tầng đô thị Huế (ADB), dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng thành phố Huế “Xanh”; dự án hạ tầng đô thị Hương Trà (EU), Hạ tầng du lịch tiểu vùng sông Mê Kong.
Về NGO, đã tiếp nhận mới 5 dự án với tổng vốn cam kết 550.000 USD. Hiện có 22 dự án đang triển khai; khối lượng giải ngân ước đạt 960.000 USD.
Khu Kinh tế; Khu Kinh tế cửa khẩu: Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tiếp tục triển khai 9 dự án đầu tư hạ tầng; khối lượng thực hiện ước đạt 36,4 tỷ đồng, bằng 22% nguồn vốn bố trí năm 2013. Các dự án của nhà đầu tư vào Khu Kinh tế đa số chưa đảm bảo tiến độ; tổng khối lượng thực hiện ước đạt 352 tỷ đồng, bằng 28,6% kế hoạch vốn đầu tư[14]. Khu Kinh tế cửa khẩu A Đớt tiếp tục triển khai 2 dự án: Trạm liên kiểm cửa khẩu và đường nối từ cửa khẩu A Đớt đến đường Hồ Chí Minh. Khu Kinh tế quốc phòng A So tiếp tục đầu tư các hạng mục giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện A Lưới.
4. Thu chi ngân sách
Tổng thu ngân sách 6 tháng ước đạt 2.203 tỷ đồng, giảm 6,9% so cùng kỳ, bằng 46,28% so DT (do năm 2012 phát sinh khoản thu thuế thu nhập chuyển nhượng vốn công ty xổ số kiến thiết 411 tỷ đồng, nếu không tính khoản thu này thì tăng 12,6% so với cùng kỳ); trong đó thu nội địa 1.798,04 tỷ đồng, bằng 46% DT, tăng 20%. Thu tiền sử dụng đất tiếp tục gặp nhiều khó khăn; 6 tháng đầu năm thu được 250 tỷ đồng, đạt 34,9% so với DT, giảm 3,8%. Tổng chi ngân sách đạt 3162,7 tỷ đồng, đạt 45,3% DT.
Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tổng số thuế giảm, giãn dự ước 67,9 tỷ đồng.
5. Lĩnh vực văn hóa xã hội
a) Giáo dục và đào tạo:
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS được giữ vững; chất lượng đào tạo nâng lên đáng kể. Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được quan tâm; đến nay toàn tỉnh có 55/152 xã, phường và 2 đơn vị huyện Nam Đông và A Lưới đạt chuẩn phổ cập GDMN. Năm học 2012-2013, tham gia và đạt 900 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia[15]; tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở bậc THPT đạt 38%.Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; nhờ đó, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trên 99,4%, tăng 1,2% so năm học trước. Số học sinh bỏ học các cấp là 315 em, tỷ lệ 0,14%, giảm so với cùng kỳ năm trước 0,07%[16], thấp nhất so với các năm trước.
Đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên năm 2013: Số học sinh THPT đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 98,66%; trong đó, tốt nghiệp loại giỏi đạt tỷ lệ 1,86%; Số học sinh GDTX đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 83,35%. Cơ sở vật chất cho giáo dục ngày càng được hoàn thiện; đã có thêm 10 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 191 trường, tỷ lệ 32,2%.
Đại học Huế tuyển sinh 12.450 sinh viên, tăng 12,3% so với năm trước; trong đó, 12.000 sinh viên đào tạo trình độ đại học và 450 sinh viên đào tạo trình độ cao đẳng.
b) Y tế, chăm sóc sức khỏe:
Duy trì thường xuyên công tác giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch[17], ko để tử vong và dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; số cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định đạt trên 80%. Sáu tháng đầu năm đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thức ăn với 9 người mắc, không có trường hợp tử vong.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ tiếp tục được đẩy mạnh. Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Kết quả tỷ lệ các biện pháp tránh thai ước đạt 84,2%; mức sinh có xu hướng giảm[18].
Trong 6 tháng đầu năm, số luỹ tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS của toàn tỉnh là 1219 trường hợp, trong đó 475 trường hợp chuyển sang AIDS và 305 trường hợp đã tử vong do AIDS.
Hệ thống y tế địa phương tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh. Đã có 42/152 xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới, đạt tỷ lệ 27,6%. Tiếp tục hoàn thành dự án nâng cấp cơ sở vật chất các trạm y tế xã phường[19], dự án hỗ trợ phát triển hệ thống y tế dự phòng. Đã khánh thành và đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa tỉnh (bệnh viện hạng II); đến nay, đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 10.000 lượt bệnh nhân.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được chú trọng; công suất sử dụng giường bệnh bình quân đạt 70%, ngày điều trị bình quân 6 ngày/người bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã được cải thiện; số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tăng, chiếm 50,9% tổng lượt khám điều trị. Số người tham gia bảo hiểm y tế tính đến 30/4 là 850.955 người, đạt tỷ lệ 77,4% trên tổng dân số.
c) Văn hóa - thể thao:
Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đất nước, của Tỉnh và mừng Xuân Quý Tỵ nhiều hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức rộng khắp, tiêu biểu như: kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản, 38 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế, 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật đêm Giao Thừa ... Đăng khai tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan thu hút lượng lớn khán giả, như: Hội thi "Tiếng hát dòng Hương" lần thứ nhất, Liên hoan dân ca khu vực Bắc Trung bộ, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh... Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2013, đã có nhiều hoạt động đặc sắc như: Triển lãm 80 mẫu dệt may độc đáo của 5 châu lục, không gian thư pháp Huế, hội đua thuyền... góp phần xây dựng thương hiệu Thành phố Huế - Thành phố Festival.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được tập trung. Tiếp tục công tác trùng tu tôn tạo hệ thống kinh thành Huế[20]; chống mối Làng cổ Phước Tích, chống xuống cấp các di tích lịch sử cách mạng...
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì; toàn tỉnh có 1.398 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,4% so với số lượng đăng ký. Thiết chế văn hóa cơ sở đang được cải thiện; toàn tỉnh có 603 nhà sinh hoạt cộng đồng trong tổng số 1.452 làng, thôn, bản, tổ dân phố (tỷ lệ 41,5%); 20 nhà văn hóa xã, phường trên tổng số 152 xã, phường (tỷ lệ 13%).
Lĩnh vực thể thao: đã phối hợp tổ chức thành công vòng loại giải Bóng đá U19 quốc gia, giải Billiards & Snooker Vô địch quốc gia, giải Bơi lặn toàn quốc, giải đua xe đạp tranh cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở... Tổ chức Cúp bóng đá cộng đồng Việt Nam lần thứ nhất (Cúp FFAV) – là giải bóng đá phong trào có quy mô quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam, thu hút 320 đội bóng với hơn 3.100 học sinh của ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và 1000 thành viên làm công tác hậu cần[21]. Phối hợp tổ chức thành công giải Quần vợt các cây vợt mạnh tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II, tranh cúp Heniken...
d) Khoa học và công nghệ:
Tổ chức xét duyệt 20/20 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2013, tổ chức nghiệm thu 05 nhiệm vụ, quyết toán 06 nhiệm vụ. Triển khai 5 dự án mới do Trung ương giao thực hiện. Về quản lý công nghệ, tổ chức thẩm tra 3 công nghệ đối với 6 dự án đầu tư. Về sở hữu trí tuệ, đã cấp 5 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng hoàn thành Chiến lược phát triển sản phẩm mang thương hiệu Huế. Hoạt động Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng:đã thực hiện kiểm tra nhãn một số hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013; phát hiện 04 cơ sở vi phạm hành chính, xử phạt 7,7 triệu đồng. Công tác quản lý tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đã hướng dẫn 2 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở áp dụng tại doanh nghiệp; hướng dẫn 1 doanh nghiệp đăng ký mã số, mã vạch mới.
đ) Lao động, việc làm, an sinh xã hội:
Sáu tháng đầu năm, giải quyết việc làm mới cho 8.700lao động. Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.177/1.361 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.
Đào tạo nghề: Các đơn vị đào tạo nghề tiếp tục gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là hệ trung cấp nghề. Ước 6 tháng tuyển sinh khoảng 8.120 học viên, đạt 41,2% kế hoạch năm. Riêng dạy nghề cho lao động nông thôn, đã đào tạo 1.270 lao động, đạt 40,3% so với kế hoạch.
An sinh xã hội:Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên theo Nghị định 67 cho 41.427 lượt đối tượng với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.Tổng số tham gia bảo hiểm xã hội là 96.062 người, trong đó có 647 người tham gia BHXH tự nguyện, 95.415 người tham gia BHXH bắt buộc. Công tác chăm lo đời sống cho người cao tuổi được quan tâm; duy trì cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho 26.873 người, đạt tỷ lệ 23%; đảm bảo 100% cụ có thẻ BHYT.
Trao tặng 39.686 suất quà cho đối tượng chính sách với trị giá gần 8,3 tỷ đồng; triển khai điều dưỡng tập trung 9 đợt cho 712 người có công, ước 6 tháng tổ chức 17 lượt với 1.260 người đảm bảo đúng kế hoạch. Xây dựng và sửa chữa 16 công trình nhà bia tưởng niệm, mộ và nghĩa trang Liệt sỹ với kinh phí 4 tỷ đồng. Tổ chức Lễ đón và cải táng 30 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào.
6. Công tác cải cách hành chính
Đã ban hành Quyết định số 2485/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013, Kế hoạch nâng hạng chỉ số PCI, Chỉ thị 51/2012/CT-UBND ngày 28/12/2012 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức trên toàn tỉnh... Tiến hành nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình thí điểm một cửa, một cửa liên thông tại 3 đơn vị cấp huyện. Rà soát danh mục thủ tục hành chính (TTHC) tiếp nhận theo cơ chế một cửa tại Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế. Ban hành danh mục TTHC theo cơ chế một cửa ở các Sở, ban, ngành. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định quản lý tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và giữa các ngành, Quy định xây dựng, triển khai và khai thác các phần mềm ứng dụng trong CQNN. Tiếp tục thực hiện các dự án công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính.
7. Tài nguyên và Môi trường
Lĩnh vực tài nguyên, Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/4/2013; đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 11/5/2013 về triển khai thực hiện quy hoạch và phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Các địa phương đang hoàn chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Về giao và cho thuê đất, đã giao đất cho 3 dự án với tổng diện tích 0,97 ha; cho thuê đất 25 dự án với tổng diện tích 326 ha; thu hồi đất do vi phạm 2 dự án với tổng diện tích thu hồi 8.989,7 m2. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp được 469.149 giấy, với diện tích 85.674,1 ha[22].
Lĩnh vực môi trường, đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của 13 dự án đầu tư và ký quỹ 8 dự án cải tạo phục hồi môi trường. Thực hiện cấp 6 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Tiến hành quan trắc 48 điểm chất lượng nước và 15 điểm chất lượng không khí. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 20 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh. Lĩnh vực quản lý tài nguyên, đã cấp 5 giấy phép khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước; cấp mới 5 giấy phép và gia hạn 03 giấy phép khai thác khoáng sản. Tập trung chỉ đạo xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; Tổ chức thành công Ngày Môi trường thế giới ở phạm vi quốc gia tại thành phố Huế, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo; Ngày Đại dương thế giới và ngày Đất ngập nước...
8. Quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Tình hình trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng giữ vững. Các ngành, địa phương đã tích cực thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 11/4/2013 UBND tỉnh về đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Ngày Giỗ tổ Hùng Vương; Lễ kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Ngày lễ Quốc tế Lao động và Công điện số 07/CĐ-UBNDvề tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4-01/5/2013. Duy trì công tác huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên; riêng giáo dục quốc phòng, đã tổ chức quán triệt cho 2.500 đối tượng. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tại huyện Phú Lộc, thành phố Huế đạt kết quả tốt.
Tình hình tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ nhưng tăng số người chết và bị thương. Năm tháng đầu năm, đã xảy ra 427 vụ tai nạn giao thông, giảm 168 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 90 người, tăng 28 người; bị thương 418 người, tăng 35 người. Trong đó: đường bộ xảy ra 423 vụ, giảm 170 vụ so cùng kỳ, làm chết 85 người, bị thương 418 người. Tai nạn đường sắt 4 vụ; làm chết 5 người; tai nạn đường thủy không xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém:
- Công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cho xây dựng, chỉnh trang các đô thị và phát triển sản xuất kinh doanh khó khăn. Chưa kêu gọi được các nhà đầu tư có tiềm lực. Tiến độ triển khai các dự án chậm. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh vẫn thiếu hấp dẫn, chỉ số PCI năm 2012 tiếp tục tụt 8 bậc so cả nước. Hiệu quả của nền hành chính tỉnh chưa cao so với cả nước[23].
-Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị còn nhiều thách thức. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt chuẩn tối thiểu theo tiêu chí của Thông tư 34 của Bộ Xây dựng và Nghị định 42 của Chính phủ như: cân đối thu chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; mật độ dân số; mật độ đường ống thoát nước chính khu vực nội thị các đô thị; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý; tỷ lệ đường phố chính đô thị được chiếu sáng; số nhà tang lễ khu vực nội thị;... Ý thức về thực hiện nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm.
- Suy thoái kinh tế, thị trường tiêu thụ suy giảm, lãi suất cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản kéo theo tình trạng thất nghiệp khá cao. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực xã hội chưa sát sao, nhất là vấn đề tuyển dụng và quản lý lao động, dạy nghề, vấn đề bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền công,...
- Công tác CCHC còn những hạn chế. Năng lực lãnh đạo, trách nhiệm tham mưu xử lý công việc của một số bộ phận cán bộ công chức còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Chế độ báo cáo định kỳ chưa thực hiện nghiêm túc.
II. SO SÁNH, ĐỐI CHIẾU CÁC CHỈ TIÊU CỦA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV
1. Về tình hình thực hiện các mục tiêu:
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sự điều hành năng động, có hiệu quả của các cấp chính quyền, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo thêm thế và lực mới, là tiền đề quan trọng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,0%/năm, là mức tăng trưởng hợp lý trong tình hình khó khăn chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt trên 1.760 USD, tăng 1,53 lần so năm 2010 (tính theo giá USD thực tế). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm (2011 – 2013) ước đạt 37,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% so kế hoạch, tăng bình quân 14,2%/năm. Thu ngân sách nhà nước 2 năm 2011 – 2012 đạt mức tăng bình quân gần 30%/năm; riêng năm 2012 đạt 5861,4 tỷ đồng, tăng 55% so năm 2011, bằng 115,8% so chỉ tiêu HĐND giao. Đã thực hiện ổn định mức tăng chi ngân sách nhà nước 13%/năm.Du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng. Công tác quy hoạch, lập đề án phát triển đô thị được đẩy nhanh; Cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Công tác xây dựng, phát triển nông thôn mới có nhiều chuyển biến.Đã hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới 92/92 xã, phấn đấu28 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân về chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của thời kỳ kế hoạch 2011 – 2015 theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ có nhiều chuyển biến. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có bước phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bệnh viện Trung ương Huế được xếp hạng Bệnh viện đặc biệt, phát triển theo hướng chuyên sâu, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong khu vực. Khoa học – công nghệ tiếp tục phát triển.
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, không xảy ra tình huống bị động và bất ngờ. Quan hệ đối ngoại tiếp tục mở rộng. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn. Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nội bộ đoàn kết, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.
Tuy vậy, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh, nhất là du lịch, dịch vụ và kinh tế biển. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt kế hoạch. Kết cấu hạ tầng tuy được tập trung đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ. Văn hóa - xã hội phát triển chưa ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cải cách hành chính hiệu quả chưa cao. Quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp.
2. Về thực hiện các chỉ tiêu:
Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế xã hội 2 năm 2011-2012 và khả năng thực hiện kế hoạch năm 2013, tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 3 năm 2011 - 2013 so kế hoạch 5 năm như sau:
1. Về kinh tế
Chỉ tiêu Ước 2013 Nghị quyết 5 năm
- GDP tăng bình quân: 10,03 (>13%/năm)
+ Các ngành dịch vụtăng 12,7 12 – 13%
+ Công nghiệp - xây dựngtăng 9,9 16 -17%
+ Nông lâm ngư nghiệptăng 2,6 2 - 3%
- GDP bình quân đầu người 1.760 2.300 USD,
- Cơ cấu kinh tế
+ Dịch vụ 48,9 47 - 48%
+ Công nghiệp và xây dựng 38 43 – 44%
+ Nông, lâm và thủy sản 13,1 8 - 9%.
- Sản lượng lương thực có hạt bình quân 305 260 nghìn tấn
- Giá trị xuất khẩu 540 650-700 triệu USD
- Vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm đạt 37,2 90-100 nghìn tỷ đồng
- Thu ngân sách nhà nước 5270 6.000-6.500 tỷ đồng
- Tỷ lệ đô thị hóa 50,4 60%.
2. Về xã hội:
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,11 1,1%,
- Mức giảm sinh 0,2 0,2- 0,3%o/năm
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 50 60%
- Giải quyết việc làm mới 16000 14000–16000 lao động/năm
- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6,5 5%
- Tỷ lệ huy động học sinh so với dân số trong độ tuổi ở các bậc học
+ Nhà trẻ 26 34%
+ Mẫu giáo 82 77,8%
+ Tiểu học 100 100%
+ Trung học cơ sở 90 95%
+ Phổ thông trung học 77 78,6%
- Tỷ lệ TE dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 14,4 14%
- Tỷ lệ bác sỹ 14,71 15 bác sĩ/vạn dân
- Tỷ lệ giường bệnh 39,4 46 giường bệnh/vạn dân
3. Về môi trường
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,3 58%
- Tỷ lệ dân cư NT SD nước hợp vệ sinh 92 95%
- Tỷ lệ CTR ở KVĐT được thu gom 90 95
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
Sáu tháng cuối năm, dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định.. Ở trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô tuy chuyển biến tích cực, lạm phát và lãi suất giảm[24]; song sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn.
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo một số tình hình 6 tháng cuối năm, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh trên 10% theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh đòi hỏi nỗ lực lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất; đồng thời, cùng cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong những tháng tiếp theo, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2013, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm đô thị”; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chú trọng hỗ trợ các dự án đầu tư
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 62/CTr-UBND ngày 31/8/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển đô thị góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 29/7/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bám sát, rà soát các tiêu chí về đô thị loại I để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 21/2/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU ngày 08/8/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy mạnh công tác đảm bảo cảnh quan môi trường xanh sạch, đẹp; hoàn thành và thực hiện đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.Tập trung chấn chỉnh việc kinh doanh trên vỉa hè ở thành phố Huế; giải quyết dứt điểm tình trạng đeo bám khách du lịch.
Tiếp tục triển khai các kế hoạch, đề án chuyên đề về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm văn hóa đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của Việt Nam.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 38/CT-UBND ngày 28/12/2012 về công tác đầu tư, xây dựng cơ bản năm 2013. Phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như: Quốc lộ 49A, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, hai hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng, đường BOT QL1A, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, dự án Hồ Tả Trạch và Hồ Thủy Yên – Thủy Cam... Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị Huế, dự án đường Đống Đa, Điện Biên Phủ, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, dự án Trường THCS chất lượng cao Nguyễn Tri Phương, Khôi phục và tôn tạo trường THPT chuyên Quốc Học Huế (giai đoạn 1).., các dự án khắc phục lụt bão, các dự án đường cứu hộ cứu nạn, các dự án do doanh nghiệp đầu tư.
Rà soát, điều chuyển vốn cho các công trình hiệu quả và cần thiết. Đôn đốc công tác chuẩn bị đầu tư cho năm kế hoạch 2014; đôn đốc tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tổ chức bán đấu giá quỹ đất để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tạo vốn từ quỹ đất. Tập trung chỉ đạo công tác GPMB; nâng cao năng lực đối với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang.
Hoàn thành các quy hoạch thuộc đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo kế hoạch; chú trọng đề án Phân loại đô thị và đề án thành lập đô thị Thừa Thiên Huế. Đôn đốc việc lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và Hương Trà. Đôn đốc tiến độ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền (điều chỉnh) đến năm 2020.
Thực hiện tốt Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2013. Tiếp tục xúc tiến vận động ODA cho dự án phát triển hạ tầng đô thị Huế (ADB), dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng thành phố Huế “Xanh”; dự án hạ tầng đô thị Hương Trà (EU), Hạ tầng du lịch tiểu vùng sông Mê Kong.
Tiếp tục quan tâm thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, quản lý đô thị và xây dựng đời sống văn hóa đô thị.
2. Tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, nhất là các chính sách thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng. Hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn.
Thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tập trung chỉ đạo xử lý hàng tồn kho; khuyến khích tiết kiệm, giảm chi phí, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra thị trường, Kế hoạch kiểm tra mặt hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn; chú trọng kiểm tra công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cửa hàng và các chợ.
Phát triển các ngành kinh tế, tập trung các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp.
Lĩnh vực du lịch dịch vụ: Triển khai Kế hoạch số 27/KH-UBNDngày 08/3/2013 về kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ...Tăng cường quảng bá, xức tiến để giới thiệu hình ảnh Huế, văn hóa Huế gắn với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Xây dựng chính sách kích cầu du lịch.Nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ người dân tại các điểm du lịch. Thực hiện triệt để Chỉ thị 10/2013/CT-UBND về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch.
Công nghiệp: Hỗ trợ các năng lực sản xuất mới[25] nhằm bù vào phần giảm của một số sản phẩm. Ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực cạch tranh. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu; tiến hành Qui hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ.
Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác tiết kiệm điện và Chỉ thị số 1923/UBND-CT ngày 25/04/2013 của UBND Tỉnh về cấp điện cho các tháng còn lại của năm 2013. Xây dựng các quy hoạch ngành, tập trung xây dựng hoàn thành Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4, các khu chức năng trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Nông nghiệp: Hoàn thành công tác gieo trồng và thu hoạch vụ Hè Thu 2012-2013 theo đúng tiến độ. Kiểm tra công tác thủy lợi, dữ trữ nước đảm bảo tưới tiêu vụ Hè Thu. Chỉ đạo làm tốt các khâu chuẩn bị trồng, chăm sóc rừng. Khẩn trương thực hiện các phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Xây dựng phương án phòng chống bão lũ. Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thủy sản, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Duy trì công tác kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015.
3. Quản lý tài chính, tiền tệ
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Song song với việc giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách nhà nước, thực hiện biện pháp tăng nguồn thu ngân sách từ qũy đất, tăng cường bán đấu giá các khu đất xen ghép, các khu đất đã được đầu tư hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là nguồn tín dụng cho 4 lĩnh vực ưu tiên[26]. Kiểm soát việc thực hiện những quy định của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất, xử lý nợ xấu.
Nghiêm túc thực hiện chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013; thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm. Giãn tiến độ thực hiện của một số đề án có nhiệm vụ chi.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế căn cứ vào tình hình thực tế của địa phươngtriển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐND ngày 17/4/2013 của HĐND tỉnh về thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trên địa bàn.
4. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động văn hóa – xã hội, các chính sách về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội
Văn hóa – thể thao:Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1512/QĐ-UBND của UBND Tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tầm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.
Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Festival 2014 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Sự khám phá bất tận"; tập trung quảng bá, giới thiệu về Festival 2014 gắn với các địa chỉ văn hóa du lịch của tỉnh. Tổ chức kỷ niệm 20 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, 10 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể thế giới. Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao; tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao cấp huyện, cấp tỉnh.
Giáo dục - đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo triển khai Kế hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao: trong đó ưu tiên chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho năm học 2013-2014. Tổ chức nghiêm túc tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.
Y tế: Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG về y tế, phòng chống đuối nước; Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, KHHGĐ; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Phòng chống dịch bệnh,nhất là các dịch bệnh xảy ra sau thiên tai, lũ lụt. Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phát triển hệ thống cấp cứu chấn thương. Nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, lấy chất lượng dịch vụ làm thước đo Y đức của người cán bộ y tế.
Khoa học công nghệ: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1104 /QĐ-UBND ngày 20/6/2012 về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước. Tiếp tục tìm kiếm, vận động ODA cho dự án “Đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế”. Hoàn thành Quy định về quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh, Chương trình xây dựng thương hiệu hàng đặc sản Thừa Thiên Huế.
Công nghệ thông tin:Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghệ thông tin; xây dựnglộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Rà soát, triển khai đồng bộ hệ thống văn bản quản lý và phần mềm dùng chung; hoàn chỉnh mô hình xác thực tập trung; nghiên cứu, từng bước pháp lý hóa thông tin trao đổi của cán bộ, công chức qua email công vụ; xây dựng mô hình cơ quan điện tử...
Lao động việc làm, an sinh xã hội:Thực hiện các biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động thông qua các chương trình phát triển kinh tế, các Chương trình MTQG, sàn giao dịch việc làm; đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động.Tiếp tục thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đề án phát triển dạy nghề Tỉnh. Triển khai Kế hoạch số 43/KH-UBND về giảm nghèo bền vững tại 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao năm 2013và Chương trình Giảm nghèo giai đoạn 2013 – 2015. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tại cơ sở xã, phường về công tác XĐGN. Đẩy mạnh công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn”.Triển khai thực hiện Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới.
5. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, cải cách hành chính
Quốc phòng an ninh: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2013 về công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng - an ninh và công tác quốc phòng địa phương năm 2013; Kế hoạch số 24/KH-UBND về việc phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013. Hoàn thành công tác tuyển quân đợt 2 năm 2013. Triển khai diễn tập khu vực phòng thủ ở các địa phương.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 18/2/2013 UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 24/01/2013 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; Công điện số 04/CĐ-UBND vềtăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự phạm vi khu vực thi công cảng hàng không Phú Bài; Kế hoạch Tổ chức cắm biển khu vực cấm, địa điểm cấm trên địa bàn tỉnh.Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn... Chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai bão lụt.
An toàn giao thông: Tiếp tục thực hiện Công điện số 232/CĐ-TTg ngày 16/02/2013 của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 24/5/2013 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân. Ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt... Tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và xử lý vi phạm về kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Cải cách hành chính: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013, Kế hoạch nâng hạng chỉ số PCI.Tiếp tục thẩm định, ban hành danh mục TTHC tiếp nhận theo cơ chế một cửa tại các sở, ban, ngành; triển khai mô hình thí điểm một cửa, một cửa liên thong hiện đại tại Thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phú Lộc. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 51 của UBND Tỉnh về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước (dự án nâng cấp 5 phần mềm dùng chung, dự án mạng diện rộng đến các xã, chứng thực văn bản điện tử, mô hình Văn phòng điện tử...).
6. Bảo vệ tài nguyên môi trường
Tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đôn đốc các địa phương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất; phấn đấu 100% đơn vị cấp huyện được phê duyệt Quy hoạch môi trường, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2011-2015. Thực hiện Kế hoạch số 09/UBND-KH ngày 17/01/2013 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phấn đấu đến ngày 31/12/2013 tỷ lệ cấp GCN đạt 93,5%, góp phần cải thiện Xếp hạng PCI của tỉnh[27]. Tiếp tục xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính. Thực hiện tốt việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất; kiểm tra, thanh tra các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giải quyết 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64; thực hiện đề án di dời các cơ sở ô nhiễm trong thành phố và các trung tâm huyện lỵ, các cụm dân cư tập trung. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thăm dò và chế biến khoáng sản (vàng, sét, vật liệu san lấp, cát sỏi lòng sông). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Hoàn chỉnh quy định quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Phấn đấu đến cuối năm 2013, 90% chất thải rắn, rác thải ở đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; 85% số cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý chất thải; 90% xã, thị trấn của 08 huyện được thu gom và xử lý rác thải.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp...
Trên đây là Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013 và một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, UBND tỉnh kính báo cáo Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.


[1] Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc ở đô thị Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Chân Mây – Lăng Cô
[2] Hội chợ triển lãm không gian làng nghề đã thu hút 200 nghệ nhân từ 30 làng nghề Huế và cả nước, 2 đoàn nghệ nhân từ Pháp và Nhật Bản; có khoảng 70.000 lượt khách tham quan mua sắm; doanh thu đạt 20 tỷ đồng
[3] Năm 2012, tỷ lệ nợ xấu chiếm 5,1%trong tổng dư nợ cho vay
[4] Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) ước đạt 4206,7 tỷ đồng, tăng 8,3%.
[5] Giảm diện tích gieo trồng cây chất bột có củ, sắn nguyên liệu
[6] Qua các năm, đàn trâu bò liên tục giảm do nguồn thức ăn khan hiếm, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, các vùng gò đồi được khai hoang để trồng trọt
[7] Trồng theo kế hoạch 2012.
[8] Kế hoạch trồng rừng năm 2013: 4000 ha (3500ha rừng sản xuất, 500ha rừng phòng hộ)
[9] Trong tổng vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước đạt 1.201 tỷ đồng, chiếm 19% tổng vốn, tăng 25,8% so cùng kỳ, bằng 43,5% KH; vốn tín dụng đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 4,2%, bằng 46% KH; vốn đầu tư của doanh nghiệp 495 tỷ đồng, giảm 15%, bằng 44% KH; vốn đầu tư nước ngoài 1.000 tỷ đồng, tăng 11%, bằng 58% KH.
[10] Dự án cầu Ga, cầu Dã Viên, trường THCS chất lượng cao Nguyễn Tri Phương, các dự án hạ tầng tạo quỹ đất tại Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Dương giai đoạn 2…
[11] Một số dự án chậm tiến độ: Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, đường Điện Biên Phủ, Đống Đa, đường ra sông Phát Lát, khu biệt thự trục đường Quốc lộ 1A – Tự Đức, các dự án chỉnh trang, điểm xanh của thành phố Huế…; các dự án có thu tiền sử dụng đất (khu đô thị An Cựu, khu Đông Nam Thủy An, mở rộng khu tái định cư Trường An…)
[12] Dự án thuỷ điện Thượng Nhật, thuỷ điện A Lin1, dự án khu quần thể sân golf, Dự án Khách sạn Petrolimex Huế, Dự án xây dựng và cải tạo khách sạn Thuận Hóa, Dự án Làng truyền thông và công nghệ phần mềm Viegrid,..
[13] Dự án phát triển địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu (Luxembourg), dự án cấp nước tỉnh (ADB)
[14] Riêng dự án Khu du lịch Laguna đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng, tiếp tục triển khai giai đoạn 2
[15] Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia 2012 - 2013 lớp 12, có 54 học sinh đạt giải (6 giải nhì, 16 giải ba); thi giải toán trên máy tính cầm tay Quốc gia theo khu vực đạt 22 giải (2 giải nhất. 4 giải nhì, 8 giải ba)
[16] Năm học 2011 – 2012, số học sinh bỏ học là 571 em, tỷ lệ 0,21%
[17] Bệnh truyền nhiễm gây dịch: bệnh sốt xuất huyết, bệnh cúm A (H7N9), cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), Hội chứng Chân - Tay - Miệng,...
[18] Năm tháng đầu năm, số trẻ sinh là 7.313 trẻ, so với cùng kỳ giảm 224 trẻ, trong đó số trẻ sinh con thứ 3 trở lên 1.318 trẻ, so với cùng kỳ giảm 23 trẻ
[19] Dự án do tổ chức AP tài trợ
[20] Các công trình được trùng tu: Thái Bình Lâu, Lăng Đồng Khánh, Lăng Gia Long, Đông Khuyết đài...
[21] Cúp Bóng đá Cộng đồng không chỉ góp phần phát triển dịch vụ và du lịch trên địa bàn mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội, là hoạt động bóng đá phong trào, bóng đá dành cho người khuyết tật, bóng đá cho các đối tượng thiệt thòi.
[22] Đối với đất ở, đạt 76,3% ở nông thôn và 77,5% ở đô thị
[23] Xếp thứ 32/63 theo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2011.
[24] Giá tiêu dùng tháng 4 năm 2013 tăng 2,41% so với tháng 12 năm 2012, thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,6%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua; lãi suất giảm khoảng 2 - 3%/năm so với cuối năm 2012
[25] Một số sản phẩm mới: Sợi của Công ty Sợi Phú Bài 2 (công suất 15.000 cọc/năm), Công ty Phú An (12.000 cọc/năm), Công ty Phú Anh (10.000 cọc/năm); may mặc của Công ty Ngọc Châu (1,3 triệu sản phẩm/năm); chế biến thủy sản của Công ty CP (9000 tấn/năm); khoáng sản Khánh Hòa (60.000 tấn/năm).
[26] Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước quy định 4 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ
[27] Theo báo cáo PCI năm 2012, tỷ lệ diện tích đất có GCNQSD đất của tỉnh đạt 29,22%; chỉ số thành phần tiếp cận đất đai xếp thứ 59/63 tỉnh thành phố.

Website Thừa Thiên Huế

    Tổng số lượt xem: 1970
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)